Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn Trường Đại học Nguyễn Tất Thành của sinh viên khối ngành Sức khỏe

TS. PHẠM NGỌC DƯỠNG (Giảng viên Trường Đại học Tài chính - Marketing), NGUYỄN VŨ HẢO (Học viên Cao học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn Trường Đại học Nguyễn Tất Thành của sinh viên khối ngành Sức khỏe. Nghiên cứu được thực hiện kết hợp giữa phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, với số liệu khảo sát từ 306 sinh viên khối ngành Sức khỏe đang theo học tại Trường. Kết quả cho thấy có 6 yếu tố ảnh hưởng quyết định chọn trường, bao gồm: Phương thức xét tuyển đầu vào (DV), Chính sách học phí (HP), Cơ sở vật chất (CS), Hoạt động tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh (TV), Chính sách học bổng (HB) và Đội ngũ giảng viên (GV). Từ đó, tác giả đề xuất giải pháp rút ra từ kết quả nghiên cứu đặt cơ sở cho việc hoạch định chính sách tuyển sinh nhằm thu hút học sinh quyết định chọn học khối ngành Sức khỏe tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho các năm tiếp theo.

Từ khóa: quyết định, sinh viên, khối ngành Sức khỏe, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

1. Đặt vấn đề

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành lại là một trong số ít trường ngoài công lập tại khu vực phía Nam tiên phong trong công tác đào tạo khối ngành Sức khỏe với các chuyên ngành như Y khoa, Y học dự phòng, Dược, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm, Vật lý Y khoa và Kỹ thuật Y sinh. Trong những năm qua khi các Trường Đại học ngoài công lập khác cũng được phép đào tạo khối ngành sức khỏe này thì sự cạnh tranh trong thu hút người học càng trở lên gay gắt. Chính từ những thực tế đó, nhóm tác giả tìm hiểu  “Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn Trường Đại học Nguyễn Tất Thành của sinh viên khối ngành Sức khỏe” để đề xuất một số giải pháp giúp cho công tác tuyển sinh khối ngành sức khỏe của Trường trong những năm tới gặt hái được nhiều thuận lợi hơn.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Dựa trên lý thuyết hành động hợp lý (TRA), thuyết hành vi hoạch định (TPB), tổng hợp kết quả của các nghiên cứu trước đây về các yếu tố ảnh hưởng đến chọn trường để học của sinh viên như: nghiên cứu của Kee Ming (2010), nghiên cứu của Nguyễn Phương Toàn (2011), nghiên cứu của Nguyễn Phương Mai (2015), nghiên cứu của Nguyễn Thị Kim Chi (2017), nghiên cứu của Lê Thị Mỹ Linh và Khúc Văn Quý (2020) và quan sát thực tiễn tại đơn vị nghiên cứu tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn Trường để học ngành sức khỏe tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và đề xuất mô hình nghiên cứu Hình 1.

 Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

quyết định

3. Phương pháp nghiên cứu

Trên cơ sở tổng hợp lý thuyết, kế thừa kết quả nghiên cứu của các tác giả trước đây và tình hình thực tế tại đơn vị nghiên cứu, nhóm tác giả đã xây dựng bảng câu hỏi nháp để thực hiện nghiên cứu định tính với các chuyên gia là lãnh đạo phòng Đào tạo, phòng Công tác sinh viên và các Khoa khối ngành Sức khỏe để hình thành bảng câu hỏi chính thức. Bảng câu hỏi chính thức được gửi đến 350 sinh viên khối ngành Sức khỏe đang theo học tại Trường để thu thập ý kiến. Kết quả thu về 306 phiếu đạt yêu cầu. Số liệu khảo sát sau đó được xử lý bằng phần mềm SPSS 26.0 để phân tích các bước như kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích tương quan hồi quy, kiểm định T-Test và Anova.

4. Kết quả và thảo luận

Kết quả kiểm định độ tin cây Cronbach’s Alpha của biến phục thuộc và các biến độc lập cho thấy Cronbach’s Alpha của tất cả các thang đo đều lớn 0,6 (0,798 > 0,6) và các hệ số tương quan biến - tổng của các thang đo đều lớn hơn 0,3, do đó tất cả các thang đo đều đảm bảo độ tin cậy. Phân tích EFA cho các biến độc lập, kết quả cho thấy hệ số KMO = 0,864 và kiểm định Bartlett’s với chỉ số Sig. = 0,000 (< 0,05). Tất cả 25 biến thành phần được rút trích thành 6 nhân tố tại giá trị Eigenvalues = 1,160 > 1, với tổng phương sai trích là 62,311% đạt yêu cầu. Phân tích EFA cho các biến phục thuộc Hệ số KMO = 0,743 > 0,5, Kiểm định Bartlett’s đạt giá trị mức ý nghĩa là 0,000 <0,005, cho nên dữ liệu là phù hợp.

