Bảo đảm quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới trong hoạt động giam, giữ theo quy định của pháp luật Việt Nam

TS. Nguyễn Văn Nghiệp - TS. Nguyễn Thị Vân Anh (Khoa Luật học - Trường Đại học Đà Lạt)

Tóm tắt:

Trong hơn 30 năm đổi mới, hệ thống pháp luật Việt Nam đã hoàn thiện hơn cả về tư duy pháp lý và kỹ thuật lập pháp ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề quyền con người. Những quy định của pháp luật về quyền con người là đảm bảo quan trọng nhất để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền con người; trong đó có người đồng tính, song tính và chuyển giới, vô tính (LGBT+). Tại bài viết này, chúng tôi đề cập đến quan niệm về người đồng tính, song tính và chuyển giới nói chung; pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định về quyền tạm giữ, tạm giam đối với cộng đồng người này, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn quy định của pháp luật Việt Nam trong hoạt động tạm giữ, tạm giam đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Từ khóa: Người đồng tính, người chuyển giới, tạm giữ, tạm giam.

1. Quan niệm về người đồng tính, song tính và chuyển giới

Trong xã hội xét về giới chỉ tồn tại hai giới tính là giới tính nam và giới tính nữ, do đó những người đồng tính, song tính và chuyển giới liên quan đến một khái niệm khác gọi là xu hướng tính dục. Xu hướng tính dục (đôi khi được gọi là “Thiên hướng tình dục” hay “khuynh hướng tình dục”) chỉ sự hấp dẫn về mặt tình cảm hoặc về mặt tình dục bởi người khác giới tính hoặc người cùng giới tính với mình hoặc cả hai một cách lâu dài[1]. Trong thuật ngữ tiếng Anh có từ LGBT dùng để chỉ nhóm người có xu hướng tình dục thiểu số trên thế giới, bao gồm 4 nhóm người: đồng tính nữ (lesbian), đồng tính nam (gay), người chuyển giới tính từ nam sang nữ hoặc từ nữ sang nam (transsexual/transgender) và người song tính luyến ái (bisexual). Như vậy, theo bản dạng giới thì có người chuyển giới và người không chuyển giới;  còn theo thiên hướng tình dục, con người được chia thành 4 loại chủ yếu:

- Đồng tính luyến ái: Bao gồm cả đồng tính luyến ái nữ và đồng tính luyến ái nam là những người có sự hấp dẫn về tình yêu và tình dục với những người cùng giới tính một cách lâu dài và cố định.

- Song tính luyến ái: Là những người có bản dạng giới (nhận định, cảm nhận giới tính) khác với biểu hiện giới tính của người đó lúc sinh ra, họ luôn ám ảnh về việc mình có giới tính trái với “giới tính sinh học” khi được sinh ra nên họ đã nhờ sự can thiệp của y học để chuyển giới tính hoặc “tìm lại giới tính thật” của mình. Bao gồm người chuyển giới đã phẫu thuật và người chuyển giới chưa phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

- Dị tính luyến ái: Là sự hấp dẫn tình yêu và tình dục với những người không cùng giới tính. Đây là xu hướng tính dục phổ biến nhất của loài người và là quan niệm truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới.

- Vô tính (asexual): Một người không cảm thấy bị hấp dẫn về mặt tình dục với bất kỳ ai ở bất kỳ giới tính nào. Đây là một xu hướng tính dục hoàn toàn khác với dị tính, lưỡng tính hay đồng tính hay người ta còn gọi là LGBT+.

Với cách phân loại như trên, đồng tính, song tính, chuyển giới là một trong số các xu hướng tính dục của loài người, không liên quan đến vấn đề giới tính.

Tại Việt Nam những năm gần đây, cộng đồng người LGBT đã và đang hiện diện rõ ràng hơn trong xã hội, số người đồng tính nam, đồng tính nữ công khai xu hướng tình dục của mình và số người chuyển giới ngày càng gia tăng. Những vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến quyền của người đồng tính đòi hỏi pháp luật cần có những quy định nhằm bảo đảm quyền của họ với tư cách họ là con người, trong đó có quyền của cộng đồng LGBT khi họ bị tạm giữ, tạm giam.

