Cam kết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trong Hiệp định EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có những quy định mới, khắt khe về bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng, góp phần giải quyết những lo ngại về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam từ phía các doanh nghiệp châu Âu. Đồng thời, các cam kết này đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu phải tìm hiểu rõ, có những phương án chuẩn bị tốt nhất để có thể tận dụng các lợi thế và hạn chế các tác động tiêu cực mà các quy định đó.

Một số nội dung chủ yếu của EVFTA liên quan tới thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Ngày 30 tháng 6 năm 2019, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã được ký kết tại Hà Nội, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài và đánh dấu mốc lịch sử trong quan hệ đối tác giữa hai nền kinh tế. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2020, là sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội phát triển thương mại mới giữa Việt Nam và EU, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường toàn cầu.

Các doanh nghiệp và công dân của cả EU và Việt Nam sẽ không chỉ được hưởng các khoản giảm trừ thuế quan mà còn được hưởng nhiều khoản giảm trừ phi thuế quan trong thương mại. Quan trọng hơn, đây là một bước tiến lớn để EU bảo đảm và tăng cường quan hệ đối tác với Đông Nam Á, cũng như để Việt Nam tăng tốc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Hiệp định EVFTA
Hiệp định EVFTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay, chứa đựng nhiều cơ hội và kỳ vọng mở ra một triển vọng mới cho quan hệ hợp tác hai bên Việt Nam và EU phát triển ngày càng sâu rộng, toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi và hiệu quả hơn.

Trong xu hướng kinh tế quốc tế mạnh mẽ, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết và triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam, cùng với đó sở hữu trí tuệ trở thành một trong những nội dung quan trọng trong các hiệp định này. Đồng thời, sở hữu trí tuệ cũng là vấn đề được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong quá trình xem xét môi trường, thể chế đầu tư của Việt Nam.

Vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, được đánh giá là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA và Chương 12 - Sở hữu trí tuệ của Hiệp định này quy định về sở hữu trí tuệ với nhiều cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn bộ nội dung của Hiệp định. Lý do bởi EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. EU cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này.

Còn về phía Việt Nam, thông qua Hiệp định này, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.

Chương 12 của EVFTA bao gồm 63 điều và 2 phụ lục (Danh mục các chỉ dẫn địa lý và Danh mục nhóm sản phẩm). Nội dung chính của chương này bao gồm các cam kết về các nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phạm vi quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thông tin bí mật, giống cây trồng, vấn đề bản quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, phần nhiều trong số các cam kết này cơ bản nhắc lại các nội dung tương ứng của Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hoặc chỉ có bổ sung nhỏ.

Nhìn chung, về quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ EVFTA, Việt Nam đã cam kết bảo hộ ở mức độ cao. Pháp luật Việt Nam cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về nội dung này, thậm chí có quy định ở mức cao hơn so với quy định của TRIPS. Tuy nhiên, EU đòi hỏi cao hơn cả Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt liên quan tới các sản phẩm nhạy cảm như dược phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Sơ lược những nội dung chính của EVFTA về quyền sở hữu trí tuệ

Chương 12 - Sở hữu trí tuệ tập trung vào 3 nhóm: 1) Các vấn đề chung, 2) Các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cụ thể, 3) Các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Đối với nhóm các cam kết về vấn đề chung, nội dung này trong EVFTA tương đối ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau: (i) Nguyên tắc phù hợp WTO (nhấn mạnh việc tiếp tục các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TRIPS; (ii) Nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) (Việt Nam và EU cam kết dành cho công dân của nhau mức bảo hộ sở hữu trí tuệ không kém hơn mức bảo hộ dành cho công dân của bất kỳ một nước thứ ba nào khác ngoài trừ các trường hợp ngoại lệ theo Điều 4, 5 TRIPS); (iii) Nguyên tắc cạn quyền (Việt Nam và EU được quyền tự do quy định về cạn quyền sở hữu trí tuệ, miễn là phù hợp với TRIPS). Trên cơ bản thì các nguyên tắc này không tạo ra thay đổi gì lớn trong nghĩa vụ của Việt Nam về vấn đề này ngoài nguyên tắc về MFN.

