Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định phê duyệt tín dụng ngân hàng: Nghiên cứu trường hợp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thành phố Hồ Chí Minh

TĂNG TRÍ HÙNG (Khoa Kế toán - Trường Đại học Tôn Đức Thắng) và ĐẶNG THẾ HIỂN (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Sài Gòn 2)

TÓM TẮT:

Tín dụng ngân hàng là một trong những nguồn huy động vốn được các doanh nghiệp (DN) rất chú trọng và lựa chọn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khu vực TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố: Lợi nhuận sau thuế của DN; Tài sản đảm bảo của DN; Trình độ học vấn của người đứng đầu DN; và Mối quan hệ của cá nhân người đứng đầu DN với ngân hàng có tác động đến quyết định phê duyệt tín dụng của ngân hàng đối với các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Tín dụng ngân hàng, phê duyệt tín dụng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Giới thiệu

Hiện nay, các DNNVV chiếm hơn 90% tổng số DN trong nền kinh tế đã, đang và tiếp tục có những bước tiến, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Theo số liệu công bố năm 2016 của Chính phủ, các DNNVV đóng góp trên 40% GDP cả nước, thu hút trên 50% số lượng lao động và chiếm 17,26% tổng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Như vậy, sự ổn định và phát triển của loại hình DN này sẽ ảnh hưởng, quyết định trực tiếp và gián tiếp đến sự ổn định, phát triển chung của cả nước.

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất và sầm uất nhất của Việt Nam. Do vậy, trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng, các DNNVV trên địa bàn rất cần vốn để bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh, hoặc/và đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, tài sản cố định nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều tổ chức tín dụng và các định chế tài chính trung gian tập trung đông đảo trên địa bàn, các DNNVV gặp rất nhiều hạn chế, khó khăn khi tiếp cận các gói tín dụng của ngân hàng.

Vì vậy, nghiên cứu về các nhân tố tác động đến quyết định phê duyệt tín dụng của ngân hàng dành cho DNNVV TP. Hồ Chí Minh là vô cùng cần thiết ở giai đoạn hiện nay.

2. Lý thuyết nền nghiên cứu

2.1. Khái niệm về tín dụng ngân hàng

Tín dụng ngân hàng là quan hệ tín dụng bằng tiền giữa một bên là ngân hàng với một bên là khách hàng. Tín dụng ngân hàng là quan hệ tín dụng bằng tiền giữa bên cho vay (ngân hàng và các định chế tài chính) và bên đi vay (cá nhân, doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế khác), trong đó bên cho vay ứng trước vốn bằng tiền cho bên đi vay sử dụng trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận, bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả gốc và lãi cho bên cho vay khi đến hạn thanh toán.

2.2.  Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định phê duyệt tín dụng ngân hàng

Nhiều nghiên cứu cho thấy có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến quyết định phê duyệt tín dụng ngân hàng đối với các DN, trong đó bao gồm các DNNVV, như: Trình độ học vấn; Năng lực quản lý; Giới tính và Tình trạng hôn nhân của người đứng đầu DN; Quy mô hoạt động (mạng lưới) của DN; và Số năm hoạt động của DN (Chinonso và Zhen, 2016).

Bên cạnh đó, vấn đề lãi suất cho vay; mối quan hệ giữa ngân hàng và chủ DN; tài sản đảm bảo cho khoản vay cũng là các nhân tố được các ngân hàng quan tâm khi xét duyệt tín dụng (Wahab và Abdesamed, 2012). Thậm chí, nhân tố kinh nghiệm và tuổi của người đứng đầu DBN số lượng lao động tại DN cũng có tác động đến quyết định phê duyệt tín dụng của các ngân hàng (Gana, 2013).

Đồng thời, việc xét duyệt tín dụng còn phụ thuộc vào sự đánh giá của nhân viên tín dụng của các ngân hàng thông qua các nhân tố như vị trí địa lý nơi DN có trụ sở kinh doanh; tính pháp lý của DN; loại hình DN (sản xuất, thương mại, hoặc khác); vốn kinh doanh và doanh thu thuần (El-Said và cộng sự, 2013); cũng như lịch sử giao dịch (Kira, 2013)

Nhìn chung, việc cấp tín dụng từ ngân hàng dành cho các DNNVV hiện nay phụ thuộc vào chính sách cấp tín dụng và sự linh hoạt trong việc ra quyết định cấp tín dụng của ban lãnh đạo từng ngân hàng. Đã có rất nhiều nghiên cứu về đề tài này và kết quả cũng đã chỉ ra rằng có rất nhiều nhân tố tác động, các nhân tố được cho là có ý nghĩa tập trung nhiều nhất là: Trình độ học vấn, Tài sản đảm bảo, Số lượng lao động, Số năm hoạt động của DN… có ảnh hưởng đến quyết định phê duyệt tín dụng của ngân hàng.