2. Pháp luật quốc tế quy định về hoạt động tạm giam, tạm giữ đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới

Quyền con người là những quyền cơ bản, không thể tước bỏ mà một người vốn được thừa hưởng đơn giản vì họ là con người[2]. Do đó, cộng đồng LGBT được pháp luật quốc tế bảo vệ trước hết với tư cách họ là con người. Điều này thể hiện ở Hiến chương Liên Hiệp quốc năm 1945 “Tuyên bố một lần nữa sự tin tưởng vào những quyền cơ bản, nhân phẩm và giá trị của con người[3]. Trên cơ sở đó, Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền được Liên Hiệp quốc thông qua năm 1948 đã tiếp tục khẳng định “việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình thế giới” và Điều 2 cũng ghi nhận: “Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào… hay bất cứ thân trạng nào khác[4]. Bên cạnh đó, Điều 7 khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị.”[5]

Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 khẳng định “những quyền này bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của con người” và Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc cũng quy định “tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng để chống lại bất kỳ sự phân biệt đối xử hay bất kỳ sự kích động phân biệt đối xử nào”.

Pháp luật quốc tế ghi nhận cộng đồng LGBT là nhóm dễ bị tổn thương và có những quy định nhằm bảo vệ họ khỏi những tổn hại có thể xảy ra nhưng đến nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở các quốc gia trên thế giới. Năm 2007, Bộ nguyên tắc Yogyakarta ra đời là văn kiện quan trọng bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT. Bộ nguyên tắc này được trình bày tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 26/03/2007, đây được coi như một hiến chương toàn cầu về quyền của người đồng tính. Với 29 nguyên tắc và các đề xuất khác trong bộ nguyên tắc, những quyền cơ bản của cộng đồng LGBT được bảo vệ trên các lĩnh vực khác nhau; trong đó liên quan đến quyền tạm giữ, tạm giam của cộng đồng LGBT được thể hiện ở nguyên tắc 3 và nguyên tắc 9, cụ thể như sau:

Nguyên tắc 3: Quyền được thừa nhận trước pháp luật.

Mọi người đều có quyền được công nhận là một con người trước pháp luật ở bất kỳ đâu. Người có các xu hướng tính dục và bản dạng giới khác nhau có tư cách pháp lý đối với mọi khía cạnh cuộc sống. Xu hướng tính dục và bản dạng giới tự xác định của mỗi con người là không thể thiếu đối với nhân cách của họ và là một trong những khía cạnh cơ bản nhất của sự xác định bản thân, phẩm giá và tự do. Không một ai phải bị ép buộc trải qua những quy trình y khoa, bao gồm phẫu thuật thay đổi giới tính, sự triệt sản hay trị liệu hor-mon, như một yêu cầu để được thừa nhận bản dạng giới của mình. Không một quan hệ pháp lý nào, như hôn nhân và tư cách làm cha mẹ, được phép xác lập để ngăn chặn sự thừa nhận hợp pháp của bản dạng giới của một người.

Nguyên tắc 9: Quyền được đối xử nhân đạo trong lúc bị giam giữ.

Mọi người khi bị tước đoạt tự do đều được đối xử nhân đạo và được tôn trọng phẩm giá cố hữu của con người. Khuynh hướng tính dục và bản dạng giới là một bộ phận không thể tách rời của phẩm giá của mỗi cá nhân.

Các quốc gia sẽ:

