Chuyện chiều thứ 6: Có phải mùa thu giấu ta lâu đến thế…

… Cách đây nhiều năm tôi hay lần về lối cũ, lén lút ngang qua và âm thầm khóc thương ngôi nhà, gắng ôn đi ôn lại những kỷ niệm xa xưa thầm hy vọng làm thế là cách duy nhất để không bỏ quên kỷ niệm nào.
Hàng cây rợp trời kỷ niệm 

Trên đường trở về nhà sau kỳ nghỉ cuối tuần với công ty, con đường dài hun hút và thách thức lòng kiên nhẫn của bất cứ ai mới lần đầu đi tìm nhà người quen, bởi nó rất dài, rất dài. Sài Gòn về đêm lạnh dần. Nơi tôi ở là một quận vùng ven, không có được cái rực rỡ của đèn đêm như các quận trung tâm thành phố. Con đường dài chỉ có hàng xà cừ và những ánh đèn vàng là gợi lại cho tôi những hình ảnh quen thuộc về Hà Nội của tôi, về khu Kim Liên yêu dấu thuở nào.

Nhiều khi tôi tự hỏi không biết có phải vì thế mà tôi đã chọn nhà ở nơi này hay không, người ta, mà cụ thể là tôi, chả phải vẫn có thói quen hay đến một nơi nào đó, chọn một cái gì đó, thậm chí thích một người nào đó nhiều khi chỉ vì nó gợi lại một mảng nhớ nhớ, quên quên trong ký ức. Như chuyện con đường rợp bóng xà cừ này khiến tôi quay quắt nhớ phố Nguyễn Trãi, con phố tôi đi lại hàng ngày trong những tháng năm còn ở Hà Nội. Một bên là hàng xà cừ cổ thụ trút lá vàng đến ngơ ngác, mắt người đi đường vào mùa cây thay áo, cuối tháng 3, đầu tháng 4, một bên là hàng bằng lăng tím ngăn ngắt của tháng 5. Phố Nguyễn Trãi, nơi chạy trốn của hai người đã sinh ra tôi. Và cả tôi nữa – khỏi anh…

Chạy trốn khỏi những kỷ niệm

Tôi đã nghe Mai Hoa hát bài “Gió trút là cho mùa thu thay áo…” không biết bao nhiêu lần, ở bất cứ đâu, là ở phòng khách thênh thang, là ban công đầy gió nơi phòng ngủ hay ở quán café, ngồi một mình hay với anh, thì ngay lập tức tôi lại buột ra những tiếng thở dài. Bố mẹ tôi đã có một căn nhà tuy cũ kỹ nhưng chứa bao nhiêu kỷ niệm ấm áp của ông bà thời còn trẻ, đến lúc đón những đứa con đầu tiên, nhìn chúng bước đi những bước đầu tiên trong khu vườn có cây thị thơm phức như trong chuyện cổ tích. Họ đã cố gắng gìn giữ tổ ấm đó cho chúng tôi đến khi sức tàn lực kiệt. Cuộc sống bộn bề với những trái ngang, lừa lọc khiến mọi giá trị thay đổi, họ đành dứt ruột bán nó đi…

Cách đây nhiều năm tôi hay lần về lối cũ, lén lút ngang qua và âm thầm khóc thương ngôi nhà, gắng ôn đi ôn lại những kỷ niệm xa xưa lòng mong mỏi làm thế là cách duy nhất để không bỏ quên kỷ niệm nào. “Bao hoài vọng dọc về theo phố cũ, chợt thấy lại mình trong mỗi sớm mai”… Bố mẹ tôi ít nói về ngôi nhà, nhưng đôi mắt buồn hẳn mỗi khi có ai đó nhắc tới nó. Khi tivi chiếu bộ phim Mùa là rụng, tôi về thăm bất chợt, thấy bố đang ngồi trầm ngâm bên chén chè, tiếng Mai Hoa da diết ngập tràn căn nhà… Mẹ thì lập cập đi đun nước bằng chiếc ấm siêu tốc. “Nghe như trong lòng tiếng thở dài, ngày lại ngày in dấu chân ai”.

Chết lặng ở những con đường rụng đầy lá vàng

Khi còn chưa rời xa Hà Nội, tôi đã nghĩ tới hương hoa sữa của mùa thu, hay bất chợt gặp mình đang “chết lặng” ở những con đường rụng đầy xác bằng lăng hay ngơ ngác trong một chiều nổi gió xốn xang xác lá xà cừ bay. Khi đến một nơi nào đó, bất chợt gặp lại những hình ảnh, ngửi lại những mùi hương quen thuộc, tôi cứ giật mình thảng thốt. Thật khó có thể quên đi những kỷ niệm, nhất là kỷ niệm buồn. Chỉ gắng xếp nó xuống đáy va li rồi chèn những thứ mới lên mà thôi!

Lại một mùa thu nữa. Hà Nội ơi, có phải lòng tôi đang xác xơ không mà sao chỉ muốn trở về, trở về để chạm vào trong gió, trong sương, trong hương đêm ẩn hiện những buồn vui chưa một khoảnh khắc nào nhạt nhòa của ký ức và hiện tại. Về để cuộn mình trong vòng tay mẹ, nghe những lời ân cần của bố và giả vờ “điếc” trước câu hỏi từ năm hai ngàn bao nhiêu chả rõ: Chuyện cũ đã cũ lắm rồi, thế chị định thế nào đây?

Miny