Chè Tà Xùa cần lắm “bà đỡ”

Cả nước không nơi nào có loại chè búp trắng như tuyết, nước chè xanh lơ đỏ từ đầu đến cuối, vị thơm, ngọt dịu. Trong số 400 – 500 cây chè cổ thụ được mọc tự nhiên, chỉ còn 60 cây chè cổ thụ đầu dòng.
“Thuốc tiên” trên đỉnh núi
Chè Tà Xùa theo ngôn ngữ của người H’Mông có nghĩa là thuốc chữa bệnh. Theo Từ điển khoa học thì chè Tà Xùa tại Bắc Yên là chè Shan cổ thụ. Cái khác là chè Tà Xùa sinh trưởng trong hai mùa: mưa và khô rất rõ rệt, sống ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, quanh năm có sương mù bao phủ, tạo nên búp chè có màu trắng như lông tơ quện chặt, khi sao chè vẫn giữ được màu trắng cánh vàng, khi uống có vị thơm, ngọt thanh, mát dịu và đặc biệt màu nước chè từ đầu cho tới cuối vẫn giữ được nguyên màu xanh lơ đỏ.

Chè Tà Xùa được phân bố chủ yếu ở bản Tà Xùa A, Mống Vàng, Chung Chinh, Bản Bẹ… có khoảng 400 – 500 cây chè cổ thụ. Cây cao 10 – 15m, bán kính thân từ 10 – 40 cm, mỗi cây có thể cho thu hoạch 7 – 8 kg chè nguyên liệu. Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì chè Tà Xùa lá gân nhiều, màu xanh vàng, rãnh răng cưa dọc lá sâu, chóp lá nhọn là biểu hiện của giống chè chất lượng tốt, năng suất cao và ổn định. Ngoài ra, chất tinin từ 38,1 - 40,5% và chất hòa tan cao 49,1 – 50,2% do đó đã tạo nên hương thơm, vị dịu ngọt, phù hợp cho việc chế biến chè đặc sản.

Cụ Mùa A Di, gần 80 tuổi ở bản Chung Chinh, nguyên là Chủ tịch UBND xã Tà Xùa tâm sự: Tập quán canh tác của người H’Mông phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên, không bón phân, không phun thuốc, không có sự can thiệp của máy móc. Bà con dân bản rất quý cây chè Tà Xùa, bởi chính cây thuốc này đã đẩy lùi đi các căn bệnh hiểm nghèo của người dân. Cả xã tới nay chưa có ai mắc phải bệnh hiểm nghèo. Mấy năm trở lại đây nó là cây thoát nghèo của bản, nhiều đứa trẻ được cắp sách tới trường. Cụ Di cho biết thêm: Chè Tà Xùa khi pha với nước sôi thì ở bất cứ đâu cũng thơm ngon, không phải như một số thông tin mà báo chí đã nêu là chè Tà Xùa chỉ ngon khi dùng nước suối Tà Xùa.

Trên thực tế, do phải sao chè thủ công nên chất lượng của chè đã giảm đi đáng kể, giá bán cũng bị nhiều tư thương ép có khi chỉ còn 180.000đ/kg, trong khi thị trường đang bán 250.000 – 300.000đ/kg. Vào dịp tết giá tăng lên gấp đôi từ 450.000 – 500.000đ/kg mà không có chè để bán. Anh Mùa A Vang, một đại gia có diện tích chè lớn nhất bộc bạch: “Có lần tôi vô tình nghe được hai người tiểu thương dưới xuôi lên Tà Xùa thu mua chè, sau đó mang về trộn lẫn với loại chè Shan tuyết Mộc Châu, Thái Nguyên để “lòe” khách hàng, bán với giá cắt cổ. Tôi về họp bàn với các hộ dân quyết không bán chè cho các tiểu thương dưới xuôi để bảo vệ lấy thương hiệu cho chè Tà Xùa không bị “vấy đục”, nhưng cũng chỉ được một thời gian, trong dân không có tiền mua gạo, tiền ăn, tiền học cho con… nên chúng tôi đành phải bán chè cho họ”. 

Nhờ uống chè hang ngày mà người dân H’Mông đã hạn chế được các căn bệnh hiểm nghèo.


Để chè Tà Xùa không bị “rớt đài” như nhiều loại chè khác của Việt Nam trong thời gian qua. Một vị quan chức tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay, với mặt hàng chè Tà Xùa rất cần một doanh nghiệp “Mạnh thường quân” ra tay gây dựng nhãn mác, bao bì và đăng ký thương hiệu cho chè Tà Xùa, thì khi đó mới chấm dứt tình trạng buôn gian, bán lận làm ảnh hưởng uy tín của loại chè đặc biệt này.

Mỏi mòn đợi dự án
Được biết, có rất nhiều dự án khảo sát, nghiên cứu, chọn lọc chè đầu dòng của các cơ quan chức năng tại Tà Xùa, với mong muốn bảo tồn, nhân giống, mở rộng diện tích loại chè quý hiếm và giúp đồng bào các dân tộc ở đây bớt cơ cực. Nhưng tất cả các hoạt động đó chỉ diễn ra chóng vánh và đi đến ngõ cụt do thiếu vốn, thiếu “Mạnh thường quân”.

Trong Nghị quyết Đảng bộ huyện Bắc Yên năm nào cũng đưa vấn đề bảo tồn, xây dựng và phát triển vùng chè đặc sản Tà Xùa, được các cấp, ngành hết sức quan tâm. Nhưng Bắc Yên là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Sơn La, nguồn vốn hàng năm không đủ để khôi phục lại giống chè Tà Xùa. Điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Yên vẫn biết rừng chè đang bị thu hẹp, chất lượng chè giảm, nông dân phải tự “bơi” để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Năm 2009, HTX Thiên Thịnh tại xã Tà Xùa chính thức đi vào hoạt động, một tín hiệu vui được le lói cho bà con trồng chè. HTX này đang cùng với các hộ dân chăm sóc, quản lý 115 ha chè cổ thụ, trồng mới 175 ha chè nguyên liệu và sẵn sàng bao tiêu toàn bộ chè nguyên liệu cho các hộ dân. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động HTX đã “hụt hơi” nên chỉ đáp ứng mua một phần nhỏ nguyên liệu chè trong dân về chế biến, số nguyên liệu chè còn lại các hộ dân phải chủ động sao thủ công, bán chè khô lại cho HTX, tư thương hoặc phải gùi xuống phố để tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ nhiệm HTX Thiên Thịnh cho hay: Bản thân HTX cũng khó khăn về vốn, lại không có đơn vị nào đỡ đầu trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh chè Tà Xùa, nên đã dẫn tới tình trạng sản phẩm làm ra chỉ để bán cho người quen và khách du lịch làm quà. Đây cũng là đơn vị duy nhất tại Bắc Yên đăng ký bao bì, nhãn mác cho sản phẩm chè Tà Xùa, thế nhưng những hộp chè đẹp, bắt mắt ấy chỉ vào dịp lễ tết mới được HTX mang ra để đựng chè bán cho khách hàng làm quà biếu.

Được biết, năm 2008 Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành điều tra tuyển chọn cây chè Shan cổ thụ đầu dòng tại Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Kết quả, đã tìm ra và đánh số 60 cây chè đầu dòng, có tuổi đời trên trên 200 tuổi và đã tiến hành phương pháp giâm cành thành công 14 cây chè Shan cổ thụ tại vườn ươm Phú Hộ (tỉnh Phú Thọ). Ông Hà Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết: Cũng từ đó đến nay đã có nhiều đoàn nghiên cứu thuộc nhiều viện, trung tâm, khách nước ngoài tới khảo sát, nghiên cứu và có cả doanh nghiệp dưới xuôi lên tìm hiểu để đầu tư. Họ đều đánh giá rất cao về chất lượng cây chè Tà Xùa, điều kiện khí hậu phù hợp cho cây chè phát triển... nhưng không hiểu vì lý do gì tới nay chúng tôi vẫn chưa nhận được lời đề nghị chính thức nào từ các Mạnh thường quân xin đầu tư vào vùng chè cổ thụ.

Hơn bao giờ hết, vùng chè đặc sản Tà Xùa đang rất cần một Mạnh thường quân ra tay cứu giúp lấy rừng chè cổ thụ, nhân giống và bảo tồn loại chè có một không hai tại Việt Nam.
  • Tags: