Chặng đường 10 năm công nghiệp hoá (1965 - 1975)

Từ năm 1965, miền Bắc phải chuyển hướng kinh tế từ thời bình sang thời chiến, và từ đó đến năm 1975 là thời kỳ chống chiến tranh phá hoại xen kẽ với những thời kỳ ngắn khôi phục kinh tế.
công nghiệp hoá
Từ năm 1965, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cải tạo ô tô bánh hơi thành bánh thép kéo goòng, chạy trên đường sắt Hà Tĩnh - Quảng Bình phục vụ chiến trường miền Nam. Trong ảnh: Chiếc ô tô ray đầu tiên mang tên Độc Lập, do Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) nghiên cứu, thiết kế và chế tạo (Ảnh: TTXVN)

 

Trong chặng đường đầy cam go đó, sức tàn phá của bom đạn ghê gớm, nhưng không thể cản nổi những bước tiến trên con đường công nghiệp hoá. Địch đánh phá vào các thành phố lớn, thì ngành Công Thương phân tán về các địa phương; lấy đơn vị tỉnh làm địa bàn xây dựng công nghiệp, thương mại địa phương toàn diện. Địch lấy các cơ sở công nghiệp làm trọng điểm đánh phá, thì công nhân ngành Công Thương “chắc tay búa, vững tay súng” vừa sản xuất, vừa sẵn sàng đánh trả các cuộc tập kích đường không; công nhân ngành Điện nêu cao khẩu hiệu “giữ vững dòng điện như mạch máu”; công nhân ngành Xăng dầu nêu khẩu hiệu “quý xăng như máu”…

Chấp hành lời kêu gọi của Đảng “Sản xuất phải được coi là một nhiệm vụ chiến đấu, dù có phải đổ máu hy sinh”, ngành Công Thương đã có những đóng góp quan trọng và chủ yếu trong công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. “Đến năm 1975, tài sản cố định trong khu vực sản xuất vật chất đã tăng lên gấp 5,1 lần so với năm 1960; số xí nghiệp công nghiệp gấp 16,5 lần số xí nghiệp năm 1955”. Đến năm 1975, ở miền Bắc hậu phương xã hội chủ nghĩa đã hình thành một nền công nghiệp tự chủ, với cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường đáng kể. Nhiều khu công nghiệp lớn đã và đang hình thành. Cơ cấu công nghiệp đã phát triển hoàn chỉnh hơn, những cơ sở của các ngành công nghiệp nặng quan trọng liên tục mở rộng về số lượng và phát triển về quy mô, nhất là các ngành điện, than, cơ khí, luyện kim, hóa chất; đồng thời phát huy năng lực một số ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm.

Đối với hoạt động thương mại (gồm nội thương, ngoại thương) không chỉ phải tuân theo các quy luật kinh tế, mà còn bị chi phối rất lớn bởi yêu cầu khắc nghiệt của chiến tranh. Mạng lưới kho tàng, cửa hàng thương nghiệp bố trí trong thời bình không còn thích hợp với thời chiến, nay lại phải phân bố lại cho cho phù hợp để phòng địch đánh phá và đảm bảo cho các cấp, các nơi ít nhiều đều có dự trữ. Kế hoạch lưu chuyển hàng hóa được bố trí lại cho phù hợp với quan hệ cung - cầu mới.

Cùng với việc cố gắng tổ chức tiếp nhận, vận chuyển hàng nhập, cán bộ công nhân viên toàn Ngành đã cùng với các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, địa phương khắc phục mọi khó khăn để giữ vững sản xuất. Hệ thống thương nghiệp quốc doanh đã mở thêm nhiều điểm bán hàng ở những nơi mở đường giao thông mới, nơi cơ sở sản xuất và dân cư sơ tán.

Mạng lưới cơ sở hợp tác xã mua bán được phát triển mạnh trên địa bàn các xã, tăng quầy hàng của hợp tác xã mua bán ở nông thôn lên gấp đôi. Toàn Ngành đã huy động mọi nguồn lực để bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước trước sự tàn phá của bom đạn địch. Hệ thống thương nghiệp có mặt ở khắp nơi, ngay bên mâm pháo, vì thế, Ngành đã hạn chế được nhiều thiệt hại, số tiền và hàng mà ngành Thương nghiệp quản lý bị tổn thất được hạn chế tới mức thấp nhất. Trong chiến tranh, chế độ hạch toán kinh tế ở các tổ chức kinh doanh thương nghiệp về cơ bản vẫn được duy trì. Thị trường xã hội ít có những hoạt động đầu cơ, buôn lậu.

