Bắt đầu thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh vừa phê duyệt bổ sung đề tài độc lập cấp nhà nước 'Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm Covid-19'.

Lopinavir/ritonavir được biết đến là một loại công thức phối hợp liều cố định để điều trị và phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS. Việc phê duyệt đề tài kể trên hướng tới mục tiêu xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả cho bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trung tâm cảnh giác dược và các đơn vị khác được Bộ Y tế giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện.

Các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm trong 4 tuần hoặc trên 10 người bệnh. Từ đó sẽ báo cáo đánh giá hiệu quả đáp ứng lâm sàng, cận lâm sàng, virus học cũng như tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona chủng mới được điều trị theo phác đồ điều trị nền của Bộ Y tế.

Bộ Khoa học và công nghệ kỳ vọng trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài có thể đề xuất việc sử dụng lopinavir và ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới.

Mục tiêu của đề tài này là trong vòng 12 tháng, nghiên cứu sẽ làm rõ hiệu quả và tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới dựa trên phác đồ điều trị của Bộ Y tế, đồng thời đề xuất phác đồ sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm Covid-19.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ký Quyết định phê duyệt danh mục 3 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Covid-19. 3 nhiệm vụ được giao trực tiếp cho 3 tổ chức chủ trì, khẩn trương triển khai thực hiện, trong vòng 1 tháng nữa có thể có 3 loại bộ kít để chủ động chẩn đoán, phân loại bệnh nCoV-2019, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, 3 đề tài nghiên cứu bao gồm: Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của Covid-19 (nCoV-2019) giao cho Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện; Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của Covid-19 (nCoV-2019) giao cho Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa – Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN Cần Thơ) thực hiện; Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, vi rút bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Covid-19 (nCoV-2019) tại Việt Nam giao cho Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.

Do đã chủ động nghiên cứu ngay từ khi xuất hiện dịch nên các đơn vị được giao chủ trì và phối hợp cam kết trong thời gian 01 tháng có thể sản xuất hàng loạt phục vụ công tác phòng, chống dịch. Riêng bộ sinh phẩm RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện có thể có sản phẩm sau 02 tuần nếu được tạo điều kiện thông quan nhanh hóa chất, nguyên liệu nhập khẩu và được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cung cấp chứng dương nCoV-2019. Đồng thời, các đơn vị sản xuất cũng đề nghị Bộ Y tế cho phép đưa vào sử dụng các bộ sinh phẩm này theo quy trình rút gọn để phục vụ công tác phòng, chống đại dịch.