Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu về Quy hoạch điện VII*

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, ngành điện đang khó khăn, dự kiến đến năm 2020, giá điện sẽ lên tới 8-9 cent mỗi kWh. Từ nay đến cuối năm có tăng giá hay không phụ thuộc vào tinh h



Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng. Ảnh: Hoàng Lan

Thứ trưởng Vượng khẳng định tại buổi Công bố Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7) chiều 3/8.

- Quy hoạch điện 7 có gì khác so với các quy hoạch điện trước thưa ông?

Quy hoạch điện 7 đã đưa ra các mốc để phát triển chiến lược ngành điện. Điểm khác đặc biệt so với các quy hoạch điện trước là lần này, năng lượng tái tạo được đặc biệt quan tâm. Tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời... sẽ nâng từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030. Điện hạt nhân cũng được đề cập đến và dự kiến sẽ vận hành từ năm 2020 và sau 10 năm nguồn điện hạt nhân sẽ có công suất 10.700 MW. Khác với những lần khác, đây là lần đầu tiên trong quy hoạch, giá điện được đề cập đến.


- Ngành điện lâu nay vẫn kêu lỗ vậy Bộ Công Thương dự kiến sẽ đưa ra cơ chế giá nhứ thế nào để thu hút nhà đầu tư, thưa ông?

- Trong 10 năm đầu, chúng ta cần 5 tỷ USD, 5-10 năm kế tiếp số vốn phải lên tới 7 tỷ đôla. Tôi cho rằng, có nhiều giải pháp huy động vốn cho ngành điện nhưng quan trọng nhất là làm sao để khắc phục về giá điện. Đến năm 2020, giá điện sẽ lên đến 8-9 cent. Chính phủ đã cho phép EVN được điều chỉnh giá điện dưới 5% khi có biến động đầu vào. Hy vọng đến một ngày nào đó, ngành điện có cơ chế điều chỉnh giá linh hoạt, hấp dẫn nhà đầu tư, có lợi nhuận để hoạt động.

- Chúng ta nói nhiều đến việc hình thành thị trường điện cạnh tranh nhưng thực tế, các tập đoàn lớn vẫn giữ trọng trách chủ đạo trong việc phát triển nguồn điện, vì sao vậy thưa ông?

- Dự án ngành điện đặc thù hơn so với các dự án hạ tầng khác vì quy mô vốn lên tới hàng tỷ USD. Do đó, trọng trách chính là các Tập đoàn Điện lực, Dầu khí và Công nghiệp Than khoáng sản. Các nhà đầu tư tư nhân dù có tiếng nhưng khi thực hiện các dự án nhiệt điện lên đến hàng tỷ đôla thì gặp rất nhiều khó khăn và bị chậm tiến độ. Hiện EVN đang đầu tư 39 dự án với quy mô 27.000MW và thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư các dự án lớn. Các tập đoàn Than, Điện, Dầu khí vẫn phải gánh trách nhiệm chính trong việc đầu tư điện.

Đầu tư tư nhân vào điện đang được rất khuyến khích. Nhiều nhà đầu tư tư nhân tích cực làm thủy điện nhỏ, vì họ kỳ vọng vào lãi thu lớn mà vốn bỏ ra lại thấp chỉ khoảng 10 triệu USD cho mỗi dự án. Tuy nhiên, khi họ triển khai, đã nổi lên một số vấn đề cần nghiên cứu lại. Có nhiều dự án thủy điện nhỏ vừa qua, cung cấp điện không nhiều nhưng tính cả lưới, truyền tải thì suất đầu tư lại rất cao. Một số nhà máy thủy điện nhỏ lại gây ngập lụt, ảnh hưởng môi trường. Trong quy hoạch 7, Bộ sẽ rà soát kỹ về thủy điện nhỏ làm sao để vẫn khai thác được tiềm năng thủy điện, khai thác hiệu quả mà không ảnh hưởng đến môi trường.

- Quy hoạch điện 6 mới chỉ thực hiện được 60-70%, nhiều dự án bị chậm tiến độ do khó giải phóng mặt bằng. Vậy Bộ Công Thương có giải pháp tháo gỡ nào cho các dự án điện trong quy hoạch điện 7 thưa ông?

- Chậm trễ trong giải phóng mặt bằng là khó khăn chung của các dự án. Trong quy hoạch này, Thủ tướng đã giao địa phương phải lo quỹ đất cho ngành điện đã được đưa vào quy hoạch điện 7. Nếu EVN phối hợp chặt chẽ với các địa phương thì có thể làm tốt khâu này. Khi kiểm điểm lại quy hoạch 6 vừa qua thì nguyên nhân chính trong chậm trễ các dự án điện là do công tác giải phóng mặt bằng, vì vậy, việc giao địa phương chủ động quĩ đất để phát triển điện sẽ là giải pháp khắc phục khó khăn trên.

- Có chuyên gia cho rằng, với mức tăng 15,28% vừa qua, ngành điện đã lãi 18%, đối lập hoàn toàn với việc EVN luôn kêu lỗ, thực hư chuyện này ra sao thưa ông?

- Tôi cho rằng thông tin này không chính xác. Từ tháng 3, giá điện đã được điều chỉnh tăng lên 15,28% đạt mức bình quân là 1.242 đồng mỗi kWh. Với giá này, ngành điện không thể có lãi. Năm 2010, EVN đã lỗ 8.500 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, tập đoàn đã lỗ tới 3.500 tỷ đồng. Hiện Tập đoàn Điện lực còn đang nợ Vinacomin và Petro Vietnam khoảng gần 10.000 tỷ đồng. EVN và các đơn vị kinh doanh điện đang rất khó khăn. Rõ ràng, một trong giải pháp để thực hiện thành công Quy hoạch điện 7 này thì nguồn tài chính phải có.

Chúng ta tính giá điện hồi đầu năm với thông số đầu vào thực tế so với hiện nay là rất khác nhau. Nếu lãi cao như thế thì EVN đã trả được hết nợ rồi. Hiện nay, giá điện mà ta đang áp dụng còn thấp, chưa đủ để EVN tại thời điểm này có lãi.

- Chúng ta đang dần dần từng bước điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, vậy từ nay đến cuối năm, giá điện sẽ được điều chỉnh thế nào thưa ông?

- Dự kiến đến năm 2020, giá điện sẽ lên tới 8-9 cent mỗi kWh. Từ nay tới lúc đó, chúng ta có 10 năm để thực hiện lộ trình giá điện đạt tới mức đó. Với lộ trình tăng giá điện như vậy thì tăng lúc nào phụ thuộc vào tình hình kinh tế của chúng ta, để làm sao mang lại hiệu quả lợi ích chung của xã hội.

Theo Quy hoạch điện 7, dự kiến sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194-210 tỷ hWh điện, đến năm 2020 con số này đã lên tới 330-362 tỷ kWh điện, dự kiến đến năm 2020 hầu hết nông dân ở nông thôn đã có điện.

* Đầu bài do TCCN đặt.

>>Tạo sự đột phá từ Quy hoạch điện VII