Chuyên gia ADB: Xuất khẩu tốt, tiêu dùng tốt, CPI tốt, công nghiệp tốt, PMI tốt, FDI tốt… nhưng có một điểm nghẽn kìm hãm tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Mặc dù có rất nhiều điểm tích cực, được đánh giá từ tốt đến rất tốt nhưng chuyên gia ADB đã chỉ ra điểm nghẽn có khả năng kìm hãm tăng trưởng kinh tế nước ta
Công nghiệp chế biến chế tạo là điểm sáng trong góp vào tăng trưởng GDP
Công nghiệp chế biến chế tạo là điểm sáng trong góp vào tăng trưởng GDP

 

Tốt, rất tốt

Theo đánh giá của ADB, dù nhu cầu từ bên ngoài giảm, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá vẫn duy trì đà tăng 8,2%. Xuất siêu 5,4 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức xuất siêu 4,6 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

8 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số với 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng là 9,03% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,98%). Sức tăng trưởng chủ yếu do thu nhập gia tăng, việc làm ổn định và lạm phát ở mức thấp.

Đồng thời, đầu tư trong nước tăng trưởng 7,1% nhờ môi trường kinh doanh cải thiện, niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục được duy trì và dòng vốn đầu tư nước ngoài cao. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt gần 116 nghìn doanh nghiệp, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số doanh nghiệp thành lập mới tăng 3,5% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 21,8%.

Giải ngân vốn FDI đạt 12 tỷ USD, tương đương gần 10% GDP, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng phản ánh niềm tin của doanh nghiệp được cải thiện. Có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 872 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 5,9 tỷ USD và 4.363 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,61 tỷ USD.

Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%, ngành khai khoáng tăng nhẹ nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Xây dựng duy trì mức tăng trưởng 7,9%. Tương tự, khu vực dịch vụ cũng duy trì mức tăng trưởng 6,7% nhờ nhu cầu trong nước cao. Cán cân vốn đạt thặng dư ước tính 7,9% GDP, nhờ dòng vốn FDI và vốn đầu tư gián tiếp ròng đều tăng. Thặng dư cán cân thanh toán tổng thể tương đương 8,5% GDP, cao hơn một chút so với mức 8,4% của năm trước. Dự trữ ngoại hối tăng, hiện đã ở mức cao nhất từ trước đến nay (khoảng 70 tỷ USD); tương đương ba tháng nhập khẩu, cán cân thương mại luỹ kế 8 tháng thặng dư 5,1 tỷ USD.

Tiêu dùng nội địa tăng cao chủ yếu do thu nhập gia tăng, việc làm ổn định và lạm phát ở mức thấp
Tiêu dùng nội địa tăng cao chủ yếu do thu nhập gia tăng, việc làm ổn định và lạm phát ở mức thấp

 

Về phía cầu, tiêu dùng nội địa tiếp tục cho thấy triển vọng tích cực. Tiêu dùng cá nhân sẽ tiếp tục tăng nhờ lạm phát thấp, nhiều công ăn việc làm, kinh tế tăng trưởng cao mặc dù tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ. Những nỗ lực không ngừng của chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cùng với xếp hạng tín nhiệm quốc gia gần đây được cải thiện sẽ kích thích đầu tư tư nhân.

Coi chừng điểm nghẽn

Nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, nhiều doanh nghiệp sản xuất có thể cân nhắc Việt Nam như một cơ sở sản xuất thay thế, tạo thêm động lực mới cho luồng vốn đầu tư FDI. Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu mới được ký kết cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ tiếp tục mở cửa tiếp cận thị trường cho thương mại và đầu tư. Do đó, các dòng vốn FDI sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới, với minh chứng là 13,1 tỉ USD đã được cam kết trong 8 tháng đầu năm 2019. Luật đầu tư công mới được sửa đổi sẽ cải thiện đầu tư công thông qua việc đẩy nhanh quy trình và thủ tục và giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Xét theo ngành kinh tế, triển vọng các ngành công nghiệp và dịch vụ tiếp tục tích cực, song nông nghiệp sẽ bị chậm lại. Chỉ số quản trị mua hàng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong 8 tháng đầu năm vẫn trên 50 điểm, đây là dấu hiệu tích cực. Sản lượng khai khoáng sẽ tiếp tục phục hồi, và ngành xây dựng dự báo sẽ duy trì tăng trưởng mặc dù tín dụng cho lĩnh vực bất động sản bị thắt chặt hơn. Khu vực dịch vụ cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng cùng với sự mở rộng trong bán lẻ và bán buôn để đáp ứng nhu cầu trong nước, và lượng du khách gia tăng sẽ đạt được mục tiêu 15 triệu lượt khách vào cuối năm nay.

chuyên gia ADB đã chỉ ra sự hạn chế về hạ tầng có thể khiến nhà đầu tư phải cân nhắc khi làm ăn ở Việt Nam
Chuyên gia ADB đã chỉ ra sự hạn chế về hạ tầng có thể khiến nhà đầu tư phải cân nhắc khi làm ăn ở Việt Nam

 

Dự báo lạm phát bình quân được điều chỉnh xuống 3,0% trong năm 2019 và 3,5% trong năm 2020. Lạm phát bình quân tính theo năm được kiềm chế ở mức 2,6% trong 8 tháng đầu năm 2019, mức thấp nhất trong ba năm gần đây.

Mặc dù có rất nhiều điểm tích cực, nhưng chuyên gia kinh tế ADB đã chỉ ra sự hạn chế về hạ tầng có thể khiến nhà đầu tư phải cân nhắc khi làm ăn ở Việt Nam. Trong hạ tầng, cần lưu ý cả hạ tầng mềm. Ví dụ có đường, có cầu nhưng phí dịch vụ đi qua đường, qua cầu đó không hợp lý thì vận tải hàng hóa vẫn kém cạnh tranh. Vận tải kém cạnh tranh là nguyên nhân chủ yếu khiến dịch vụ logistics ở Việt Nam đắt đỏ, chiếm từ 16% đến 20% GDP, đây là điểm nghẽn cho tăng trưởng kinh tế nước ta.

Tam Điệp