Cổ phiếu bia - Blue-chip mới trên sàn chứng khoán

Dồn dập những ngày cuối năm, thị trường chứng khoán đón nhận thêm những “ông lớn” lên sàn chứng khoán. Đó là những doanh nghiệp nằm trong nhóm ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống vốn đang khá ít

Đó là cổ phiếu BHN của công ty Bia Hà Nội (Habeco) chào sàn UpCom ngày 28/10/2016 và SAB của Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lên sàn HSX ngày 6/12 vừa rồi. Đây là hai công ty được ví như Vinamilk trong lĩnh vực bia rượu khi thị phần rất lớn và có thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực tiêu dùng Việt Nam.

Lợi thế thị phần - sự hấp dẫn của dòng vốn đầu tư mới

Không phải ngẫu nhiên các công ty lớn nội địa ở tất cả các lĩnh vực lại được nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng, cũng như được thị trường chứng khoán đánh giá cao đối với cả các giao dịch góp vốn (equity) lẫn giao dịch thứ cấp (trên sàn giao dịch hàng ngày). Ngay cả với một đại công ty như Vinamilk, lợi thế không hẳn là công nghệ hay sản phẩm, hay kinh nghiệm quản lý. Đó là những yếu tố mà doanh nghiệp nước ngoài còn có lợi thế hơn nhiều. Sức mạnh chính của các doanh nghiệp dạng này là đã có một thương hiệu quen thuộc với thị trường bản địa và hệ thống phân phối rộng lớn được xây dựng qua thời gian hàng chục năm.

Riêng nói về lĩnh vực bia tại Việt Nam, đã có rất nhiều tên tuổi khác nhau cả trong lẫn ngoài nước có mặt. Từ những cái tên cũ như Habeco, Sabeco, Hue Brewery, Heineken tới những cái tên mới như Sapporo, AB InBev, Masan Brewery. Thương hiệu sản phẩm thì có hàng chục với đủ các phân khúc từ sang trọng tới cao cấp và bình dân.

Tuy nhiên thị phần bia Việt Nam lại chủ yếu do 4 công ty lớn thống lĩnh là Habeco ở miền Bắc, Sabeco ở miền Nam, Hue Brewery (Carlsberg sở hữu 100% vốn) ở miền Trung và Heineken Việt Nam “tập kích” ở các thành phố lớn. Theo tổng hợp các báo cáo của những công ty nói trên thì 90% sản lượng bia Việt Nam năm 2015 chảy ra và được tiêu thụ từ các nhà máy thuộc các ông lớn này. Một ước tính của hãng nghiên cứu Pomegranate Asia thì thị phần bia tại miền Nam chiếm 59% cả nước, miền Bắc là 35%, còn lại là miền Trung. Chính vì thế các cái tên hết sức quen thuộc với mỗi miền như Habeco, Sabeco làm mưa làm gió trên thị trường với lợi thế tự nhiên trong hàng chục năm qua.

Một lợi thế lớn giúp cho các công ty trong nước vững chắc thị phần là định hình được thói quen tiêu dùng cũng như phù hợp với văn hóa tiêu dùng. Chẳng hạn tại Việt Nam kênh hàng quán chiếm tới 65% tổng lượng bia được tiêu thụ. Vì thế có được mối liên kết khách truyền thống cũng như ghi dấu ấn về khẩu vị là một lợi thế rất lớn. Các thương hiệu khác muốn cạnh tranh cần một thời gian không ngắn và chi phí không nhỏ.

Yếu tố pháp lý cũng là rào cản không nhỏ trong việc thành lập doanh nghiệp mới, hạn chế những tay chơi mới muốn nhảy vào thị trường có nhu cầu khổng lồ như bia. Để mở nhà máy bia sản xuất tại Việt Nam cần tùy thuộc vào quy hoạch ngành Bia . Bước đi nhanh nhất chính là các công ty bia nước ngoài thường chọn cách hợp tác với một đối tác trong nước khi xin giấy phép sản xuất. Điều này khiến cho cơ hội sở hữu cổ phần ở các công ty bia nội địa trở nên hấp dẫn và đặc biệt hấp dẫn nếu đó là các thương hiệu lớn có thị phần chi phối.

Theo số liệu năm 2015 thì Sabeco chiếm khoảng 43% thị phần bia trong nước và đang sở hữu 24 nhà máy bia, trong đó 20 nhà máy đang hoạt động, 4 nhà máy chuẩn bị vận hành. Sabeco trở thành ông lớn thống lĩnh thị trường phía Nam là nhờ “dọn dẹp” thị trường bằng cách thâu tóm các nhà máy bia khác. Mạng lưới nhà máy rộng lớn này là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Sabeco, chưa kể mạng lưới khoảng 1.200 nhà phân phối.

Ông vua bia miền Bắc thuộc về Habeco với sản phẩm có mặt ở khắp các ngõ ngách, được ước tính thống lĩnh hơn 50% thị phần ở thị trường này. Habeco cũng có 15 nhà máy bia, chủ yếu ở miền Bắc và khác với Sabeco đang cố gắng mở rộng thị trường, Habeco đang nỗ lực củng cố vị thế tại thị trường truyền thống.

Vị thế chắc chắn, thị phần lớn và đặc biệt là một thị trường tiêu thụ khổng lồ và đang tăng trưởng, đó là những sức hút đáng kể cho cổ phiếu bia hiện tại. Đủ các điều tra, thậm chí là cảnh báo đều xác nhận người Việt có tâm lý ưa chuộng uống bia. Dân số trẻ tăng nhanh, tầng lớp trung lưu tăng và mặt bằng thu nhập chung được cải thiện khiến thị trường bia ngày càng mở rộng.

