Bloomberg: Giá phân ure tăng vọt, Trung Quốc yêu cầu tạm dừng xuất khẩu

Theo hãng tin Bloomberg, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón nước này tạm dừng xuất khẩu phân ure khi giá loại phân bón này tăng vọt.

Giá phân ure tại Trung Quốc tăng mạnh 

Hãng tin Bloomberg vừa dẫn một số nguồn tin cho biết cơ quan chức năng Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón nước này tạm dừng xuất khẩu phân ure sau khi giá phân ure trên thị trường nội địa nước này tăng vọt.

Cũng theo hãng tin Bloomberg, một số nhà sản xuất phân bón lớn nhất Trung Quốc đã tạm ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu phân ure mới từ đầu tháng này theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có CNAMPGC Holding, một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất Trung Quốc, công bố kế hoạch hạn chế xuất khẩu phân ure để đảm bảo nguồn cung và duy trì giá phân bón ở mức ổn định.

Trước đó, ngay từ giữa tháng 8/2023, một số thương nhân kinh doanh phân bón của Trung Quốc còn cho biết Chính phủ Trung Quốc có thể siết chặt hoạt động xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi giá gạo và các loại nông sản chủ chốt đang tăng cao.

Giá phân ure tăng cao Trung Quốc dừng xuất khẩu
Các nước nhập khẩu phân ure lớn nhất từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay. (Nguồn: Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bloomberg)

Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới. Do đó, bất kỳ động thái hạn chế nguồn cung nào ra thị trường quốc tế từ Trung Quốc có thể đẩy giá mặt hàng này tăng cao hơn.

Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu (Trung Quốc), giá phân ure giao kỳ hạn đã tăng gần 50% trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6/2023 đến cuối tháng 7/2023, nhưng sau đó giá đã biến động mạnh. Trong ngày 07/09, giá phân ure giao kỳ hạn đã giảm 6% sau thông tin về việc Trung Quốc ngưng xuất khẩu.

Xem thêm: Dự báo giá phân bón có thể tăng thêm 30%, cổ phiếu DCM - Đạm Cà Mau “trần cứng” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo hãng chứng khoán Huatai Futures (Trung Quốc), việc giá phân ure tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng cao trong thời gian vừa qua chủ yếu đến từ việc tồn kho dự trữ thấp cùng với hoạt động xuất khẩu tăng cao. Vào đầu tháng 8/2023, lượng tồn kho của các hãng sản xuất phân bón ở Trung Quốc đã giảm hơn 75% so với mức 1,16 triệu tấn vào đầu tháng 6/2023.

Nguồn cung phân bón trên toàn cầu bị thu hẹp đột ngột

Việc Trung Quốc tạm ngưng xuất khẩu phân ure sẽ ảnh hưởng lớn đến một số quốc gia như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar và Australia. Điều này cũng sẽ khiến hoạt động nông nghiệp toàn cầu trở nên bất ổn hơn. Thị trường nông nghiệp thế giới vốn đang chịu tác động từ diễn biến thời tiết bất lợi, biện pháp hạn chế xuất khẩu nông sản của Ấn Độ, và cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine.

Sau khi tạo đáy trong tháng 6 vừa qua, giá phân ure và giá các loại phân bón khác trên thị trường quốc tế đã tăng đáng kể trở lại trong những tuần gần đây, chủ yếu do tình trạng khan hiếm nguồn cung đột ngột và kỳ vọng nhu cầu sử dụng phân bón sẽ tăng lên. Cụ thể, việc thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen giữa Nga và Ukraine chấm dứt có thể khiến giá nông sản tăng mạnh và gây ảnh hưởng xấu tới an ninh lương thực, dẫn đến giá phân ure phục hồi ở các quốc gia do sức mua tăng và ổn định từ tuần cuối cùng của tháng 6/2023.

Trong khi đó, nguồn cung tại khu vực Đông Nam Á bị thu hẹp do các nhà máy sản xuất ở Malaysia, Brunei và Indonesia đang trong quá trình bảo dưỡng. Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu. Trong năm ngoái, Ai Cập chiếm 4% sản lượng sản xuất và 8% sản lượng xuất khẩu Ure toàn thế giới năm 2022.

Tường Vy