Kết quả ma trận tương quan cho thấy hệ số tương quan giữa các yếu tố phụ thuộc và các yếu tố độc lập đều có giá trị Sig <0,05 cho thấy các biến độc lập có tương quan với biến phụ thuộc trong mô hình. Kết quả hồi quy tuyến tính bội được thể hiện ở Bảng 1.

Bảng 1. Kết quả phân tích hồi quy

quyết định

Bảng kết quả phân tích hội quy cho thấy giá trị Sig của tất cả các biến độc lập đều < 0,05. Tất cả các biến đều dương. Như vậy, cả 6 yếu tố của mô hình đề xuất đều có ảnh hưởng đến quyết định chọn Trường Đại học Nguyễn Tất Thành của sinh viên khối ngành Sức khỏe. Hàm hồi quy chưa chuẩn hóa được biểu thị như sau:

QD = 0,150 + 0,255HP + 0,067GV + 0,265DV + 0,132TV + 0,068HB + 0,221CS

Kiểm định R2 hiệu chỉnh và chỉ số Durbin - Watson (DW)

Với R2 = 0,688 và R2 hiệu chỉnh là 0,681 cho thấy 68,1% sự biến thiên của biến quyết định (QD) được giải thích bởi 6 biến độc lập trong mô hình. Kiểm định Dusbin - Watson (d) cho kết quả d= 1,934 (1 < d < 3) nên ta có thể kết luận các phần dư là độc lập với nhau hay không có tương quan giữa các phần dư.

Kiểm định hệ số Levene Test và Anova

Kiểm định Levene với các giá trị Sig. > 0,05 cho thấy phương sai giữa các (nhóm ngành, nơi tốt nghiệp THPT, nghề nghiệp của cha/mẹ) cho thấy không tồn tại về sự khác biệt về quyết định chọn trường theo các đặc điểm nhân khẩu - xã hội học của sinh viên.

Kết quả hồi quy cho thấy, khi sinh viên đánh giá về học phí tăng lên 1 điểm trong thang đo Likert 5 điểm thì quyết định chọn Trường tăng lên 0,255 điểm. Tương tự như vậy, khi sinh viên đánh giá về Đội ngũ giảng viên tăng lên 1 điểm trong thang đo Likert 5 điểm thì quyết định chọn Trường tăng lên 0,067 điểm; khi sinh viên đánh giá về Phương thức xét tuyển đầu vào tăng lên 1 điểm trong thang đo Likert 5 điểm thì quyết định chọn Trường tăng lên 0,265 điểm; khi sinh viên đánh giá về Hoạt động tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh tăng lên 1 điểm trong thang đo Likert 5 điểm thì quyết định chọn Trường tăng lên 0,132 điểm; khi sinh viên đánh giá về Chính sách học bổng tăng lên 1 điểm trong thang đo Likert 5 điểm thì quyết định chọn Trường tăng lên 0,068 điểm và khi sinh viên đánh giá về Cơ sở vật chất  tăng lên 1 điểm trong thang đo Likert 5 điểm thì quyết định chọn Trường tăng lên 0,221 điểm.

5. Một số hàm ý quản trị

Căn cứ hệ số hồi quy đã chuẩn hóa ta thấy yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn Trường Đại học Nguyễn Tất Thành của sinh viên khối ngành Sức khỏe sắp xếp theo thứ tự giảm dần là: Phương thức xét tuyển đầu vào; Học phí; Cơ sở vật chất; Hoạt động tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh; Chính sách học bổng; Đội ngũ giảng viên. Từ đó, đề xuất các giải pháp như sau:

Đối với Phương thức xét tuyển đầu vào

Ngoài các phương thức xét tuyển như điểm thi THPT, điểm học bạ, điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ưu tiên xét tuyển thẳng, Trường cần tiếp tục đa dạng hóa phương thức xét tuyển đầu vào khác như điểm đánh giá năng lực các Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc tổ chức kỳ thi tuyển riêng để đánh giá năng lực đầu vào cho khối ngành sức khỏe của Trường.  

