Chính sách “chuyển lỗ” - giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19

NGUYỄN TIẾN HƯNG (Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế)

TÓM TẮT:

Quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành cho phép các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh có phát sinh lỗ thì được chuyển lỗ bù trừ với lợi nhuận các năm sau, khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ quan thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá 5 năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ. Chuyển lỗ là chính sách đảm bảo sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thua lỗ thì được nhà nước bù đắp bằng số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp khi có lãi. Chuyển lỗ tạo điều kiện và động lực cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, sớm phục hồi thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đồng thời cũng là chính sách nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bài viết này phân tích những quy định về chuyển lỗ ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thời kỳ Covid-19 ở Việt Nam.

Từ khoá: Ngân sách nhà nước, dịch bệnh Covid-19, chuyển lỗ, thuế thu nhập doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát dịch bệnh Covid-19, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) trong “Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới” công bố ngày 24/6 đánh giá, đại dịch Covid-19 tác động đến tất cả mọi khu vực địa lý trên toàn cầu, khiến GDP của thế giới năm 2020 dự báo giảm đến 4,9% so với năm 2019. Đối với tình hình kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh Chính phủ thực hiện mạnh mẽ các giải pháp đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 thì tổng sản phẩm quốc nội GDP 6 tháng đầu năm tăng 1,81%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020. Mặc dù vậy, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng dương trong khu vực và toàn cầu, sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của Covid-19. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, có được các giải pháp về mặt chính sách thiết thực và hiệu quả, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% trong năm 2020.

Nằm trong nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại,... Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm 15% tiền thuê đất năm 2020 đối với các doanh nghiệp thuê trực tiếp, trả tiền hàng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh; Nghị quyết của Quốc hội về giảm 30% thuế TNDN năm 2020 cho các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỉ đồng,… Tuy nhiên, trong khi các nỗ lực của chính quyền trong việc ngăn chặn, đầy lùi sự lây lan của dịch Covid-19 được cho là rất thành công thì kết quả từ các gói kích thích hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp được cho là còn khiêm tốn.

Có nhiều giải pháp tài chính được Chính phủ các nước đưa ra nhằm ổn định nền kinh tế như sử dụng gói an sinh xã hội, chính sách cắt giảm thuế, tăng mức chi tiêu công, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp,… Mỗi nước áp dụng những giải pháp này trên quy mô và mức độ khác nhau, phụ thuộc vào độ lớn của những tổn thất mà dịch bệnh gây ra cho từng nước. Trong hệ thống các giải pháp được thực hiện thì giải pháp về thuế là một trong những công cụ của chính sách tài khóa được nhiều nước ưu tiên sử dụng, nhất là trong bối cảnh các giải pháp về chính sách tiền tệ chưa mang lại hiệu quả trực tiếp và có độ trễ nhất định. Bài viết này phân tích về chính sách chuyển lỗ bù trừ với lợi nhuận của các năm trước thời kỳ dịch bệnh khi tính thuế TNDN đang được nhiều cơ quan thuế trên thế giới áp dụng như một gợi ý về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19.

Thành công hay thất bại trên thương trường không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố nội tại của chính bản thân doanh nghiệp như chiến lược kinh doanh, tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực,…; các yếu tố khách quan như chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước, môi trường kinh doanh, mức độ cạnh tranh của thị trường hay thiên tai, dịch bệnh,… cũng sẽ tác động đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nói cách khác, dưới góc độ đầu tư kinh doanh thì “lãi” hay “lỗ” không phải bất biến mà nó chỉ phản ánh kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong một chu kỳ nhất định.