Thị trường có hào hứng quá mức?

Hiện tượng Sabeco lên sàn chứng khoán là một trong những màn ra mắt ấn tượng nhất của cổ phiếu bia. Trước đó, đại gia bia Hà Nội là BHN cũng rất ấn tượng khi giá cổ phiếu tăng liên tục gấp 3 lần chỉ sau 9 ngày giao dịch. SAB mới giao dịch được 4 phiên và giá cũng tăng gần gấp rưỡi so với mức dự tính chào sàn.

Một trong những yếu tố quan trọng khiến giá cổ phiếu bia đắt khách ngay khi mới lên sàn là thị hiếu đầu tư đang thay đổi. Khả năng lựa chọn cổ phiếu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng là không nhiều, đặc biệt rất thiếu các thương hiệu lớn. Bia lại là lĩnh vực hàng hóa đặc thù và được ưa chuộng đặc biệt tại Việt Nam. Mặt khác, phải rất lâu rồi thị trường mới lại được đón nhận cổ phiếu của một doanh nghiệp mà sức mạnh không khác gì Vinamilk trong lĩnh vực sữa.

Một thị trường chứng khoán đang tăng trưởng, các cổ phiếu cũ đang được định giá khá cao, cổ phiếu mới trong một lĩnh vực đầy tiềm năng, nhu cầu lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài… Chừng đó lý do là đủ để các cổ phiếu bia trở thành những blue-chips mới trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận yếu tố cảm tính dựa trên khẩu vị đầu tư nhất thời, sự hào hứng với cái mới lạ trong diễn biến giá cổ phiếu bia hiện nay. Do phần lớn cổ phiếu nằm trong tay Nhà nước hoặc các cổ đông lớn, lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài rất nhỏ, trong khi nhu cầu lớn đã tạo nên cơn khát tự nhiên. Trong bối cảnh đó, yếu tố định lượng giá trị ít khi được chú ý.

Mặc dù vậy, một trong những thế mạnh của thị trường là tính hiệu quả. Không có yếu tố cảm tính nào tồn tại được lâu bền trên thị trường chứng khoán. Vinamilk mà một ví dụ điển hình khi cuộc đấu giá này 12/12/2016 đã không thể bán hết lượng cổ phiếu cần thiết. Nguyên nhân chính với Vinamilk chính là giá đấu không hấp dẫn nhà đầu tư.

Sự việc này hoàn toàn có thể lặp lại với Habeco, Sabeco. Giá cổ phiếu không thể tăng quá mức giá trị thật sự, hay lợi nhuận đem lại từ sản xuất kinh doanh. Một phương pháp định giá cơ bản là so sánh mặt bằng giá của các doanh nghiệp cùng ngành khác trong khu vực. Chẳng hạn, theo số liệu của Bloomberg thì tỷ lệ giá cổ phiếu trên lợi nhuận mỗi cổ phần của các cổ phiếu bia trong khu vực Đông Nam Á trung bình là 22,9 lần. Với mức giá 161.500 đồng, cổ phiếu SAB đã có tỷ lệ này tới 25,49 lần. Với giá 135.700 đồng, cổ phiếu BHN có tỷ lệ 33,74 lần.

Nói cách khác, cổ phiếu bia trên thị trường Việt Nam đã đắt hơn so với mặt bằng giá chung của khu vực. Dĩ nhiên mỗi thị trường mỗi khác, nhưng vấn đề là nhà đầu tư nước ngoài nhìn các thị trường là như nhau ở mức độ định giá. Điều gì khiến họ phải đầu tư vào một cổ phiếu đắt hơn trong khi có thể kiếm lời tương tự ở một cổ phiếu cùng ngành khác rẻ hơn ở một thị trường khác?

Một định giá khác của một công ty chứng khoán trong nước cho khách hàng tổ chức nước ngoài với cổ phiếu SAB chỉ là 142.600 đồng, trong đó đã tính cả tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tiềm năng và tốc độ tăng trưởng ngành (dựa trên lợi nhuận ước tính).

Đối với Habeco, mức định giá thậm chí còn khắt khe hơn khi chiết khấu cả rủi ro thu hẹp thị phần cũng như tình hình tài chính không bằng Sabeco, cổ phiếu BHN được ước tính có giá hợp lý chỉ 59.600 đồng, tức là giá hiện nay đang cao hơn mức định giá theo giá trị tới 2,3 lần.

Việc đưa các cổ phiếu bia lên sàn chứng khoán được coi là một cách gián tiếp để xác định giá trị doanh nghiệp trước khi thực hiện thoái vốn nhà nước. Tuy nhiên thị trường chứng khoán có thật sự hiệu quả - phản ánh chính xác định giá - hay không lại là chuyện khác. Mới đây một đại diện bia nước ngoài chỉ đánh giá cổ phiếu BHN ở 48.000 đồng. Bỏ qua một bên câu chuyện “dìm giá mua rẻ”, rõ ràng luôn có những quan điểm khác nhau trong việc định giá giá trị một doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, thị trường là thuận mua vừa bán. Hãy nhìn VNM như một ví dụ điển hình. Nếu so sánh về sức mạnh doanh nghiệp, cả Habeco lẫn Sabeco không thể bằng VNM về mặt sinh lời cũng như gia tăng giá trị cho cổ đông, nhưng ngay cả VNM, nếu định giá quá cao thì cũng chẳng thu hút được sự quan tâm của thị trường.
Hoàng Nguyên