Cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình được đăng ký chỉ dẫn địa lý

Ngày 16/11/2014, sản phẩm cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình đã đón nhận chỉ dẫn địa lý “Cao Phong”. Đây cũng là chỉ dẫn địa lý đầu tiên được cấp cho tỉnh Hòa Bình và là sản phẩm thứ 43 trong cả nước đượ
Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” bước đầu bảo hộ cho bốn giống cam là CS1, xã Đoài lùn, xã Đoài cao và cam Canh, vốn là những giống cam được di thực ở các địa phương khác về huyện Cao Phong từ những năm 1960.


Theo đó, những hộ nằm trong vùng sử dụng chỉ dẫn địa lý tại thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong và Thu Phong sẽ có sản phẩm cam mang tên gọi chung.

Theo thống kê, hiện nay tổng diện tích trồng cam trên địa bàn tỉnh Hòa Bình khoảng 1.200 ha, với sản lượng năm 2014 ước đạt 17.000 tấn. Nhờ kết quả của nhiều năm xây dựng, bảo tồn, lựa chọn và phục tráng nguồn gien quý của cây cam, mà hệ số nhân giống của cây cam nhanh hơn, chất lượng tốt hơn, đem lại năng suất, giá trị kinh tế ngày càng cao.

Qua đánh giá bình quân một hécta cam, quýt cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Trừ chi phí, người nông dân còn lãi 400 triệu đồng/vụ. Đến nay, huyện Cao Phong có 50 hộ trồng cam có thu nhập từ 1 tỷ đến 10 tỷ đồng/năm.

Kế hoạch đến năm 2017, huyện Cao Phong duy trì diện tích cam vào khoảng 1.500 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 20.000 tấn, thu nhập bình quân đạt hơn 500 triệu đồng/ha. Để làm được điều đó, huyện Cao Phong sẽ thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng cam, có cơ cấu giống hợp lý; thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam, quýt Cao Phong đến với người tiêu dùng.