Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt hàng loạt câu hỏi gợi mở cho việc chuẩn bị thực thi EVFTA

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đặt hàng loạt câu hỏi, có câu hỏi để chất vấn, có câu để gợi mở, có câu hỏi để thúc giục cho việc chuẩn bị một cách tốt nhất cho thực thi EVFTA.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến chuẩn bị cho thực thi EVFTA sắp tới
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến chuẩn bị cho thực thi EVFTA sắp tới

Những câu hỏi gợi mở

Trong buổi làm việc sáng ngày 26/2 với lãnh đạo các đơn vị chức năng về Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương, sau khi nghe Báo cáo của Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng trong phần việc của Bộ Công Thương, chúng ta mới căn cứ vào những điều khoản, những cam kết của Hiệp định, căn cứ vào dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ  để giao nhiệm vụ cho các cục, vụ thuộc Bộ. Nhưng chúng ta chưa nhìn trên tổng thể chính sách phát triển, chiến lược phát triển của chúng ta.

Bộ trưởng đặt hàng loạt câu hỏi mang tính gợi mở: Hiệp định này sẽ liên quan thế nào đến hoạt động thu hút đầu tư? Nó phục vụ gì cho phát triển của các chủ đầu tư công nghiệp? Nó mạng lại những cơ hội nào trong phát triển các chuỗi công nghiệp với mục tiêu công nghiệp hóa của nước ta?

Có thể những vấn đề này không nêu trong cam kết hội nhập, trong Chương trình hành động của Chính phủ. Nhưng đó lại là nhiệm vụ của Cục Công nghiệp, của Vụ Kế hoạch, và một số đơn vị thuộc Bộ. Và vì đây là cơ hội cho chúng ta tiếp cận công nghệ nguồn, tiếp dụng nguồn vốn tín dụng của các đối tác rộng lớn của châu Âu. Chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào để tái cơ cấu các ngành kinh tế?  Bộ trưởng tiếp tục đặt câu hỏi.

Bộ trưởng đặt câu hỏi mang tính gợi mở: Hiệp định này sẽ liên quan thế nào đến hoạt động thu hút đầu tư và phục vụ cho phát triển của các chủ đầu tư trong công nghiệp
Bộ trưởng đặt câu hỏi mang tính gợi mở: Hiệp định này sẽ liên quan thế nào đến hoạt động thu hút đầu tư? Nó phục vụ gì cho phát triển của các chủ đầu tư công nghiệp?

Tái cơ cấu là gì? Đó chính là hình thức sản xuất, là chất lượng công nghệ, là năng suất lao động, là khung khổ pháp lý, là chất lượng nguồn nhân lực… nhằm mang lại giá trị gia tăng lớn hơn, sự bền vững trong phát triển sản phẩm, các ngành kinh tế chúng ta.

Đúng-Trúng-Đầy đủ

Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh Chương trình hành động của Chính phủ thì Kế hoạch thực thi Hiệp định của Bộ Công Thương phải bao quát hơn, mang tính chủ động hơn (trong tận dụng cơ hội), chứ không chỉ mang tính “trả bài” - tức là chỉ khuôn gọn vào trong thực hiện các cam kết.

Bộ trưởng lấy ví dụ, ít nhất trong nhiệm vụ của giai đoạn 2020 phải có thêm nhiệm vụ cho Cục điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước, Văn phòng Bộ.

Tại sao lại là Văn phòng Bộ? Bộ trưởng giải thích, việc tuyên truyền phổ biến Hiệp định, cung cấp thông tin, tập huấn, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ thuộc các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng… cần phải có đơn vị đầu mối tổ chức, giám sát. Nhiệm vụ này thích hợp với Văn phòng Bộ...

Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu, phải đổi mới cách làm. Công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin hay tập huấn phải đúng với từng nhóm đối tượng, đúng mục tiêu, gắn với các cam kết hội nhập cụ thể của từng bên trong EVFTA. Nói một cách tổng quát, Bộ trưởng đặt ra 3 yêu cầu cho công tác này: Đúng-Trúng-Đầy Đủ.

Bộ trưởng đặt ra 3 yêu cầu cho công tác tuyên truyền, phổ biến Hiệp định: Đúng-Trúng-Đầy Đủ
Bộ trưởng đặt ra 3 yêu cầu cho công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Hiệp định: Đúng-Trúng-Đầy Đủ

Sở dĩ Bộ trưởng nêu nhiệm vụ của Văn phòng Bộ đầu tiên vì ngay tháng 7, nhiều khả năng Hiệp định sẽ có hiệu lực, nếu không tổ chức ngay việc tuyên truyền, cung cấp thông tin hay tập huấn cho tốt, cho kịp thời, để cho cả hệ thống chúng ta sẵn sàng thì chúng ta sẽ lúng túng khi EVFTA có hiệu lực, và trong cả nửa cuối của năm 2020 sẽ rất khó khăn.

Bộ trưởng yêu cầu các cục, vụ tự rà soát, đề xuất những nhiệm vụ của mình, Vụ Chính sách thương mại đa biên sẽ tập hợp lại, tiếp thu ý kiến và biên soạn dự thảo trên tinh thần mà Bộ trưởng đã nhiều lần nhấn mạnh là “Hơn cả sẵn sàng, các đơn vị tham mưu thuộc Bộ phải chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để cả hệ thống chúng ta chủ động vào cuộc khai thác ngay được những cơ hội đầu tiên của Hiệp định EVFTA, tạo không khí phấn khởi, tự tin cho cộng đồng doanh nghiệp”.

Nội dung phê chuẩn Hiệp định EVFTA đã được đưa vào chương trình họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 13 - 17/4/2020.

Trong trường hợp Quốc hội phê chuẩn EVFTA tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5 và tháng 6 tới và Hội đồng châu Âu hoàn tất việc ký duyệt trong khoảng thời gian nói trên, EVFTA có khả năng có hiệu lực ngay trong tháng 7/2020.

Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương với các nhóm nhiệm vụ chính được chia thành hai giai đoạn là năm 2020 và 2021 - 2025.

Các nhóm nhiệm vụ bao gồm: Xây dựng pháp luật, thể chế; công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường các nước đối tác của EVFTA; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; điều phối và tham gia các hoạt động của Ủy ban Thương mại của EVFTA, các Ủy ban chuyên môn của EVFTA và các hoạt động liên quan; chủ trương và chính sách đối với các tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp.

Nguyễn Văn