Công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Kim bài hoàn thiện công tác kế toán quản trị chi phí

ThS. LÊ THỊ THU HƯƠNG (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong thị trường bia - rượu - nước giải khát rất phong phú và đa dạng như hiện nay, Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài đang không ngừng nâng cao công tác kế toán quản trị chi phí cũng như xây dựng các kế hoạch nhằm kiểm soát, hoàn thiện công tác kế toán quản trị chi phí để đạt được mục tiêu tăng sức cạnh tranh về giá thành cho các sản phẩm. Công ty cần áp dụng hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ nhằm phục vụ mục đích hoàn thiện kế toán quản trị chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất.

Từ khóa: Kế toán quản trị, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung, chi phí quản lý doanh nghiệp, nguyên vật liệu.

I. Cơ sở lý luận về kế toán quản trị chi phí

Ngành Bia - Rượu - Nước giải khát đã có mặt ở Việt Nam từ lâu, nhưng đặc biệt phát triển nhanh trong hơn một thập kỷ vừa qua. Đây là một ngành sản xuất thực phẩm đồ uống quan trọng, gắn liền với nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên, với sự phát triển chóng mặt của ngành công nghiệp giải khát, đi kèm theo nó là mức độ cạnh tranh ngày càng cao với sức cạnh tranh dựa trên yếu tố chủ yếu là chất lượng và giá thành. Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, việc xác định chi phí cũng như xây dựng các kế hoạch nhằm kiểm soát chi phí, hỗ trợ cho việc ra quyết định của nhà quản lý dường như trở thành vấn đề ngày càng cấp thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đồ uống trong thời điểm hiện tại.

Kế toán quản chị chi phí là một nội dung ngày càng được quan tâm trong các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ ở Việt Nam. Thông tin về chi phí rất cần thiết cho các quyết định kinh doanh của các nhà quản trị. Biết và hiểu được chi phí sẽ giúp các nhà quản trị dễ dàng nắm được các thông tin hữu ích trong việc ra các quyết định kinh doanh đúng đắn cho doanh nghiệp. Bởi vậy, việc xây dựng một hệ thống kế toán quản trị hoàn thiện, kịp thời, là một vấn đề hết sức cấp thiết trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay. Đối với ngành Bia - Rượu - Nước giải khát, hoàn thiện hệ thống kế toán quản trị lại càng cần thiết.

Vấn đề trước mắt cần đặt ra cho Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài là phải tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên trên thực tế, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà tại Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài, kế toán quản trị, đặc biệt là kế toán quản trị chi phí chưa được quan tâm đúng mức. Kế toán quản trị chi phí vẫn chưa được tổ chức khoa học, quy củ, còn mang nặng nội dung của kế toán tài chính hay nói cách khác là nó chưa được vận dụng và tổ chức thực hiện tại công ty với tư cách là một công cụ quản lý kinh tế và cung cấp thông tin kinh tế tài chính. Các nội dung của kế toán quản trị chi phí được thực hiện đan xen giữa nhiều bộ phận và chưa có bộ phận chuyên trách.

Xuất phát từ những điểm còn yếu trong quản trị chi phí, Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài nên hoàn thiện hệ thống kế toán quản trị chi phí của Công ty nhằm nâng cao sức cạnh tranh về giá thành của các sản phẩm bia - rượu - nước giải khát.

II. Thực trạng kế toán quản trị tại Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài

Cơ cấu tổ chức bộ máy kế toán của Công ty được tổ chức theo hình thức tập trung. Toàn bộ công việc kế toán đều được thực hiện ở phòng kế toán, dưới sự chỉ đạo của kế toán trưởng. Bộ máy kế toán của Công ty bao gồm 6 người được phân công theo khối lượng từng phần hành và cơ cấu lao động kế toán của Công ty.

1. Thực trạng phân loại chi phí tại Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài

Nhìn chung, danh mục tài khoản kế toán chi phí tại Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài được áp dụng theo quy định hiện hành, đáp ứng được việc phân chia đến tài khoản cấp 2,3 tương ứng với từng sản phẩm sản xuất của Công ty, là cơ sở để có thể tính toán được chi phí cho từng loại sản phẩm, phục vụ cho cả kế toán tài chính và kế toán quản trị.

Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài đã sử dụng tiêu thức phân loại là theo chức năng hoạt động, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho kế toán tài chính để tổng hợp số liệu và lên các báo cáo tài chính mà chưa có sự phân loại để phục vụ cho kế toán quản trị như: Phân loại theo mức độ hoạt động, phân loại nhằm mục đích ra quyết định…

2. Thực trạng xây dựng định mức và lập dự toán chi phí

2.1. Thực trạng xây dựng hệ thống định mức chi phí

Định mức chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Định mức vật tư tại Công ty do Phòng Kỹ thuật - Công nghệ xây dựng sau đó chuyển cho phòng kế hoạch để quản lý quá trình nhập - xuất vật tư. Định mức vật tư tại Công ty mới chỉ xây dựng được định mức về lượng nguyên vật liệu trực tiếp (NVLTT) cho một đơn vị sản phẩm nhất định.

