Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam: Thị trường tiềm năng và đầy cạnh tranh

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Hoạt động cho vay tiêu dùng bước vào thị trường Việt Nam từ năm 1995 nhưng chỉ thực sự được chú ý và phát triển từ giai đoạn 2012 - 2019. Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện nay bao gồm các hoạt động mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và sự bùng nổ, cạnh tranh của các công ty tài chính (CTTC) như FE Credit, Home credit, HD Saison,… Bài viết phân tích và làm rõ những tiềm năng còn bỏ ngỏ của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam và một vài khác biệt giữa các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính trong hoạt động cung cấp các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Từ khóa: Cho vay tiêu dùng, ngân hàng thương mại, công ty tài chính.

1. Đặt vấn đề

Cho vay tiêu dùng (CVTD) đã phát triển từ lâu trên thế giới. Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động này được các ngân hàng thiên về dịch vụ bán lẻ và các CTTC rất quan tâm phát triển.

CVTD là hoạt động cấp tín dụng bằng tiền hoặc bằng hàng hóa của NHTM hoặc CTTC đối với các cá nhân, hộ gia đình để sử dụng cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt và các nhu cầu phục vụ đời sống khác.

CVTD hay cho vay phi sản xuất - kinh doanh không nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp mà phục vụ nhu cầu mua sắm nhà cửa, đất đai, ôtô, đi du lịch, cho con cái du học của các hộ gia đình và các cá nhân.

1.1. Đặc điểm của cho vay tiêu dùng

Thứ nhất, về quy mô, CVTD thường là các khoản vay có giá trị không lớn thậm chí còn rất nhỏ, từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, rất hiếm trường hợp khách hàng vay tiêu dùng với giá trị lên đến vài chục tỷ đồng như với các món vay cho mục đích kinh doanh.

Thứ hai, về lãi suất, các khoản CVTD có lãi suất cao hơn các khoản cho vay đối với doanh nghiệp.

Thứ ba, về rủi ro, các khoản CVTD có chi phí lớn nhất và có độ rủi ro cao nhất trong danh mục các khoản cho vay của NHTM.

Quản lý sau cho vay cũng là một vấn đề lớn mà ngân hàng gặp phải do quy mô món vay nhỏ nhưng số lượng các món vay lại lớn, vì thế việc kiểm soát về tình hình thu nhập và khả năng tài chính của từng khách hàng đối với tất cả các món vay không phải là điều dễ dàng. Nó phụ thuộc rất lớn vào đạo đức của người vay.

Về lợi nhuận, do CVTD luôn tiềm ẩn rủi ro ở mức cao, vì thế lợi nhuận kì vọng mang lại từ nguồn CVTD cũng lớn.

CVTD phát triển mang lại lợi ích cho ngân hàng, doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả nền kinh tế. Đối với ngân hàng, các sản phẩm CVTD giúp ngân hàng đa dạng danh mục sản phẩm khách hàng cá nhân, giúp tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, thu hút được đối tượng khách hàng mới. Đối với khách hàng - người tiêu dùng được hưởng các tiện ích trước khi tích lũy đủ tiền và đặc biệt quan trọng hơn nó rất cần thiết cho những trường hợp khi các cá nhân có các chi tiêu có tính cấp bách, như nhu cầu chi tiêu cho giáo dục và y tế. Đối với doanh nghiệp, hoạt động CVTD góp phần khơi thông luồng chuyển dịch hàng hóa, giảm lượng vốn tồn đọng, giúp doanh nghiệp gia tăng quay vòng vốn. Đối với nền kinh tế, CVTD được dùng để tài trợ cho chi tiêu về hàng hóa và dịch vụ trong nước có tác dụng trong việc kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống dân cư.

1.2. Các hình thức CVTD chủ yếu hiện nay

- Căn cứ vào mục đích vay, gồm: (1) CVTD cư trú nhằm phục vụ cho nhu cầu xây dựng, mua sắm hay cải tạo nhà ở của các cá nhân, hộ gia đình; (2) CVTD không cư trú là các khoản cho vay phục vụ nhu cầu cải thiện đời sống như mua sắm phương tiện, đồ dùng, du lịch, học hành hoặc giải trí,…

- Căn cứ vào nguồn gốc của các khoản nợ, gồm: (1) CVTD gián tiếp là hình thức ngân hàng cho vay thông qua các doanh nghiệp bán hàng hoặc làm các dịch vụ mà không trực tiếp tiếp xúc với khách hàng; (2) CVTD trực tiếp là ngân hàng và khách hàng trực tiếp gặp nhau để tiến hành cho vay hoặc thu nợ.

- Căn cứ vào phương thức hoàn trả, được chia thành: (1) CVTD trả góp là hình thức cho vay mà ngân hàng cho phép khách hàng trả gốc làm nhiều lần trong thời hạn tín dụng nhất định đã thỏa thuận; (2) CVTD phi trả góp là hình thức cho vay mà tiền vay được khách hàng thanh toán cho ngân hàng chỉ một lần khi đến hạn phải trả; (3) CVTD tuần hoàn là hình thức cho vay cho phép khách hàng sử dụng thẻ tín dụng hoặc phát hành các loại séc thấu chi dựa trên tài khoản vãng lai để thanh toán tiền hàng hóa - dịch vụ.

- Căn cứ vào phương thức bảo đảm tiền vay, bao gồm: (1) Cho vay thế chấp; (2) Cho vay tín chấp; (3) Cho vay có tài sản đảm bảo hình thành từ tiền vay.

2. Tiềm năng của thị trường CVTD tại Việt Nam

Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, tại ngày 01/4/2019, dân số Việt Nam đạt trên 96 triệu người với 34,4% dân số sinh sống tại khu vực thành thị. Dân số đông, xu hướng đô thị hóa ngày càng phát triển, thu nhập ngày càng cải thiện và ngành Tài chính chuyển dần trọng tâm sang phân khúc cá nhân và hộ gia đình chính là động lực lớn đối với thị trường CVTD tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2015 - 2018, thu nhập GDP bình quân của mỗi người dân Việt Nam luôn tăng trưởng ổn định với mức tăng khoảng 6,57% (từ khoảng 2.120 USD/người/năm năm 2015 lên mức 2.540 USD/người/năm vào năm 2018). Tiềm năng doanh thu tài chính bán lẻ tại thị trường Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng gấp hơn 4 lần từ khoảng 1,5 tỷ đôla Mỹ năm 2012 lên 6,5 tỷ đôla Mỹ trong năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng trung bình trong mảng CVTD giai đoạn 2013 - 2014 chỉ đạt 15%/năm, giai đoạn 2015 - 2017 đã lên đến 61,3%/năm, riêng năm 2018 khoảng 29,38%. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung và dư nợ CVTD chiếm tỷ trọng khoảng 19,7% trong tổng dư nợ toàn hệ thống.

Hình 1: Doanh thu tài chính bán lẻ tại Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020

ĐVT: Tỷ đô la Mỹ

Doanh thu tài chính bán lẻ tại Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020

Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường CVTD tại Việt Nam hiện vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Theo kết quả điều tra của CTTC FE Credit (trực thuộc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank), hiện nay mới chỉ có 15 -20% dân số Việt Nam đang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng hoặc các CTTC.

Theo số liệu báo cáo của Financial Times, hoạt động CVTD tại Việt Nam chưa sôi động bằng hoạt động của 4 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Theo đó, chỉ số CVTD của Việt Nam luôn thấp hơn Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan trong giai đoạn 2016 - 2018, mặc dù các chỉ số về Thu nhập hộ gia đình và chi tiêu tùy ý tại Việt Nam có xu hướng tăng cao hơn các quốc gia trên.

Trong giai đoạn từ quý 1/2016 đến quý 2/2018, chỉ số Thu nhập hộ gia đình tại Việt Nam tăng cao hơn chỉ số thu nhập của các hộ gia đình tại Thái Lan, Malaysia, Philippines. So sánh với chỉ số của Indonesia, chỉ số này của Việt Nam có giai đoạn thấp hơn, nhưng giai đoạn cuối điều tra, thu nhập các hộ gia đình Việt Nam có xu hướng ngang bằng và thậm chí cao hơn số liệu của nước bạn. Về chỉ số chi tiêu tùy ý, số liệu điều tra trên báo cáo của Financial Times cho thấy, trong 5 quốc gia thuộc ASEAN khi được khảo sát, người dân Việt Nam chỉ tiêu dùng ít hơn người dân tại Malaysia (tại vài thời điểm có xu hướng tiêu dùng ít hơn người dân Indonesia), còn lại luôn có xu hướng chi tiêu nhiều hơn dân cư của Thái Lan và Philippines. Người Việt Nam chi tiền chủ yếu cho các hàng hóa tiêu dùng như ôtô, đồ gia dụng, điện thoại thông minh, cũng như các hoạt động giải trí như du lịch. Tuy vậy, xét trên tổng số dân, người Việt Nam có xu hướng sử dụng các món vay phục vụ mục đích tiêu dùng ít nhất trong khối 5 nước ASEAN được khảo sát. Tỷ trọng CVTD tại Việt Nam chiếm 19,7% tổng dư nợ nền kinh tế năm 2018 (so với tỷ trọng 21% của Trung Quốc hay 34,6% của 5 quốc gia ASEAN nói trên). Tại thời điểm năm 2018, gần một nửa cư dân thành thị ở Việt Nam không có khoản nợ nào, trong khi đó, con số này là rất nhỏ ở 4 quốc gia còn lại (chỉ khoảng 20%). 

Nợ của hộ gia đình Việt Nam còn ở mức thấp, chủ yếu do sự hạn chế trong việc tiếp cận nguồn tín dụng chính thống và tâm lý e dè của dân cư khi phải ký kết các hợp đồng vay mượn với ngân hàng hoặc các CTTC. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), số người trưởng thành Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng so với các nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và các nước châu Á nói chung còn rất thấp (chỉ 31%). Trong khi đó, tỷ lệ có tài khoản ngân hàng của dân cư tại các quốc gia phát triển tại châu Á như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc là 78,9 đến hơn 96%; tại các nước có nền kinh tế nổi trội trong khối ASEAN như Thái Lan, Malaysia, tỷ lệ này cũng lần lượt là 78,1% và 80,7%. Xét riêng về tỷ lệ sở hữu thẻ tín dụng của người trưởng thành Việt Nam, con số mới dừng lại ở khoảng 4,1%, chưa bằng nửa số liệu của Thái Lan và chỉ bằng 1/5 số liệu của Malaysia.

Bảng 1. So sánh tỷ lệ có tài khoản ngân hàng của dân cư từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam với một vài nước châu Á

So sánh tỷ lệ có tài khoản ngân hàng của dân cư từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam với một vài nước châu Á

Nguồn: Báo cáo của WB

3. Sự cạnh tranh giữa các NHTM và các CTTC

CVTD chính thức được hình thành tại Việt Nam từ năm 1995, nhưng phát triển mạnh trong khoảng 8 năm trở lại đây (giai đoạn 2011 - 2019). Thị trường CVTD chứng kiến sự tham gia từ các NHTM trong nước, ngân hàng nước ngoài và khoảng 16 CTTC. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ CVTD khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế; đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,4 triệu tỷ đồng (gấp 6 lần năm 2012). Trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng tính đến cuối năm 2018, dư nợ của các CTTC tiêu dùng chiếm khoảng 8% (tương đương 110.000 tỷ đồng), còn lại là tín dụng tiêu dùng từ các NHTM (chiếm 88%) và các tổ chức tài chính khác (khoảng 4%).

Bảng 2. Cơ cấu dư nợ cho vay tiêu dùng

(ĐVT: Nghìn tỷ VNĐ)

Cơ cấu dư nợ cho vay tiêu dùng

Nguồn: Báo cáo của NHNN

Qua số liệu so sánh cơ cấu dư nợ dòng vốn CVTD giữa các NHTM và các CTTC, có thể thấy, trong mảng CVTD, các NHTM với số lượng nhà cung cấp nhiều hơn, hoạt động lâu đời hơn, hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp cùng các sản phẩm phong phú cho khách hàng cá nhân đã luôn luôn chiếm tỷ trọng chi phối (trên 90%).

Hình 2: Cơ cấu dư nợ cho vay tiêu dùng

(ĐVT: Nghìn tỷ VNĐ)

Cơ cấu dư nợ cho vay tiêu dùng

Thông thường, các khoản vay tiêu dùng có giá trị cao từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng do ngân hàng cung ứng, các khoản vay có giá trị thấp hơn (thường từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng) do các CTTC khai thác.

Bảng 3. Cơ cấu sản phẩm CVTD năm 2018

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/phuong_thao_10_3.jpg

Nguồn: Stoxplus

Có thể nhận thấy, cơ cấu sản phẩm CVTD được cung cấp từ các NHTM và các CTTC tại Việt Nam thời gian qua có sự khác biệt sâu sắc. Trong khi khách hàng cá nhân tìm đến các ngân hàng khi có mong muốn sử dụng số vốn lớn, thời gian hoàn trả lâu dài như các món vay để mua, sửa chữa nhà ở (với 54.3%), thì khách hàng của các CTTC chủ yếu sử dụng món vay nhằm mục đích phục vụ học tập, du lịch, chữa bệnh (khoảng 42.5%). Các CTTC với quy trình, thủ tục cùng các yêu cầu hồ sơ đơn giản, tốc độ phê duyệt cho vay nhanh gọn thỏa mãn được những nhu cầu vay vốn cấp thiết, xuất hiện bất ngờ. Hơn nữa là sự liên kết giữa các CTTC tiêu dùng với các đại lý ô tô, xe máy, chuỗi của hàng kinh doanh điện máy, điện thoại và đồ gia dụng như FPT shop, Thế giới di động, Điện máy xanh, HC home,… đã khiến cho việc tiếp cận các món vay với mục đích  mua sắm phương tiện giao thông, hàng tiêu dùng lâu bền như điện thoại thông minh, máy giặt, điều hòa, tủ lạnh,… trở nên dễ dàng, phổ biến hơn. Sự phát triển, nở rộ của các hình thức CVTD đã thúc đẩy sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của người Việt Nam, từ “Tiết kiệm trước, tiêu dùng sau” thành “Chi tiêu trước, trả tiền sau”.

Về lãi suất cho vay tiêu dùng của các NHTM và lãi suất của các CTTC cũng có sự chênh lệch đáng kể. Theo thông tin của Công ty Stoxplus - cổ đông chiến lược của Nikkei Inc (Nhật Bản), trong khi các NHTM chỉ tính phí đối với các món cho vay tiêu dùng  trong khoảng 10 - 20%, thì các CTTC đang tính chi phí dao động 20 - 50%. Chính vì lãi suất cho vay cao như vậy, nên hiện nay, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (Net Interest Margin - NIM) của 3 CTTC hàng đầu Việt Nam là FE Credit, Home Credit, HD Saison luôn đạt từ 25 - 38%. Nổi bật nhất là FE Credit hiện đang nắm giữ gần 50% thị phần trong số 16 CTTC tại Việt Nam. Từ năm 2015, khi bắt đầu đưa FE Credit vào hoạt động lợi nhuận Ngân hàng VPbank thu về đã tăng chóng mặt, từ hơn 1.600 tỷ đồng năm 2014 lên 8.130 tỷ đồng năm 2017, gấp 5 lần so với trước khi có FE Credit. Mức lợi nhuận

này vượt xa MBBank, ACB hay Sacombank,… và tiệm cận mức lợi nhuận của 3 “ông lớn” đầu ngành ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank và BIDV. Năm 2017 và 2018, riêng FE Credit đã đóng góp hơn 50% trong tổng lợi nhuận ngân hàng này thu được. Riêng hai CTTC hàng đầu là FE Credit và Home Credit sở hữu khoảng 15 triệu khách hàng, và trong năm 2017 - 2018 mỗi công ty đều thu hút thêm được khoảng 3 triệu khách hàng. 

Thị trường CVTD cũng chứng kiến sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và sự ra mắt một loạt công ty trong nước. Cụ thể, Shinhan Financial Group (Hàn Quốc) đã mua lại mảng tài chính tiêu dùng của Prudential Finance tại Việt Nam vào tháng 01/2018; Lotte Group mua lại Techcom Finance vào tháng 9/2017. Trong nước, những công ty như MCredit do MBbank hợp tác cùng với Shinsei Bank hay Công ty TNHH MTV Tài chính SHB (SHB FC) sáp nhập từ CTTC Vinaconex - Viettel vào Ngân hàng SHB cũng đã gia nhập thị trường và bắt đầu hoạt động có hiệu quả.

Từ đó ta có thể thấy, hoạt động CVTD của các NHTM hiện nay đang chịu sức ép và cạnh tranh lớn từ các CTTC.

4. Kết luận

CVTD tại Việt Nam đã không còn là khái niệm mới mẻ với người dân nhất là những người dân sống tại khu vực thành thị. Tuy nhiên, thị trường này vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng bởi những hạn chế từ chính ngân hàng, các CTTC và trong thói quen tiêu dùng cũng như tư duy của người dân. Bên cạnh các sản phẩm cho vay truyền thống của các NHTM là sự nổi lên của các sản phẩm và hình thức cho vay đa dạng, dễ dàng tiếp cận của các CTTC. Tuy nhiên, sự nhanh chóng, đơn giản trong thủ tục cho vay cũng như sự dễ dãi trong thẩm định tư cách khách hàng của CTTC khiến cho hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây hại cho chính nó, làm xấu hình ảnh và giảm lợi ích của hoạt động CVTD. Điều đó cũng chèn ép và gây tác động xấu đến hoạt động của các NHTM trong lĩnh vực này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. PGS. TS. Nguyễn Văn Tiến (2009); Ngân hàng thương mại, Nhà xuất bản Thống kê.
  2. Website Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: https://www.sbv.gov.vn
  3. Báo cáo của Financial Times, StoxPlus, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

CONSUMER LENDING MARKET IN VIETNAM:

POTENTIAL AND COMPETITIVENESS

• NGUYEN THI PHUONG THAO

University of Economics & Business Administration,

Thai Nguyen University

ABSTRACT:

Consumer loans have been launched in Vietnam since 1995 but these financial activities had only gained attention and developed from 2012 to 2019. Some commercial banks and financial companies such as FE Credit, Home credit and HD Saison are actively promoting their products in Vietnam’s consumer lending market. This article analyzes the potential of the consumer lending in Vietnam and some differences between commercial banks and financial companies in providing consumer lending products and services.

Keywords: Consumer loans, commercial banks, finance companies.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2020]