Chưa bao giờ chính sách tiền lương được xây dựng bài bản và toàn diện như vậy

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khi đề cập đến chính sách tiền lương mới dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Có thể nói, chính sách tiền lương là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đã nêu rõ quan điểm, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.

Việc thực hiện cải cách tiền lương góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, ổn định nguồn nhân lực trong khu vực công.

cải cách tiền lương
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Căn cứ nội dung cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gồm 6 nội dung.

Hệ thống bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành, gồm 5 bảng lương: 1 bảng lương chức vụ, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm)  trong hệ thống chính trị (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập) từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.

Bên cạnh đó, các chế độ phụ cấp hiện hành sẽ được sắp xếp lại, bảo đảm cơ cấu tiền lương mới, gồm: lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương.

Một nội dung khác đáng chú ý, đó là bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp). 

Ngoài ra, nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương mới cũng được nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quan tâm. Theo thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, những năm qua, trong bối cảnh vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, cả nước đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII. 

Nội dung cuối cùng là quản lý tiền lương và thu nhập. Cụ thể, sẽ xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện, áp dụng tiền lương tăng thêm, khoán quỹ tiền lương.

chính sách tiền lương
Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003

Đánh giá về chính sách tiền lương mới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định chưa bao giờ chính sách tiền lương được xây dựng một cách bài bản, toàn diện với nhiều nội dung đột phá như vậy.

Dự kiến chính sách tiền lương mới sẽ được triển khai từ ngày 1/7/2024. Trước đó, trong bối cảnh có nhiều khó khăn của nền kinh tế, chưa có điều kiện thực hiện cải cách tiền lương, căn cứ chỉ đạo của Trung ương và Quốc hội, Chính phủ đã hai lần điều chỉnh mức lương cơ sở vào năm 2019 và 2023, nhằm giảm bớt khó khăn trong đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước.

So với năm 2018, trước khi có Nghị quyết số 27 thì mức lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng thêm 29,5%, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố và mức tăng  lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp (17,74%).

Ngọc Châm