Định mức chi phí nhân công trực tiếp: Việc xây dựng định mức nhân công trực tiếp ở công ty dường như mới chỉ đang ở bước đầu hình thành, thể hiện qua việc xây dựng đơn giá lương sản phẩm. Từ đơn giá lương sản phẩm này, Phòng Hành chính dựa vào số lượng người của từng tổ sản xuất để xây dựng định mức tiền lương sản phẩm cho từng bộ phận. Mục đích của cách tính lương này vẫn chỉ là để khuyến khích người lao động tăng năng suất.

Định mức chi phí sản xuất chung: Công ty đã xây dựng 2 định mức trong các khoản chi phí sản xuất chung, đó là định mức tiền lương nhân công phân xưởng sản xuất chung, định mức khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) và định mức vật liệu để làm cơ sở phân bổ chi phí sản xuất chung cho 3 khoản này. Các định mức này xây dựng chủ yếu bằng kinh nghiệm qua các năm.

Định mức chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp: Để xây dựng được hệ thống định mức cho 2 khoản mục chi phí này thì yêu cầu đầu tiên là doanh nghiệp phải phân loại được chi phí thành biến phí và định phí. Tuy nhiên, hiện nay, Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài, toàn bộ chi phí sản xuất kinh doanh vẫn đang được phân loại theo chức năng hoạt động. Do đó, việc xây dựng định mức cho các khoản mục chi phí này chưa thực hiện được.

2.2. Thực trạng lập dự toán chi phí

Hiện tại, Công ty đã tiến hành lập dự toán kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm, trong đó có dự toán về chi phí. Những dự toán này chủ yếu dựa trên số liệu kỳ trước, kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm tới và kinh nghiệm của nhà quản lý mà đưa ra những kế hoạch về chi phí chứ chưa có sự tìm hiểu phân tích biến động của thị trường để đưa ra dự toán chi phí

2.3. Thực trạng về xác định chi phí cho các đối tượng chi phí

Chi phí được xác định cho 2 đối tượng chịu phí là Bia hơi Hà Nội và Bia chai Hà Nội. Trong đó, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, nhân công trực tiếp được xác định và hạch toán cụ thể cho từng loại sản phẩm, còn chi phí sản xuất chung, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được phân bổ vào cuối kỳ theo tiêu thức sản lượng sản xuất trong kỳ.

2.4. Thực trạng phân tích thông tin chi phí để ra quyết định kinh doanh

Hiện nay, hầu hết các sổ sách báo cáo chi phí của Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài đều hướng tới phục vụ mục tiêu của kế toán tài chính là chủ yếu. Các báo cáo chi phí phục vụ yêu cầu quản trị nội bộ như: Sổ cái tài khoản chi phí theo quý (năm), bảng tính giá thành tổng hợp từng công đoạn, báo cáo so sánh giá thành từng loại sản phẩm… đều chỉ mang tính phản ánh số liệu của kỳ đã thực hiện mà không hề có sự tổng hợp, so sánh, biến đổi các chỉ tiêu phân tích hay tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến các biến động. Do đó, dữ liệu báo cáo về chi phí hiện tại không có nhiều ý nghĩa trong quá trình ra quyết định kinh doanh của nhà quản trị.

Công ty đã bước đầu xây dựng được định mức kỹ thuật NVLTT, xây dựng đơn giá lương sản phẩm để làm cơ sở phân tích thông tin, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất. Các tài khoản tập hợp chi phí sản xuất được chi tiết hóa góp phần đảm bảo cho quá trình tổ chức thông tin chi phí được khoa học, tạo thuận lợi cho các khâu xử lý thông tin tiếp theo của kế toán quản trị.

Tuy nhiên, Công ty chưa tập trung nhiều cho sự phát triển của hệ thống kế toán quản trị chi phí. Kế toán quản trị chi phí mới chỉ đang hình thành trên cái nền của kế toán tài chính nên cách thức thu thập và xử lý thông tin mới chỉ ở mức độ chi tiết hơn những thông tin của kế toán tài chính. Do đó, chưa thể khai thác, tận dụng hết những công cụ ưu việt của kế toán quản trị để xử lý thông tin, trợ giúp nhà quản trị thực hiện chức năng ra quyết định. Chưa có những báo cáo phân tích tình hình sử dụng chi phí, biến động chi phí.

