Các bên giao kết hợp đồng tiêu dùng: So sánh giữa hệ thống luật của Pháp và Việt Nam

ThS. TĂNG THANH PHƯƠNG (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Hợp đồng tiêu dùng đã tồn tại từ những năm 1970 trong luật của Pháp và từ những năm 1990 trong luật của Việt Nam. Một trong các yếu tố cơ bản để xác định một hợp đồng tiêu dùng trong luật của Pháp và Việt Nam là xác định về chủ thể giao kết hợp đồng. Bài viết này sẽ giới thiệu các bên giao kết hợp đồng tiêu dùng của Pháp, sau đó, so sánh với các bên giao kết hợp đồng tiêu dùng của Việt Nam và đưa ra một số đề xuất cho luật Việt Nam theo kinh nghiệm từ luật của Pháp.

Từ khóa: Hợp đồng tiêu dùng, bên tiêu dùng, bên không chuyên nghiệp, bên chuyên nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Ở Pháp vẫn còn tồn tại quan điểm là không cần thiết có quy định riêng về hợp đồng tiêu dùng vì cho rằng các quy định về hợp đồng trong Luật Dân sự là đủ để điều chỉnh đối với cả hợp đồng tiêu dùng (vì loại hợp đồng tiêu dùng phổ biến là hợp đồng mua bán và cả hợp đồng dịch vụ đã được quy định trong Bộ luật Dân sự). Tuy nhiên, đa số vẫn khẳng định cần có Bộ luật Tiêu dùng (viết tắt BLTD) để điều chỉnh về hợp đồng tiêu dùng vì Luật Dân sự chủ yếu điều chỉnh đối với các bên giao kết hợp đồng có mối quan hệ bình đẳng, còn quan hệ hợp đồng giữa bên tiêu dùng và bên chuyên nghiệp là mối quan hệ không thể xem như là bình đẳng. Hợp đồng tiêu dùng xem như được giao kết giữa một bên được coi là yếu thế (người tiêu dùng hoặc bên không chuyên nghiệp) và một bên xem như ở thế mạnh hơn (bên chuyên nghiệp). Có thể nói, chủ thể giao kết hợp đồng là một yếu tố cơ bản để xác định hợp đồng đó có phải là hợp đồng tiêu dùng hay không. J. Julien [1] cũng cho rằng BLTD Pháp ít quan tâm đến bản chất hợp đồng mà chủ yếu quan tâm đến việc nhận dạng các bên giao kết hợp đồng tiêu dùng. Trước đó, BLTD cũ của Pháp (ở Điều L.132-1) định nghĩa hợp đồng tiêu dùng là “hợp đồng giao kết giữa bên chuyên nghiệp và bên tiêu dùng” nhưng khái niệm này đã loại bỏ khỏi BLTD Pháp từ khi có Nghị định số 2005-136 ngày 17/02/2005 [2] và chưa được ghi nhận lại trong BLTD mới nhất của Pháp (được cập nhật bằng các văn bản luật sửa đổi đến năm 2017) [3]. Thay vì định nghĩa hợp đồng tiêu dùng, nhà làm luật của Pháp chọn cách xác định chủ thể của hợp đồng tiêu dùng ngay từ Điều luật mở đầu của BLTD mới. Hợp đồng tiêu dùng gồm 2 bên: một bên là người tiêu dùng hoặc bên không chuyên nghiệp (gọi chung là bên tiêu dùng) và bên còn lại là bên chuyên nghiệp. Luật Bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam chọn cách tiếp cận tương tự: Luật điều chỉnh “hợp đồng giao kết với người tiêu dùng” nhưng chỉ xác định chủ thể giao kết hợp đồng mà không định nghĩa hợp đồng. Điều 1 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (viết tắt Luật BVQLNTD) đã xác định luật quy định về người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ... Tương tự như Pháp, xét ở góc độ sự hiểu biết về bản chất của hàng hóa, dịch vụ, về kỹ năng, kiến thức chuyên nghiệp và thông tin liên quan đến đối tượng hợp đồng… thì người tiêu dùng Việt Nam cũng được xem là bên ở vị thế yếu hơn so với so với bên cùng giao kết hợp đồng tiêu dùng là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Bài viết sẽ lần lượt phân tích khái niệm các bên giao kết hợp đồng tiêu dùng trong luật của Pháp, sau đó so sánh với khái niệm tương đồng trong luật Việt Nam và đề xuất một số kiến nghị cho khái niệm tương ứng trong luật Việt Nam trên cơ sở kinh nghiệm từ luật của Pháp.      

2. Bên tiêu dùng

BLTD của Pháp xác định đối tượng được bảo vệ là người tiêu dùng và bên không chuyên nghiệp. Hai đối tượng này được xem là bên giao kết hợp đồng ở vị thế yếu hơn trong hợp đồng tiêu dùng so với bên còn lại (bên chuyên nghiệp). Khác với luật của Pháp, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 của Việt Nam không đề cập đến khái niệm “bên không chuyên nghiệp” mà chỉ có khái niệm “người tiêu dùng”. Tuy nhiên, vấn đề cần được xem xét là nội hàm khái niệm “người tiêu dùng” của Việt Nam có bao gồm cả cá nhân (tương ứng với nội hàm khái niệm “người tiêu dùng” trong luật của Pháp) và cả pháp nhân (tương ứng với nội hàm khái niệm “bên không chuyên nghiệp” trong luật của Pháp) hay không.  

2.1. Người tiêu dùng (consommateur)

Điều luật mở đầu của BLTD Pháp định nghĩa: “Người tiêu dùng là bất kỳ cá nhân nào thực hiện các hoạt động cho các mục đích không thuộc về hoạt động thương mại, công nghiệp, thủ công, nghề tự do hoặc nông nghiệp của chính người đó”. Khái niệm người tiêu dùng này được định nghĩa trái ngược với khái niệm bên chuyên nghiệp (xem phần 2). Để được xem là người tiêu dùng thì một cá nhân phải đáp ứng các yêu cầu: giao kết hợp đồng vì mục đích tiêu dùng của cá nhân hoặc gia đình; hợp đồng đó phải không liên quan đến phạm vi hoạt động nghề nghiệp của bản thân. Người Pháp cho rằng một cá nhân được xem là người tiêu dùng khi thực hiện hành vi tiêu dùng: mua một vật, sử dụng một dịch vụ cho nhu cầu của cá nhân. Quan điểm của G. Cornu [4], được sự chấp nhận rộng rãi trong học thuyết pháp lý, đã phân tích: “Tất cả người tiêu dùng không phải chỉ là người mua, hoặc ít ra không đơn thuần chỉ là người mua, vì họ được thụ hưởng một dịch vụ bổ sung mà đôi khi tạo điều kiện để họ có được hàng hóa (cho vay để mua hàng), hoặc bởi vì dịch vụ được cung cấp (sử dụng hàng hóa) có trước khi mua hàng hóa (hợp đồng thuê mua, hợp đồng thuê có quyền mua, hợp đồng thuê dài hạn) hoặc thậm chí đối tượng chính của hợp đồng là dịch vụ được cung cấp (bảo hiểm, giáo dục, quảng cáo, du lịch, tư vấn,...)”.

BLTD Pháp không đặt ra giới hạn về năng lực chủ thể của người tiêu dùng. Điều L. 121-1 của BLTD về đánh giá hành vi gian lận thương mại có đề cập đến “nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương do sự bất lực về tinh thần hoặc thể chất, tuổi tác”. Điều luật này cũng đề cập đến năng lực phân biệt trung bình của người tiêu dùng. Năng lực “người tiêu dùng trung bình” có thể giải thích theo một quyết định ngày 22/01/2014 của Tòa án Pháp: Bất kể người tiêu dùng có kiến thức như thế nào trong lĩnh vực đang được xem xét, cần phải biết rằng đánh giá năng lực người tiêu dùng trung bình phải dựa trên yếu tố họ có thể bị lừa dối từ hành vi thương mại hay không. Nhìn chung, án lệ Pháp không xem xét năng lực của một người tiêu dùng trung bình theo năng lực chủ thể mà là đánh giá tùy theo hợp đồng bị tranh chấp. Dĩ nhiên, ở góc độ giao kết hợp đồng, trước hết để hợp đồng tiêu dùng được thừa nhận có hiệu lực thì người tiêu dùng phải có năng lực giao kết hợp đồng đó theo quy định chung trong Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, từ năm 2001, Hội đồng tư vấn Nhà nước (Conseil d’Etat) trong một phán quyết về hợp đồng được giao kết giữa một pháp nhân công (Công ty nước phía Bắc trong hợp đồng cung cấp nước) với người sử dụng dịch vụ đã áp dụng quy định của BLTD về điều khoản lạm dụng nên người sử dụng dịch vụ công cũng được xem là người tiêu dùng trong đối với hợp đồng cung cấp các dịch vụ công mang tính chất công nghiệp hoặc thương mại (Theo Conseil d’Etat, Société des eaux du Nord, no 221458).

