Chuyện cuối tuần: Bố tôi là bác sĩ quân y!

Nana là một nữ nhà báo có phong cách sống khá vui nhộn, tếu táo song cũng đầy sâu lắng, tự sự. fb Dao Lena của chị được bạn bè ưa thích và đôi khi trở thành những diễn đàn để được sống thật, được nói "toạc móng heo" mà không phải ngại ngần. Song đôi khi lại là những chuyện có thật, khóc thật. Đây là một câu chuyện được xếp vào thể loại "bề nổi của tảng băng chìm".
Từ bé nhà gần Bệnh viện nơi bố mẹ tôi làm việc nên nhoắt cái là có thể chạy sang. Những đứa trẻ như chúng tôi coi bệnh viện là nhà, gọi những người đồng nghiệp của bố mẹ mình là các bố các mẹ, bọn trẻ mà bố mẹ trong cùng khoa hoặc ở các khoa gần nhau thì chơi với nhau như anh chị em. Chẳng nơi nào trong bệnh viện vắng dấu chân chúng tôi. 
 
“Ám ảnh” nhất là nhà trẻ bệnh viện, nơi sáng nào cũng bị bố rút roi đe dọa khi mình thì mếu mếu khóc khóc rõ thảm thương: “chiều bố đón con sớm nhé”. Ấn tượng nhất là những buổi tập đi xe đạp vòng quanh viện. Kinh hoàng nhất là quả ngã xe ngay sát cạnh hố vôi sau viện.
 
Sung sướng nhất là những buổi xếp hàng chờ uống bia ở khu căng tin ngay gần Khoa Lý liệu của bố, hay những ngày chờ chia thịt, chia lòng lợn ở Ban Hậu cần của mẹ, hihi. Hãi hùng nhất là những lần chạy qua nhà xác, chỗ xếp quan tài luôn khiến một con nhát chết như Nana rợn tóc gáy, chạy thục mạng mà vẫn cảm giác có người đuổi theo và một bàn tay lạnh toát sắp chạm vào gáy…
 
Tuổi thơ tôi dữ dội và dịu êm như thế, gắn bó với các bố mẹ trong màu áo trắng thương yêu. Nên việc đi xuống Quân y nhân viên để tiêm hay leo lên ghế nhổ cái răng cứ dễ dàng như ăn kẹo…
 
Tuổi thơ tôi chứng kiến những bệnh nhân đặc biệt của bố, một chị được bố mẹ bế đến co quắp trong hình hài một bộ xương không hơn không kém, một chú bộ đội mồm méo xệch và mắt thì lác đi, một bác phải khiêng đến vì đau không đứng nổi, chỉ nằm bó parafin thôi cũng cứ hét toáng lên, một chú thì lớn đùng rồi vẫn tập đi như trẻ con,…
 
Tuổi thơ tôi là những ngày tò mò đứng từ xa nhìn từng đoàn các ông Tây là các bác sĩ quân đội của Liên Xô sang gặp bố tôi tìm hiểu phương pháp châm cứu và trị liệu để cứu thành công những ca bệnh kỳ lạ, mà đặc biệt nhất là chị Th., bé gái như bộ xương co quắp kia đã hồi sinh diệu kỳ, chạy nhảy cười đùa như chúng tôi. Sau này được biết chị đã lập gia đình và có cuộc sống hạnh phúc, bố tôi vui mừng phát khóc…  
 
Tuổi thơ tôi cũng đầy ắp những câu chuyện bố kể về bác sĩ quân y nơi chiến trường, những ngày tháng run lên vì đói vẫn truyền máu cho bệnh nhân, trong ánh đèn le lói dưới hầm phẫu vẫn cưa chân, khâu vá chằng đụp vết thương ổ bụng cho đồng đội gặp bom bi găm tứ tung,…
 
Tuổi thơ tôi có cả nước mắt khi những ngày nhà chẳng còn tiền mua thức ăn, mẹ tôi phải đi bán tem phiếu, bán cả áo may ô tiêu chuẩn của bố, bán cả nhưng tấm váy áo xinh đẹp mà các bác tôi gửi từ nước ngoài về cho,… những ngày ấy bố tôi nhịn đói vẫn chữa bệnh không lấy tiền. Những ngày ấy bố mẹ tôi cãi nhau, và chúng tôi thì sợ sệt dúm dó...
 
Lớn lên, tôi chứng kiến những người bệnh từ chịu ơn bố tôi mà trở thành anh chị em thân hữu, gánh vác cả việc nhà tôi khi cần. Lớn lên, tôi vô tình gặp những người “hậu thế” nhắc đến bố tôi bằng cả lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ. Lớn lên, nhiều lần tôi bắt gặp ánh mắt bố tôi sáng rưng rưng khi nhớ lại những kỷ niệm đã cũ, hào hứng say sưa kể cho con gái những chuyện xửa chuyện xưa…
 
 
27/2 năm nay các “thiên thần áo trắng” đang nỗ lực chống dịch, thành quả đạt được đến giờ thực sự rất đáng tự hào. Trong thành công ấy, có sự phối hợp tuyệt vời của quân dân y, từ khoanh vùng, cách ly, ổn định lòng dân; cho đến hỗ trợ dập dịch, chống dịch, sự tham gia thầm lặng của quân y cũng góp phần không nhỏ. Ít ai biết trong 45 đội phản ứng nhanh trên toàn quốc để sẵn sàng ứng phó, có 20 đội của quân y. 
 
Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 bằng tất cả tình yêu thương và tự hào, xin gửi đến các bố mẹ, các anh các chị, những “thiên thần áo trắng” lời chúc sức khỏe và bình an.
Chúc mừng bố. 
Chúc mừng ngày thầy thuốc Việt Nam 27/7.
Đào Phai