Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trình bày Báo cáo thuyết minh về EVFTA

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Dưới đây là những nội dung chính của Báo cáo thuyết minh.

Sự cần thiết và thời điểm phê chuẩn Hiệp định

Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định này có hiệu lực. Hoặc hai bên cũng có thể thống nhất với nhau về một thời điểm khác để Hiệp định chính thức có hiệu lực.

Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12 tháng 2 năm 2020 và Hội đồng châu Âu ký duyệt vào ngày 30 tháng 3 năm 2020. Ngày 24 tháng 4 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã gửi công hàm thông báo chính thức với Việt Nam về việc EU đã hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của mình.

Do vậy, trong bối cảnh nêu trên và với những lợi ích tích cực mà Hiệp định EVFTA mang lại, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU về thời điểm có hiệu lực của Hiệp định trên tinh thần là vào thời điểm sớm nhất nhằm tận dụng các cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sẽ có những tác động bất lợi đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Với việc thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua, đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Chính phủ dự kiến sẽ đưa việc đánh giá định lượng tác động của Hiệp định EVFTA một cách toàn diện gắn với bối cảnh dịch bệnh Covid-19, dự báo các xu hướng phát triển kinh tế quốc tế… vào Kế hoạch thực thi EVFTA để triển khai với sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực để từ đó có những giải pháp đối phó phù hợp và kịp thời.      

Vấn đề liên quan đến Anh

Khi Hiệp định EVFTA được ký kết, Anh vẫn là thành viên của EU và được coi là thuộc bên tham gia ký kết cùng Việt Nam. Theo Thỏa thuận Brexit, Anh sẽ có “giai đoạn chuyển tiếp” trước khi chính thức rời khỏi EU.

Giai đoạn này bắt đầu từ ngày 01 tháng 02 năm 2020 đến hết 31 tháng 12 năm 2020 (và có thể gia hạn đến 24 tháng). Theo đó, nếu EVFTA có hiệu lực và được thực thi trong giai đoạn chuyển tiếp thì Anh vẫn được hưởng các cam kết Việt Nam dành cho EU trong khuôn khổ EVFTA và ngược lại.

Vừa qua, Phái đoàn EU và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương thông báo chính thức về hiệu lực và nội dung của Thỏa thuận này, đồng thời yêu cầu Việt Nam có xác nhận chính thức về việc vẫn áp dụng các thỏa thuận quốc tế giữa EU và Việt Nam (trong đó có Hiệp định EVFTA) đối với Anh như là một thành thành viên EU cho đến hết giai đoạn chuyển đổi trong trường hợp các thỏa thuận này có hiệu lực trong thời gian chuyển đổi.

Do vậy, kiến nghị Quốc hội khi phê chuẩn EVFTA thì cũng đồng ý áp dụng Hiệp định EVFTA đối với Anh (do Anh cũng là một bên tham gia ký kết EVFTA) cho tới hết giai đoạn chuyển đổi ngày 31 tháng 12 năm 2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng).

Đối với giai đoạn sau thời gian chuyển đổi, để tránh bị gián đoạn thương mại, các cơ quan có liên quan của Việt Nam và Anh đã và đang thảo luận về khả năng hai bên đàm phán và ký kết một hiệp định thương mại tự do trên cơ sở kế thừa Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp về kỹ thuật và cân bằng lợi ích cho cả hai bên để áp dụng thay thế cho Hiệp định EVFTA khi giai đoạn chuyển đổi kết thúc.

Các nước khác (ví dụ như Xinh-ga-po) cũng có cách làm tương tự. Tuy vậy, việc thảo luận này là “không chính thức” vì Anh mới chỉ có được thẩm quyền đàm phán các hiệp định kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2020 và thực tế vẫn chưa triển khai được chính thức do dịch Covid-19; và Hiệp định EVFTA vẫn chưa được Quốc hội thông qua để chính thức có hiệu lực.

Do vậy, dự kiến sau khi Quốc hội phê chuẩn EVFTA thì Việt Nam sẽ thảo luận “một cách chính thức” vấn đề đàm phán và ký kết một hiệp định song phương với Anh theo cách tiếp cận nêu trên.

Sửa đổi pháp luật để phù hợp với EVFTA

Bộ Tư pháp đã chủ trì việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở cấp trung ương đến thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2019. Việc rà soát có tham khảo và đối chiếu với kết quả rà soát Hiệp định CPTPP.

Theo đó, những quy định nào phải sửa đổi, bổ sung theo cam kết trong Hiệp định CPTPP thì sẽ không được nêu lại trong kết quả rà soát theo Hiệp định EVFTA. Ở cấp độ luật, tổng số văn bản được kiến nghị sửa đổi, bổ sung là 02 văn bản bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 và Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010, cụ thể như sau:

Đối với Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009: Do dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (bao gồm cả các nghĩa vụ theo cam kết trong Hiệp định CPTPP và EVFTA) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ hai năm 2021 của Quốc hội khóa XV nên kiến nghị áp dụng trực tiếp các nghĩa vụ của EVFTA trong thời gian kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua và chính thức có hiệu lực.

Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010: Hiện Chính phủ đang đề xuất trình Quốc hội xem xét Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ hai năm 2021 của Quốc hội khóa XV nên kiến nghị Quốc hội đồng ý đưa Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Dự án luật này bao gồm cả những sửa đổi để thực thi các cam kết trong Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Trong quá trình thẩm tra, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần xem xét sửa đổi cả Luật Dược và Luật Đấu thầu để bảo đảm hành lang pháp lý phù hợp và minh bạch với Hiệp định EVFTA.

Về vấn đề này, Chính phủ cũng đã rà soát kỹ lưỡng để kiến nghị phương án sửa đổi pháp luật cho phù hợp. Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, các gói thầu thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định chỉ mở cho các nhà thầu của EU.

Do vậy, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một nghị định hướng dẫn riêng với những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này thay vì phải sửa luật. Cách làm này cũng tương tự như Hiệp định CPTPP mà hiện Chính phủ đã và đang triển khai. 

Ngoài ra, có một số cam kết/nhóm cam kết đã đủ rõ, đủ chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp thông qua Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn EVFTA.

Các cam kết này liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tự do hóa đầu tư, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử, chứng nhận phù hợp với quy định của Hiệp định UNECE 1958 về chấp nhận các quy định kỹ thuật đối với ô tô, các vấn đề về hợp tác, giải quyết tranh chấp.

Danh mục áp dụng trực tiếp này đã được chi tiết hóa trong dự thảo Nghị quyết phê chuẩn EVFTA nhằm bảo đảm việc thực thi được thuận lợi và hiệu quả.            

Công tác chuẩn bị cho việc thực hiện EVFTA

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của cơ quan, địa phương mình nhằm kịp thời ban hành ngay tại thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.  

Bên cạnh đó, để bảo đảm có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thực thi Hiệp định, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương chủ động rà soát để có thể tiến hành ngay việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Chính phủ, bảo đảm các văn bản này được ban hành đúng thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ cũng sẽ xem xét việc ban hành theo thủ tục rút gọn đối với các văn bản này.

Phúc Thọ