Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tìm gốc rễ phát sinh để triệt tận gốc nạn hàng giả, hàng nhái

Cuộc chiến chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại hiện nay là rất khốc liệt nhưng không vì thế mà chùn tay. Phải tìm cho ra nguyên nhân gốc rễ phát sinh để triệt tận gốc. Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đối với lực lượng quản lý thị trường sau khi kiểm tra tình hình thị trường tại TP HCM.

Ngày 12/8/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và đoàn công tác của Bộ đã trực tiếp đến chợ Kim Biên (quận 5), chợ Bình Tây (quận 6) và Trung tâm thương mại Saigon SQuare (quận 1) tại TP. Hồ Chí Minh để khảo sát thực tế tình hình kinh doanh của các tiểu thương tại đây.

Khảo sát các địa điểm trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trực tiếp gặp gỡ các tiểu thương kinh doanh mặt hàng hương liệu, thực phẩm. Trao đổi với Bộ trưởng, các tiểu thương cho biết, trong kinh doanh đều tuân thủ các quy định của nhà nước đối với các mặt hàng chuyên biệt này và thẳng thắn nêu những vấn đề khó khăn, bất cập trong hoạt động buôn bán.

Bộ trưởng trần Tuấn anh

Bộ trưởng trần Tuấn anh

Bộ trưởng trần Tuấn anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi và lắng nghe ý kiến của tiểu thương tại các chợ, trung tâm thương mại

 

Trước ý kiến của các tiểu thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, qua khảo sát thực tế ở một số trung tâm mua bán lớn của thành phố ngày hôm nay, vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đang lưu chuyển trên địa bàn thành phố là rất lớn.

Bộ trưởng lưu ý và đề nghị người kinh doanh cần chú ý về nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá, điều kiện bảo quản, san chiết, phòng vệ cháy nổ và một số vấn đề liên quan đến chuyên môn của người kinh doanh, bán hàng...

Bộ trưởng trần Tuấn anh

Bộ trưởng trần Tuấn anh
Qua kiểm tra, khảo sát, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đang lưu chuyển trên địa bàn thành phố là rất lớn

 

Cùng ngày, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh và ghi nhận những kết qủa hoạt động, những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của cán bộ công nhân viên Cục QLTT thành phố.

Ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn tương đối ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến.

Tuy nhiên, song song với sự phát triển của thành phố thì tình hình vận chuyển, chứa trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng vi phạm về sở hữu công nghiệp và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, không nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa được đẩy lùi.

bộ trưởng trần tuấn anh
Làm việc với Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cuộc chiến chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại là rất khốc liệt nhưng không vì thế mà chùn tay, phải tìm cho ra nguyên nhân gốc rễ phát sinh để triệt tận gốc... 

 

Cùng với đó, lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh phải đối mặt với những thủ đoạn như hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ thường được các đối tượng nhập lậu qua đường biển, đường hàng không, đường bộ và đường sắt sau đó được chứa trữ tại các kho bãi, nơi sinh sống, phân tán nhỏ và đem giao các nơi để tiêu thụ theo cách truyền thống (giao nhận) và theo phương thức bán hàng online qua thương mại điện tử, zalo, facebook....

Ngoài ra, các đối tượng sử dụng thông tin khai báo, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Mặt khác, tình hình vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ các tỉnh Tây Ninh, Long An đi qua địa bàn giáp ranh vào các quận nội thành của Tp. Hồ Chí Minh và đi đến các tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Phương thức hoạt động của các đối tượng là cất giấu thuốc lá trong các bao tải, cốp xe, thùng hàng,... phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe gắn máy, thiết kế lại bình xăng, yên xe để cất giấu và sử dụng xe du lịch tập kết tại các địa bàn giáp biên giới để vận chuyển thuốc lá vào nội địa với số lượng lớn, trong quá trình vận chuyển thường xuyên thay đổi biển số xe và thời gian vận chuyển để tránh việc kiểm tra, xử lý khi bị theo dõi hoặc có tin tố giác.

Để ngăn chặn tình trạng này, Cục QLTT Tp. Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều đợt truy quét hàng giả với quy mô lớn tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, các điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.,...

Tuy nhiên, do hàng giả sử dụng vốn đầu tư thấp nhưng lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng dù đã bị xử lý vi phạm hành chính nhiều lần nhưng vẫn tái phạm, ông Bách nhấn mạnh.

Đánh giá về thực trạng hàng gian, hàng giả tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho rằng, TP. Hồ Chí Minh hiện chiếm 1/3 về giao dịch thương mại của cả nước, khi giải quyết được vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng ở địa bàn này thì sẽ góp phần rất lớn để bình ổn thị trường.

Theo ông Linh sắp tới sẽ có những chuyên đề kiểm tra, kiểm soát sâu rộng về hoạt động kinh doanh hàng hoá và phải thực hiện trên tinh thần đồng bộ, quyết liệt để góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ công nhân viên Cục QLTT Tp. Hồ Chí Minh và tuyên dương những đóng góp của nhiều tập thể, cá nhân đã không quản ngại khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bộ trưởng cho rằng, qua khảo sát thực tế ở một số trung tâm mua bán lớn của thành phố ngày hôm nay, vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đang lưu chuyển trên địa bàn thành phố là rất lớn.

Thực trạng này đang gây nhức nhối cho xã hội. Vấn đề là phải giải quyết ở khâu chính để bịt đường không để cho một nền kinh tế ngầm bất hợp pháp tồn tại làm băng hoại nền sản xuất trong nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Cuộc chiến chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại hiện nay là rất khốc liệt nhưng không vì thế mà chùn tay, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu, lực lượng QLTT phải tìm cho ra nguyên nhân gốc rễ phát sinh để triệt tận gốc.

“Những bất cập, tồn tại về cơ chế, chính sách không còn phù hợp chắc chắn sẽ phải được thay đổi và phải thực thi công vụ một cách quyết liệt, đồng bộ đồng thời không khoan nhượng với những hành vi vi phạm”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tính đến đầu tháng 8 lực lượng quản lý thị trường tại Tp. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 4.887 vụ, tăng 2.078 vụ (73,97%) so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số vụ vi phạm chuyên ngành: 2.795 vụ, tăng 54 vụ (1,97%) so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số tiền thu nộp ngân sách 54,6 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy khoảng 33 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 79,7 tỷ đồng; trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 9,6 tỷ đồng.

Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cũng đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra 11 vụ. Tổng trị giá hàng hóa, tang vật vi phạm khoảng 10,5 tỷ đồng.

Thu Thủy