Áp dụng pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, những hạn chế và một số kiến nghị

ThS. LÊ THỊ BÍCH CHI (Khoa Luật học - Trường Đại học Đà Lạt)

TÓM TẮT:

Bài viết trình bày việc áp dụng pháp luật khi giải quyết các vụ việc dân sự theo trình tự thỏa thuận của các chủ thể, quy định của pháp luật dân sự, áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật dân sự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng. Đặc biệt, bài viết đề cập một số hạn chế khi áp dụng lẽ công bằng trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, đồng thời đưa ra một số kiến nghị để khắc phục hạn chế này.

Từ khóa: Áp dụng pháp luật, Bộ luật Dân sự năm 2015, áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, án lệ.

1. Đặt vấn đề

Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số 91/2015/QH13) được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015, với 689 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, trong đó, việc áp dụng pháp luật khi giải quyết vụ việc dân sự được quy định rõ ràng, chi tiết, cụ thể tại các điều 4, 5, 6. Đây được xem là một thành công nổi bật đối với việc xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015. Điểm mới của Bộ luật này là quy định về điều kiện áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật cũng như nguyên tắc áp dụng pháp luật dân sự. Bài viết giới thiệu một số nội dung về phạm vi điều chỉnh, trình tự áp dụng pháp luật dân sự, điều kiện áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật; đồng thời, đưa ra quan điểm cá nhân về những hạn chế khi áp dụng lẽ công bằng và đề xuất hướng giải quyết.

2. Áp dụng pháp luật dân sự

2.1. Về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự

Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về ap dụng Bộ luật Dân sự khẳng định “Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự”, đồng thời quy định rõ “Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng”. Điều này có nghĩa, nếu một vấn đề cùng đồng thời được luật khác có liên quan và Bộ luật Dân sự có quy định thì sẽ “ưu tiên” áp dụng luật khác có liên quan đó, trừ trường hợp những quy định này “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự”. Quy định này sẽ giải quyết dứt điểm những tranh cãi đã từng tồn tại trong một thời gian khá dài đối với việc xác định luật nào sẽ được áp dụng trong trường hợp cùng một vấn đề được quy định, đồng thời nhưng lại khác biệt giữa Bộ luật Dân sự với một số văn bản pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng khẳng định “Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự”. Điều này có nghĩa, các quy định của luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể hoàn toàn có thể có nội dung khác với các quy định của Bộ luật Dân sự bởi vì “trái” và “khác” là hai phạm trù pháp lý hoàn toàn không giống nhau.

2.2. Về trình tự áp dụng Bộ luật Dân sự

Đặc trưng của pháp luật dân sự là ưu tiên áp dụng thỏa thuận trong các quan hệ dân sự cụ thể, điều này thể hiện bản chất của pháp luật dân sự thực sự là “luật của các bên” - được minh chứng thông qua nhiều quy định, như: “Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” (Khoản 2, Điều 328); “Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” (Khoản 2, Điều 441). Trong các trường hợp này, quy định của pháp luật sẽ không được áp dụng nếu các bên tự nguyện thỏa thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Điều đó có nghĩa, về thứ tự áp dụng pháp luật dân sự, trước tiên là thỏa thuận của các bên trong quan hệ pháp luật dân sự, tiếp đến là các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sự thỏa thuận của các chủ thể trong các quan hệ dân sự không phải tuyệt đối mà phải thỏa mãn điều kiện không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội như quy định tại Khoản 2 Điều 418 “Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác” - điều này có nghĩa là nếu luật có liên quan có quy định về mức phạt vi phạm thì áp dụng mức phạt theo luật có liên quan đó (sự giới hạn) mà không được tự do thỏa thuận tuyệt đối. Hoặc quy định tại Khoản 1 Điều 468 “Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Thực tế cho thấy, không phải bất cứ lúc nào, các chủ thể cũng có thỏa thuận khi xác lập quan hệ dân sự cũng như luôn có các quy phạm pháp luật dân sự trực tiếp điều chỉnh quan hệ dân sự. Về mặt lý luận, hoạt động áp dụng pháp luật nói chung sẽ thực sự hiệu quả nếu có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ điều chỉnh bao quát được toàn bộ các quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống hàng ngày thuộc đối tượng điều chỉnh của từng ngành luật. Pháp luật dân sự cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra trên thực tế, bởi vì các quan hệ xã hội tồn tại một cách tất yếu khách quan, nằm ngoài khả năng kiểm soát - dự đoán của con người; còn pháp luật là ý chí của nhà làm luật, ý chí này không thể bao quát được sự tồn tại tất yếu, khách quan của các quan hệ xã hội. Khoa học pháp lý gọi vấn đề này là “lỗ hổng pháp luật” và mỗi ngành luật khác nhau có những cách thức riêng biệt để khắc phục lỗ hỏng đó. Trong lĩnh vực pháp luật dân sự, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hoạt động áp dụng tập quán và áp dụng quy định tương tự của pháp luật để giải quyết tranh chấp dân sự được Bộ luật Dân sự thừa nhận. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chi tiết những chuẩn mực, quy tắc được xác định là tập quán, tương tự pháp luật dân sự, điều kiện và trình tự áp dụng, cụ thể như sau:

Việc áp dụng tập quán được quy định tại Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015. Quy định này là cơ sở để xây dựng nguyên tắc áp dụng tập quán khi giải quyết vụ việc dân sự được quy định tại Khoản 1 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, việc áp dụng tập quán phải thỏa mãn những điều kiện sau:

Một là, vụ việc phát sinh tranh chấp cần giải quyết phải thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự;

Hai là, các bên không có thỏa thuận và hiện tại cũng chưa có quy phạm pháp luật dân sự trực tiếp điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh tranh chấp đó;

Ba là, tập quán không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự;

Bốn là, khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng;

Năm là, Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán phù hợp với quy định của pháp luật dân sự;

Sáu là, trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự”.

Việc áp dụng tương tự pháp luật được quy định tại Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tương tự như việc áp dụng tập quán, quy định này cũng là cơ sở để xây dựng nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật dân sự khi giải quyết vụ việc dân sự được quy định tại Khoản 2 Điều 45 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “Tòa án áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng”. Việc áp dụng tương tự pháp luật dân sự phải thỏa mãn những điều kiện:

Một là, vụ việc phát sinh tranh chấp cần giải quyết phải thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự;

Hai là, các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng giải quyết quan hệ xã hội phát sinh tranh chấp đó;

Ba là, khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự”.

Như vậy, một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa áp dụng tập quán và áp dụng tương tự pháp luật là đối với việc áp dụng tập quán đương sự viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng; còn đối với việc áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

Thông qua hoạt động áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, những hạn chế, thiếu sót của pháp luật dân sự sẽ được bổ sung, hoàn thiện, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch dân sự được đảm bảo thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn bổ sung thêm việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng khi giải quyết các vụ việc dân sự. Theo đó “Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật”. Quy định này đảm bảo yêu cầu tất cả các tranh chấp dân sự phát sinh đều được giải quyết, phù hợp với tinh thần “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” (Khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015), đảm bảo quyền con người và quyền tư pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Về áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là những nguyên tắc được quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự năm 2015, bao gồm năm nguyên tắc cụ thể sau:

Nguyên tắc thứ nhất: Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

Nguyên tắc thứ hai: Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Nguyên tắc thứ ba: Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

Nguyên tắc thứ tư: Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Nguyên tắc thứ năm: Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Về áp dụng án lệ, “án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” (Điều 1 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP).

Để được lựa chọn, án lệ phải đáp ứng được các tiêu chí: (i) Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; (ii) Có tính chuẩn mực; (iii) Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.

Việc áp dụng án lệ phải thỏa mãn điều kiện: Án lệ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố. Trường hợp do sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì án lệ đương nhiên bị hủy bỏ. Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp nhưng chưa có quy định mới của pháp luật thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm xem xét hủy bỏ án lệ.