Theo EVFTA, các chính sách, quy định liên quan tới sở hữu trí tuệ phải được minh bạch hóa hơn nữa, như phải công bố trên internet các quy định của pháp luật, các thủ tục, quy trình, quyết định liên quan đến xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ…

Đối với nhóm các cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cụ thể, EVFTA có cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng loại trong số 8 đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế mạch tích hợp, bí mật kinh doanh và giống cây trồng). Tuy nhiên, phần nhiều trong số các cam kết này cơ bản nhắc lại các nội dung tương ứng của TRIPS hoặc chỉ có bổ sung nhỏ.

Đáng chú ý, EVFTA là hiệp định lần đầu tiên có quy định về cơ chế đền bù bằng cách gia hạn thời hạn bảo hộ cho chủ sở hữu độc quyền sáng chế nếu bị chậm trễ một cách bất hợp lý trong thủ tục cấp phép lưu hành dược phẩm (chẳng hạn quá 2 năm kể từ ngày nộp đơn xin cấp phép mà cơ quan quản lý dược phẩm không có phản hồi nào - Điều 12.40); quy định về việc công nhận và bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý (rượu vang, rượu mạnh và các mặt hàng nông sản khác) của EU với mức bảo hộ cao - vốn chỉ dành riêng cho rượu vang, rượu mạnh và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cho các sản phẩm khác nhau (Điều 12.25).

Đối với nhãn hiệu, độc quyền có thể bị chấm dứt  hiệu lực nếu sau ngày đăng ký, nhãn hiệu trở thành tên gọi chung của hàng hóa hoặc dịch vụ được đăng ký (Điều 12.22). Đối với kiểu dáng công nghiệp, hình dáng của toàn bộ sản phẩm hoặc của một phần sản phẩm có thể tách rời và/hoặc không thể tách rời của bộ phận sản phẩm đều có khả năng được bảo hộ nếu pháp luật quốc gia cho phép (Điều 12.35), miễn là nhìn thấy được trong quá trình sử dụng thông thường (sử dụng bởi người sử dụng cuối cùng, không bao gồm việc bảo trì, cung cấp dịch vụ hoặc sửa chữa).

Đối với nhóm các cam kết về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đây là chủ đề được phía EU chú trọng đàm phán trong EVFTA do trên thực tế, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề khúc mắc trong thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ. Về cơ bản, EVFTA đòi hỏi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải được xử lý nghiêm khắc hơn bằng các biện pháp dân sự, hành chính và hình sự đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời, trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi (đặc biệt tại biên giới) và chủ sở hữu quyền.

Trong đó, đối với kiểm soát biên giới, Hiệp định này yêu cầu cơ quan hải quan chủ động kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT trên cơ sở kỹ thuật phân tích rủi ro mà không cần phải có yêu cầu của chủ thể quyền SHTT (Điều 12.59), giúp các cơ quan hải quan chủ động hơn trong hoạt động kiểm tra, giám sát chứ không chỉ phát hiện, xác định hàng hóa xâm phạm và phối hợp với chủ thể quyền như quy định hiện nay. EVFTA cũng quy định rằng cơ quan tư pháp có quyền yêu cầu bên thua kiện phải trả cho bên thắng kiện các chi phí tòa án và phí thuê luật sư hợp lý, hoặc các chi phí khác theo quy định của pháp luật (Điều 12.52).

Đáng chú ý, các cam kết của Hiệp định EVFTA cao hơn các yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở khía cạnh tăng quyền của Tòa án trong quyết định các biện pháp tạm thời đối với không chỉ các chủ thể vi phạm, mà còn cả các chủ thể đang lưu giữ hàng hóa vi phạm, không chỉ bằng các biện pháp hiện tại mà có thể áp dụng các biện pháp khác như đóng băng tài khoản, thu giữ chứng cứ liên quan... Đối với nhóm các doanh nghiệp và chủ sở hữu quyền, các cam kết này không chỉ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, tăng động lực sáng tạo mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tự tin trong đăng ký bảo vệ quyền.

Cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý của EVFTA

Chỉ dẫn địa lý là đối tượng sở hữu trí tuệ mà EU đặc biệt quan tâm do khối này có khá nhiều các sản phẩm được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý. Bởi vậy, trong Hiệp định EVFTA, cam kết về chỉ dẫn địa lý cũng thể hiện rõ sự quan tâm này, với các cam kết khá đặc thù.

Về đối tượng bảo hộ, các cam kết về chỉ dẫn địa lý trong Hiệp định EVFTA chỉ áp dụng đối với bốn nhóm sản phẩm: (i) Rượu vang; (ii) Đồ uống có cồn; (iii) Nông sản; (iv) Thực phẩm. Trên thực tế, thì bốn nhóm này cũng bao quát gần như phần lớn các sản phẩm có thể là đối tượng của chỉ dẫn địa lý.

Về cơ chế bảo hộ, tuy không đề cập trực tiếp, nhưng Hiệp định EVFTA yêu cầu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cơ chế riêng, độc lập với nhãn hiệu thông qua cam kết về quy trình công nhận chỉ dẫn địa lý. Trên thực tế, hiện cả Liên minh châu Âu và Việt Nam đều bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo một cơ chế riêng, độc lập với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác, trong khi Hoa Kỳ và một số nước lại bảo hộ chỉ dẫn địa lý như là một loại của nhãn hiệu, theo cơ chế bảo hộ chung của nhãn hiệu. Vì vậy, cam kết về vấn đề này thực chất là để ràng buộc Việt Nam trong các cam kết, đàm phán sau này liên quan tới chỉ dẫn địa lý với các đối tác khác.

Về mối quan hệ với nhãn hiệu, Hiệp định EVFTA ghi nhận quyền được bảo hộ của các nhãn hiệu dù có tên gọi giống với chỉ dẫn địa lý nhưng đã được đăng ký và bảo hộ hợp pháp trước thời điểm Hiệp định này có hiệu lực hoặc trước ngày đơn yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó được nộp cho cơ quan có thẩm quyền.

Về các trường hợp được bảo hộ đương nhiên, Chương 12 của Hiệp định EVFTA có 02 Phụ lục GI-I và GI-II (Danh mục các chỉ dẫn địa lý và Danh mục nhóm sản phẩm), trong đó liệt kê 171 chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (gồm tên gọi, địa phương xuất xứ, nước xuất xứ) mà hai bên cam kết bảo hộ đương nhiên, không cần qua các thủ tục thẩm định, thông báo, khiếu nại… của quy trình thông thường. Theo cam kết tại Hiệp định, danh mục các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đương nhiên này có thể được rà soát lại bởi Nhóm công tác về sở hữu trí tuệ (trong đó có chỉ dẫn địa lý).

Danh mục các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có thể được bổ sung theo thủ tục sửa đổi Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, những chỉ dẫn địa lý đã bị chấm dứt bảo hộ ở Bên xuất xứ thì cũng bị chấm dứt bảo hộ theo Hiệp định mặc dù chưa bị xóa khỏi Danh mục. Hiệp định cũng quy định ngoại lệ và thời gian chuyển tiếp cho việc bảo hộ một số chỉ dẫn địa lý như “Asiago”, “Fontina”, “Gorgonzola” (cho sản phẩm trong nhóm pho mát); “Feta” (cho sản phẩm trong nhóm pho mát làm từ sữa cừu hoặc sữa cừu và sữa dê) và “Champagne” (cho sản phẩm trong nhóm rượu vang).

Hiệp định EVFTA thậm chí còn có các quy tắc bảo hộ riêng đối với các chỉ dẫn địa lý thuộc nhóm được liệt kê này (ví dụ chủ thể quyền phải được phép ngăn cản việc sử dụng các chỉ dẫn địa lý này cho các sản phẩm không xuất phát từ nước xuất xứ được liệt kê, ngăn cản việc sử dụng các thiết kế hoặc trình bày theo bất kỳ cách nào khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về xuất xứ của sản phẩm vốn không có xuất xứ tại đó…).

Về cơ chế đăng ký và bảo hộ thông thường, theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU phải thiết lập cơ chế đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho ít nhất là bốn nhóm đối tượng thuộc diện điều chỉnh (rượu, đồ uống có cồn, nông sản, thực phẩm) bảo đảm các yêu cầu:

  • Phải có một hệ thống đăng ký liệt kê rõ các chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ trên lãnh thổ của mình;
  • Quy trình thẩm định hành chính để đưa hoặc duy trì một chỉ dẫn địa lý trên hệ thống đăng ký phải cho phép xác định được một sản phẩm có xuất xứ tại một khu vực địa lý nhất định và có chất lượng, uy tín, đặc điểm đặc thù chủ yếu nhờ vào việc sản phẩm có xuất xứ từ khu vực địa lý đó;
  • Phải có quy trình cho phép các tổ chức, cá nhân có lợi ích liên quan được lên tiếng phản đối và được lắng nghe;
  • Phải có quy trình cho phép điều chỉnh, hoặc đưa ra khỏi hệ thống đăng ký sau khi cân nhắc các ý kiến phản đối của các bên có lợi ích cũng như ý kiến phản biện của chủ thể quyền.

Về những cam kết thực thi, Hiệp định EVFTA yêu cầu Việt Nam EU phải có cơ chế pháp lý cho phép ngăn chặn việc sản xuất, đóng gói, mua bán, quảng cáo sai, lừa đảo hoặc gây hiểu nhầm về nguồn gốc của thực phẩm, đồng thời cũng nhấn mạnh các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng liên quan theo pháp luật nước sở tại.

Tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng ở Việt Nam

Hiệp định EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là những nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu. Từ đó, giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao.

Cam kết về mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA góp phần bảo đảm cho doanh nghiệp của hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất nhưng vẫn bảo đảm độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi từ bảo hộ sở hữu trí tuệ. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU.

Với Hiệp định EVFTA, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao. Điều này sẽ tạo điều kiện cho một số sản phẩm đặc trưng của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu tại thị trường EU.

Bên cạnh những cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU, Hiệp định EVFTA cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói iêng. Nếu không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, nhất là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng. Do vậy, cùng với quá trình sáng tạo và phát triển các tài sản trí tuệ mới, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, thì hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong từng doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu là rất quan trọng để tạo lập môi trường rộng rãi cho việc vận dụng pháp luật sở hữu trí tuệ vào thực tiễn cuộc sống.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng tìm hiểu, bắt kịp những xu hướng phát triển khoa học - công nghệ, nhanh chóng thực hiện các hoạt động bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp để cải tiến kỹ thuật, đầu tư sâu rộng thì mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường, đáp ứng yêu cầu cao đối với thị trường EU, nhất là các mặt hàng phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao của EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần phát triển khả năng kết nối với thị trường EU, nhất là với kênh phân phối, qua đó đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận, khai thác thị trường EU và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng vị thế, phát triển bền vững.

Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, cũng như các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam. Ngoài việc thực hiện rà soát và hoàn thiện khung pháp luật trong nước với quy định của EVFTA, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định của EVFTA, tiếp tục cùng với các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp lý dành cho doanh nghiệp khi cần thiết. Đây là những hoạt động sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định này tại Việt Nam.

Việc thực hiện nghiêm túc các cam kết về sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng trong EVFTA sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới, chuyển giao và phổ biến công nghệ, bảo đảm sự cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và xã hội, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chứa đựng tài sản trí tuệ, phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững và toàn diện. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế bảo hộ sở hữu trí tuệ, cải thiện hiệu suất và chất lượng xác lập quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao hiệu lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ.

Tường Vy