Bất ngờ kết quả mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam

Thời gian gần đây, sự trỗi dậy của khu vực kinh tế tư nhân, sự đổi mới trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài... là những động lực phát triển của kinh tế Việt Nam

Doanh nghiệp Việt Nam chủ động hơn

Ở Việt Nam, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) mới được quan tâm kể từ khi Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời và trở nên sôi động hơn trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt, năm 2009, trong khi hoạt động M&A trên thế giới sụt giảm mạnh thì hoạt động M&A tại Việt Nam lại ngược dòng, gia tăng đáng kể về số lượng. Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng năm qua, tại Việt Nam đã có khoảng 278 thương vụ được công bố với trị giá khoảng 1,1 tỷ USD. Đây là con số hết sức bất ngờ, bởi cho đến nửa đầu năm 2009, các thương hiệu M&A tại Việt Nam vẫn khá trầm lắng. Nhưng trong những tháng cuối năm, các hoạt động này trở nên sôi động với hàng loạt thương vụ đình đám.

M&A được viết tắt bởi hai từ tiếng Anh là Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại). Điều 17, Luật Cạnh tranh quy định việc sáp nhập doanh nghiệp là “việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập”, còn “mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại”.

Điều thú vị ở chỗ, trước đây khi nói đến M&A hay nói đến các đối tác chiến lược, người ta thường nghĩ ngay đến yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, quan niệm đó giờ đây đã thay đổi. Theo thống kê, năm 2009 số lượng các giao dịch doanh nghiệp Việt Nam mua lại doanh nghiệp Việt Nam là 40% tổng số giao dịch toàn thị trường. Giao dịch doanh nghiệp Việt Nam mua lại doanh nghiệp nước ngoài, hoặc mua lại một bộ phận doanh nghiệp nước ngoài chiếm 4,62% tổng số giao dịch năm 2009.

Trong năm 2009, giới chuyên gia chú ý tới một thương vụ liên quan tới đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng khi tháng 7/2009 BIDV hoàn tất việc thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển IDCC 100% vốn Việt Nam với số vốn điều lệ là 100 triệu USD do BIDV và Công ty Phương Nam góp vốn. Sau đó, IDCC đã chính thức mua lại Ngân hàng tư nhân Đầu tư và Thịnh vượng (PIB) của Campuchia, cơ cấu và đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC). Theo kế hoạch, đến 2012 BIDC sẽ có tổng tài sản 303 triệu USD, tổng nguồn vốn huy động là 210 triệu USD. Thương vụ thành công này cũng kéo theo sự tham gia của Công ty cổ phần Bảo hiểm Campuchia Việt Nam (CVI) trong đó, IDCC nắm giữ 90% vốn cũng được Campuchia cấp phép thành lập.

Năm 2010, tập đoàn viễn thông Viettel cho biết, sẽ hướng đến việc tham gia mua lại hoặc góp vốn vào các mạng điện thoại tại thị trường các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh bằng quyết tâm thực hiện hai thương vụ lớn là mua lại 60% cổ phần của mạng di động Teletalk (Bangladesh) với số vốn khoảng 300 triệu USD và mua lại 70% cổ phần của Công ty Viễn thông Teleco (Haiti) 59 triệu USD.

Đặc biệt, những tháng đầu năm 2010 đã có nhiều tín hiệu tăng trưởng mạnh mẽ cả về số thương vụ lẫn giá trị giao dịch. 4 tháng đầu năm ghi nhận nhiều vụ sáp nhập hợp nhất đáng chú ý như Vietinbank (CTG) bán 10% vốn điều lệ cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và 15% cho Ngân hàng Nova Scotia của Canada; Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG) chào mua công khai 3,75 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF); Ngân hàng Commonwealth of Australia (CBA) sẽ mua 15% cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại Ngân hàng Quốc tế (VIB); Tập đoàn Công nghệ CMC cũng mới công bố trở thành cổ đông chiến lược của Công ty NetNam khi nắm giữ 43,8% cổ phần của NetNam và là nhà đầu tư chiến lược duy nhất của công ty này…

Nhìn chung, điều kiện thực tiễn của nền kinh tế đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các cơ hội đầu tư chiến lược và tái cấu trúc doanh nghiệp trông qua các thương vụ M&A.

Tiếp tục nóng ở nhiều lĩnh vực

Việc suy yếu hay bùng phát của M&A phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của kinh tế thế giới, thực trạng của nền kinh tế trong nước cũng như các chính sách của Chính phủ, các động thái và chiến lược của nhà đầu tư.

Bàn về triển vọng M&A tại Việt Nam năm 2010, có nhiều ý kiến và quan điểm trái ngược, bên cạnh một số ý kiến cho rằng, viễn cảnh của thị trường này khá mờ nhạt trong năm nay thì cũng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này lại cho rằng, M&A tại Việt Nam vẫn đang và sẽ phát triển tương ứng với trình độ và điều kiện phát triển của nền kinh tế, cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Về lâu dài, hoạt động M&A tại Việt Nam có nhiều tiềm năng và sẽ phát triển ở mức độ cũng như chất lượng cao hơn nhiều so với những gì đang diễn ra hiện nay.

Nhận định về xu hướng của thị trường M&A, ông Đặng Xuân Minh - Tổng giám đốc Avalue Việt Nam -cho rằng, thời gian tới Việt Nam vẫn tiếp tục sự tăng trưởng về số lượng và giá trị của các loại hình giao dịch đã bắt đầu phổ biến năm 2009 là doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp trong nước (B), và doanh nghiệp trong nước mua lại doanh nghiệp trong nước (D). Về triển vọng M&A theo ngành, các thương vụ M&A vẫn sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tài chính. Một số lĩnh vực khác có thể sẽ bắt đầu xuất hiện các thương vụ trong năm 2010 là viễn thông, khai khoáng. Ngoài ra, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cũng như lĩnh vực giáo dục cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn.

Theo báo cáo ngành giải trí và truyền thông (A&M) của PricewaterhouseCoopers cho các năm từ 2009 đến 2013, tại Việt Nam, giá trị của thị trường giải trí và truyền thông gấp khoảng 3 lần trong khoảng thời gian 5 năm trước từ năm 2004 đến năm 2009. Dự báo, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của lĩnh vực này tại Việt Nam là 16,7% - mức cao nhất thế giới - kỳ vọng đạt 2,3 tỷ USD năm 2013. Thị trường truy cập Internet dự kiến tăng trưởng 20,9%, quảng cáo là 10,9%. M&A có thể giúp các tập đoàn truyền thông quốc tế tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh hơn. Như vậy, M&A trong lĩnh vực này sẽ gia tăng mạnh về số lượng thương vụ, tuy nhiên do đặc thù ngành, giá trị của mỗi thương vụ sẽ không lớn.

Đặc biệt, đối với dịch vụ tài chính, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đến 2010 các ngân hàng thương mại phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 3.000 tỷ đồng tạo sức ép lên các tổ chức tín dụng trong nước, thúc đẩy mạnh hoạt động bán cổ phần tăng vốn điều lệ. Mặc dù vậy, con số 3.000 tỷ đồng vẫn chưa đủ để đảm bảo năng lực cạnh tranh của các tổ chức này trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay và đặc biệt sau năm 2011. Do vậy, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính ngân hàng vẫn sẽ rất sôi động, thậm chí có thể nói là rất nóng trong thời gian tới.

Như vậy, để tận dụng các cơ hội do M&A mang lại, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tham gia vào các hoạt động này. Bên cạnh đó, một điều đáng chú ý là các doanh nghiệp phải xác định rõ, không phải thương vụ M&A nào cũng thành công. Bởi, việc hoàn thành giao dịch chỉ là một sự mở đầu mới và cần một quá trình để đem lại giá trị tốt hơn. Thực ra, nhiều khi điều cốt lõi nhất lại nằm chính ở cách thức quản trị công ty sau M&A.