Chủ tịch Quốc hội: Cải cách tiền lương chứ không phải chỉ là câu chuyện tăng lương

Năm 2024 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản.

Cải cách tiền lương để làm gì?

Mục 1 Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã nêu rõ nguyên nhân cải cách tiền lương.

Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003.

Nhờ đó, tiền lương trong khu vực công của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã từng bước được cải thiện, nhất là ở những vùng, lĩnh vực đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống người lao động. Trong khu vực doanh nghiệp, chính sách tiền lương từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

cải cách tiền lương
Cải cách tiền lương là một trong những điều mong mỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

Tuy nhiên, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương.

Ngoài ra, có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ. Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng về chính sách tiền lương còn chậm, chưa có nghiên cứu căn bản và toàn diện về chính sách tiền lương trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. Số đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước còn quá lớn. Việc xác định vị trí việc làm còn chậm, chưa thực sự là cơ sở để xác định biên chế, tuyển dụng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và trả lương.

Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, hệ thống thông tin thị trường lao động, tiền lương, năng lực thương lượng về tiền lương của người lao động trong ký kết hợp đồng lao động và vai trò của tổ chức công đoàn trong các thoả ước lao động tập thể còn hạn chế. Công tác hướng dẫn, tuyên truyền về chính sách tiền lương chưa tốt, dẫn đến việc xây dựng và thực hiện một số chính sách còn chưa tạo được đồng thuận cao.

Theo đó, việc cải cách tiền lương nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trên.

Thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024

cải cách tiền lương
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, lần này chúng ta tiến hành cải cách tiền lương chứ không phải chỉ là câu chuyện tăng lương bình thường.

Việc sớm thực hiện chính sách cải cách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024 được nhận định sẽ là một "cú hích" cho thị trường lao động và góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa. 

Cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương là một trong những điều mong mỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không chỉ ở khu vực công mà ở cả khu vực tư.

Để sớm thực hiện cải cách tiền lương, hiện nay, các cơ quan đều đang tích cực chuẩn bị cả về nguồn lực và thể chế, chính sách thang, bảng lương.

Ngọc Châm