Bùi Thị Tuyết – 28 năm sắt son với tình yêu gang thép

Trong bộ đồ đậm chất gang thép, khuôn miệng thật tươi, đôi mắt chị ánh lên tình yêu vô bờ khi kể về Nhà máy này, với biết bao kỷ niệm.

Đời cha ông với đời tôi

Nhân Tháng Công nhân, chúng tôi đến thăm Gang thép Thái Nguyên.

gang thép thái nguyên

Chị Bùi Thị Tuyết và 28 năm sắt son với tình yêu gang thép

 

Chị là một trong những người đi cùng chúng tôi hôm đó. Chị bảo, “chị yêu cái Nhà máy này, yêu Công ty này, yêu từng chậu hoa chị đã cùng các đồng nghiệp vun trồng chăm sóc, yêu từng người trong Nhà máy. Chị rất muốn có nhiều người đến đây, để chị được chia sẻ tình yêu của mình với họ, mong họ hiểu và có cái nhìn đúng về những người lao động ở nơi này, cùng chia sẻ khó khăn với Gang thép, mong một ngày Gang thép vượt qua sóng gió, lại hiên ngang vững chãi, là niềm tự hào của nền công nghiệp Thái Nguyên như thời hoàng kim của nó”.

Trong bộ đồ đậm chất gang thép, khuôn miệng thật tươi, đôi mắt chị ánh lên tình yêu vô bờ khi kể về Nhà máy này, với biết bao kỷ niệm. Bởi Gang thép không chỉ là gia đình của chị, nó còn là lịch sử của cha ông, là tương lai của con cháu chị sau này. Chị là Bùi Thị Tuyết – Công nhân Tổ hút gió, Phân xưởng thiêu kết, Nhà máy Luyện gang, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.

51 tuổi, chị Tuyết đã có thâm niên 28 năm công tác tại chỉ duy nhất Nhà máy Luyện gang. Bố chị là một trong những người tham gia đặt nền móng cho khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Khi còn chưa hoàn thành ước nguyện thì ông ngã bệnh rồi mất. Trước khi ra đi, ông chỉ kịp dặn dò các con sau này cố gắng nối nghiệp cha, xây dựng ngành gang thép phát triển. Vì vậy, tốt nghiệp Trường Công nhân kỹ thuật 3, chị Tuyết xin vào làm tại Nhà máy Luyện gang rồi gắn bó cho tới tận bây giờ.

Trải qua một vài vị trí, năm 2001, chị chuyển sang làm công nhân Phân xưởng thiêu kết, chuyên môn là vận hành quạt gió để phối liệu quặng. Công việc tuy vất vả, nhưng chị lúc nào cũng vui, cũng hạnh phúc vì việc làm ổn định, thu nhập khá, đủ để góp cùng chồng nuôi hai con ăn học trưởng thành. Cô con gái đầu lòng được chị truyền cho tình yêu với Gang thép từ khi còn nhỏ. Vì thế, tốt nghiệp cấp 3, em chọn học Cao đẳng cơ khí luyện kim, rồi quay trở về Nhà máy làm cùng với mẹ. Vào Nhà máy rồi, em tiếp tục đi học dược sĩ, và sau 2 năm làm nghề kỹ thuật điện, hiện em đã chuyển sang làm tại trạm y tế Nhà máy Luyện gang. Cô con gái đã chính thức đánh dấu truyền thống 3 đời làm Gang thép của gia đình chị, đúng như những gì mà bố chị trước khi mất đã mong ước.

