TÓM TẮT:
Để thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, đã có nhiều loại công cụ chính sách được Nhà nước sử dụng. Trong đó, các chính sách về thuế là một trong những mục được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Bài viết khái quát sự điều chỉnh của chính sách thuế áp dụng cho các doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam qua các thời kỳ. Trên cơ sở các đánh giá về hiệu quả của chính sách thuế hiện tại, tác giả đề xuất một số kiến nghị cải cách chính sách trong lĩnh vực thuế nhằm đẩy mạnh hiệu quả thu hút FDI tại nước ta.
Từ khóa: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam, thuế thu nhập doanh nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở hầu hết các quốc gia. Chỉ 10 năm sau đổi mới, với sự hỗ trợ của nguồn vốn FDI, tăng trưởng GDP tại Việt Nam bình quân đạt 8,2% trong vòng 30 năm qua. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) có vốn FDI đã trở thành nhóm DN phát triển năng động nhất của nền kinh tế. Lũy kế tính đến ngày 20/9/2018, cả nước có 26.646 dự án ĐTNN còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 334 tỷ USD, tổng vốn thực hiện khoảng 185,62 tỷ USD1. Được biết, các chính sách quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp FDI do Nhà nước ban hành cũng đã được điều chỉnh mà trong đó những chính sách, quy định về thuế là một trong những nội dung quan trọng nhất.
2. Khái quát chính sách thuế nhằm thu hút FDI tại Việt Nam
Các chính sách thuế có tác động trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp FDI thường tập trung vào thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế liên quan tới xuất nhập khẩu (XNK), khoản thu liên quan tới sử dụng đất.
Giai đoạn đầu cải cách với sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987.
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thông qua ngày 29/12/1987 đã tạo khung pháp lý cơ bản về hoạt động đầu tư FDI như: Quyền sở hữu đối với vốn đầu tư; quy định về các hình thức đầu tư, thủ tục đầu tư,… Cùng ngày, Quốc hội thông qua Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch nhằm tăng cường quản lý các hoạt động xuất - nhập khẩu. Tiếp đó, các văn bản bổ sung cho hệ thống thuế dần được hình thành, đặc biệt là các đạo luật về thuế năm 1990 gồm thuế doanh thu, thuế lợi tức, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong giai đoạn này, quy định về mức thuế và ưu đãi thuế TNDN với các doanh nghiệp FDI cũng đã cụ thể hơn với mức thuế suất phổ thông của thuế lợi tức là 25% (Điều 26 Luật Đầu tư nước ngoài 1987) so với mức các doanh nghiệp Việt Nam phải áp dụng là 30%, 40% và 50% (Luật Thuế lợi tức năm 1990). Ngoài ra, các ưu đãi như thuế suất 10%, 15% và 20% sẽ được áp dụng với các dự án khuyến khích đầu tư; được miễn thuế lợi tức tối đa 4 năm kể từ khi bắt đầu kinh doanh, giảm 50% số thuế lợi tức phải nộp tối đa trong 4 năm tiếp theo,... Trường hợp doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận thu được để tái đầu tư thì được hoàn lại số thuế lợi tức đã nộp cho phần lợi tức sử dụng để tái đầu tư.
Cũng với mục đích khuyến khích nguồn vốn FDI, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 1991 bổ sung một số trường hợp miễn thuế như: Tài sản cố định của DN FDI nhập khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để gia công hàng xuất khẩu; hàng tạm nhập tái xuất để dự hội chợ triển lãm; hàng nhập khẩu chuyên dùng phục vụ khoa học, giáo dục - đào tạo,…
Với các cơ sở kinh doanh XNK của Việt Nam, ngoài việc thực hiện chế độ quản lý thông qua giấy phép, hạn ngạch còn phải nộp thuế XNK theo mức quy định tại Biểu thuế, nhưng đối với doanh nghiệp FDI mức ưu đãi thuế đặc biệt sẽ được áp dụng theo quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp FDI sẽ được miễn hoặc giảm thuế theo quyết định của cơ quan nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài trong từng trường hợp đặc biệt cần khuyến khích đầu tư.