III. Giải pháp hoàn thiện kế toán quản trị tại Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài

1. Yêu cầu và nguyên tắc hoàn thiện

Thông tin hữu ích rất cần thiết cho các nhà quản trị trong việc ra các quyết định kinh doanh tối ưu. Điều này đòi hỏi hệ thống kế toán quản trị chi phí, giá thành vừa phải cung cấp được các thông tin chi tiết, cụ thể về từng mặt hoạt động trong doanh nghiệp; vửa phải cung cấp những thông tin mang tính khái quát nhất, so sánh, đánh giá toàn diện các mặt hoạt động trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, muốn thành công phải thực hiện tốt việc kiểm soát chi phí.

Việc xây dựng và hoàn thiện kế toán quản trị chi phí tại Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài phải được thực hiện trên cơ sở quán triệt các nguyên tắc cung cấp đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng các thông tin cần thiết cho các nhà quản lý doanh nghiệp điều hành quản lý và ra quyết định.

2. Giải pháp hoàn thiện

2.1. Hoàn thiện phân loại chi phí phục vụ yêu cầu quản trị doanh nghiệp

Một trong những thông tin quan trọng đối với các nhà quản lý doanh nghiệp là các thông tin về chi phí, vì mỗi khi chi phí tăng thêm sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận. Do vậy, các nhà quản trị cần phải kiểm soát chặt chẽ và phân loại chi phí, đây là công việc đầu tiên mà bất cứ hệ thống quản trị chi phí nào cũng phải thực hiện.

Tại Công ty cổ phần Bia Hà Nội – Kim Bài hiện nay, ngoài cách phân loại chi phí của kế toán tài chính, Công ty cần tiếp tục phân loại chi phí theo các cách khác nhau nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác quản trị doanh nghiệp như:

Phân loại chi phí theo yếu tố: Cách phân loại này có tác dụng rất lớn đối với việc lập báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố như đầu vào và đầu ra, phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các dự toán chi phí sản xuất kinh doanh.

Phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí: Để đáp ứng yêu cầu lập kế hoạch, kiểm soát và chủ động điều tiết chi phí cho phù hợp cũng như áp dụng, phân tích mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận, nhà quản trị cần phân loại theo cách ứng xử của chi phí (còn gọi là phân loại chi phí theo mối quan hệ với sản lượng). Việc tiến hành phân loại chi phí tại Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài theo cách ứng xử chi phí làm căn cứ cho việc lập dự toán linh hoạt cho các mặt hàng giúp cho nhà quản trị có các quyết định kịp thời trong các tình huống quy mô sản xuất khác nhau hoặc chủ động linh hoạt trong việc định giá ở các mức độ đặt hàng khác nhau.

2.2. Hoàn thiện công tác xây dựng định mức chi phí

- Hoàn thiện công tác xây dựng định mức chi phí NVL trực tiếp:

Tại Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài, tuy đã xây dựng được định mức kỹ thuật cho NVL trực tiếp, nhưng chưa có mức hao phí cho từng loại nguyên vật liệu để tiến hành kiểm soát nguyên vật liệu (NVL) đầu vào. Vì vậy nên căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh các kỳ trước và đặc điểm kỹ thuật, quy trình công nghệ của quá trình sản xuất, Công ty nên xác định mức hao phí cho từng loại nguyên liệu đầu vào để kiểm soát chi phí tốt hơn.

- Hoàn thiện công tác xây dựng định mức chi phí nhân công trực tiếp:

Để xác định định mức chi phí nhân công trực tiếp, cần căn cứ vào định mức kỹ thuật về hao phí lao động cho một đơn vị sản phẩm, sau đó xác định đơn giá cho từng đơn vị sản phẩm tiến hành xây dựng định mức nhân công. Hiện tại, tại Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài, tiền lương được tính dựa trên lương cơ bản + lương sản phẩm, nên việc tính định mức tiền lương sẽ được xác định trên tiền lương sản phẩm.

Căn cứ xác định mức lương sản phẩm hiện nay tại Công ty là dựa vào định mức lương sản phẩm cho toàn bộ quá trình sản xuất, sau đó phân bổ thành định mức lương sản phẩm áp dụng cho từng tổ sản xuất. Công ty nên tiến hành xác định định mức này căn cứ vào thời gian hao phí lao động sản xuất cho một đơn vị sản phẩm.

- Hoàn thiện công tác xây dựng định mức chi phí sản xuất chung:

Định mức chi phí sản xuất chung bao gồm định mức biến phí và định mức định phí. Định phí sản xuất chung được xác định trên cơ sở số liệu thống kê định kỳ chi phí phát sinh của kỳ sản xuất và phân bổ theo tiêu thức phù hợp.

