Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu xuất khẩu

Tính đến thời điểm kết thúc năm 2019, về cơ bản các mục tiêu đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) đều đạt được, với 5 điểm nhấn cơ bản.

Cụ thể:

Một là, tăng trưởng xuất khẩu vượt mức kế hoạch đề ra

Tốc độ tăng trưởng trung bình xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011-2019 đạt 13,4%, cao hơn mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân 11-12% Chiến lược đề ra.

Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, xuất khẩu của nước ta vẫn đạt được tăng trưởng dương, 9 tháng đạt 202,42 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Hai là, nhập khẩu được kiểm soát, tốc độ tăng bình quân kim ngạch nhập khẩu thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu

Kim ngạch nhập khẩu có tốc độ tăng trung bình trong giai đoạn này ở mức 11,5%/năm.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2019 của kim ngạch nhập khẩu thấp hơn so với tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu, đạt mục tiêu Chiến lược đề ra. 

Ba là, cán cân thương mại được cải thiện. Xuất siêu đạt được trong cả giai đoạn với mức xuất siêu năm sau tăng cao hơn năm trước

Chiến lược xác định mục tiêu giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020.

Trên thực tế, từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, lần lượt là 1,77 tỷ USD (năm 2016), 2,11 tỷ USD (năm 2017), 6,83 tỷ USD (năm 2018), 10,87 tỷ USD (năm 2019). 11 tháng đầu năm 2020, xuất siêu gần 21 tỷ USD

Bốn là, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến có tỷ trọng tăng từ 61,2% năm 2011 lên tới 84,2% năm 2019.

Nếu như năm 2011, trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chiếm 11,6% thì tới năm 2019, giá trị xuất khẩu nhóm hàng này chỉ còn ở mức 1,7%.

Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cũng có tỷ trọng giảm đều qua các năm từ 20,8% vào năm 2011 xuống còn 9,6% vào năm 2019.

Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm. Năm 2019 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Năm là, mục tiêu giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đã đạt được

Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người năm 2019 đạt khoảng 2.740 USD/người, gấp 2,5 lần so với năm 2011. Mục tiêu giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt trên 2000 USD đã đạt được từ năm 2017.

[Quảng cáo]

Lục Nam