Giai đoạn tiếp theo được đánh dấu bởi sự ra đời của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 1997 (giai đoạn hiệu lực từ ngày 1/1/1999 - 2003).
Theo các quy định tại Luật Thuế TNDN năm 1997, doanh nghiệp FDI được áp dụng thuế suất phổ thông 25% (Điều 10, Nghị định số 30/1998/NĐ-CP), thuế suất áp dụng với các doanh nghiệp trong nước là ở mức 32% (Điều 10.2, Luật Thuế TNDN 1997). Mức ưu đãi thuế như được miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 2 năm tiếp theo và có thể lên đến 4 năm nếu đạt nhiều tiêu chuẩn khuyến khích đầu tư vẫn được tiếp tục áp dụng với doanh nghiệp FDI. Đối với trường hợp đặc biệt, thời gian miễn thuế lên đến 8 năm. Theo Luật Thuế XNK 2005, việc ưu đãi thuế đã được thực hiện thống nhất giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư nước ngoài (sửa đổi năm 2000) quy định mở rộng hơn mức độ ưu đãi thuế, phạm vi ưu đãi thuế và thời hạn miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp FDI.
Với các khoản thu liên quan đến quyền sử dụng đất, sự ra đời của Luật Đất đai năm 1993 và hệ thống các văn bản hướng dẫn sau đó từ nhiều cấp đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong chính sách tài chính liên quan đến đất đai. Các chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước được hướng dẫn rõ ràng hơn, các quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng. Đây cũng là động lực để nhiều dự án FDI thời kỳ này được đẩy mạnh với các hoạt động xây dựng nhà xưởng nhằm phát triển kinh doanh lâu dài.
Giai đoạn tiếp theo của cải cách gắn với những điều chỉnh về thuế sau khi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp 2003 được ban hành.
Luật Thuế TNDN năm 2003 đã có cải cách lớn khi thống nhất nghĩa vụ thuế và ưu đãi thuế giữa DN trong nước với doanh nghiệp FDI với mức thuế TNDN phổ thông áp dụng chung là 28%.
Các doanh nghiệp FDI tiếp tục áp dụng mức thuế suất phổ thông 25% thấp hơn nhà đầu tư trong nước, đồng thời tiếp tục kế thừa các mức ưu đãi thuế (thuế suất 10%, 15% và 20%; miễn thuế TNDN tối đa 4 năm, giảm 50% tối đa 9 năm tiếp theo tùy theo dự án). Mức thuế suất này được điều chỉnh theo lộ trình giảm xuống 25% kể từ ngày 1/1/2009 theo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) năm 2008. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp FDI thành lập mới tiếp tục được hưởng các ưu đãi như cũ. Các ưu đãi về thu nhập miễn thuế đối với một số khoản thu nhập từ hợp đồng nghiên cứu khoa học, sản xuất sản phẩm thử nghiệm vẫn được áp dụng,…
Bên cạnh các ưu đãi cũ đã quy định năm 2000, Luật TNDN quy định việc bãi bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài2 và bãi bỏ quy định về hoàn thuế TNDN đã nộp những năm trước đối với trường hợp thực hiện tái đầu tư3. Đối với các dự án đầu tư đã thực hiện trước đây nay được chuyển sang áp dụng mức ưu đãi thuế cao hơn theo quy định của Luật này đối với thời gian còn lại; trường hợp quy định nào kém ưu đãi hơn trước đây thì được quyền bảo lưu tiếp tục hưởng các ưu đãi đã được ghi trong Giấy phép đầu tư. Cũng trong giai đoạn này, việc quản lý thuế đã được thống nhất chung trong một văn bản là Luật Quản lý thuế 2006, đồng thời Việt Nam đã ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đã thực hiện việc cắt giảm thuế quan, nới lỏng các rào cản phi thuế quan nhằm mở cửa thị trường trong nước, xóa bỏ những quy định phân biệt đối xử quốc gia và chấm dứt các ưu đãi thuế mang tính chất trợ cấp cho xuất khẩu…
Trong lĩnh vực đất đai, Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế mặt nước nhằm hỗ trợ DN đầu tư và kinh doanh theo quy định mới tại Luật Đất đai 2003.
Giai đoạn cải cách từ năm 2011 tới nay.
Ngày 17/5/2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 732/2011/QĐ-TTg về Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu: "Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...". Chiến lược cải cách thuế đã xác định rõ: Hệ thống chính sách thuế của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020 bao gồm các sắc thuế, phí và lệ phí chủ yếu gồm: Thuế giá trị gia tăng; Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế thu nhập cá nhân; Thuế tài nguyên; Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Thuế bảo vệ môi trường; Các khoản phí và lệ phí.
Theo lộ trình giảm thuế được cam kết, mức thuế suất phổ thông đã được giảm từ 25% xuống còn 22% từ năm 2014 và xuống 20% từ năm 2016 trở đi. Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng lộ trình giảm thuế sớm hơn (từ tháng 7/2013 áp dụng thuế suất 20%). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN năm 2013 đã bổ sung ưu đãi đối với đầu tư trong khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH thuận lợi) và dự án đầu tư mở rộng.
Các ưu đãi thuế đã định hướng cụ thể vào khuyến khích đầu tư tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được hưởng ưu đãi cao hơn. Đối với ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi được sắp xếp lại theo hướng khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hóa (danh mục lĩnh vực ưu đãi được thu gọn hơn). Các mức thuế suất ưu đãi gồm 10% trong thời hạn 15 năm, 17% trong thời hạn 10 năm; miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% thuế tối đa 9 năm được áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn thuộc danh mục khuyến khích đầu tư.
Các tiêu chí ưu đãi và hình thức ưu đãi thuế TNDN cũng có sự thay đổi thuận lợi, minh bạch hơn cho nhà đầu tư với tiêu chí ưu đãi được xác định là dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư. Các dự án đầu tư mở rộng cũng được áp dụng và được lựa chọn hoặc áp dụng quy định về thuế suất có thời hạn, miễn giảm thuế có thời hạn đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại hoặc áp dụng mức ưu đãi chung cho toàn bộ dự án trước đây đã được ưu đãi đầu tư (nếu còn thời gian ưu đãi).
Các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản cũng đã có thêm các ưu đãi mới như miễn thuế suốt thời hạn đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, thủy sản tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (so với mức 10% thuế suất là 15% nếu dự án được thực hiện tại các địa bàn thuận lợi).
Luật Thuế XNK năm 2016 tiếp tục kế thừa những quy định ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 với một số sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới như bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ với quy định về miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất; bổ sung quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo. Đặc biệt, khung pháp lý đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu đã được hoàn thiện đầy đủ, toàn diện, đơn giản và minh bạch về thủ tục hành chính.
Nhiều chính sách ưu đãi tài chính về đất đai cũng đã được ban hành và tổ chức thực hiện từ năm 2011 tới nay, như giảm 50% tiền thuê đất trong giai đoạn từ năm 2011 - 2014; giảm tỷ lệ tính đơn giá thuê đất chung từ 1,5% xuống còn 1%; các quy định áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất trong xác định giá đất tính thu tiền thuê đất đối với thửa đất hoặc khu đất mà giá trị của diện tích tính thu tiền thuê đất tính theo giá đất trong Bảng giá đất dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; dưới 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; dưới 20 tỷ đồng đối với tỉnh còn lại;...
3. Đánh giá và khuyến nghị
Sự thành công của Việt Nam trong những năm qua khi thu hút được nhiều dự án FDI có một phần đóng góp không nhỏ của chính sách về thuế. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, thuế suất đối với TNDN của Việt Nam là rất cạnh tranh so với các nước trên thế giới.