Đối với Chính sách học phí

Nhà trường nên cam kết đơn giá tín chỉ học phí không tăng suốt toàn khóa học. Trong đó, Phòng Quản lý đào tạo cùng Khoa chuyên môn và cố vấn học tập cần hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn nữa về Chương trình đào tạo, cách tính học phí và chính sách học phí hiện nay được điều chỉnh theo năm để sinh viên nắm rõ hơn về chính sách học phí của Trường; các phòng Công tác sinh viên, phòng Đào tạo, phòng Kế toán,… cần tăng cường hỗ trợ xử lý thủ tục hồ sơ nhanh chóng và các chính sách hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đối với Cơ sở vật chất

Đầu tư mở rộng, thiết kế lại trung tâm thư viện tại cơ sở chính của Trường. Ưu tiên tăng thêm các đầu sách đầu ngành về lĩnh vực Khoa học Sức khỏe tại Thư viện. Giao phòng Quản trị thiết bị chịu trách nhiệm kiểm tra định kỳ thường xuyên hàng tuần các trang thiết bị phục vụ giảng dạy, như: micro, máy chiếu, âm thanh, máy lạnh, bút, bảng,…

Cần đầu tư xây dựng Phòng Thực hành ứng dụng khoa học và công nghệ trong giảng dạy (STEM) tại Cơ sở chính để thuận lợi cho sinh viên khối Khoa học Sức khỏe học tập và thực hành.

Cần gắn nút báo hiệu tự động tại mỗi phòng học để cảnh báo thiết bịsự cố hư hỏng để bộ phận quản lý thiết bị xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ban cán sự lớp với nhau để kiểm tra các thiết bị phục vụ giảng dạy đầu giờ mỗi buổi học để thiết bị này luôn ở trong tình trạng tốt nhất.

Tăng cường tuyên truyền nhắc nhở sinh hoạt nội quy phòng thí nghiệm, gắn thêm quy trình xử lý sự cố, hóa chất hay các phản ứng phòng thí nghiệm tại mỗi phòng học thực hành.

Đối với Hoạt động tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh

Các buổi tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh nên mời thêm các chuyên gia tư vấn đầu ngành về tâm lý, hướng nghiệp để các bạn sinh viên định hướng rõ ràng quyết định của mình từ lúc còn học THPT. Đồng thời mời thêm các diễn giả hoặc cựu học sinh của Trường THPT trở về Trường để chia sẻ với các em học sinh. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Trường do chính sinh viên của Trường thực hiện để quảng bá và truyền tải hình ảnh chân thực nhất về Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đến các em học sinh THPT tại các trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Tăng cường các hoạt động tham quan trải nghiệm OPEN DAY đối với khối ngành Sức khỏe cho học sinh các trường trung học phổ thông tại cơ sở chính. Ngoài việc trưng bày trang trí gian hàng các Khoa, tham quan cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm,… nên có kịch bản các phòng mô phỏng, như: hướng dẫn các thao tác sơ cứu y tế, sử dụng thiết bị y tế đơn giản (đo nhiệt độ, huyết áp, đường huyết, thử nhóm máu ABO…), thực hành thí nghiệm Hóa dược đơn giản, tham quan vườn dược liệu, thao tác tiêm trên chuột bạch, mô hình nhà thuốc đạt chuẩn GPP,...

Đối với Chính sách học bổng

Đề xuất tăng cường đa dạng thêm nhiều học bổng cho tân sinh viên như học bổng: Tài năng cho tân sinh viên xuất sắc, Tiếp sức sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học bổng từ các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ sức khỏe,... Cần gửi thông báo về chính sách học bổng cho tân sinh viên đến tận địa chỉ gia đình khi học sinh đăng ký đăng ký xét tuyển vào Trường bằng điện thoại.

Trưởng đoàn tuyển sinh cần giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ tuyển sinh, trợ lý thanh niên các Trường Trung học phổ thông, Trường Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên của các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước để kịp thời cập nhật thông tin tuyển sinh, học bổng, học phí của nhà trường cho học sinh nắm bắt.

Đối với Đội ngũ giảng viên

Tiếp tục thu hút đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm, là các bác sĩ chuyên khoa I, II vừa được nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội từ các bệnh viện lớn của Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời xây dựng chính sách thu hút giảng viên trẻ để đào tạo tại chỗ và gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế trong trao đổi giảng viên, hợp tác quốc tế trong tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến, trực tiếp liên quan đến khối ngành Sức khỏe để giảng viên và sinh viên của Trường có điều kiện giao lưu nâng cao trình độ phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy và học tập.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Anh