2.3. Hoàn thiện công tác lập dự toán chi phí

Việc lập dự toán chi phí sát thực, khoa học, hợp lý sẽ giúp cho Công ty tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên việc lập dự toán chi phí kinh doanh không thể có được nếu chỉ dựa vào bộ phận kế toán, mà quá trình lập dự toán chi phí kinh doanh đòi hỏi sự kết hợp của rất nhiều các bộ phận khác nhau trong Công ty.

Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài cần lập các dự toán như: Dự toán chi phí nguyên vật liệu trực tiếp; Dự toán chi phí nhân công trực tiếp; Dự toán chi phí sản xuất chung; Dự toán chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp; Dự toán sản lượng sản xuất.

2.4. Hoàn thiện tổ chức thu thập thông tin chi phí phục vụ cho kế toán quản trị

Để đảm bảo thông tin kế toán cung cấp cho nhà quản trị có chất lượng ngày càng cao thì cần thiết phải xác định yêu cầu của thông tin kế toán cung cấp, từ đó có thể tổ chức thu thập và xử lý thành các thông tin phù hợp và hữu ích cho nhà quản lý. Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài cần hoàn thiện tổ chức thu thập thông tin chi phí phục vụ cho kế toán quản trị trên các mặt: về chứng từ sử dụng, về sổ kế toán, về hệ thống tài khoản sử dụng... phải đảm bảo chính xác, hợp lý, kịp thời và phù hợp với quy định hiện hành.

2.5. Hoàn thiện các báo cáo bộ phận cung cấp thông tin cho yêu cầu quản trị

Công ty cần xây dựng và hoàn thiện các báo cáo bộ phận để cung cấp kip thời thông tin cho nhà quản trị, bao gồm các báo cáo như: báo cáo NVL, báo cáo chi phí lao động, báo cáo chi phí sản xuất chung…

2.6. Hoàn thiện tổ chức bộ máy kế toán trong Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài để đảm bảo thực hiện kế toán quản trị chi phí

Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài hiện nay chưa tách riêng kế toán quản trị thành một bộ phận độc lập và chuyên sâu theo những nội dung kế toán quản trị ở trình độ cao như các nước phát triển. Hơn nữa, kế toán quản trị và kế toán tài chính đều là hai bộ phận kế toán trong hệ thống kế toán doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với nhau về nguồn thông tin, nguồn gốc số liệu, tài liệu, hệ thống báo cáo. Vì vậy, trong những năm tới nên tổ chức cả hai bộ phận kế toán này trong cùng một bộ máy kế toán sẽ ít gây nên xáo trộn về tổ chức, tận dụng được mối quan hệ về thu thập và cung cấp thông tin. Để làm được như vậy, trước hết Công ty cần kiện toàn lại công tác tổ chức, phân công nhân viên kế toán đúng người, đúng việc, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhân viên kế toán cần có sự hiểu biết về kế toán quản trị để vận dụng tốt vào công việc thực tế hàng ngày. Đồng thời, nhân viên kế toán quản trị cần phải có kỹ năng phân tích, tổng hợp số liệu, soạn thảo báo cáo quản trị.

IV. Kết luận

Ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, các công ty sản xuất cũng cần phải hết sức quang tâm đến việc giảm giá thành sản phẩm. Việc xác định chi phí cũng như xây dựng các kế hoạch nhằm kiểm soát chi phí, hỗ trợ cho việc ra quyết định của nhà quản lý dường như trở thành vấn đề ngày càng cấp thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất trong thời điểm hiện tại để đạt được mục tiêu tăng sức cạnh tranh bằng việc giảm giá thành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phạm Văn Dược (2008) Kế toán quản trị: Lý thuyết và Bài tập, NXB Thống kê, TP. Hồ Chí Minh.

2. Phạm Văn Dược, Huỳnh Lợi (2009) Mô hình và cơ chế vận hành kế toán quản trị, NXB Tài chính, TP. Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Thị Đông (2007) Giáo trình lý thuyết hạch toán kế toán, NXB Tài chính, Hà Nội.

HANOI BEER JOINT STOCK COMPANY

KIM BAI FINANCIAL ACCOUNTING COSTS

● MA. LE THI THU HUONG

Accounting Auditing Department - Hanoi University of Industry

ABSTRACT:

Nowadays, in this diverse beer - wine - beverage market, brewery Hanoi - Kim Bai is constantly improving the cost management as well as construction plans to control and improve the cost management in accounting to achieve the goal of increasing cost competitiveness for the products. The company should apply a system of solutions to serve the purpose of completing cost management in accounting in the process of production.

Keywords: Management accounting, direct material costs, direct labor costs, general production costs, enterprise management costs, materials.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 13 tháng 12/2017 tại đây