Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên có hiệu quả cao nhất nhưng không phải bằng mọi giá

Trước nhiều dư luận xã hội về công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau của ngành Công Thương, đặc biệt là các doanh nghiệp có nguy cơ gây tác động lớn đến môi trườn

Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt vấn đề: Quá trình phát triển của Việt Nam thời gian qua, việc thực thi chính sách, tổ chức thực hiện an toàn cũng như bảo vệ môi trường để phục vụ cho phát triển bền vững vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt ý thức chấp hành pháp luật chưa đầy đủ, chưa xuyên suốt. Chính vì vậy, trong nhiều dự án, vấn đề vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải đã tác động đến đời sống kinh tế của đất nước, của nhân dân vẫn còn phổ biến, thậm chí nhiều trường hợp không có giải pháp để giải quyết; đặc biệt là những dự án trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, năng lượng, hóa chất, dầu khí, công nghiệp chế biến chế tạo,... bộc lộ những yếu tố vi phạm đến môi trường, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bộ trưởng khẳng định: Quan điểm của Bộ Công Thương là ưu tiên tối đa mục tiêu phát triển của đất nước trong các lĩnh vực về kinh tế - xã hội theo những mục tiêu mang tính pháp lệnh đã đăng ký với Quốc hội, nhưng dứt khoát phải đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Hội nghị hôm nay nhằm đánh giá thực chất nỗ lực đã làm được, nhưng cũng làm rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách pháp luật môi trường thời gian vừa qua, đặc biệt cũng xem xét để thấy những tồn tại về cơ chế chính sách của Nhà nước để có tiếng nói đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Đề nghị phải nói thẳng nói thật để nhìn rõ những tồn tại, vướng mắc đối với hoạt động của tập đoàn, tổng công ty của ngành Công Thương.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành rà soát và kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trực tiếp tại 29 cơ sở. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp đã chấp hành các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường, như Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường khi dự án đi vào hoạt động, Giấy phép xả thải. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, đó là: Một số doanh nghiệp đã đi vào vận hành nhưng chưa có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, như: Nhôm Lâm Đồng, Nhiệt điện Vũng Áng - PVN, Nhiệt điện Duyên Hải 1; Một số doanh nghiệp thay đổi các hạng mục bảo vệ môi trường trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt mà chưa thông báo cho cơ quan phê duyệt ĐTM biết, hoặc đã thông báo nhưng chưa được chấp thuận mà đã triển khai thực hiện, như: Nhôm Lâm Đồng, Nhiệt điện Duyên Hải 1; Một số doanh nghiệp chưa có giấy phép khai thác tài nguyên nước như Nhiệt điện Duyên Hải 1; Một số doanh nghiệp chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, như: Nhiệt điện Duyên Hải 1, Nhiệt điện Hải Phòng, Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp (PTSC) Quảng Bình, PTSC Đà Nẵng, PTSC Dung Quất, Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau - PVN, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất - PVN.

Theo đánh giá của Cục trưởng Trần Văn Lượng, việc chậm xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường do nhiều nguyên nhân, như: Chủ đầu tư thuê tư vấn lập ĐTM không đủ năng lực dẫn đến phát sinh nhiều thay đổi trong thực tế triển khai; Chủ đầu tư thay đổi các công trình mà chưa được sự chấp thuận; Sự phối hợp giữa ban quản lý dự án với đơn vị được giao vận hành thiếu chặt chẽ; Sự chậm trễ của cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, xác nhận… nên nhiều dự án khi đi vào vận hành nhưng chưa hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo cam kết đã được phê duyệt trong báo cáo ĐTM.

Phát biểu ý kiến, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đều khẳng định đã chú trọng đến đầu tư cho công tác môi trường và bảo vệ môi trường, mặc dù chi phí rất lớn. Tuy nhiên, những vụ việc xảy ra thời gian vừa qua là bài học lớn để các tập đoàn, tổng công ty rà soát kỹ hơn, thận trọng hơn các dự án, nhà máy của mình…