Từ giai đoạn cải cách thuế năm 2003, chính sách thuế đã tạo môi trường pháp lý bình đẳng trong sản xuất kinh doanh để cùng cạnh tranh và phát triển giữa các khối doanh nghiệp. Theo thống kê của Thành Chung (2019), lũy kế đến ngày 20/1/2019, cả nước có 27.463 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD. Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì ở mức khoảng 18% - 25% trong giai đoạn 1991 - 2018. Báo cáo năm 2017 của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNTAD) đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.
Đã có sự hiện diện của các tập đoàn lớn nổi tiếng trên thế giới, như: Samsung, Toyota, Honda, Mitshubishi… tại Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (năm 2017 chiếm tới 72,6%). Các doanh nghiệp FDI cũng có đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước với hơn 83 nghìn tỷ đồng năm 2012 (chưa kể thu từ dầu thô), năm 2013 hơn 111 nghìn tỷ đồng, năm 2014 hơn 123 nghìn tỷ đồng, năm 2015 hơn 140 nghìn tỷ đồng, đến năm 2016 là 161 nghìn tỷ đồng và đến năm 2017 chiếm 14,5% tổng thu ngân sách nhà nước.
Một số hạn chế, bất cập:
Bên cạnh những ưu điểm trong chính sách về thuế nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, một số điểm hạn chế và bất cập cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu và các chuyên gia phân tích đề cập tới.
Thứ nhất, mức ưu đãi cao, diện ưu đãi thuế còn rộng và dàn trải đã làm suy giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Vấn đề này sẽ để lại hệ lụy lâu dài và đặc biệt nguy hiểm với an toàn tài chính của quốc gia.
Ngoài ra, các chính sách về thuế, ưu đãi còn phức tạp và nằm ở nhiều văn bản không chỉ là các văn bản về thuế dẫn tới việc các doanh nghiệp áp dụng còn lúng túng. Chính sách ưu đãi thuế là áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế, tuy nhiên trong thực tế, các doanh nghiệp FDI đang được hưởng lợi nhiều hơn. Điều này thể hiện ở 2 phương diện: (i) Tỷ trọng về số thuế TNDN được ưu đãi miễn, giảm của doanh nghiệp FDI trên tổng số thuế TNDN được miễn, giảm của doanh nghiệp cả nước lên đến 76% và tỷ lệ số thuế TNDN được ưu đãi miễn, giảm của doanh nghiệp FDI trên tổng số thuế TNDN phải nộp tính theo thuế suất phổ thông là 48%, trong khi tỷ lệ này của DNNN là 4,6% và của DN ngoài quốc doanh là 14%4.
Vấn đề chuyển giá trong nhóm đối tượng các doanh nghiệp có vốn FDI cũng đã và đang thách thức các cơ quan quản lý nhà nước. Theo TS. Lê Xuân Trường (2019), trong giai đoạn 2015 - 2017, có khoảng 50% doanh nghiệp FDI đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó có nhiều DN kê khai lỗ nhiều năm liền nhưng DN vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, cơ quan thuế đã thanh tra và chứng minh hành vi chuyển giá của một số DN FDI.
Một vấn đề khác là ưu đãi thuế theo địa bàn đầu tư ít phát huy tác dụng trong thực tế. Các địa bàn kém phát triển vẫn gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư do những hạn chế về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.
Một số khuyến nghị:
Nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế để thu hút FDI trong bối cảnh mới, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách với trọng tâm là những vấn đề sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và ổn định, bảo đảm sự tiếp cận dễ dàng, bình đẳng với chi phí hợp lý về vốn, lao động, nguồn nguyên liệu, điều kiện giao thông, kết cấu hạ tầng cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước,… thông qua chiến lược tổng thể và đồng bộ từ trung ương tới địa phương với tầm nhìn dài hạn không chỉ là chính sách về thuế.
Thứ hai, cuộc đua về việc hạ thấp thuế suất giữa các quốc gia sẽ không mang lại sự ổn định và tăng trưởng lâu dài cho các quốc gia. Ngược lại, một hệ thống thuế tốt, minh bạch, hiệu quả và không quá phức tạp, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế sẽ là điểm được các nhà đầu tư đánh giá cao. Việt Nam cần tạo ra các điều kiện để thủ tục và chi phí cho kê khai, nộp thuế phải ở mức thấp nhất có thể.
Để đạt được điều này, việc rà soát để chỉnh sửa và đơn giản hóa các quy định có liên quan cần được tiến hành đồng bộ, tiến tới không quy định ưu đãi thuế ở các luật chuyên ngành khác luật thuế để đảm bảo tính thống nhất. Đồng thời, việc cải cách thủ tục hành chính liên quan cũng cần được đẩy mạnh, cần tiến tới thống nhất số liệu và liên thông giữa các Sở, ban ngành liên quan nhằm giảm bớt các thủ tục kê khai. Đẩy mạnh hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động liên quan tới kê khai, nộp thuế, hoàn thuế.
Những hình thức ưu đãi thuế nhằm khuyến khích đầu tư dài hạn cần được ưu tiên đẩy mạnh. Ưu đãi thuế nên chuyển từ ưu đãi dựa trên lợi nhuận sang ưu đãi thông qua hiệu quả đầu tư và giá trị gia tăng, áp dụng hình thức giảm trừ nghĩa vụ thuế hoặc giảm trừ thu nhập chịu thuế theo quy mô thực hiện của dự án đầu tư;...
4. Kết luận
Chính sách thuế nhằm mục tiêu thu hút FDI luôn được song hành cùng với các quy định pháp luật và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần vào thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách theo chu kỳ phát triển và yêu cầu của từng giai đoạn là quy luật tất yếu. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần chủ động nghiên cứu, đề xuất cải cách về thuế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế và đón đầu được xu hướng của dòng vốn đầu tư.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1VCCI (2018), Kỷ yếu hội thảo “30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức năm 2018.
2Điều 50 Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ thì từ ngày 1 tháng 1 năm 2004, bãi bỏ các quy định về thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài quy định tại Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 và Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ.
3Điều 50, Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ cũng quy định chi tiết thi hành Luật thuế TNDN, cụ thể:
“....1. Bãi bỏ quy định về hoàn thuế TNDN đã nộp cho số thu nhập tái đầu tư, thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài và các quy định ưu đãi về thuế suất, về miễn, giảm thuế TNDN quy định tại Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 và Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.
4Lê Xuân Trường (2019), Chính sách thuế thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Tạp chí Tài chính, tháng 6/2019.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Tài chính (2019), Báo cáo tóm tắt đánh giá thực trạng hoạt động của DN có vốn đầu tư nước ngoài và chính sách ưu đãi tài chính.
- Bộ Tài chính (2018), “Chính sách thuế và ưu đãi đầu tư trong đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo 30 thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
- Thành Chung (2019), “Việt Nam cần có chính sách thu hút FDI thế hệ mới”, Báo điện tử Chính phủ, ngày 19/2/2019.
- Trương Bá Tuấn (2018), Cơ sở lý luận và định hướng hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế tại Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Tài chính.
TAX POLICIES ON FOREIGN-INVESTED FIRMS IN VIETNAM
• DUONG THI TUYET NHUNG
• DAO THI TUYET
Department of Political Theory,
Hanoi University of Mining and Geology
ABSTRACT:
The government of Vietnam has issued many policies to attract foreign direct investment and support foreign investors to do business in Vietnam. In which, tax policies always capture special attention from foreign investors. This article summarizes the Vietnamese government’s adjustment in tax policies on foreign-invested firms. Based on the article’s assessments, some recommendations about the tax policies are proposed to enhance the efficiency of foreign direct investment in Vietnam.
Keywords: Foreign Direct Investment, Vietnam, ccorporate income tax (CIT).
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 29+30, tháng 12 năm 2020]