Về phương diện quản lý nhà nước, khi doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh thuận lợi và có lãi thì có nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách nhà nước, ở đây là thuế lợi tức hay thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa khi gặp bất lợi, kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ thì cần thiết có sự sẻ chia của nhà nước; “chuyển lỗ” là một chính sách ưu đãi của nhà nước được quy định ở hầu hết các quốc gia nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp “thua lỗ” khắc phục khó khăn, giảm gánh nặng tài chính, tái tạo vốn đầu tư, góp phần điều tiết vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Có thể nói, chuyển lỗ là chính sách đảm bảo công bằng, tạo điều kiện và động lực cho các doanh nghiệp gặp khó khăn phục hồi thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu cho NSNN.

2. Quy định về chuyển lỗ ở Việt Nam

Quy định về chuyển lỗ ở Việt Nam lần đầu được đề cập tại Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, ở đó “xí nghiệp liên doanh được chuyển lỗ của bất kỳ năm thuế nào sang năm tiếp theo và được bù số lỗ đó bằng lợi nhuận của những năm tiếp theo, nhưng không được quá 5 năm[1].

Đến năm 1990, Luật Thuế lợi tức đã mở rộng đối tượng được chuyển lỗ hơn so với thời gian trước. Doanh nghiệp được chuyển số lỗ sang năm tiếp theo, tuy nhiên chỉ áp dụng đối với một số đối tượng cụ thể nhằm hướng đến mục đích điều tiết, đẩy mạnh phát triển kinh tế ở những vùng kinh tế khó khăn như miền núi, hoặc những ngành nghề cần ưu tiên phát triển, từ đó tạo nên sự cân bằng phát triển kinh tế giữa các vùng với nhau, mở rộng và đa dạng hóa các ngành nghề kinh doanh: “Các tổ chức kinh doanh mới thành lập ở miền núi hoặc trong một số ngành nghề cần khuyến khích đầu tư, nếu năm đầu kinh doanh bị lỗ, thì được chuyển số lỗ kinh doanh sang năm kế tiếp để trừ vào lợi tức chịu thuế trước khi tính thuế lợi tức”. Luật Thuế lợi tức (sửa đổi) năm 1993 đã tiếp cận vấn đề chuyển lỗ mang ý nghĩa kinh tế hơn, đồng thời khống chế thời gian chuyển lỗ của các cơ sở kinh doanh phát sinh lỗ do yếu tố khách quan không quá 2 năm “tổ chức sản xuất kinh doanh do nguyên nhân khách quan mà bị lỗ, thì được chuyển số lỗ sang năm sau khi tính thuế lợi tức. Thời gian được chuyển lỗ để tính thuế lợi tức không quá 2 năm”.

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997 (có hiệu lực từ ngày 01/01/1999) đã có những thay đổi đáng kể khi tiếp cận về đối tượng và thời gian chuyển lỗ, các cơ sở kinh doanh trong nước và doanh nghiệp liên doanh được chuyển lỗ sang năm tiếp theo nếu bị lỗ sau khi đã quyết toán thuế với cơ quan thuế, số lỗ này được trừ vào thu nhập chịu thuế; thời gian được chuyển lỗ không quá 5 năm. Tuy nhiên, cũng như quy định tại các giai đoạn trước, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997 quy định đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì chỉ doanh nghiệp liên doanh mới được chuyển lỗ.

Bắt đầu từ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003, chính sách chuyển lỗ được quy định, áp dụng thống nhất, đồng bộ và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, không phân biệt đối tượng là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài, không phân biệt doanh nghiệp liên doanh hay doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Mọi cơ sở kinh doanh sau khi đã quyết toán thuế với cơ quan thuế mà bị lỗ thì được chuyển lỗ sang năm sau, số lỗ này được trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá 05 năm. Quy định này đã thay đổi theo hướng hoàn thiện, thông thoáng hơn; đảm bảo công bằng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp bị lỗ trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, chính sách “chuyển lỗ” dù ở thời kỳ nào cũng mang ý nghĩa đảm bảo sự công bằng và hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp; “chuyển lỗ” một mặt hỗ trợ doanh nghiệp cân đối được nguồn vốn, giảm bớt gánh nặng tài chính trong thời kỳ khó khăn, mặt khác cũng là giải pháp để nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