  1. Ajzen, I. & Fishbein, M., (1975). Belief, Attitude, Intention, and Behavior. Addison- Wesley Publishing Company, Inc,.
  2. Ajzen, I., (1991). The Theory of Planned Behavior. Organizational Behavior and Human Decision Process, No. 50 179.
  3. Harris, R.J. (1985). A primer of multivariate analysis. 2nd Ed. New York: Academic Press.
  4. Hair, J. F., Anderson, R. E., Tatham, R. L., Black, W. C. (1998). Multivariate Data Analysis. Prentical – Hall International,
  5. Hair, J. F., Black, W. C., Babin, B. J., Anderson, R. E., & Tatham, R. L. (2006). Multivariate data analysis (6th ed.). New Jersey: Pearson Prentice Hall.
  6. Hossler D. and Gallagher K (1987). Studying college choice: A three-phase model and implications for policy makers. College and University, Vol 2 207-21.
  7. Kolvereid, L. (1996). Prediction of employment status choice intentions. Entrepreneurship Theory and practice, 21(1), 47-58.
  8. Kee Ming, J.S. (2010). Institutional Factors Influencing Students’ College Choice Decision in Malaysia: A Conceptual Framework. International Journal of Business and Social Science, 1(3).
  9. Krueger, N. F., Reilly, M. D., & Carsrud, A. L. (2000). Competing models of entrepreneurial intentions. Journal of Business Venturing, 15(5–6), 411–432. doi: 10.1016/S0883- 9026(98)00033-0.
  10. Nunnally J.C and Bernstein I.H (1994). Psychometric Theory, 3rd ed. NY: McGraw ‒
  11. Tabachnick B G, Fidell L S (1996). Multivariate Data Analysis, 3rd ed. New Work: Harper Collins.

Tiếng Việt

  1. Chi, N. T. K. (2017). Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định chọn Trường Đại học Kinh tế TP. HCM của học sinh trung học phổ thông. Luận văn thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh.
  2. Hộ, N. V., & Huyền, N. T. T. (2006). Hoạt động hướng nghiệp và giảng dạy kỹ thuật trong nhà trường phổ thông. Hà Nội: Nxb Giáo dục.
  3. Linh, L. T. M., & Quý, K. V. (2020). Các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định chọn Trường Đại học của học sinh THPT tại Việt Nam. Luận văn thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Phenikaa.
  4. Mai, N. P. (2015). Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn Trường Đại học Tài chính - Marketing của sinh viên. Luận văn thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tài chính - Marketing.
  5. Quốc hội (2018). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14, ban hành ngày 19/11/2018.
  6. Thọ, N. Đ., & Trang, N. T. M. (2007). Nghiên cứu thị trường. TP. Hồ Chí Minh: Nxb Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  7. Thọ, N. Đ. (2012). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. Hà Nội: Nxb Lao động Xã hội.
  8. Toàn, N. P. (2011). Khảo sát các yếu tố tác động đến việc chọn trường của học sinh lớp 12 trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Luận văn thạc sĩ Đo lường và Đánh giá trong giáo dục, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.
  9. Trọng, H., & Ngọc, C. N. M. (2005). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. TP. Hồ Chí Minh: Nxb Thống kê.
  10. Trọng, H., & Ngọc, C. N. M. (2008). Thống kê ứng dụng trong kinh tế - xã hội. TP. Hồ Chí Minh: Nxb Thống kê.
  11. Nga Nguyễn (2021). Sinh viên khối sức khỏe Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tham gia chống dịch Covid-19 tại bệnh viện. Truy cập tại: https://thanhnien.vn/sinh-vien-khoi-suc-khoe-truong-dh-nguyen-tat-thanh-tham-gia-chong-dich-covid-19-tai-bv-post1066838.html
  12. Lê Phương (2018). Trường đai học ngoài công lập đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh được đào tạo ngành Y đa khoa. Truy cập tại: https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/truong-dh-ngoai-cong-lap-dau-tien-o-tphcm-duoc-dao-tao-nganh-y-da-khoa-20180607210711495.htm
  13. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (2021). Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Y Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Truy cập tại: https://ntt.edu.vn/giam-doc-benh-vien-cho-ray-duoc-bo-nhiem-lam-pho-truong-khoa-y-truong-dh-nguyen-tat-thanh-2/

FACTORS AFFECTING THE DECISION OF STUDENTS TO CHOOSE NGUYEN TAT THANH UNIVERSITY’S HEALTH PROGRAM

Ph.D Pham Ngoc Duong1

Nguyen Vu Hao2

1Lecturer, University of Finance - Marketing

2Master’s student, Nguyen Tat Thanh University

Abstract:

This study determines the factors affecting the decision of students to choose Nguyen Tat Thanh University’s health program. In this study, qualitative and quantitative research methods are used to analyze data collected from 306 students who major in health at Nguyen Tat Thanh University. The study’s results show that there are 6 factors affecting the decision of students, including:Entrance examination method, Tuition fee policy, Facilities, Career counseling activities, Scholarship policy, and Faculty members. Based on these results, some solutions are proposed to help Nguyen Tat Thanh University have appropriate enrollment policies in order to attract more students studying the school’s health program in the coming time.

Keywords: decision, student, Healthcare major, Nguyen Tat Thanh University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18.1, tháng 7  năm 2022]