2.2. Bên không chuyên nghiệp (non-professionnel)

Như đã đề cập ở trên, luật của Pháp xem bên tiêu dùng gồm: người tiêu dùng - cá nhân giao kết hợp đồng vì mục đích tiêu dùng và bên không chuyên nghiệp - pháp nhân giao kết hợp đồng vì mục đích tiêu dùng. Điều luật mở đầu của BLTD Pháp định nghĩa “Bên không chuyên nghiệp: bất kỳ pháp nhân nào thực hiện các hoạt động không phải cho mục đích nghề nghiệp”. Thuật ngữ “Bên không chuyên nghiệp” không được ghi nhận trong luật của Cộng đồng châu Âu nhưng được sử dụng trong BLTD của Pháp ở một số quy định về hành vi gian lận thương mại (Điều L. 121-5), các điều khoản lạm dụng (Điều 212-2), giải thích và xác lập thỏa thuận (Điều L. 211-4)… Trong thực tiễn, Tòa  án của Pháp đã áp dụng khái niệm người không chuyên nghiệp cho một nghiệp đoàn đồng sở hữu một tòa nhà (Bản án Cass. 1er civ., 23/06/2011, no 10-30645). Nghiệp đoàn này không phải là một công ty thương mại và cũng không hoạt động kinh tế độc lập mà chỉ hoạt động nhằm bảo tồn tòa nhà và quản lý phần sở hữu chung. Như vậy, bên không chuyên nghiệp là bất kỳ pháp nhân nào thực hiện các hoạt động không liên quan đến mục đích nghề nghiệp (như thương mại, thủ công, nghề tự do, nông nghiệp) và cũng được luật tiêu dùng bảo vệ tương tự như việc bảo vệ người tiêu dùng là cá nhân.

  • So sánh với luật Việt Nam:

Khoản 1 Điều 3 Luật BVQLNTD Việt Nam định nghĩa: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Định nghĩa này cho thấy khái niệm này có sự tương đồng với khái niệm người tiêu dùng trong luật của Pháp: người tiêu dùng là người giao kết hợp đồng mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, không phải là mục đích liên quan đến hoạt động nghề nghiệp. Tương tự luật của Pháp, người tiêu dùng Việt Nam được xem là bên ở vị thế yếu hơn so với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ qua các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng (Điều 12), giải thích hợp đồng tiêu dùng (Điều 15), điều khoản được xem là không có hiệu lực trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng (Điều 16), kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (Điều 19)…

Mặc dù luật Việt Nam không có khái niệm “bên không chuyên nghiệp” nhưng vẫn chấp nhận người tiêu dùng có thể là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của tổ chức. Nếu xem pháp nhân là chủ thể độc lập của quan hệ pháp luật (theo Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015) thì ngoài người tiêu dùng là cá nhân cần phải thừa nhận người tiêu dùng có thể là pháp nhân nếu pháp nhân đó giao kết hợp đồng mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của chính mình. Ví dụ, Công ty kinh doanh mỹ phẩm A giao kết với Công ty xây dựng B một hợp đồng lắp đặt hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời cho văn phòng Công ty thì Công ty A được xem là người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng đó. Cơ quan nhà nước X giao kết hợp đồng mua bánh kẹo của doanh nghiệp thương mại Y làm phúc lợi cho nhân viên cơ quan trong dịp Tết thì phải xem cơ quan X là người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề không được rõ ràng là cách Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) sử dụng từ “người” trong định nghĩa: “người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ”. Từ đó, có một số ý kiến cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam chỉ là cá nhân, không phải là pháp nhân. Để tránh nhầm lẫn, khái niệm này nên được điều chỉnh như sau: “Người tiêu dùng là cá nhân, pháp nhân mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Việc xác định người tiêu dùng có thể là cá nhân hoặc pháp nhân cũng làm khái niệm này tương thích với cách hiểu về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự hiện nay.            

3. Bên chuyên nghiệp (professionnel)

Đối lập với bên tiêu dùng, bên còn lại trong hợp đồng tiêu dùng được người Pháp gọi là “bên chuyên nghiệp”. Điều luật mở đầu BLTD Pháp định nghĩa “Bên chuyên nghiệp: bất kỳ cá nhân hoặc pháp nhân công hay tư thực hiện các hoạt động cho các mục đích thuộc phạm vi hoạt động thương mại, công nghiệp, nghề tự do hoặc nông nghiệp, kể cả khi thực hiện hoạt động nhân danh hoặc dưới danh nghĩa một bên chuyên nghiệp khác”. Có thể xác định: bên chuyên nghiệp trong luật của Pháp là các cá nhân hoặc pháp nhân giao kết hợp đồng hoặc thực hiện các hoạt động theo mục đích nghề nghiệp hoặc trong khuôn khổ của một hoạt động kinh tế độc lập không được trả lương nhưng được nhận thù lao. Các hoạt động nghề nghiệp này cung cấp cho bên chuyên nghiệp những kỹ năng và kiến thức có thể giúp họ kiếm lợi từ khách hàng. Ví dụ, Công ty viễn thông C giao kết hợp đồng thuê bao internet với người tiêu dùng D để lắp đặt đường truyền internet cho căn hộ người đó thì Công ty C là bên chuyên nghiệp. Luật sư E giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý tư vấn pháp luật cho khách hàng F thì Luật sư E được xem là bên chuyên nghiệp…

Định nghĩa về bên chuyên nghiệp trong luật của Pháp cho thấy trong một số trường hợp, bên chuyên nghiệp có thể là một chủ thể do luật công điều chỉnh ví dụ như trường hợp Công ty nước phía Bắc. Hội đồng tư vấn Nhà nước đã xem một điều khoản trong hợp đồng cung cấp nước của Công ty này (là một pháp nhân công) soạn thảo là điều khoản lạm dụng theo luật tiêu dùng trong Quyết định năm 2001. Trong thực tiễn, không phải chủ thể nào cung cấp dịch vụ công thì đều được xem là bên chuyên nghiệp và chịu sự điều chỉnh của Luật Tiêu dùng. Để được xem là bên chuyên nghiệp, dịch vụ công mà chủ thể đó cung cấp phải mang tính chất thương mại hay công nghiệp (như dịch vụ cung cấp nước hoặc dịch vụ vệ sinh công cộng…). Đối với các tranh chấp từ hợp đồng sử dụng dịch vụ công ngoài tính chất thương mại hay công nghiệp thì được giải quyết theo quy định của Luật Hành chính.

Về mặt học thuyết pháp lý, người Pháp đề cập đến đặc trưng tinh thông (hay hiểu rõ) và quen thuộc đối với hoạt động nghề nghiệp nhằm xác định một bên giao kết hợp đồng có phải là bên chuyên nghiệp hay không. Theo J. Calais- Auloy [5]: “Bên chuyên nghiệp là cá nhân hoặc pháp nhân, công hoặc tư, thực hiện các hoạt động vì các mục đích trong phạm vi nghề nghiệp, có thể là thương mại, công nghiệp, thủ công, nghề tự do hoặc các nghề khác. Hoạt động đó có đặc trưng quen thuộc và được tổ chức trong phạm vi thuộc về thế mạnh nghề nghiệp: nghĩa là, bên chuyên nghiệp khi thực hiện hoạt động này, có nhiều thông tin và tinh thông hơn người tiêu dùng”. Để được xem là bên chuyên nghiệp, cá nhân hoặc pháp nhân phải là bên tinh thông về hoạt động nghề nghiệp mà họ giao kết hợp đồng với người tiêu dùng; nghĩa là, bên chuyên nghiệp phải có kiến thức và kỹ năng phù hợp phạm vi hoạt động nghề nghiệp. Ví dụ, bên chuyên nghiệp được cho là phải nắm vững về thành phần và chất lượng của sản phẩm mà họ cung cấp, cũng như phải biết điều luật quy định đối với loại sản phẩm đó. Nếu người tiêu dùng cho rằng bên chuyên nghiệp gian dối về chất lượng sản phẩm, việc bên chuyên nghiệp có bị quy trách nhiệm về hành vi lừa dối hay không phải dựa trên nền tảng kiến thức mà họ xem như buộc phải biết về sản phẩm họ cung cấp. Về đặc trưng quen thuộc, học thuyết pháp lý cho là hoạt động của bên chuyên nghiệp phải được thực hiện thường xuyên, nhiều lần. Đặc trưng quen thuộc về hoạt động nghề nghiệp có nguồn gốc từ luật của cộng đồng châu Âu. Dựa trên đặc trưng này, một cá nhân giao kết hợp đồng có được đánh giá là bên chuyên nghiệp hay không sẽ do thẩm phán giải quyết vụ tranh chấp có liên quan xác định. Ví dụ tranh chấp trong một hợp đồng mua bán xe đã qua sử dụng mà bên bán là người thường xuyên mua đi bán lại các xe cũ, dù không đăng ký kinh doanh, nhưng Tòa án vẫn xác định là bên chuyên nghiệp.

Cuối cùng, đối với yêu cầu bên chuyên nghiệp là bên thực hiện các hoạt động phù hợp với các mục đích thuộc phạm vi hoạt động nghề nghiệp, Tòa dân sự thứ nhất của Tòa phá án xác định yếu tố lợi nhuận được xem như là mục đích thuộc phạm vi nghề nghiệp của các công ty thương mại. Ví dụ, một tiệm bánh mì mua một máy đọc thẻ ngân hàng để nhận tiền khách hàng trả cũng được xem là phù hợp với mục đích thuộc phạm vi nghề nghiệp. Như vậy, với định nghĩa mới về bên chuyên nghiệp trong BLTD của Pháp, tiêu chí “thực hiện các hoạt động cho các mục đích thuộc phạm vi hoạt động thương mại, công nghiệp, nghề tự do hoặc nông nghiệp…” xem như được mở rộng hơn.

  • So sánh với luật Việt Nam:

Luật Việt Nam không sử dụng thuật ngữ “bên chuyên nghiệp” để chỉ bên ở vị thế mạnh hơn trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng mà gọi tên chủ thể này là “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”. Khoản 2 Điều 3 Luật BVQLNTD định nghĩa: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: a) Thương nhân theo quy định của Luật thương mại; b) Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh”. Xem xét định nghĩa trên và các điều luật khác điều chỉnh đối với chủ thể này trong Luật BVQLNTD, xét ở góc độ khách thể, có thể thấy khái niệm “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ” có tương thích với khái niệm “bên chuyên nghiệp” trong luật của Pháp ở nội dung: hoạt động kinh doanh, thương mại nhằm mục đích đem lại lợi nhuận, sự hiểu biết về hàng hóa, dịch vụ cung cấp và hoạt động kinh doanh, thương mại mang tính thường xuyên. Tuy nhiên, xét ở góc độ chủ thể, khái niệm này hẹp hơn so với luật của Pháp: “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ” chỉ là pháp nhân thương mại hoặc cá nhân hoạt động thương mại trong khi ở Việt Nam còn sự tồn tại rất nhiều pháp nhân phi thương mại thường xuyên giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ cho cá nhân, pháp nhân theo yêu cầu như là các đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp xã hội. Theo nội hàm khái niệm “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”, trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp xã hội cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì hợp đồng đó không thể xem là hợp đồng giao kết với người tiêu dùng và do đó, không thể được điều chỉnh bởi Luật BVQLNTD. Trong thực tiễn, chắc chắn các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp xã hội trong nhiều trường hợp sẽ ở vị thế có quyền lực hơn so với người tiêu dùng, nhất là sự hiểu biết về chuyên môn đối với dịch vụ mà họ cung cấp. Do đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng nên xem các hợp đồng dịch vụ do một số đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp xã hội cung cấp có tính chất như hợp đồng giao kết với người tiêu dùng. Ví dụ, trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập như Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin về đất đai cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu; bệnh viện công cung cấp các dịch vụ y tế cho bệnh nhân… thì các chủ thể này đều thực hiện các hợp đồng dịch vụ theo hoạt động nghề nghiệp chuyên môn một cách thường xuyên nhưng khách hàng của họ lại không được bảo vệ theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Đôi khi không xem đơn vị sự nghiệp công lập là một bên trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng sẽ đem lại một sự bất hợp lý như trường hợp dịch vụ công chứng: Phòng Công chứng và Văn phòng công chứng đều cung cấp các dịch vụ công chứng cho khách hàng nhưng Phòng Công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập trong khi Văn phòng Công chứng là công ty hợp doanh (Điều 19 và Điều 22 Luật Công chứng năm 2014); vậy, khách hàng giao kết hợp đồng dịch vụ công chứng với Văn phòng Công chứng thì được bảo vệ theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, trong khi nếu chính người đó giao kết hợp đồng tương tự với Phòng Công chứng thì không được bảo vệ theo luật này? Vì các lý do trên, kinh nghiệm trong luật của Pháp đáng được xem xét nhằm tiến đến việc mở rộng khái niệm về “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ” trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng ở Việt Nam. Khái niệm “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ” nên sửa đổi như sau: “Tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ là: a) tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: thương nhân theo quy định của Luật thương mại và cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; b) đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp xã hội cung ứng dịch vụ có thu phí”. Việc bổ sung thêm đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp xã hội vào nhóm bên mạnh thế hơn trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của một nhóm khách hàng giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ với các tổ chức này chỉ nhằm mục đích phục vụ cho sinh hoạt. Nhóm khách hàng này thường chiếm đa số so với các nhóm khách hàng khác và cũng là đối tượng phục vụ mà đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp xã hội hướng tới.