3. Kinh nghiệm quốc tế về linh hoạt áp dụng chính sách chuyển lỗ như một giải pháp tạm thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đã và đang ảnh hưởng lan rộng trên phạm vi toàn cầu, tác động lên nhiều phương diện của đời sống xã hội; các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của đại dịch này. Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, lao động, thị trường tiêu thụ,... bị gián đoạn, ngắt quãng làm khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, gặp khó khăn về vốn, tài chính để có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, cơ quan thuế nhiều quốc gia đã nghiên cứu và ban hành các giải pháp về thuế để đối phó với thời kỳ khó khăn, đồng thời giảm gánh nặng tài chính, hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19.

Các biện pháp được sử dụng phổ biến thường tập trung vào việc giúp làm giảm bớt các gánh nặng về dòng tiền, ở đó có thể dẫn đến các vấn đề leo thang như sa thải công nhân, không có khả năng thanh toán cho nhà cung cấp và trong trường hợp xấu nhất là đóng cửa hoặc phá sản. Các chính sách phổ biến đã được nhiều cơ quan thuế trên thế giới sử dụng như (i) gia hạn thời gian nộp hồ sơ khai thuế, nộp tiền thuế; (ii) miễn tiền phạt và tiền chậm nộp tiền thuế; (iii) cho phép người nộp thuế linh hoạt trong việc lập kế hoạch trả nợ tiền thuế với cơ quan thuế; (iv) tạm dừng các biện pháp đôn đốc, thu hồi, cưỡng chế nợ thuế, thanh tra, kiểm tra thuế; (v) rút ngắn thời gian giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp,…

Một chính sách còn khá mới mẻ đã được một số nước áp dụng như một giải pháp trong ngắn hạn để đối phó với đại dịch Covid-19, ở đó cơ quan thuế cho phép chuyển lỗ để “bù trừ với lợi nhuận của năm trước”. Theo nghiên cứu của WTS Global - một tổ chức tư vấn quốc tế trong lĩnh vực thuế và pháp luật, tính đến tháng 6/2020, đã có khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới lựa chọn áp dụng biện pháp “chuyển lỗ để bù trừ lợi nhuận của năm trước” để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19. Về nguyên tắc, chính sách này cho phép doanh nghiệp bù trừ lỗ của kỳ tính thuế năm hiện tại cho phần lợi nhuận của kỳ tính thuế các năm trước. Từ đó, làm giảm thu nhập tính thuế và số thuế phải nộp của năm trước, tạo ra dòng tiền mới cho doanh nghiệp từ số thuế được hoàn do nộp thừa. Tùy thuộc vào tình hình thực tiễn tại mỗi quốc gia mà Chính phủ có những quy định cụ thể khác nhau về mức độ, phạm vi, điều kiện áp dụng chính sách chuyển lỗ để bù trừ với lợi nhuận của năm trước.

Tại New Zealand, biện pháp “chuyển lỗ để bù trừ với lợi nhuận năm trước” được áp dụng tạm thời để ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Theo đó, doanh nghiệp phát sinh thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế năm 2018, 2019 và dự kiến lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020, 2021 được lựa chọn chuyển một phần hoặc toàn bộ số lỗ đó vào lợi nhuận của năm trước đó và được hoàn lại số thuế đã nộp; tuy nhiên, số thuế được hoàn không được vượt quá số thuế phát sinh phải nộp của năm trước. Đối với kỳ tính thuế năm 2020, trước thời điểm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể tạm tính và yêu cầu cơ quan thuế bù trừ, hoàn trả số thuế đã nộp của trước. Nói cách khác, số thuế đề nghị hoàn phát sinh từ việc bù trừ lỗ của kỳ tính thuế hiện tại được dựa trên số lỗ tạm tính mà không cần chờ đến thời điểm quyết toán. Tuy nhiên, nếu số tạm tính này lớn hơn số lỗ thực tế phát sinh, doanh nghiệp sẽ phải chịu một khoản lãi suất tính trên số thuế được hoàn thừa. Đối với các năm tiếp theo, số thuế đề nghị hoàn không được dựa trên số tạm tính mà phải căn cứ trên tờ khai quyết toán thuế. Ngoài ra, New Zealand còn có một số quy định giới hạn đối tượng áp dụng chính sách chuyển lỗ này, chẳng hạn như doanh nghiệp không được áp dụng chính sách này nếu có thay đổi đáng kể về cơ cấu vốn, cơ cấu sở hữu của cổ đông trong doanh nghiệp.

