Chi cho đầu tư phát triển vẫn ở mức thấp so với yêu cầu,

Đó là nhận định của Bộ Tài chính trong công tác chi ngân sách nhà nước và quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước (NSNN) trong 7 tháng vừa qua.
chi đầu tư phát triển đạt gần 192 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, vẫn ở mức thấp so với yêu cầu
7 tháng qua, chi đầu tư phát triển đạt gần 192 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, vẫn ở mức thấp so với yêu cầu

 

Tổng chi NSNN tháng 7 ước đạt 117,3 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 7 tháng đạt 855,5 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019;

Trong đó: chi đầu tư phát triển đạt gần 192 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, vẫn ở mức thấp so với yêu cầu, chi trả nợ lãi đạt 68,27 nghìn tỷ đồng, bằng 57,8% dự toán, xấp xỉ cùng kỳ năm 2019;

Chi thường xuyên đạt 589,8 nghìn tỷ đồng, bằng 55,8% dự toán, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó NSNN đã chi khoảng 17,67 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19).

Theo đánh giá của Bộ này, NSNN đã đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm theo dự toán và các nhiệm vụ đột xuất phát sinh phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Đến nay, NSNN đã chi khoảng 17,67 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong đó: chi cho công tác phòng, chống dịch khoảng 5,37 nghìn tỷ đồng; chi hỗ trợ cho 12,4 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 12,3 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp khoảng 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.

Thực hiện Nghị quyết 122/2020/QH14 kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ngày 19/6/2020 và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

Về cân đối ngân sách nhà nước và huy động vốn: Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.

Tính đến ngày 28/7/2020, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 154,68 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch năm 2020 để chi trả nợ trái phiếu đến hạn và để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (9.090 tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 13,41 năm, lãi suất bình quân 2,96%/năm (bình quân năm 2019 là 4,51%/năm).

Qua công tác chi ngân sách nhà nước và quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước cho thấy nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính, bởi lẽ dịch Covid-19 khiến thu NSNN không đạt chỉ tiêu kế hoạch.

Cụ thể, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 7 ước đạt 107,9 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu 7 tháng đạt 779,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019 (ngân sách trung ương ước đạt 48,3% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 55,8% dự toán).

Nghi Lộc