  1. Đảm bảo rằng việc sắp đặt tại nơi giam giữ sẽ tránh được việc cách ly các cá nhân vì lý do khuynh hướng tính dục hay bản dạng giới; hoặc tránh được việc bắt họ phải chịu các nguy cơ bạo lực, ngược đãi hoặc lạm dụng về thể chất, tinh thần hay tình dục;
  2. Cung cấp sự tiếp cận tương xứng đến dịch vụ chăm sóc y tế và tư vấn phù hợp với nhu cầu những người đang bị giam giữ, công nhận bất kỳ nhu cầu nào của các cá nhân trên cơ sở khuynh hướng tính dục hay bản dạng giới của họ, bao gồm sức khỏe sinh sản, quyền tiếp cận thông tin và trị liệu HIV/AIDS và quyền tiếp cận các liệu pháp hormone và các liệu pháp khác cũng như việc điều trị xác định lại giới tính nếu muốn;
  3. Đảm bảo, trong phạm vi có thể, rằng mọi tù nhân tham gia vào các quyết định liên quan đến nơi giam giữ phù hợp với khuynh hướng giới tính và bản dạng giới của họ;
  4. Sắp xếp những biện pháp bảo vệ trong những nơi giam giữ cho những tù nhân dễ bị ảnh hưởng bởi bạo lực hoặc lạm dụng vì lý do khuynh hướng tính dục, bản dạng giới hoặc sự thể hiện giới tính của họ và đảm bảo đến mức có thể rằng những biện pháp bảo vệ trên không hạn chế quyền của họ so với những tù nhân khác;
  5. Đảm bảo rằng những cuộc thăm viếng của vợ/chồng tù nhân, nếu được cho phép, được cho phép trên cơ sở bình đẳng cho mọi tù nhân bất kể giới tính của vợ/chồng họ;
  6. Cung cấp cơ sở vật chất từ các nguồn của nhà nước cũng như từ các tổ chức phi chính phủ, gồm cả các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến khuynh hướng tính dục và bản dạng giới, cho các nơi giám sát trại giam độc lập;
  7. Cam kết thực hiện các chương trình tập huấn và nâng cao ý thức cho các nhân viên trại giam và các công chức khác làm việc trong các khu vực công và tư trong các cơ sở giam giữ, về các tiêu chuẩn quyền con người quốc tế và các nguyên tắc về bình đẳng và không phân biệt đối xử, bao gồm phân biệt đối xử liên quan đến khuynh hướng tính dục và bản dạng giới.

Bộ nguyên tắc Yogyakarta là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên ghi nhận và bảo vệ quyền đồng tính. Nó có ý nghĩa trong việc tiến tới xóa bỏ hoàn toàn sự kỳ thị người đồng tính trên thế giới và là cơ sở để các quốc gia đang xem xét, xây dựng luật cho người đồng tính phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia mình nhưng không vi phạm luật quốc tế.

Từ những năm 2011 và 2012, vấn đề về quyền của người LGBT đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bằng việc 85 nhà nước và vùng lãnh thổ đã cùng ký vào bản Tuyên bố chung về việc chấm dứt các hành động bạo lực và vi phạm nhân quyền dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới vào tháng 3/2011. Đặc biệt, vào tháng 9/2015, 12 tổ chức của Liên Hiệp quốc đã ra khuyến nghị kêu gọi 193 quốc gia thành viên cùng hành động để bảo vệ quyền của những người LGBT. Một trong những nội dung chính của bản khuyến nghị đó là kêu gọi các quốc gia thành viên bãi bỏ các điều luật phân biệt đối xử với người LGBT, trong đó có luật bắt giữ, xử phạt, phân biệt đối xử với con người dựa trên xu hướng tính dục và thể hiện giới của họ.

Như vậy, pháp luật quốc tế đã ghi nhận sự bình đẳng giữa các xu hướng tính dục và bản dạng giới, trong đó có quyền của cộng đồng LGBT trong hoạt động giam, giữ. Đây là cơ sở để pháp luật quốc gia xem xét, ghi nhận và có cơ chế bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT trong pháp luật của mình, phù hợp với pháp luật quốc tế.

3. Pháp luật Việt Nam về hoạt động giam, giữ đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Điều 16 quy định “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội[6]. Bên cạnh đó, Hiến pháp còn quy định Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm và Quyền được bảo vệ khỏi bị bắt, giam giữ tùy tiện và quyền được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm của những người bị bắt, giam, giữ được ở Điều 20: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.” Bên cạnh đó, Khoản 4, 5 Điều 31 còn quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”. Như vậy, hoạt động bắt, giam, giữ người nói chung và những người LGBT đều được pháp luật quy định cụ thể trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và Luật Tạm giữ, tạm giam năm 2015.