Tại Bỉ, các doanh nghiệp phát sinh thu nhập tính thuế năm 2019 và dự kiến lỗ trong năm 2020 sẽ được áp dụng chính sách “chuyển lỗ để bù trừ với lợi nhuận năm trước”. Tuy nhiên, số lỗ được chuyển không được vượt quá thu nhập tính thuế năm 2019 và phải dưới mức 20 triệu Euro. Số lỗ tạm tính của năm 2020 để chuyển về năm 2019 làm cơ sở xác định số thuế được hoàn không được vượt quá 10% số lỗ thực tế của năm 2020. Trường hợp số lỗ tạm tính lớn hơn số lỗ thực tế, phần thu nhập chịu thuế chênh lệch do xác định sai sẽ phải chịu mức thuế suất lũy tiến lên tới 40% tùy thuộc vào mức độ chênh lệch. Ngoài ra, Bỉ cũng đưa ra quy định về các trường hợp không được áp dụng chính sách này, như: có chi nhánh tại thiên đường thuế, có giao dịch với các tổ chức tại thiên đường thuế mà giao dịch này không phù hợp với bản chất kinh tế phát sinh,... 

Bên cạnh các quốc gia áp dụng chính sách “chuyển lỗ để bù trừ với lợi nhuận năm trước” như một giải pháp tình thế đối phó với dịch bệnh Covid-19 thì tại một số quốc gia, chính sách này đã được áp dụng từ trước dịch bệnh trong thời gian dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, Chính phủ các quốc gia này cũng có những điều chỉnh phù hợp nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả mà chính sách này mang lại.

Tại Đức, mặc dù thời hạn chuyển lỗ vẫn giữ nguyên là 12 tháng nhưng mức chuyển lỗ tối đa được nâng từ 1 triệu Euro lên 5 triệu Euro. Ngoài ra, đối với kỳ tính thuế 2020, trường hợp người nộp thuế dự kiến phát sinh lỗ thì có thể yêu cầu giảm trực tiếp 30% thu nhập tính thuế của năm 2019 và coi đây là số lỗ tạm tính của năm 2020 để hoàn thuế đã nộp thừa của năm 2019. Trường hợp khi quyết toán thuế năm 2020, số lỗ lớn hơn số tạm tính thì người nộp thuế có thể yêu cầu hoàn thêm phần chênh lệch.

Tại Hàn Quốc, đối tượng áp dụng chính sách chuyển lỗ để bù trừ lợi nhuận năm trước là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước đây, theo quy định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chuyển lỗ của kỳ tính thuế 12 tháng nhưng với kỳ tính thuế năm 2020, nếu doanh nghiệp phát sinh lỗ trong 6 tháng đầu năm thì có thể ngay lập tức chuyển số lỗ này về năm 2019 để bù trừ và yêu cầu hoàn số thuế đã nộp thừa. Trường hợp đến cuối kỳ tính thuế, số lỗ trong năm thấp hơn số lỗ 6 tháng đã được bù trừ vào năm trước thì doanh nghiệp nộp lại phần chênh lệch thuế được hoàn.