Về áp dụng lẽ công bằng, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”. Theo một quan điểm “Lẽ công bằng là những giá trị, tư tưởng, quan điểm đạo đức có sẵn trong đời sống xã hội. Nhà nước đúc kết lẽ công bằng ấy thành các quy định pháp luật. Cái gì chưa đúc kết thì tự thân xã hội vận động, ứng xử theo lẽ thường của nó. Với những trường hợp chưa có luật quy định ấy, khi tranh chấp xảy ra, tòa phải dựa vào lý lẽ về công bằng đó để giải quyết, thuyết phục, thỏa mãn các bên tranh chấp”. Quan điểm này cũng phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, thế nào là “lẽ phải”, dựa vào tiêu chí nào để “lẽ công bằng” trở thành “lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận” thì hiện nay chưa có cơ sở, căn cứ pháp lý vững chắc để xác định và điều này dễ dẫn đến tình trạng quan điểm về lẽ công bằng giữa các cấp tòa án là khác nhau, sự tùy tiện của những người thực thi quyền tư pháp; việc xác định lẽ công bằng phụ thuộc phần lớn vào khả năng nhận thức, năng lực chủ quan, lương tâm đức độ của người xét xử bởi vì các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tế rất phức tạp tồn tại cùng với sự rắc rối về ý chí, tư duy của người Việt Nam nên dân gian có câu “chín người mười ý”. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, không có cơ sở để xác định sự thừa nhận của “mọi người trong xã hội”. Sự thừa nhận này có bắt buộc phải thông qua một cuộc khảo sát, điều tra hay không. Nếu có, thì ai sẽ tiến hành việc này và ai sẽ phải gánh chịu chi phí thực hiện.

Tóm lại, khi áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ việc dân sự, cần tuân thủ trình tự áp dụng như sau:

Thứ nhất, thỏa thuận của các chủ thể trong quan hệ dân sự;

Thứ hai, các quy định của pháp luật dân sự điều chỉnh chỉnh quan hệ dân sự cụ thể;

Thứ ba, áp dụng tập quán;

Thứ tư, áp dụng tương tự pháp luật dân sự;

Thứ năm, áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng.

3. Kết luận

Để đảm bảo yêu cầu “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” nhưng phù hợp với nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. Theo tác giả, thiết nghĩ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là Tòa án nhân dân tối cao, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cần sớm ban hành bộ tiêu chí làm căn cứ xác định lẽ công bằng là cơ sở để các thẩm phán áp dụng khi giải quyết các vụ việc dân sự cụ thể. Bộ tiêu chí này là cơ sở để “lẽ công bằng” thực sự trở thành công lý, lẽ phải của xã hội loài người; đồng thời nhằm đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện thông qua hoạt động xét xử của Tòa án. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo đội ngũ thẩm phán đủ năng lực và đạo đức tốt, cũng như cần có chính sách đãi ngộ đối với họ một cách xứng đáng để những người cầm cân nảy mực luôn phụng công, thủ pháp, chí công vô tư, góp phần xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, khách quan, minh bạch, bảo vệ được công lý của xã hội và công bằng cho người dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ luật Dân sự năm 2015

2. Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015

3. Bộ luật Dân sự năm 2005

4. Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

5. Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06/4/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc công bố án lệ.

6. Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc công bố án lệ.

7. http://plo.vn

IMPLEMENTING LEGAL REGULATIONS ACCORDING TO THE CIVIL CODE 2015: LIMITATIONS AND SOLUTIONS

Master. LE THI BICH CHI

Faculty of Law, Dalat University

ABSTRACT:

This study presents the current situation of implementing laws in judging civil cases according to the agreements between involved parties in civil relations, legal regulations, adoption of custom, implementation of precedent, implementation of legal principles of the Civil Code and the concept of fairness especially. The study also reviews some limitations of implementing the concept of fairness in judging civil cases and proposes some feasible solutions to mitigate these shortcomings.     

Keywords: Implementing laws, the Civil Code of Vietnam 2015, adopting custom, implementation of precedent, precedent.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây