Chiến lược năng lượng hướng Đông của Nga

Khu vực Đông Á bao gồm 18 nền kinh tế (7 nền kinh tế thuộc Đông Bắc Á + 11 nền kinh tế thuộc Đông Nam Á) với dân số chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới và tổng GDP chiếm gần 1/4 GDP của toàn thế giới. Đô

Những năm gần đây, Đông Á thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới, không chỉ vì đây là địa bàn chiến lược quan trọng có nhiều vấn đề "nóng", mà còn là vì khu vực này đã đạt được những thành công ngoạn mục về phát triển kinh tế và trở thành một đầu tầu của kinh tế thế giới, đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng toàn cầu.

Đây là khu vực có hai nền kinh tế quan trọng hàng đầu thế giới (sau Mỹ) là Trung Quốc và Nhật Bản, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2013 trên 14 nghìn tỉ USD. Tính đến hết Quý 1/2014, Trung Quốc đã vươn lên thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu và dự trữ ngoại tệ với tổng số gần 4 nghìn tỷ USD. Tiềm năng kinh tế là vậy, tiềm năng hợp tác giữa Nga với các nước Đông Á còn rất to lớn. Kim ngạch ngoại thương của Nga với các nước châu Á hiện mới chỉ ở mức khiêm tốn 150 tỉ USD, bằng 1/3 so với trao đổi thương mại Nga - châu Âu. Trong khi trục chính trị đang xoay về châu Á, dòngchảy chính của kinh tế thế giới đang chuyển về châu Á - Thái Bình Dương làm cho khu vực Đông Á đang trở thành tâm hướng đến của sự dịch chuyển.

Đối với Nga, khu vực Đông Á không chỉ là cơ hội, thị trường mới để xuất khẩu năng lượng mà còn là một phần của kế hoạch nhằm thu hút khu vực này để phát triển vùng Đông Siberia và Viễn Đông của Nga. Vùng Viễn Đông của Nga có nguồn dự trữ khổng lồ về dầu, khí, than đá và các loại khoáng sản khác và được coi là kho báu của quốc gia này. Suốt nhiều năm qua, tình trạng bị bỏ rơi và kém phát triển của khu vực này đang trở thành mối đe dọa đối với Nga và nơi nhạy cảm về chính trị trong khu vực. Trong khu vực Đông Á, nếu Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia tiêu thụ và có nhu cầu nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới thì Nga đang dần chiếm lĩnh vai trò người cung cấp năng lượng chính. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi xuất khẩu năng lượng của các nước Ả-rập, vịnh Péc-xích và Trung Á sang khu vực Đông Á và từ Nga sang châu Âu đang bị giảm sút, đặc biệt nếu xảy ra tình trạng quan hệ Trung - Mỹ bị xấu đi, Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực đóng cửa Eo biển Malakka. Hơn nữa, nếu chỉ với vai trò là đối tác cung cấp nguồn năng lượng tại khu vực này thì Nga vẫn chưa thể hiện được vai trò người tham gia chính trong hội nhập khu vực này. Nếu Trung Quốc với ngành công nghiệp có nguồn nhân công giá rẻ, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nhà cung cấp công nghệ cao thì Nga vẫn chưa thể hiện được vai trò to lớn của mình trong nền kinh tế của khu vực.

Với những đặc điểm và tính chất ở trên, chính sách năng lượng hướng Đông của Nga là nhằm tăng cường vị trí của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Á nói riêng. Tuy nhiên, với chính sách này không có nghĩa là Nga quay lưng với châu Âu, bởi về kinh tế phương Tây vẫn là đối tác chiến lược của Nga. Mặc dù hiện nay đang có những xung đột nhưng Nga vẫn muốn duy trì thị trường châu Âu vì đây là thị trường đã có từ lâu và Nga cũng muốn sử dụng các hợp đồng năng lượng làm công cụ chính trị đối với châu lục này.

Chiến lược năng lượng hướng Đông của Nga được thể hiện rõ nét trong quan hệ của Nga với các nước thuộc khu vực mà chiến lược xác định mà đầu tiên phải kể đến là quan hệ Nga - Trung. Trung Quốc trở thành bạn hàng của Nga nhờ kim ngạch song phương hàng năm lên tới hàng chục tỷ USD (năm 2013 là hơn 90 tỷ USD). Trong thương mại song phương, Nga chủ yếu cung cấp nguyên liệu năng lượng và bán vũ khí cho Trung Quốc, còn Trung Quốc muốn sử dụng đặc quyền trong thương mại năng lượng và khoáng sản của Nga. Hàng năm đầu tư của Trung Quốc vào Nga liên tục gia tăng, đặc biệt đầu tư vào khu vực Viễn Đông trong lĩnh vực năng lượng. Trước những bất đồng trong quan hệ Mỹ - Trung và sự gia tăng trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga, quan hệ Nga - Trung càng có xu hướng phát triển mạnh. Cả Nga và Trung Quốc hiện nay đều muốn đẩy mạnh hợp tác hơn nữa để có những gắn kết về lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, trước tình cảnh khốn khó của Nga hiện nay, Trung Quốc dường như đang cố gắng tận dụng những chính sách thương mại quân sự và năng lượng của Nga cho việc phát triển của mình.

Quan hệ Nga - Trung trong lĩnh vực dầu mỏ được củng cố và phát triển từ năm 2008 với Biên bản ghi nhớ về việc tương trợ và hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ. Nga đã xây xong đường ống quan trọng dẫn dầu xuất khẩu xuyên Siberia đến bờ Thái Bình Dương (ESPO) và kết nối với Trung Quốc. Một dấu ấn hợp tác thành công là việc ký kết hợp tác xuất khẩu dầu của Nga sang TQ bằng đường ống ESPO trong suốt 20 năm từ năm 2011 với khối lượng khoảng 15 triệu tấn/năm và liên doanh xây dựng nhà máy lọc hóa dầu Thiên Tân. Theo kế hoạch dự án đường ống ESPO dự kiến tăng công suất lên 80 triệu tấn/năm đến năm 2030. Tiếp đến là đường ống dẫn khí đốt mới được khởi công mang tên "Sức mạnh Siberia" chạy qua vùng Viễn Đông sang châu Á, mà điểm đến đầu tiên là Trung Quốc. Với đường ống "Sức mạnh của Siberia" hàng năm Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc khoảng 38 tỷ mét khối khí, hơn nữa với kỳ vọng dự án có triển vọng tốt con số này sẽ được nâng lên thành 60 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm.

Đối với Nhật Bản, vấn đề tranh chấp lãnh thổ dường như được gác lại để dành chỗ cho những hợp tác mới với Nga. Nga đang gia tăng xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hóa lỏng vào thị trưởng Nhật Bản để khẳng định vị trí của người cung cấp dầu khí tiềm năng ở khu vực. Tập đoàn Gazprom, công ty dầu khí Duch/Sell và Hãng Mitsui, Mitsubishi của Nhật Bản (chung vốn 22,5% cổ phần) đang tham gia dự án đường ống dẫn khí "Sakhalin-2" và Nhật Bản là nước sử dụng phần lớn thành phẩm cuối cùng của dự án đường ống dẫn khí hóa lỏng này. Mặc dù Nhật Bản luôn đòi Nga trao trả các đảo Sakhalin làm cho quan hệ Matxcơva và Tokyo trở nên căng thẳng nhưng Nhật Bản luôn coi Nga là đối tác có vai trò quan trọng trong khu vực. Ngoài ra, Nga đang cố gia tăng ảnh hưởng của mình tại bán đảo Triều Tiên với kế hoạch đường cung cấp khí đốt cho Hàn Quốc đi qua lãnh thổ Triều Tiên, tham gia vào dự án xây dựng tuyến đường sắt nối cảng Najin của Triều Tiên với Khasan thuộc vùng Viễn Đông Nga, khi hình thành đây là "con đường tơ lụa" kết nối hai châu lục Âu - Á.

Tận dụng ưu thế của một cường quốc có lãnh thổ rộng lớn trải dài từ châu Âu sang Thái Bình Dương, hiện nay Nga đã và đang tiến hành chính sách hướng Đông để tạo sự cân bằng thay vì triển khai chính sách hướng về một phía Tây Âu như trước đây. Khu vực Đông Á mà rộng hơn là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang tăng trưởng mạnh với nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một cao đang trở thành giao điểm về lợi ích quốc tế và các nước lớn. Với chiến lược năng lượng của mình Nga đang tạo những điều kiện gây ảnh hưởng quyết định ở vùng Đông Á mà rộng hơn là vùng Bắc Thái Bình Dương. Vị trí và nhiệm vụ của các nhà cung cấp năng lượng trên thế giới cũng đang có khuynh hướng thay đổi và Nga đã chiếm ngôi đầu thế giới của Ả-rập Xê-út trong việc khai thác và cung cấp dầu mỏ. Mặt khác, đang có sự gia tăng khuynh hướng sử dụng khí sạch và khí tự nhiên, mà hiện nay Nga và Iran chiếm 60% nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên của thế giới. Do đó, trong tương lai Nga sẽ chiếm vị trí ảnh hưởng số 1 từ châu Âu cho tới Thái Bình Dương không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà cả kinh tế và chính trị.

Đường ống dẫn dầu ESPO trong Chính sách năng lượng hướng Đông của Nga

Một số nội dung chính trong chiến lược năng lượng hướng Đông của Nga

Chiến lược năng lượng hướng Đông của Nga là một chiến lược then chốt, dự kiến sẽ hình thành các tổ hợp năng lượng trên vùng Viễn Đông của Nga nối liền với khu vực Đông Á đến châu Á - Thái Bình Dương và trên bờ biển, thềm lục địa biển phía Bắc nước Nga.

Thành phần quan trọng trong chính sách xuất khẩu của Nga trong giai đoạn 2030 là đa dạng hóa thị trường theo các dạng nguồn năng lượng và theo khu vực. Trong tương lai theo thường lệ Nga sẽ vẫn giữ lại thị trường Tây và Trung Âu, còn nguồn năng lượng chiếm ưu thế vẫn là dầu mỏ. Phân khúc năng động nhất của thị trường châu Âu sẽ là gas, ở đây Nga là nước cung cấp truyền thống và nhằm thể hiện sức mạnh của Nga. Thế nhưng mục tiêu chính trong chiến lược đa dạng hóa xuất khẩu lại là các thị trường mới đó là châu Á - Thái Bình Dương. Nga vạch ra kế hoạch chiến lược đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đến năm 2030 cần phải đạt 26-27% xuất khẩu tài nguyên năng lượng, 22-25% xuất khẩu dầu thô và 19-20% xuất khẩu khí thiên nhiên của Nga sang khu vực này. Để thực hiện chiến lược đó, Nga đang vạch kế hoạch khai thác nguồn tài nguyên phía Đông của Nga và phát triển hạ tầng khu vực phía Đông. Nhiệm vụ đa dạng hóa xuất khẩu sang phía Đông là một định hướng then chốt trong khuôn khổ thực hiện Chiến lược năng lượng 2030 của Nga. Nga cho rằng thị trường năng lượng phía Đông hấp dẫn bởi các điểm phục vụ cho việc xuất khẩu đa dạng, nhu cầu từ thị trường tăng nhanh, dễ tiếp cận và mở rộng khả năng đầu tư, dễ hấp thụ công nghệ của Nga.

Trong lĩnh vực công nghệ năng lượng, đặc biệt công nghệ nguồn năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, Nga cho rằng đây sẽ là một lĩnh vực hợp tác riêng giữa Nga với các nước châu Á - Thái Bình Dương nhằm:

- Mở rộng việc tiếp cận các nguồn năng lượng ở nước ngoài và tăng thị phần nhập khẩu và phần trăm sở hữu của các công ty dầu khí Nga ở nước ngoài;

- Mở rộng thị trường tiêu thụ các hàng hóa công nghệ cao và các bí quyết công nghệ mà Nga đang sở hữu;

- Nghiên cứu để phát triển kinh doanh các lĩnh vực này tại Nga.

Chiến lược đưa ra vấn đề an ninh năng lượng là yếu tố then chốt của an ninh các quốc gia chung và nằm trong chính sách kinh tế quốc gia của các nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, Pakistan. Hiện nay an ninh năng lượng gắn liền với khủng hoảng các yếu tố của chính sách năng lượng, đây không những là vấn đề quốc gia mà còn là vấn đề khu vực và toàn cầu. Trong tương lai, với chiến lược này Nga dự định sẽ thành lập một số cơ chế mới để đảm bảo về vấn đề an ninh năng lượng khu vực, trong đó có cân nhắc đến lợi ích lâu dài của Nga như là nhà cung cấp năng lượng chính trong khu vực:

- Đối thoại năng lượng Nga - APEC hoặc Liên minh Á Âu - APEC;

- Chuẩn bị một thỏa thuận về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực năng lượng của các nước APEC, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế và an ninh chính trị và bảo vệ môi trường trong khu vực;

Trong khuôn khổ chiến lược này, Nga cũng dự kiến sẽ đưa ra thảo luận trong khu vực một số vấn đề sau:

- Thỏa thuận về chính sách năng lượng (chiến lược) của các nước trong khu vực (ý tưởng, mục tiêu, khối lượng, điều kiện);

- Thỏa thuận về các chương trình phát triển năng lượng quốc gia và các thỏa thuận quốc tế có liên quan;

- Thỏa thuận về các dự án phát triển hạ tầng năng lượng và giao thông;

- Thỏa thuận về các chương trình phát triển (phổ biến) các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng;

- Thành lập trung tâm phân tích - khoa học về các vấn đề chính sách năng lượng và an ninh năng lượng trong khuôn khổ liên kết các Viện nghiên cứu trong khu vực Đông Bắc Á, châu Á - Thái Bình Dương.

Để phát triển kinh tế vùng phía Đông Sibiri và Viễn Đông, Nga xác định cần thực hiện các nhiệm vụ cấp cao và thực hiện các siêu dự án. Một trong các siêu dự án có thể là dự án tổ hợp phát triển hạ tầng năng lượng và giao thông khu vực như một phần hành lang giao thông quốc gia từ Viễn Đông đến các nước phía Đông. Một biện pháp có thể thực hiện khả thi là bằng hình thức đầu tư "Năng lượng đổi hạ tầng".

Chiến lược vạch ra các tuyến đường vận chuyển dầu sang hướng Đông gồm:

Một là, vận chuyển dầu sang vùng duyên hải Thái Bình Dương hoặc sang biên giới Trung Quốc bằng hệ thống đường sắt.

Hai là, bơm dầu thô trực tiếp tới các cảng xuất khẩu ở Thái Bình Dương thông qua dự án Shakhalin hoàn thành năm 2007. Hai biện pháp này cho phép Nga xuất khẩu từ 250.000 đến 500.000 thùng dầu mỗi ngày đến các thị trường châu Á.

Ba là, qua đường ống dẫn dầu Đông Siberia - Thái Bình Dương (ESPO) bắt đầu từ các vựa dầu ở Tây Siberia của Nga kéo dài khoảng 4.800 km đến cảng Kozmino ở Thái Bình Dương.

Bốn là, đường ống dẫn dầu khác từ Nga đến Trung Quốc dài 964 km đến thẳng khu lọc dầu Daqing ở Đông Bắc Trung Quốc.

Trong lĩnh vực cung cấp khí đốt, mạng lưới cung cấp khí đốt từ Nga đến các nước Đông Á và châu Á- Thái Bình Dương trong giai đoạn đến năm 2030 được đánh giá khoảng 70-80 tỷ mét khối. Nga dự định xây dựng một hệ thống vận chuyển khí đốt sang phía Đông từ 4 trung tâm khai thác khí Sakhalin, Iakut, Yrkut và Krasnoiar. Và khi chứng minh được hiệu quả kinh tế, hệ thống này sẽ được kết nối vào hệ thống cung cấp khí đốt thống nhất toàn Nga (ESG). Nga đã và đang xây dựng 2 tuyến đường cung cấp khí đốt Đông và Tây với khối lượng xuất khẩu tương ứng khoảng 30 và 38 tỷ mét khối. Tuyến phía Tây từ Tây Sibiri, từ các mỏ Nadum-Pur-Taza qua Novokuznesk đến phía Tây biên giới Nga - Trung Quốc. Tuyến phía Đông, từ vùng Viễn Đông và Sakhalin dự kiến sang Trung Quốc và Hàn Quốc với khối lượng khoảng 25 - 50 tỷ mét khối/năm. Dự kiến kết nối các mỏ của trung tâm khai thác khí Yakut hoặc Yrkut qua đường ống trung chuyển đến Khabarovska. Với Trung Quốc, hơn ai hết trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì Trung Quốc là nước luôn bám sát chiến lược năng lượng này của Nga. Trung Quốc tỏ thái độ vẫn tiếp nhận những chính sách của Nga mà có lợi cho Trung Quốc, lợi dụng chính sách phát triển hạ tầng của Nga để tăng cường đầu tư vào khu vực Viễn Đông của Nga. Đặc biệt là việc Trung Quốc đề nghị đầu tư 10 tỷ USD vào các giếng dầu tại Đông Sibiri.

Lĩnh vực than đá, trong tương lai sẽ tăng khối lượng xuất khẩu than đá của Nga sang các nước châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay với sản lượng xuất khẩu khoảng trên 25 triệu tấn/năm, muc tiêu khối lượng xuất khẩu than đá của Nga sang các nước châu Á - Thái Bình Dương có thể tăng đến 56-60 triệu tấn vào năm 2015. Lĩnh vực than đá đã trở thành một hướng hợp tác mới giữa Nga và Trung Quốc trong môi trường năng lượng. Ngân hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận khung về dự án tài chính trong lĩnh vực khai thác than đá của Nga phục vụ cho việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Hàng năm khối lượng than đá thương mại trong 5 năm gần đây đều đạt khoảng 15 triệu tấn, tới năm 2030 sẽ tăng lên đến 20 triệu tấn. Dự kiến Nga và Trung Quốc sẽ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ than đá.

Phát triển cung cấp năng lượng điện của Nga sang Trung Quốc dựa vào khả năng sản xuất và xuất khẩu của Nga, cũng như mức độ giá được xem xét từ phía Trung Quốc. Trong điều kiện thuận lợi, tới năm 2014 khối lượng xuất khẩu cho Trung Quốc có thể đạt 7-10 tỷ kWh, cũng như đến năm 2030 tăng lên đến 60-80 tỷ kWh. Trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đánh dấu bằng việc gấp rút chuẩn bị hợp tác cùng xây dựng Lò thứ Ba và thứ Tư nhà máy điện nguyên tử Thiên Tân. Năng lượng nguyên tử là một trong những hướng ưu tiên phát triển trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc. Việc cung cấp điện cho Hàn Quốc có thể bắt đầu sau năm 2015 và tới năm 2030 có thể đạt 10-15 tỷ kWh.

Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam

Là cơ hội để Việt Nam tận dụng xây dựng và phát triển chính sách năng lượng quốc gia của mình:Với Chính sách năng lượng hướng Đông của Nga, những năm gần đây một số đối tác lớn của Nga đã và đang tham gia vào các dự án hợp tìm kiếm thăm dò trên thềm lục địa và các dự án khâu sau tại Việt Nam;

Là cơ hội để Việt Nam tham gia các cơ chế liên minh trong lĩnh vực năng lượng của Nga và các nước trong khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương: Với vai trò là nước lớn và thế mạnh về các nguồn năng lượng thì Nga sẽ hình thành các liên minh và cơ chế hợp tác khu vực hoặc nhóm các nước cung cấp và tiêu thụ nhằm hỗ trợ cho chiến lược năng lượng hướng Đông của Nga. Do vậy, Việt Nam cũng cần tranh thủ để tham gia và hưởng các lợi ích từ các cơ chế này, một mặt đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng, một mặt liên kết phục vụ cho các nhiệm vụ kinh tế và chính trị khác của đất nước.

Là cơ hội để Việt Nam tăng cường đầu tư, hợp tác ra bên ngoài:Để thực hiện chiến lược năng lượng hướng Đông này, Nga đã phải "mở kho báu dầu khí" của mình ở phía Đông để phát triển và thu hút đầu tư. Nga không thể tự mình làm được tất cả mà rất cần có sự hợp tác từ bên ngoài, do vậy Nga đã đưa ra các chính sách hỗ trợ rất thuận lợi cho việc hợp tác đầu tư nước ngoài tại đây.  

Tuy nhiên việc tập trung chiến lược cùng với cấu trúc địa chính trị sẽ kéo theo lợi ích của các nước và từ đó phát sinh mâu thuẫn tạo ra môi trường căng thẳng và xung đột của khu vực:Nguồn cung cấp và quá trình phân phối tài nguyên năng lượng sẽ nảy sinh và kéo theo nhiều bất đồng về quan điểm, lợi ích giữa các quốc gia làm gia tăng những bất ổn. Thêm nữa, sự gia tăng căng thẳng và tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền giữa các nước trong khu vực và sự tăng cường tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc tại khu vực cũng góp phần làm cho tình hình thêm phức tạp.