Các hoạt động xuất nhập khẩu góp phần tạo dựng một ngành Công nghiệp tương đối hoàn chỉnh, trong đó công nghiệp nặng đã hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện lực, khai khoáng, luyện kim, hóa chất; công nghiệp nhẹ là các nhà máy chế biến thực phẩm, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng… góp phần củng cố, tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng cho hậu phương miền Bắc. “Hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung và ngoại thương nói riêng đã góp phần tích cực vào việc phá tan âm mưu và hành động của địch bao vây phong tỏa và cô lập miền Bắc với thế giới bên ngoài”.

Chính nhờ vậy, ngành Thương mại Việt Nam giai đoạn 1965 - 1975 đã thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Nhu cầu của tiền tuyến và chiến đấu mà Ngành có trách nhiệm phục vụ đã được đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Ngành cùng với hàng hóa ngày càng tiến sâu vào Nam theo chân các lực lượng vũ trang. Các nhu cầu của sản xuất cũng được đáp ứng với mức cố gắng cao nhất. Đối với đời sống, hoạt động của Ngành đã phải đảm bảo các nhu cầu thiết yếu như: vải, dầu hỏa, giấy viết… và các hàng hóa khác cho toàn dân theo giá ổn định. Nhờ có bộ máy tổ chức Ngành ngày một hoàn thiện, nên đã góp phần giữ cho đời sống của người dân tuy không được như thời bình, song không bị đảo lộn lớn.

Không chỉ nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật bước đầu cho chủ nghĩa xã hội, ngành Công Thương còn trực tiếp chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Khắp các xí nghiệp, nhà máy công trường dấy lên phong trào “Tay búa, tay súng”; “Toàn dân chi viện chiến trường” “Vì miền Nam ruột thịt”; hàng vạn cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Công Thương lên đường nhập ngũ.

Mặc dù có những tiến bộ nhất định trong cải tiến hệ thống tổ chức, cải tiến quản lý trong sản xuất và quản lý thị trường, nhưng “Nhìn chung, nền kinh tế miền Bắc còn mang nặng tính chất sản xuất nhỏ, cơ sở vật chất - kỹ thuật còn thấp kém. Những ngành công nghiệp then chốt còn bé và chưa được xây dựng đồng bộ, chưa đủ sức làm nền tảng vững chắc cho nền kinh tế quốc dân”.

Trong thương mại, cung vẫn chưa theo kịp cầu mà chế độ tem phiếu, phân phối theo định lượng là điểm nhấn rõ nét; đời sống vật chất của người dân còn nhiều khó khăn.

Những hạn chế nói trên có thể quy vào 2 nguyên nhân chính.

Nguyên nhân thứ nhất, mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, và cơ chế bao cấp tạo sức ỳ khá lớn. “Việc áp dụng kế hoạch hóa mệnh lệnh cứng nhắc trong sản xuất đã bộc lộ nhược điểm của nó là không nâng cao được quyền tự chủ và sự năng động của cơ sở”. Những nỗ lực cải tiến mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, ở cấp vĩ mô là kết hợp giữa chỉ tiêu hướng dẫn của Nhà nước và kế hoạch từ cơ sở, sau đó mới trở thành chỉ tiêu pháp lệnh. Tuy nhiên, đó vẫn là kế hoạch mang tính pháp lệnh, xí nghiệp muốn thay đổi vẫn phải thông qua cơ chế “xin - cho” mới được phép thay đổi. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện nhiều xí nghiệp “hoàn thành kế hoạch” sau khi xin “điều chỉnh chỉ tiêu” - một hoạt động nở rộ vào quý II, quý III hàng năm.

Ở cấp vi mô, cho phép xí nghiệp quốc doanh tính lại giá thành hợp lý cho xí nghiệp, xác định giá bán buôn xí nghiệp, giá bán buôn công nghiệp, lãi định mức của xí nghiệp để có căn cứ phân phối lợi nhuận, nhưng chưa đủ để xí nghiệp quốc doanh tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Bởi lẽ, giá trị vật tư mà nhà nước “bán” cho xí nghiệp, cũng như giá mà nhà nước “thu mua” của xí nghiệp không phản ánh quan hệ cung - cầu (mua cũng rẻ mà bán cũng rẻ) chủ yếu do Nhà nước đặt ra và quyết định.

