Chính phủ Thái Lan và vấn đề duy trì tài chính cho chương trình trợ giá thu mua lúa gạo

Chính phủ Thái Lan đã quyết định tiếp tục duy trì Chương trình trợ giá thu mua lúa gạo vốn gây ra thiệt hại tài chính khổng lồ. Những người chỉ trích chương trình đang đặt ra câu hỏi bằng cách nào Chí

Tuần trước, Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố duy trì mức trợ giá thu mua lúa gạo như đã thỏa thuận trước đó với giá 15.000 Baht/tấn cho vụ mùa mưa và 13.000 Baht/tấn cho thời kỳ giữa vụ. Chính phủ Thái Lan cũng đưa ra mức giới hạn giá trị lúa gạo được thu mua từ nông dân (300.000 Baht/hộ nông dân) nhằm hạn chế chi phí trợ cấp. Quyết định nói trên đã đánh dấu năm thứ ba liên tiếp Chính phủ Thái Lan can thiệp vào thị trường gạo của nước này.

Quyết định duy trì chương trình trợ giá thu mua lúa gạo được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Thái Lan đang phải vật lộn với việc phục hồi kinh tế, đồng thời thực hiện mục tiêu giảm thấp thâm hụt ngân sách nhằm đạt cân đối ngân sách vào năm 2017.

Chương trình trợ giá thu mua lúa gạo của Chính phủ Thái Lan cho giai đoạn từ 10/2013 đến 9/2014 dự kiến sẽ cần khoảng 270 tỷ Baht (8,6 tỷ USD) nhằm mua vào 11 triệu tấn gạo.

Ông Nipon Poapongsakorn, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu và phát triển Thái Lan cho biết: “Hiện vẫn chưa rõ nguồn tài chính 270 tỷ Baht sẽ đến từ đâu. Mặc dù Chính phủ (Thái Lan) đã giảm mức giá trợ cấp nhưng vấn đề về nguồn tài chính vẫn là một vấn đề lớn”.

Kể từ khi Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đưa ra chương trình trợ giá thu mua lúa gạo vào năm 2011 – mua gạo từ người nông dân với giá cao hơn 50% giá thị trường, nội các Chính phủ Thái Lan đã thông qua tổng cộng 16 tỷ USD từ Ngân hàng trung ương Thái Lan nhằm duy trì chương trình này.

Tuy nhiên, bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Niwatthamrong Boonsongpaisal, trong tháng trước cho biết Chính phủ Thái Lan đã sử dụng khoảng 21,4 tỷ USD cho chương trình trợ giá thu mua lúa gạo. Trong tháng 9/2013, bà Yingluck Shinawatra cho biết Chính phủ Thái Lan sẽ sử dụng tiền từ việc bán gạo nhằm duy trì chương trình và thúc giục Bộ Thương mại và Tài Chính phối hợp với nhau để tìm ra cách giải quyết.

Mặc dù bà Yingluck Shinawatra cho biết Chính phủ Thái Lan sẽ không tiến hành vay thêm nợ, nhưng các nhà phê bình cho rằng Chính phủ Thái Lan không còn lựa chọn nào khác do tiến độ bán gạo dự trữ không đủ nhanh để tránh tình trạng tiếp tục thua lỗ.

Chính phủ Thái Lan hiện đang cố gắng bán số gạo dự trữ ra, số gạo này vốn được thu mua vào với mức giá cao hơn giá thị trường thông qua chương trình trợ cấp thu mua lúa gạo. Tuy nhiên, chi phí dự trữ đã làm giảm khả năng canh trạnh của gạo Thái trong bối cảnh nguồn cung gạo trên toàn cầu tăng cao. Trong niên vụ đầu tiên, chương trình này đã gây ra khoản lỗ 4,3 tỷ USD.

Trong tháng 7 và tháng 8/2013, Bộ Thương mại Thái Lan đã tổ chức 3 phiên đấu thầu bán ra 660.000 tấn gạo nhưng chỉ có 1/3 lượng gạo (240.000 tấn) được bán thành công. Trong tháng 8/2013, Thái Lan đã ký được một hợp đồng bán 500.000 tấn gạo cho Iran.

Đến tháng 9/2013, ông Niwatthamrong Boonsongpaisal cho biết Chính phủ Thái Lan đã bán được 1,2 triệu tấn gạo cho Trung Quốc và cam kết sẽ công bố hợp đồng ra công chúng nhằm chứng minh thông tin trên là có thật. Trong năm 2012, Chính phủ Thái Lan cho biết đã bán khoảng 7 triệu tấn gạo cho các chính phủ nước ngoài, tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho điều này.

Trong tháng 9/2013, ông Niwatthamrong Boonsongpaisal cũng đã cho biết lượng gạo dự trữ của Thái Lan đã giảm xuống còn 10 triệu tấn so với mức 17 triệu tấn trong tháng 6/2013. Số gạo còn trong kho của Thái Lan ngan bằng với tổng lượng gao Thái Lan xuất khẩu trong năm 2011.

Một thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, trong tháng 9/2013, đã cho biết Bộ Thương mại Thái Lan lên kế hoạch yêu cầu Tổ chức kho hàng (thuộc Bộ Thương mại Thái Lan) trả nợ thay Chính phủ (Thái Lan) với các nhà máy xay xát gạo và nhà kho tư nhân dưới dạng gạo thay vì tiền mặt với các hóa đơn trị giá khoảng 32 triệu USD.