Nhìn chung, mặc dù các quốc gia có những quy định cụ thể khác nhau về điều kiện, thời hạn được chuyển lỗ để bù trừ với lợi nhuận của năm trước nhưng mục tiêu của chính sách đều hướng tới việc nhanh chóng giảm gánh nặng tài chính và tạo ra dòng tiền cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện khủng hoảng kinh tế do dịch Covid gây ra.

4. Kết luận

Như đã phân tích ở trên, chuyển lỗ là chính sách của nhà nước nhằm tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi; ứng xử nhân văn với các doanh nghiệp, mang ý nghĩa là lấy “lãi” bù đắp “lỗ” và nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, chính sách chuyển lỗ ở Việt Nam đến thời điểm hiện này chỉ được biết đến với quy định chuyển lỗ để bù trừ với lãi của các năm tiếp theo (loss carry-forward) mà chưa cho phép bù trừ với lãi của các năm trước đây (loss carry-back). Trong bối cảnh dịch bệnh Covid đang tạo ra những ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với doanh nghiệp, số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 7 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 32,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước; 21,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 8,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Các chương trình, chính sách mới được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng như các gói cho vay tín dụng, giảm giá chi phí sản xuất kinh doanh (giảm giá điện, miễn giảm một số loại phí, lệ phí),… đã và đang mang đến các hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, các chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế mới được ban hành đã đủ nặng và thiết thực đối với các doanh nghiệp hay chưa vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ và chưa có câu trả lời chính xác.

Việc nghiên cứu và ban hành một số chính sách tạm thời, áp dụng đối với một hoặc một nhóm đối tượng cụ thể (chẳng hạn như các doanh nghiệp vận tải hàng không, du lịch, lữ hành, dịch vụ khách sạn,…) bị ảnh hưởng nặng nề trong một thời kỳ dịch bệnh cần được tính đến, đảm bảo tính khả thi và thiết thực hơn đối với doanh nghiệp. “Chuyển lỗ để bù trừ với lợi nhuận hoạt động của năm trước” tại một số quốc gia như Bỉ, Newzealand, Đức, Hàn Quốc, Canada,... là những kinh nghiệm thực tế cần được tham khảo, nghiên cứu để đề xuất một chính sách khả thi, phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Ưu điểm của chính sách này là không có độ trễ, doanh nghiệp ngay lập tức có thể giảm được chi phí thuế, có dòng tiền để tiếp tục đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Về phía Nhà nước, tuy chính sách này làm giảm nguồn thu NSNN trong ngắn hạn, song việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn tạm thời để tiếp tục sản xuất và mở rộng kinh doanh lại có ý nghĩa nuôi dưỡng nguồn thu về dài hạn. Đây có thể là một tham khảo tốt cho các nhà hoạch định chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid hiện nay.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Điều 27 Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (1987), Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987.
  2. Quốc hội (1997), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997.
  3. Quốc hội (2003), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003.
  4. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF (2020), Báo cáo triển vọng kinh tế, tháng 6/2020.
  5. KPMG (2020), Covid-19 Global Tax Developments Summary.

Loss carryforward regulations – A measurement to support businesses during the on-going Covid-19 pandemic

Nguyen Tien Hung

Department of Large Taxpayers, General Department of Taxation

ABSTRACT:

The current Vietnam’s legal provisions on corporate income tax allow enterprises to carry forward fully and consecutively their tax losses within 5 years from the occurrence date of the losses. The policies in loss carryforward are to ensure the fairness and the harmony of interests between enterprises and the State. Losses of enterprises are compensated by the State with the amount of corporate income tax collected in the future. The loss carryforward regulations create favorable conditions and motivations for enterprises operating at losses to soon recover. These regulations also nuture and develop the revenue sources for the state budget. This paper analyzes the loss carryforward regulations in Vietnam and international lessons on the loss carryforward regulations during the Covid-19 pandemic.

Keywords: State budget, Covid-19 pandemic, loss carryforward, corporate income tax.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]