4. Kết luận

Nhìn chung, BLTD mới của Pháp cho thấy người Pháp đã đánh giá cao tầm quan trọng của việc xác định các chủ thể giao kết hợp đồng tiêu dùng. Nói cách khác, một hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong luật của Pháp được xác định có phải là hợp đồng tiêu dùng hay không và có được điều chỉnh bằng các quy định của Luật Tiêu dùng hay không là dựa vào việc xác định đặc tính của các bên giao kết hợp đồng đó. Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam dù cơ bản đã xác định được đa số các đối tượng thuộc nhóm các chủ thể giao kết hợp đồng tiêu dùng nhưng vẫn còn bỏ sót một số đối tượng (như đã nêu trên); do đó, người làm luật Việt Nam có thể tham khảo thêm kinh nghiệm của Pháp để xác định đầy đủ hơn về các chủ thể trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng và hoàn thiện hơn về nội hàm khái niệm “người tiêu dùng” và “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”. Các đề xuất sửa đổi về khái niệm “người tiêu dùng”, “tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ” được đưa ra trong phần nội dung bài viết này, hướng đến mục tiêu góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. J. Julien, Luật Tiêu dùng, NXB. LGDJ, 2017.
  2. G. Raymond, Luật Tiêu dùng, NXB. LexisNexis, 2017.
  3. Code de la consommation, https://www.legifrance.gouv.fr/
  4. G. Cornu, Bảo vệ người tiêu dùng và việc thực hiện hợp đồng trong luật của Pháp, Các công trình của Hiệp hội H. Capitant, NXB. Dalloz, 1975.
  5. J. Calais- Auloy và H. Temple, Luật Tiêu dùng, NXB. Dalloz, 2010.

PARTIES IN THE CONSUMER CONTRACT: COMPARING FRENCH AND VIETNAMESE LEGAL SYSTEMS

LLM. TANG THANH PHUONG

Lecturer of School of Law, Can Tho University

ABSTRACT:

Consumer contracts have appeared in French law since the 1970s and in Vietnamese law since the 1990s. One of the basic elements to identify a consumer contract in both legal systems is to determine parties who take part in the contract. This article introduces the definition of parties in consumer contracts according to the French legal system, then compares this definition to Vietnamese laws, thereby giving some suggestions for Vietnamese laws on this issue based on French laws.

Keywords: Consumer contract, consumer, non-professional, professional.