Châu Á với bài toán dư thừa gạo

Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và các chương trình hỗ trợ nông dân từ Chính phủ đã giúp sản lượng gạo tại nhiều nước Châu Á tăng cao; gia tăng mức dư thừa gạo tại khu vực Châu Á, điều này đã tác độ
Vấn đề dư thừa gạo

Việc dư thừa gạo này đã khiến giá gạo trở nên rẻ hơn đối với các nước nhập khẩu gạo lớn như Trung Quốc và các nước tại khu vực Châu Phi. Tuy nhiên, người tiêu dùng tại một số quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, bao gồm Thái Lan và Ấn Độ lại đang phải chịu giá gạo cao hơn do hầu hết lượng gạo dư thừa đang nằm trong các kho của Chính phủ.

Lượng gạo dư thừa tăng cao đến mức Chính phủ Thái Lan đang phải xem xét sử dụng một nhà kho tại sân bay Dong Muang cũ ở Bangkok làm kho trữ gạo do các kho chứa khác đã tích đầy gạo; tại các vùng nông thôn của Ấn Độ, gạo được chất đầy trên các bệ gỗ và chỉ được phủ bằng các tấm vải nhựa.

Tình hình thời tiết tốt và các chương trình khuyến khích nông dân trồng gạo của các Chính phủ là nguyên nhân chính dẫn đến việc dư thừa gạo. Dự báo lượng gạo dự trữ toàn cầu sẽ tăng 2% trong năm nay, tăng năm thứ 9 liên tiếp – theo Hội đồng ngũ cốc thế giới (IGC – London).

Tác động đến kinh tế

Các chuyên gia dự báo việc dư thừa gạo sẽ trầm trọng hơn khi Thái Lan – một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang cố gắng bán một phần gạo từ kho dự trữ 17 triệu tấn gạo của nước này. Bên cạnh đó, sản lượng gạo của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới được dự kiến sẽ gần đạt mức kỷ lục trong vài tháng tới; sản lượng gạo tại Pakistan cũng được dự báo sẽ tăng cao. Trong khi đó nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước nhập khẩu lớn, bao gồm Philippines và Nigeria lại đang sụt giảm.

Theo ông Darren Cooper, chuyên gia kinh tế cấp cao tại IGC nhận định: “Giá gạo sẽ chịu áp lực giảm giá nếu Thái Lan thành công trong việc giải phóng lượng gạo dự trữ”.

Chỉ số đo lường giá gạo toàn cầu của IGC đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2010 trong ngày 26/7, đạt 200 điểm; tính từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã giảm gần 5%. Tuy nhiên, gạo lại có giá khác nhau tùy vào từng quốc gia do gạo chủ yếu được bán tại chính nước sản xuất; chỉ có 8% lượng gạo được giao dịch trên thế giới so với các loại ngũ cốc khác (20% đối với lúa mỳ, 36% đối với đậu tương).

Giá gạo trên thị trường giao ngay tại Việt Nam đã giảm khoảng 5% trong năm nay, giá gạo 5% tấm Việt Nam hiện được giao dịch ở mức 390 USD/tấn. Giá gạo 5% tấm Thái Lan dành cho xuất khẩu cũng đã giảm 16%, tính từ đầu năm đến nay, giảm xuống còn 475 USD/tấn.

Cho đến nay, Thái Lan và các nước sản xuất gạo đang bị mắc kẹt bới chính các chính sách của mình. Trong ngày 29/7, Bộ Thương mại Thái Lan đã cho biết phiên đấu thầu gạo dự trữ đầu tiên trong năm nay của Chính phủ Thái Lan đã thất bại; các nhà thầu chỉ đặt mua 90.000 tấn gạo so với mục tiêu 350.000 tấn. Các thương nhân cho biết giá gạo trên thị trường hiện ở mức 480 USD/tấn, trong khi mức giá đặt mua gạo Chính phủ Thái Lan chỉ đạt 380 USD/tấn do lo ngại về chất lượng gạo giảm sút.

Thái Lan hiện cũng đang cố gắng bán gạo qua các hợp đồng liên Chính phủ (G2G). Trong tuần trước, Chính phủ Thái Lan đã thông báo bán được 250.000 tấn gạo trắng 100% tấm cho Iran, tuy nhiên mức giá cụ thể không được đưa ra; đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007, Iran nhập khẩu loại gạo này từ Thái Lan.

Theo ông Tejingder Narang, một nhà tư vấn tại Emmsons International Ltd (Ấn Độ) cho biết: “Nhu cầu về gạo Thái Lan sẽ quyết định giá gạo của nước này có thể xuống thấp đến mức nào”.

Tác động đến người tiêu dùng

Các quy định chặt chẽ và sự phân tán về thị trường gạo đồng nghĩa với việc người tiêu dùng và người nghèo nhận được rất ít lợi ích từ việc dư thừa nguồn cung gạo. Một vài tổ chức cứu trợ cho rằng Chính phủ các nước cần khuyến khích nông dân chuyển sang trồng các loại cây khác bằng việc giảm mức trợ giá gạo đối với nông dân.

Như tại Thái Lan, trong khi người nông dân được hưởng lợi từ việc Chính phủ Thái Lan trợ giá thu mua gạo nhưng giá gạo tại các siêu thị của Thái Lan đã tăng 10% kể từ năm 2011 do nguồn cung gạo bị thắt chặt. Mặc dù lượng gạo dự trữ tại các kho của Chính phủ Thái Lan đã phình to ra nhưng các thương nhân vẫn phải nhập gạo từ Campuchia và Việt Nam để đáp ứng nhu cầu nội địa. Chính phủ Thái Lan tỏ ra không sẵn lòng với việc bán gạo giá rẻ ra thị trường nội địa Thái Lan sau khi đã thu mua gạo từ nông dân với mức giá cao hơn khoảng 50% giá thị trường.

Các nhà kinh tế học cho biết các chính sách nông nghiệp của Ấn Độ cũng đang dẫn đến những tác động giống với Thái Lan lên thị trường gạo nội địa Ấn Độ.

Bên cạnh đó, một vài thương nhân và các nhóm đại diện cho người tiêu dùng đã bày tỏ quan ngại việc dự trữ gạo trong thời gian dài sẽ không đảm bảo an toàn cho việc sử dụng do hàm lượng hóa chất bảo quản cao. Lo ngại về gạo không đảm bảo an toàn tăng cao sau thông tin gạo Thái Lan nhiễm hóa chất bảo quản. Theo các chuyên gia, nếu được tránh ẩm, gạo có thể lưu trữ ít nhất 3 năm, tuy nhiên việc lưu trữ gạo vẫn có thể bị ảnh hưởng từ côn trùng và chuột.
Đặng Quang