Lắng nghe chia sẻ của các tập đoàn, tổng công ty, Bộ trưởng chỉ đạo phải chủ động cung cấp thông tin về công tác bảo vệ môi trường cho các cơ quan truyền thông, báo chí để đảm bảo dư luận có cái nhìn khách quan về hoạt động của doanh nghiệp. “Chúng ta đã có hệ thống lọc bụi tĩnh điện, những công nghệ siêu tới hạn và trên siêu tới hạn của năng lượng đảm bảo chống ô nhiễm không khí giải quyết những cốt lõi của môi trường, tại sao chúng ta không có những thông tin tuyên truyền để chia sẻ, giới thiệu rộng rãi và cung cấp cho các nhà kinh tế, các nhà phản biện xã hội, cho người dân, đặc biệt là đối với người dân nằm trong vùng bị tác động của dự án để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ của xã hội cho những chương trình phát triển của đất nước, của ngành Công Thương. Các đồng chí đừng để người dân cứ nhắc đến nhiệt điện là rùng mình, e ngại, coi đó là ung thư, là gây chết người ngay lập tức - chua xót lắm. Chúng ta bằng mọi giá phải xóa đi nỗi ám ảnh của người dân về điều này” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về công tác báo cáo ĐTM: Cần tăng cường kiểm soát chất lượng báo cáo ĐTM để phát huy vai trò của nó, không làm hình thức, cho có. Bộ Công Thương không phải là cơ quan thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM nhưng sẽ làm kỹ, chặt trong thời gian tới trên cơ sở đánh giá đầy đủ hiện trạng và tồn tại để có sự phối hợp với các bộ chủ quản, đặc biệt là những bộ quản lý nhà nước về môi trường. Đối với nhà thầu và chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Các hạng mục công trình có sự thay đổi so với ĐTM ban đầu thì chỉ được triển khai thực hiện khi được sự đồng ý của cơ quan phê duyệt ĐTM. Trong giai đoạn vận hành thử nghiệm 6 tháng trước khi bàn giao, thông báo rộng rãi đến chính quyền địa phương về hoạt động vận hành thử nghiệm để chính quyền và người dân địa phương cùng giám sát. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác quản lý chất thải nguy hại, kiểm soát chặt chẽ nước thải, khí thải trước khi xả thải ra môi trường, lắp đặt hệ thống quan trắc online nước thải, khí thải theo quy định.

Bộ trưởng cho rằng, từ Fomosa thấy tồn tại nhiều vấn đề, như quy chuẩn của chúng ta khác nhiều với quy chuẩn của thế giới và yêu cầu của thực tiễn nên dẫn đến rất lúng túng trong khi làm phân tích, xét nghiệm các mẫu nước và mẫu cá bị nhiễm độc. Nếu chúng ta làm chặt chẽ từ thiết kế cơ sở và kiểm tra việc chấp hành của chủ đầu tư dự án theo thiết kế thì đã nghiêm khắc và chặt chẽ hơn với chủ đầu tư trong quá trình họ thay đổi công nghệ. Đây là bài học để các tập đoàn, tổng công ty cần rà soát thận trọng các dự án, nhà máy của mình. Một trong những nội dung rất quan trọng đối với những dự án lớn về công nghiệp phải có những đảm bảo trong quá trình thực thi, đầu tư, hoạt động của dự án là những trạm quan trắc tự động để kiểm tra, giám sát, xử lý các chất thải cho đến đánh giá chất lượng việc xử lý. Tất nhiên để có những trạm quan trắc đó thì phải tốn kém, nên phải rạch ròi chi phí đầu tư để đảm bảo hiệu quả kiểm soát bảo vệ môi trường của các cơ sở công nghiệp.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta cần nói thẳng, nói thật với nhau xem chúng ta còn bỏ sót quy trình nào, cái gì chưa hoàn thiện cần khắc phục ngay, tốn kém cũng phải làm. Chúng ta phải tính đến làm sao khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên có hiệu quả cao nhất, nhưng không phải bằng mọi giá, không đánh đổi hay hủy hoại môi trường bởi đó là tội ác”. Bộ trưởng khẳng định: Bộ Công Thương sẵn sàng đóng cửa các nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Bộ trưởng yêu cầu, ngay sau hội nghị, (1) Ban hành chỉ thị của Bộ Công Thương về chấp hành pháp luật và chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quán triệt quan điểm chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ; cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ và vai trò của các cơ quan quản lý hành chính trong việc phối hợp với những tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp; điều hành và phân cấp trong thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với địa phương cũng như các cơ quan khác có liên quan và đặc biệt chú trọng hướng tới hiệu quả quan điểm phát triển của mỗi tập đoàn, tổng công ty, coi đó là thước đo quan trọng nhất về bảo vệ môi trường. (2) Trong mỗi chương trình đầu năm, Cục ATMT phải dự thảo và xây dựng kế hoạch công tác với các tập đoàn, tổng công ty về nhiệm vụ bảo vệ môi trường và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Cuối năm các tập đoàn, tổng công ty phải có báo cáo các đơn vị liên quan về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị căn cứ theo kết quả đã đạt được cũng như tồn tại vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường. (3) Những người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty phải ký cam kết giải quyết triệt để những bức xúc mà báo chí, dư luận phản ánh trong thời gian qua.

“Lời hứa cần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, nếu chúng ta không làm, không thực hiện lời hứa thì chúng ta sẽ mất niềm tin trong dân chúng” - Bộ trưởng khẳng định.