Cổ phiếu HSG đạt đỉnh 15 tháng, người nhà Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen muốn thoái toàn bộ vốn

Người thân Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen vừa đăng ký bán ra toàn bộ hơn 10,72 triệu cổ phiếu HSG đang nắm giữ trong bối cảnh cổ phiếu doanh nghiệp tôn mạ này lên đỉnh 15 tháng.

Người thân Chủ tịch muốn bán hết hơn 10 triệu cổ phiếu HSG

Tập đoàn Hoa Sen Tạp chí Công Thương
Tính chung 3 quý đầu niên độ tài chính 2022 – 2023, Tập đoàn Hoa Sen đang ghi nhận lỗ 410 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG – sàn HoSE) vừa có thông báo về việc ông Nguyễn Văn Chiến, anh vợ ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, đăng ký bán ra toàn bộ hơn 10,72 triệu cổ phiếu HSG đang nắm giữ nhằm “giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân”.

Giao dịch này dự kiến được thực hiện từ ngày 14/9 - 13/10/2023, theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận. Nếu giao dịch này diễn ra thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Văn Chiến tại Tập đoàn Hoa Sen sẽ giảm từ 1,74% như hiện nay về còn 0%.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 11/9, cổ phiếu HSG đạt 21.300 đồng/cổ phiếu – quanh vùng giá cao nhất 15 tháng trở lại đây. Tạm ước tính theo mức giá này thì ông Nguyễn Văn Chiến có thể thu về khoảng 228 tỷ đồng từ việc thoái vốn này.

Đáng chú ý, cổ phiếu HSG vừa có nhịp tăng mạnh chỉ trong vòng 10 ngày trở lại đây với mức tăng gần 17%, cùng với đó là thanh khoản được cải thiện dần. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu HSG đã tăng gần 90%.

Giá cổ phiếu HSG Tập đoàn Hoa Sen Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

 

Xem thêm: "Lãnh đạo chủ chốt DIC Corp đăng ký bán gần hết số cổ phiếu DIG đang sở hữu" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Dự kiến biên lợi nhuận xuất khẩu sẽ giảm trong quý 3/2023

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 3 niên độ tài chính 2022 – 2023 (tương ứng quý 2/2023), Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu hơn 8.600 tỷ đồng và lãi ròng chỉ đạt hơn 14 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và giảm 95% so với cùng kỳ niên độ trước. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 13,1% về còn 10,3%.

Tính chung 3 quý đầu niên độ tài chính 2022 – 2023, doanh nghiệp tôn mạ này ghi nhận tổng đoanh thu hơn 23.500 tỷ đồng, giảm 43,6% so với cùng kỳ niên độ trước, và báo lỗ 410 tỷ đồng, so với mức lãi hơn 1.100 tỷ đồng trong cùng kỳ niên độ 2021 – 2022.

Sau 9 tháng kinh doanh, Tập đoàn Hoa Sen hiện vẫn còn cách rất xa mục tiêu lãi từ 100 - 300 tỷ đồng của niên độ 2022 - 2023. Theo đánh giá gần đây của SSI Research, việc chênh lệch giữa giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á ngày càng thu hẹp và có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận trong quý 4 niên độ tài chính 2022 – 2023 (tương đương quý 3/2023) của Tập đoàn Hoa Sen nói riêng, các doanh nghiệp tôn mạ khác của Việt Nam nói chung.

Giá thép HRC
Diễn biến giá thép HRC (USD/tấn) tại các thị trường kể từ tháng 1/2023 đến đầu tháng 8/2023. (Nguồn: Bloomberg, SSI Research)

Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân trong quý 3/2023 có thể thấp hơn so với quý trước do giá HRC ở hầu hết các thị trường đã điều chỉnh khoảng 20% kể từ mức đỉnh vào tháng 3/2023. Khoảng cách giữa giá HRC tại Hoa Kỳ/Châu Âu và tại Việt Nam (tính theo USD) đã thu hẹp khoảng từ 350-700 USD/tấn vào cuối tháng 4 xuống còn 140-340 USD/tấn trong giai đoạn giữa tháng 8/2023.

Sản lượng xuất khẩu hiện chiếm 51% tổng sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hoa Sen. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu chiếm khoảng 50% sản lượng xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen. Tập đoàn Hoa Sen cho biết đã nhận được đơn đặt hàng trước từ 1-2 tháng và sẽ nỗ lực đẩy sản lượng tiêu thụ lên 130-140.000 tấn/tháng trong quý 3/2023 so với mức trung bình 120.000 tấn trong quý 2/2023.

Quỳnh Trang