Hoạt động tạm giữ, tạm giam trong tố tụng hình sự là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, do những người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người đang bị truy nã hoặc người phạm tội ra tự thú, đầu thú. Hoặc đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nhằm ngăn chặn tội phạm hoặc đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án hình sự.

Tuy nhiên, để tiến hành các thủ tục tạm giữ, tạm giam, cần căn cứ vào giới tính của đối tượng áp dụng mà LGBT là những người có xu hướng tính dục và bản dạng giới thiểu số trong xã hội, dẫn đến những khó khăn trong hoạt động tạm giữ, tạm giam. Do đó, pháp luật quy định cụ thể như sau:

- Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, có hiệu từ ngày 01/7/2016, người đồng tính, người chuyển giới được tạm giữ, tạm giam ở buồng riêng. Ngoài ra, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, người bị kết án tử hình và phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi... cũng có thể được áp dụng quyền này[7].

Như vậy, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 lần đầu tiên đã có quy định về việc giam, giữ riêng đối với người đồng tính, người chuyển giới. Quy định này góp phần bảo đảm cho các đối tượng này (đặc biệt là người chuyển giới) tránh khỏi sự kỳ thị của người khác khi bị tạm giam, tạm giữ. Tuy nhiên, quy định này có một số vướng mắc sau:

Thứ nhất, quy định tại Điều 18 Luật Tạm giữ, tạm giam năm 2015 chỉ quy định giam, giữ riêng đối với những người đồng tính và người chuyển giới, còn người song tính luyến ái (những người chưa chuyển giới) thì không quy định.

Thứ hai, điều này cũng chỉ quy định về giam, giữ tại buồng riêng nhưng lại chưa có quy định cụ thể về buồng giam giành cho những người này như thế nào.

Do vậy, khi thực hiện những quy định mới này, các cơ quan tư pháp gặp nhiều khó khăn trong khi thi hành tạm giữ, tạm giam do không biết buồng giam giữ những người này phải bố trí trong phòng giam, giữ những gì và như thế nào.

- Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Luật Thi hành án hình sự năm 2010 quy định những phạm nhân được bố trí giam giữ riêng gồm: phạm nhân nữ; phạm nhân là người chưa thành niên; phạm nhân là người nước ngoài; phạm nhân là người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm; phạm nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế trại giam[8].

Như vậy, theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010, người LGBT không được giam, giữ riêng. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan tư pháp khi trong quá trình thực hiện hoạt động giam, giữ và thi hành án. Trên thực tế, những người chuyển giới mặc dù giới tính là nam hoặc nữ nhưng nhìn bề ngoài họ đã thực sự là nữ hoặc là nam. Ví dụ phạm nhân Nguyễn Văn Hiếu - “hotgril” Trâm Anh[9] đã phạm tội mua bán trái phép chất ma túy và bị Tòa án nhân dân Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội tuyên án 2 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Vì không có quy định giam giữ riêng đối với những trường hợp này nên khi các cơ quan chức năng ra quyết định chấp hành án chỉ căn cứ vào lý lịch của phạm nhân và đưa đi thi hành mà không biết được thực tế phạm nhân có vẻ bề ngoài hoàn toàn là nữ giới.

Để khắc phục hạn chế trên, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã có quy định cụ thể về trường hợp giam, giữ riêng đối với người LGBT. Cụ thể, Khoản 3 Điều 30 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định “phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng[10]

Với quy định mới này hoàn toàn phù hợp với luật tạm giữ, tạm giam, đồng thời cũng đảm bảo quyền của những người LGBT. Tuy nhiên, việc quy định mang tính chung chung chưa cụ thể như quy định về việc học tập, lao động của nhóm phạm nhân này như thế nào hay quyền thăm gặp người thân... thì lại chưa được luật đề cập đến. Do đó, chúng tôi có một số kiến nghị để pháp luật hoàn thiện hơn như sau:

Thứ nhất, đối với những người đã chuyển giới mặc dù luật có quy định về việc được giam, giữ ở phòng giam, giữ riêng nhưng pháp luật chưa quy định cụ thể giam, giữ riêng là như thế nào? Theo chúng tôi cần phải nghiên cứu tâm sinh lý của nhóm đối tượng này để bố trí phòng tạm giữ, tạm giam phù hợp tránh việc họ nghĩ rằng mình đang bị kỳ thị hay đối xử không công bằng.