Với những nhược điểm trên, mô hình kinh tế kế hoạch hóa đã dần dần biến thành cơ chế kế hoạch hóa hành chính tập trung; và cơ chế bao cấp đã trở thành cơ chế quan liêu, bao cấp. Sự cồng kềnh của mô hình kinh tế kế hoạch hóa đã góp phần đáng kể vào việc giá trị tổng sản lượng công nghiệp có mức tăng trưởng chậm lại và không tương xứng với sự đầu tư. Trong giai đoạn 1965 - 1975, duy nhất năm 1965 sản lượng công nghiệp tăng nhanh hơn giá trị tài sản cố định, những năm còn lại, sản lượng công nghiệp tăng chậm hơn giá trị tài sản cố định153. Mô hình kinh tế kế hoạch hóa cũng cản trở sự phát triển thương mại. “Việc duy trì, phát triển chế độ cung cấp hàng hóa thiết yếu càng làm nảy sinh các hiện tượng tiêu cực… Chế độ bao cấp với tình trạng “bán như cho”, bất chấp giá trị hàng hóa đã trở thành gánh nặng với ngân sách Nhà nước”.

Chiến tranh là nguyên nhân thứ hai. Một nguồn lực lớn từ sản xuất và nhập khẩu hướng tới bảo đảm quốc phòng và các công trình phục vụ quốc phòng. Vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, Thương nghiệp Quốc doanh tập trung thu mua trong nước, kết hợp với nhập khẩu khẩu từ viện trợ của các nước anh em, đã đảm bảo cho quân sự một khối lượng vật chất khổng lồ qua từng giai đoạn lịch sử. Riêng từ năm 1965 - 1972 (giai đoạn gay go nhất của cuộc chiến tranh), mỗi năm, Thương nghiệp Quốc doanh cùng với Hậu cần Quân đội phải bảo đảm tới 20 vạn tấn gạo, 32 triệu mét vải, 16 nghìn tấn thực phẩm, 10 vạn tấn xăng dầu và trên 2 vạn tấn thép.

Chiến tranh cũng buộc các cơ sở sản xuất và thương mại phải sơ tán. Giá trị sản lượng công nghiệp tăng chậm lại trong giai đoạn không quân Mỹ đánh phá ác liệt nhất 1966 - 1972. Nhiều nguyên liệu sản xuất chính sụt giảm mạnh, như gang từ 127,8 nghìn tấn năm 1965 giảm xuống 95,1 nghìn tấn năm 1975; trong cùng thời gian, quặng cromit từ 13,1 nghìn tấn giảm xuống 10,4 nghìn tấn, thiếc thỏi từ 436 tấn xuống 263 tấn… Đồng thời, nền kinh tế cũng phải dành một nguồn lực rất lớn để khôi phục các cơ sở sản xuất sau chiến tranh (1973 - 1975).

Có thể coi chiến tranh là nguyên nhân “kép”. Một mặt, sự tàn phá của chiến tranh tác động trực tiếp tới sản xuất; phân tán nguồn lực vào công cuộc bảo vệ và thống nhất đất nước. Mặt khác, chiến tranh góp phần làm chậm lại việc nhận ra những khiếm khuyết của mô hình kinh tế kế hoạch hóa. Những trăn trở trong cải tiến quản lý ở cấp vĩ mô và vi mô đều hướng đến giải quyết những yếu kém trong thực thi chỉ tiêu pháp lệnh Nhà nước - nét đặc trưng của nền kinh tế kế hoạch hóa, chứ chưa “đụng” đến cơ chế vận hành của mô hình kinh tế kế hoạch hóa. Thị trường vẫn còn là vấn đề “nhạy cảm”; các loại chợ nông thôn, chợ thành thị, chợ chuyên bán hàng nông sản, chợ “đen”, chợ “cóc”, hay hàng rong được phép duy trì với vai trò giải quyết nhu cầu thiết yếu dân sinh, chứ thị trường chưa được coi là động lực cho sự vận động của cung - cầu và giá trị trong thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.

Đào Mạnh Đức
  • Tags: