Bắc Giang: Gần 11,6 tỷ đồng hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản hàng hóa cấp tỉnh

UBND tỉnh bắc Giang vừa ban hành Đề án xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh, giai đoạn 2019-2021 với tổng kinh phí thực hiện gần 11,6 tỷ đồng.

Vùng đất Bắc Giang đã từ lâu nổi tiếng cả nước với nhiều mặt hàng nông sản chủ lực. Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều giải pháp thúc đẩy, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản hàng hóa cấp tỉnh, qua đó giúp quảng bá đặc sản địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Đề án xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh, giai đoạn 2019-2021 với tổng kinh phí thực hiện gần 11,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các doanh nghiệp và hợp tác xã.

đặc sản bắc giang
Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều giải pháp thúc đẩy, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản hàng hóa cấp tỉnh

 

Đề án duy trì và phát triển 4 sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, chè bản Ven và mỳ Chũ đã đạt tiêu chí nông sản hàng hóa cấp tỉnh; xây dựng và phát triển mới 4 sản phẩm gồm cam bưởi Lục Ngạn, na Lục Nam, rượu làng Vân, nấm Lạng Giang đạt tiêu chí nông sản hàng hóa cấp tỉnh giai đoạn 2019-2021.

Cùng với đó, Đề án cũng tập trung hỗ trợ về thiết kế logo, đăng ký sở hữu công nghiệp theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; hỗ trợ về mẫu mã, bao bì, tem nhãn, tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ công tác quảng bá thương hiệu...

Ông Dương Văn Thái cho biết, trong số các sản phẩm chủ lực và đặc trưng của tỉnh, đối với sản phẩm cam, bưởi Lục Ngạn, tỉnh sẽ hướng dẫn hỗ trợ, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP và hoàn thiện giấy chứng nhận tiêu chuẩn áp dụng. Đồng thời, hỗ trợ thiết kế bao bì, tem nhãn, gắn mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.

Ngoài ra, đối với sản phẩm rượu làng Vân và nấm Lạng Giang, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, nhà xưởng phục vụ sơ chế, bảo quản... nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Hệ thống quản lý chất lượng. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ kinh phí cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng; hỗ trợ kinh phí đầu tư cho khâu thiết kế mẫu mã bao bì, tem nhãn; hỗ trợ kinh phí tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.

Song song với những giải pháp trên, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối mở rộng thị trường, thực hiện nhiều dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

nông sản hàng hóa cấp tỉnh
Đề án duy trì và phát triển 4 sản phẩm đã đạt tiêu chí nông sản hàng hóa cấp tỉnh, đồng thời, xây dựng và phát triển mới 4 sản phẩm mới gồm cam bưởi Lục Ngạn, na Lục Nam, rượu làng Vân, nấm Lạng Giang

 

Trong những tháng cuối năm 2019, để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND tỉnh Bắc Giang xác định tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; triển khai các giải pháp về vốn, tín dụng, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, tập trung huy động xã hội hóa, lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu, dự án khác để hỗ trợ thực hiện các nội dung có liên quan

Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường tổ chức sản xuất, trong đó xác định, ngành nông nghiệp phát triển theo hướng gắn chặt sản xuất với thị trường, trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế so sánh vùng, địa phương. Tỉnh cũng khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cho sản phẩm.

Nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, ông Dương Văn Thái khẳng định, đây là yếu tố then chốt và là giải pháp trọng tâm nhất, giúp khẳng định vị thế, chất lượng sản phẩm nông sản Bắc Giang trên thị trường trong và ngoài nước.

“Việc thực hiện việc gắn tem truy xuất nguồn gốc cho nông sản hàng hóa giúp nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tăng uy tín của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng. Trong đó, chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cam, bưởi Lục Ngạn, điểm nhấn là dấu hiệu nhận biết và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ngoài việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp, HTX cần tập trung mở rộng và phát triển thị trường, đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối lớn, uy tín (trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối). Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thiết lập các kênh phân phối tạo chuỗi liên kết ổn định từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh cần xây dựng, hoàn thiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông sản gồm: gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, chè bản Ven, rượu làng Vân, nấm Lạng Giang, cam, bưởi Lục Ngạn, na Lục Nam... Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm kết hợp hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.

Phương Thúy