Cơ hội kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt trong nước và khu vực

Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng Việt Nam sẽ có nhiều hơn cơ hội đưa các sản phẩm Việt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, tạo chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ bền vững.

Sáng 14/6/2019, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối”.

Hội nghị nhằm đưa ra các giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ hàng hóa và nông đặc sản, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà phân phối gặp gỡ, kết nối và trao đổi kinh nghiệm.

Không những vậy, Hội nghị còn tạo điều kiện thuận lợi cũng như cơ hội thúc đẩy các hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

Mặt khác, tạo nguồn cung hàng Việt Nam cho hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa các sản phẩm Việt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, tạo chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ bền vững.

Cơ hội kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt trong nước và khu vực
Hội nghị tạo điều kiện đưa các sản phẩm Việt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, tạo chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ bền vững

Tại Hội nghị, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, thời gian qua, nhờ tác động tích cực của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến tất cả các cá thể trong xã hội nói chung, cũng như các nhà bán lẻ nói riêng nên tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ liên tục tăng trưởng.

Cụ thể, từ năm 2009 đến nay tổng mức lưu chuyển và dịch vụ đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm (đặc biệt trong những năm 2016, 2017, 2018 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt là 10,2%, 10,9% và 11,7%).

Đây là con số ấn tượng cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Đánh giá về hiệu quả của công tác kết nối cung cầu trong thời gian, bà Lê Việt Nga cho rằng, công tác kết nối cung cầu được triển khai rất bài bản và hết sức hiệu quả.  Vì vậy, hàng hóa được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy phát triển; người tiêu dùng được sử dụng có cơ hội sử dụng hàng hóa chất lượng tốt, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú.

Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp đều có nguồn hàng ổn định với đa dạng đặc sản vùng miền thu hút khách hàng, từ đó tăng doanh thu và mở rộng hệ thống phân phối, góp phần phát triển thương mại trong nước liên tục tăng trưởng, thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa và thu hút nguồn vốn đầu tư.

“Chưa bao giờ hoạt động kết nối cung cầu lại được phát triển mạnh như thời gian này, từ người nông dân, công nhân, người lao động vùng sâu, vùng xa đến các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại nhất trải dài khắp cả nước, góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các cơ quan bán buôn, bán lẻ hiện đại”, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Cơ hội kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt trong nước và khu vực
Công tác kết nối cung cầu được triển khai rất bài bản, hàng hóa được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy phát triển. Người tiêu dùng được sử dụng có cơ hội sử dụng hàng hóa chất lượng tốt, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú

Cùng chia sẻ về công tác kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất, ông Đỗ Hoàng Thạch- Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam cho biết, hoạt động liên kết giữa các đơn vị sản xuất với người tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp là hoạt động rất quan trọng.

Chính vì vậy, Công ty thường xuyên tổ chức các chương trình liên kết, trong đó có hội thảo, kết nối giao thương, trưng bày giới thiệu sản phẩm, liên doanh liên kết…nhằm kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối với người tiêu dùng.

Với vai trò là đơn vị làm xúc tiến thương mại, Công ty cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện nhằm kết nối và đưa các sản phẩm vùng miền về nông thôn để bà con nắm bắt được những sản phẩm Việt, từ đó tiếp cận những sản phẩm an toàn và chất lượng.

Tuy nhiên, ông Đỗ Hoàng Thạch cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay khi đưa hàng hóa về nông thôn là bà con nông dân chưa hiểu hết được giá trị sản phẩm an toàn. Vì vậy, cần thường xuyên tổ chức đưa hàng về nông thôn đi kèm với hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và tư vấn cho bà con nông dân để vấn đề kết nối được tốt hơn.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã trình bày các tham luận giới thiệu sản phẩm, cũng như trưng bày những sản phẩm Việt đa dạng, phong phú như: Chè, nấm, trứng, miến, nước mắm truyền thống, gạo sạch, gạo hữu cơ, cà phê…

Hội nghị cũng chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (đại diện cho các doanh nghiệp phân phối là hội viên của hiệp hội) với Công ty CP Xúc tiến thương mại Việt Nam (đại diện một số cơ sở sản xuất, chế biến nông sản) và thỏa thuận cung cấp-phân phối sản phẩm thực phẩm giữa một số doanh nghiệp sản xuất và phân phối.

Hạ An