3. Phương pháp nghiên cứu

Dựa vào các nghiên cứu của tác giả El-Said và cộng sự (2013); Kira (2013); Musamali và Tarus (2013); Kimutai và Ambrose (2013) cùng với sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế tình hình tiếp cận tín dụng của các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh, các tác giả đề xuất nghiên cứu 8 nhân tố có tác động đến quyết định phê duyệt tín dụng ngân hàng bao gồm: Doanh thu thuần; Lợi nhuận sau thuế; Số năm hoạt động của DN; Tài sản đảm bảo; Trình độ học vấn của người đứng đầu DN; Lịch sử quan hệ tín dụng; Số lượng lao động; Mối quan hệ của cá nhân người đứng đầu DN với ngân hàng. Và phương trình toán học như sau:

LnLoanit = β0 + β1Saleit + β2Profit + β3Ageit + β4Collit + β5Eduit + β6Hisit +  β7Laborit + β8Relait + uit

Trong đó: Loan là khả năng tiếp cận được tín dụng ngân hàng của DNNVV i tại thời điểm t; Sale là doanh thu thuần của DNNVV i tại thời điểm t; Prof là lợi nhuận sau thuế của DNNVV i tại thời điểm t; Age là số năm hoạt động của DNNVV i tại thời điểm t, Coll là tài sản đảm bảo của DNNVV i tại thời điểm t; Edu là trình độ học vấn của người đứng đầu DNNVV i tại thời điểm t; His là lịch sử quan hệ tín dụng của DNNVV i tại thời điểm t; Labor là số lượng lao động của DNNVV i tại thời điểm t; Rela la mối quan hệ của người đứng đầu DN i và ngân hàng ở thời điểm t.

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập dựa từ báo cáo tài chính năm, phương án kinh doanh của 101 DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2012 - 2016 và các giấy tờ khác (như bằng cấp của người đứng đầu DNCMND/hộ chiếu/thẻ căn cước công dân của người đứng đầu DN…) khi nộp hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng, các thông tin này được lưu trữ trên phần mềm chấm điểm phân loại xếp hạng tín dụng nội bộ của các ngân hàng.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Với dữ liệu từ 101 DNNVV trong 5 năm từ 2012 - 2016, tổng quan sát trong dữ liệu của tác giả thu được là 505.

Số liệu Bảng 1 cho thấy biến SALE có giá trị lớn nhất là 5,447 tỷ đồng và nhỏ nhất là 2 tỷ đồng; biến PROF có giá trị lớn nhất là 135.3 tỷ đồng và nhỏ nhất là âm (-) 293 tỷ đồng;  biến AGE cho thấy số năm lâu nhất là 28 năm và mới thành lập là 1 năm; biến COLL có giá trị trung bình 0.76 cho thấy các DNNVV khi vay vốn thường sử dụng tài sản bảo đảm; nhân tố EDU có giá trị trung bình là 0.79 thể hiện số người đứng đầu có trình độ học vấn từ đại học trở lên khá cao; biến HIS có giá trị trung bình 0.93 cho thấy các DNNVV có uy tín thanh toán tốt; nhân tố LABOR cho thấy DN có lao động nhiều nhất là 200 người và ít nhất là 10 người. Như vậy, kết quả đã phản ánh được đặc điểm liên quan đến các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định phê duyệt tín dụng dành cho DNNVV TP. Hồ Chí Minh.

Căn cứ vào kết quả từ Bảng 2 cho thấy các biến độc lập đều có mối tương quan với biến phụ thuộc (LOAN). Biến phụ thuộc LOAN tương quan dương với các biến độc lập SALE, PROF, AGE, COLL, EDU, HIS, LABOR, RELA. Cặp biến có hệ số tương quan lớn nhất là LOAN và RELA (hệ số tương quan là 0.4438); tiếp đến là LOAN và EDU (hệ số tương quan là 0.4014); cặp biến có hệ số tương quan thấp nhất (gần như không có mối quan hệ tuyến tính giữa các biến): COLL và EDU (hệ số tương quan là 0.0030).

Từ kết quả hồi quy trong Bảng 3, có 4 biến độc lập gồm: PROF, COLL, EDU và RELA có tác động cùng chiều đến quyết định phê duyệt LOAN. Trong khi đó, 4 biến độc lập: SALE, AGE, HIS và LABOR không có ảnh hưởng đến quyết định phê duyệt tín dụng của các ngân hàng dành cho các DNNVV TP. Hồ Chí Minh. Nguyên nhân có thể là do đối tượng này có quy mô nhỏ và vừa có số lượng lao động không đáng kể, cũng như doanh thu hàng năm là không quá lớn. Đồng thời, giá trị của các khoản vay không nhiều cùng với thời gian vay không quá lâu, nên các ngân hàng có thể không quan tâm nhiều đến lịch sử tín dụng của các đơn vị.

Đồng thời, hệ số R2 = 0.5158, điều này cho thấy, mô hình quy tuyến tính mà các tác giả đã xây dựng với các biến độc lập chỉ giải thích được 51,58% sự biến thiên của biến phụ thuộc, còn lại 48,42%  là do các nhân tố khác không có trong mô hình.