Nói về con gái, chị Tuyết bồi hồi nhớ lại một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm công nhân của chị. Đó là năm 1992, khi mới vừa vào làm được 1 năm, trong một lần không cẩn thận, chị bị ngã từ trên cao 2 mét xuống đất. Trong giây phút sinh tử, chị đã nghĩ mình không còn cơ hội sống. Người ta chỉ nghe tiếng chị hét lên, đã thấy chị nằm bất động dưới sàn. Lúc đó, chị đang mang thai cô con gái đầu lòng được 1 tháng rưỡi. Mọi người lập tức đưa chị vào bệnh viện, bác sĩ yêu cầu chụp X-quang để kiểm soát chấn thương. Trong hơi thở yếu ớt, chị bảo bác sĩ cố gắng cứu con, cho con cơ hội sống và đây là đứa con đầu lòng, chị không muốn mất nó.

Để giữ con theo yêu cầu của chị, vị bác sĩ đành yêu cầu chị về nhà nằm bất động trong 3 tháng, nếu có vấn đề gì về thai thì đành phá thai để cứu mẹ. Chị bảo, “không hiểu sao, lúc đó trong chị luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng, mình yêu nơi này đến thế, mình yêu con mình đến thế, nhất định mẹ con mình sẽ không sao cả”. Và rồi, như một phép mầu, sau 3 ngày nằm bất động chị đã có thể tự ngồi dậy, chị lò dò bước được một bước, hôm sau thêm bước nữa, cứ thế chỉ sau 1 tuần, chị đã hồi phục và đi làm trở lại. Ngày sinh nở mẹ tròn con vuông, chị đã khóc vì hạnh phúc. Chị tin, phép mầu đấy là nhờ tâm huyết, tình yêu, và niềm tin với Gang thép. Chị tin vào một ngày mai tươi sáng của thương hiệu thép mạnh nhất Việt Nam này.

gang thép thái nguyên

Dù cho Công ty đang gặp nhiều khó khăn, nhưng người lao động vẫn tin vào một ngày mai tươi sáng của thương hiệu thép hàng đầu Việt Nam này

 

Yêu là vun vén

Với chị Tuyết, yêu là vun vén. Thế nên, dù làm ở vị trí nào, chị cũng cố gắng vun vén để công việc của mình được tốt nhất, những người đồng nghiệp của mình được hài lòng nhất và Nhà máy có lợi nhất. Trong vai trò của Trưởng Ban nữ công Phân xưởng, đội ngũ chiếm gần 50% lao động toàn Phân xưởng, chị Tuyết luôn nghĩ cách để gây quỹ cho chị em hoạt động. Như khi xây dựng mô hình Nhà máy công viên, thay vì thuê người, chị cùng các chị em trong Phân xưởng nhận việc trồng và chăm sóc vườn hoa, kinh phí chuyển cho Ban Nữ công quản lý. Hết giờ làm, chị em bảo nhau chăm bón, vườn hoa nở đẹp muôn sắc hương trong Nhà máy khiến ai cũng tự hào vì có công lao của mình trong đó. Ngay cả việc dọn dẹp lau chùi nhà vệ sinh, nhà tắm chị em cũng đảm nhiệm sạch sẽ gọn gàng, không cần thuê người. Toàn bộ kinh phí ấy Nhà máy chuyển cho Ban Nữ công của chị để làm quỹ hoạt động cho chị em. Vì thế, chị em luôn đoàn kết gắn bó, yêu thương nhau như người trong một gia đình.

Chị Tuyết tâm sự, đây đang là một giai đoạn rất khó khăn của Gang thép Thái Nguyên. Nhiều chị em vô cùng lo lắng, liệu Công ty Gang thép Thái Nguyên có thể vượt qua được giai đoạn này. Thế nhưng họ vẫn sẵn sàng chia sẻ với Nhà máy, với Công ty, no cùng no, đói cùng đói, sẵn sàng chấp nhận thu nhập giảm, miễn sao duy trì được sự sống của Công ty, mong đến một ngày mai tươi sáng.

Bởi tình yêu với Gang thép đã ngấm vào trong máu, chảy trong huyết quản của mỗi thành viên. Và vì thế, bây giờ họ sẵn sàng sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp, cùng với Gang thép vượt qua khó khăn.

Nga Hồ - Thủy Miny