Thứ hai, Luật Thi hành án hình sự chỉ quy định về quyền học tập và lao động của phạm nhân nói chung nhưng lại không có quy định quyền học tập và lao động của những phạm nhân là những người đồng tính và chuyển giới. Vì vậy, theo chúng tôi cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể quyền của nhóm phạm nhân này để cơ quan thi hành án có sở để thi hành án.

Thứ ba, đối với những người về bản chất họ sinh ra đã được công nhận giới tính là nam hoặc nữ. Tuy nhiên, họ lại có xu hướng giới tính ngược lại so với giới tính được công nhận. Trong khi thực tế họ chưa có điều kiện để chuyển giới hoặc không muốn chuyển giới. Đối với nhóm người này, Luật cần có những quy định rõ ràng để đảm bảo quyền lợi của họ khi bị tạm giữ hoặc tạm giam. Ví dụ, nhóm đối tượng này lấy vợ, chồng thì việc thăm gặp vợ chồng của họ được xử lý như thế nào.

Thứ tư, đối với những người vô tính là những người không bị hấp dẫn tính dục của bất kỳ giới tính nào. Những người này được gọi là LGBT+ tức là giới tính cũng có sự khác thường. Họ không phải là đồng tính, lướng tính trong khi pháp luật về tạm giữ, tạm giam vẫn chưa có quy định nào. Vì vậy, cần phải có quy định cụ thể giành cho nhóm đối tượng này.

Người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam hiện nay có số lượng không nhỏ trong xã hội. Trong hoạt động giam, giữ việc bảo vệ quyền lợi của những người đồng tính, song tính và chuyển giới sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn quyền con người nói chung và quyền lợi của người đồng tính, song tính và người chuyển giới nói riêng.

Tài liệu trích dẫn:

1 https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Xu_hướng_tính_dục

2  http://en.wikipedia.org/wiki/Human_rights.

3 Lời nói đầu và Điều 1 Hiến chương Liên Hiệp quốc năm 1945

4 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền được Liên Hiệp quốc thông qua năm 1948

5 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền được Liên Hiệp quốc thông qua năm 1948

6 Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013

7 Xem Điều 18 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015

8 Xem Điều 27 Luật Thi hành án hình sự năm 2010

9 https://vnexpress.net/cuoc-song-trong-tu-cua-hot-girl-chuyen-gioi-tram-anh-3377177.html

10 Xem Điều 30 Luật Thi hành án hình sự năm 2019

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Hiến pháp năm 2013
  2. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2010), Luật Thi hành án hình sự năm 2010.
  3. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
  4. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
  5. Liên Hiệp quốc (2007), Bộ Nguyên tắc Yogyakarta năm 2007.

ENSURING THE RIGHTS OF HOMOSEXUALITY, BISEXUALITY AND TRANSGENDER PEOPLE KEPT IN THE PLACE OF TEMPORARY DETENTION AND DETENTION UNDER VIETNAMESE LAWS

Ph.D Nguyen Van Nghiep

Faculty of Law, Da Lat University

Ph.D Nguyen Thi Van Anh

Faculty of Law, Da Lat University

Abstract:

During more than 30 years of innovation, the Vietnamese legal system has been improved in terms of legal thinking and legislative techniques in all fields, especially human rights issues. The legal provisions on human rights are the most important guarantee for everyone including LGBT+ people to have opportunities and favorable conditions to enjoy human rights. This article is to discuss the concept of homosexuality, bisexuality and transgender in general, concepts of international law and Vietnamese law on the rights of homosexuality, bisexuality and transgender people kept in the place of temporary detention and detention, thereby making some recommendations to perfect Vietnamese law on temporary detention and detention for homosexuality, bisexuality and transgender people.

Keywords: Homosexuals, transgender people, temporary detention, detention.