Qua kết quả hồi quy, phương trình hồi quy nghiên cứu đạt được như sau:

Ln(Pi/(1-Pi))Loan = -0.0043206 + 1.204822*PROF + 3.375646*COLL + 8.682131*EDU + 7.603248*RELA

5. Kết luận

Với mục tiêu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định phê duyệt tín dụng của các ngân hàng dành cho các DNNVV TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 - 2016, kết quả nghiên cứu cho thấy có 4 nhân tố, gồm: Lợi nhuận sau thuế; Tài sản đảm bảo; Trình độ học vấn của người đứng đầu DN và mối quan hệ của cá nhân người đứng đầu DN với ngân hàng có tác động cùng chiều đến quyết định phê duyệt tín dụng và 4 nhân tố, gồm: Doanh thu thuần; Số năm hoạt động; Lịch sử quan hệ tín dụng; và Số lượng lao động không có tác động đến quyết định phê duyệt tín dụng của các ngân hàng dành cho các DNNVV TP. Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, tác giả đề xuất một số kiến nghị dành cho DN như sau:

Thứ nhất, áp dụng các chính sách kế toán, ước tính kế toán phù hợp cho việc hạch toán lợi nhuận kế toán, kết hợp với việc xây dựng các chiến lược kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tổ chức kiểm soát nội bộ tốt để đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng bền vững qua từng năm.

Thứ hai, tăng cường sử dụng các khoản cho vay tín chấp bằng cách thế chấp các khoản phải thu, một dạng tín chấp bằng dòng tiền, doanh thu của DNNVV thông qua tài khoản thanh toán của DN mở tại ngân hàng cấp tín dụng bên cạnh sử dụng hình thức vay bằng tài sản đảm bảo.

Thứ ba, ban điều hành DN cần chủ động tích cực tham gia các lớp đào tạo, khóa tập huấn ngành nghề do các chuyên gia trong ngành chia sẻ; tham gia các tổ chức, hiệp hội liên quan để học tập thêm kinh nghiệm, qua đó gây dựng lòng tin với ngân hàng về khả năng nhận định và nắm bắt cơ hội kinh doanh nhằm tạo ra tăng trưởng lợi nhuận và đảm bảo khả năng thanh toán cho ngân hàng.

Thứ tư, ban điều hành DN cần chuyển phần lớn hoặc toàn bộ hoạt động thanh toán của DN cũng như cá nhân qua ngân hàng, cũng như tăng cường sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính của ngân hàng để xây dựng mối quan hệ bền vững giữa DN và ngân hàng.

Nhìn chung, bên cạnh kết quả đạt được, hạn chế của nghiên cứu về quy mô cỡmẫu và mức độ giải thích của mô hình còn thấp do có những nhân tố khác chưa được khám phá cần được tiếp tục nghiên cứu và khắc phục ở các nghiên cứu tiếp theo ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chinonso, K. O., & Zhen, T. (2016). The influence of entrepreneurial characteristics on small and medium-sized enterprise accessibility to debt finance in Nigeria.International Journal of Managerial Studies and Research,4(10), 83 - 92.

2. El-Said, H., Al-Said, M., & Zaki, C. (2013, May). What determines the access to finance of SMEs? Evidence from the Egyptian case. InThe Economic Research Forum (ERF).

3. Gana, M. R., & Ayari, R. S. (2013). Social interactions and access to credit: The case of Tunisian SMEs.Journal of Business Studies Quarterly,4(4), 153.

4. Kimutai, C. J., & Ambrose, J. (2013). Factors influencing credit rationing by commercial banks in Kenya.International Journal of Humanities and Social Science,3(20), 244 - 252.

5. Kira A. R. (2013). The Evaluation of the Factors Influence the Access to Debt Financing by Tanzanian SMEs. European Journal of Business and Management, Vol.5, No.7.

5. Musamali, M. M., & Tarus, D. K. (2013). Does firm profile influence financial access among small and medium enterprises in Kenya?.Asian Economic and Financial Review,3(6), 714.

6. Wahab, K. A., & Abdesamed, K. H. (2012, December). Small and Medium Enterprises (SMEs) Financing Practice and Accessing Bank Loan Issues-The Case of Libya. InProceedings of World Academy of Science, Engineering and Technology(No. 72, p. 1535). World Academy of Science, Engineering and Technology (WASET).

FACTORS THAT IMPACT ON CREDIT APPROVAL DECISIONS OF THE BANK: CASE STUDY OF SMES IN HO CHI MINH CITY

● TANG TRI HUNG

Faculty of Accounting, Ton Duc Thang University

● DANG THE HIEN

Joint Stock Commercial Bank

for Investmetn and Development of Vietnam - Saigon Branch II

ABSTRACT:

For enterprises, especially small and medium-sized enterprises (SMEs) in Ho Chi Minh City, bank credit is one of their most favourable financial sources. This study shows that there are four factors that impact on credit approval decisions of the bank for SMEs in Ho Chi Minh City. These factors include net income; collateral; educational level of the leader and relationship between the leader and the bank.

Keywords: Bank credit, credit approval decision, small and medium-sized enterprises, Ho Chi Minh City.