Bộ Công Thương: Điện sử dụng tháng 4,5,6 được giảm giá

Bộ Công Thương nêu rõ, đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện khách hàng sử dụng trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6 sẽ được giảm giá tương ứng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7.

Tiền điện được giảm giá trong 3 tháng

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân do tác động của dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 22/BC-BCT trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất về việc giảm giá điện và giảm tiền điện từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các khách hàng sử dụng điện.

Theo đó, đề xuất giảm 10% giá điện cho khách hàng sản xuất và kinh doanh ở tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm so với đơn giá tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019.

Đề xuất giảm 10% giá điện cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có các bậc thang giá điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh tháng).

Đề xuất điều chỉnh giá điện cho khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch theo hướng giảm từ mức giá điện áp dụng cho khách hàng kinh doanh dịch vụ nay xuống bằng mức giá điện áp dụng cho các hộ sản xuất.

Đồng thời, Bộ Công Thương đề xuất giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.

Đề xuất giảm 20% tiền điện cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.

Đề xuất giảm 20% tiền điện cho các khách sạn và các cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng để cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.

Với các giải pháp hỗ trợ này, Bộ Công Thương ước tính tổng số tiền điện hỗ trợ giảm cho các khách hàng sử dụng điện là gần 11.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh được hỗ trợ giảm khoảng 6.100 tỷ đồng, các hộ sinh hoạt được hỗ trợ giảm khoảng 2.900 tỷ đồng, các cơ sở lưu trú du lịch được hỗ trợ giảm khoảng 1.800 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ chống dịch Covid khoảng 100 tỷ đồng.

Tổng số thời gian khách hàng được hỗ trợ giảm giá điện và giảm tiền điện: 03 tháng (tháng 4, tháng 5 và tháng 6).

Thời điểm giảm giá điện và giảm tiền điện được xác định theo kỳ ghi chỉ số của đơn vị điện lực tại công tơ điện của khách hàng.

Như vậy, đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện khách hàng sử dụng trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2020 sẽ được giảm giá tương ứng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7 năm 2020.

Người dân được giảm giá cho sản lượng điện dùng trong tháng 4-5-6, tức sẽ thấy mức giảm khi đóng tiền điện vào tháng 5-6-7
Người dân được giảm giá cho lượng điện dùng trong tháng 4-5-6, tức sẽ thấy mức giảm khi đóng tiền điện vào tháng 5-6-7

Gấp rút đưa chính sách vào thực hiện

Tại Nghị quyết số 41/ NQ-CP về Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020, Chính phủ đã đồng ý với các đề xuất của Bộ Công Thương về việc giảm giá điện, giảm tiền điện. Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương, phối hợp với Bộ Tài Chính chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đảm bảo đúng qui định.

Ngay sau khi nhận được Nghị quyết số 41/ NQ-CP của Chính phủ, ngày 10 /4/2020, Bộ Công Thương đã khẩn trương dự thảo Văn bản hướng dẫn chi tiết và gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật trước khi chính thức phát hành văn bản chỉ đạo EVN thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2020 cho các khách hàng sử dụng điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 41/ NQ-CP của Chính phủ và phù hợp với thực tế ghi chỉ số và phát hành hoá đơn tiền điện của các khách hàng sử dụng điện.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị điện lực chủ động giải quyết nhanh chóng, kịp thời tất cả các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về chỉ số công tơ, hoá đơn tiền điện theo quy định.

Bộ Công Thương khẳng định, sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực thực hiện đúng các chỉ đạo của Chính phủ về giảm giá điện, giảm tiền điện, đảm bảo đúng đối tượng, thời gian, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân do tác động của dịch Covid-19.

Khuyến cáo người dân tiết kiệm điện

Liên quan đến phản ánh về lượng điện tiêu thụ tăng trong tháng 3 vừa qua, EVN cho biết, theo quy luật thời tiết, tháng 3 hằng năm, khu vực phía Nam bắt đầu chuyển sang nắng nóng. Việc sử dụng các thiết bị làm mát tiêu thụ nhiều điện năng, nhất là máy lạnh là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới lượng điện tiêu thụ tăng.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng khiến các thiết bị làm mát tiêu tốn nhiều điện hơn, do chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng. Sản lượng điện sinh hoạt toàn quốc tháng 3/2020 tăng tới 8,55% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó TP. Hà Nội tăng 17% và TP. HCM tăng 13%.

Đặc biệt, với những hóa đơn có mức tăng trên 30%, EVN nhấn mạnh các tổng công ty Điện lực sẽ tiến hành phúc tra 100% chỉ số công tơ trước khi phát hành tới khách hàng. Việc phúc tra sẽ do bộ phận độc lập thực hiện.

Chia sẻ với quan điểm này của EVN, Bộ Công Thương nhận định, hiện đã bước vào cao điểm mùa nắng nóng, nhất là các tỉnh phía Nam, cùng với việc học sinh nghỉ học dài ngày, người dân ở nhà phòng chống dịch, khiến nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt gia tăng.

Để hạn chế việc hóa đơn tiền điện tăng cao vào các tháng nắng nóng, Bộ Công Thương khuyến cáo các khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả bằng cách tắt các thiết bị điện khi không cần thiết; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn, trang bị các thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng; đặt điều hoà nhiệt độ làm mát từ 26 độ trở lên….

Đặc biệt, hãy tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời và thông gió tự nhiên để không khí lưu thông, thoáng mát, vừa giúp tiết kiệm điện, vừa giúp làm giảm mật độ virus, vi khuẩn hạn chế bệnh dịch lây lan.

Thy Thảo