Công ty TNHH Một thành viên Thép miền Nam: Vượt khó nhờ biết thi đua

Những biến động của thị trường tiêu thụ thép trong nhiều năm gần đây đã khiến ngành Thép vào khó khăn chồng chất. Công ty TNHH Một thành viên Thép miền Nam, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Thép Việt Na

Động lực để hoàn thành nhiệm vụ

Thép miền Nam là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh thép xây dựng, tọa lạc tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Công ty được trang bị một dây chuyền sản xuất hiện đại của Italia với công suất luyện phôi 500.000 t/năm, công suất cán 400.000t/năm, cảng nước sâu với công suất bốc dỡ 1 triệu tấn/năm. Trong những năm vừa qua, thị trường tiêu thụ thép xây dựng với cung lớn hơn cầu, một số nhà máy thép mới ra đời, cạnh tranh ngày càng khốc liệt... Những yếu tố trên gây khó khăn và thách thức rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Đối phó với tình huống này, Công ty đã chủ động xây dựng những giải pháp sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo điều kiện thực hiện tốt kế hoạch Tổng công ty giao. Bên cạnh đó, được sự thống nhất chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc, bộ máy điều hành các phòng ban, phân xưởng đã phối hợp chặt chẽ với Công đoàn, Đoàn Thanh niên tổ chức phát động và tuyên truyền đến toàn thể CBCNV ra sức thi đua lao động sản xuất, quản lý và kinh doanh. Theo nội dung chỉ đạo của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP, Công ty TNHH Một thành viên Thép miền Nam đã xây dựng kế hoạch chương trình hành động và các giải pháp cụ thể, thiết thực để triển khai thực hiện nhằm từng bước kiện toàn công tác thi đua khen thưởng trong đơn vị.

Đối với phong trào thi đua sáng kiến tiết kiệm, Công ty đã tổ chức thực hiện việc đăng ký ngay từ đầu năm tới toàn thể CBCNV, đồng thời đăng ký thi đua với Ban Thi đua khen thưởng Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP để có mục tiêu phấn đấu hàng năm. Bên cạnh đó là xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình hành động phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2010 - 2015. Thép miền Nam thực hiện các biện pháp quán triệt và triển khai sâu rộng các chỉ đạo của Cấp ủy, Ban giám đốc tới các đơn vị thông qua các buổi họp Đảng ủy, Chi bộ, họp giao ban hàng tuần, tháng, quý. Thực hiện các chỉ đạo của Tổng Công ty trong công tác kiểm tra, thanh tra định kỳ do Ban thi đua - Khen thưởng của Tổng công ty tổ chức và từ đó rút kinh nghiệm và kiện toàn hệ thống thi đua - khen thưởng của đơn vị.

Có thể nói, trong 5 năm qua, lãnh đạo Công ty Thép miền Nam đã quán triệt quan điểm chỉ đạo về việc thi đua phải bám sát và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tháng, quý, năm do Tổng công ty giao. Nội dung thi đua phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, hoàn cảnh cụ thể của từng phòng chức năng, phân xưởng. Phong trào thi đua phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn thể CBCNV lao động. Từ nhận thức như vậy dẫn đến hành động. Trong 5 năm qua, Công ty đã thực sự biết cách gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và các chương trình công tác được giao, hướng vào những việc trọng tâm, đột xuất, việc khó. Các chỉ tiêu thi đua đã được cụ thể hóa, nội dung đảm bảo thiết thực, có tính khoa học và sát thực tế. Tăng cường công tác giáo dục, động viên toàn thể CBCNV hăng hái thi đua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Tổng công ty giao. Trong vòng 5 năm qua, tổng số các danh hiệu thi đua mà CBCNV Công ty được nhận từ Hội đồng Thi đua - Khen thưởng công ty trao tặng gồm 2.391 lao động tiên tiến, 301 chiến sĩ thi đua cơ sở, 52 tập thể lao động tiên tiến, 24 tập thể lao động xuất sắc, Bộ Công Thương tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương cho 44 người và Bằng khen cho 42 cá nhân. Đặc biệt, Thép miền Nam có 4 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đây là những bông hoa đẹp của phong trào thi đua lao động sản xuất đã không ngừng tỏa hương thơm ngát, đã làm dịu đi phần nào những khó khăn, thách thức mà Công ty đang phải đối mặt. Niềm vui được vinh danh đã tạo ra một sự lan tỏa tới đông đảo người lao động trong Công ty, khiến họ thấy yêu đời, yêu nghề và gắn bó với doanh nghiệp mình hơn. Cũng thông qua phong trào thi đua này, sự gắn kết giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tập thể đã được củng cố hơn. Đặc biệt, phong trào thi đua này đã tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các CBCNV với nhau, đồng thời, kích thích sự phát triển năng lực, trí tuệ của mỗi người lao động góp phần quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch của Tổng công ty giao.

4 bài học kinh nghiệm

Thiết thực hơn nữa, trong những năm qua, Thép miền Nam còn đẩy mạnh các biện pháp phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các mô hình mới, nhân tố mới điển hình tiên tiến; trong đó đặc biệt quan tâm đến những lĩnh vực trọng tâm, những đơn vị khó khăn, những tập thể nhỏ và cá nhân có nhiều sáng kiến đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác cao. Kịp thời cổ vũ, động viên, khen thưởng các cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc thông qua việc khen thưởng đột xuất, thường xuyên.

Cũng cần phải khẳng định rằng, công tác thi đua là một nội dung quan trọng luôn được cấp ủy Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban Tổng giám đốc thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua với yêu cầu ngày càng cao, coi đó là động lực to lớn để thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Công ty.

Từ thực tiễn các phong trào thi đua tại đơn vị mình, Công ty TNHH Một thành viên Thép miền Nam - VNSTEEL đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là: Cấp ủy Đảng, Chính quyền và tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong Công ty phải thường xuyên quán triệt vận dụng, thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Tổng công ty, nâng cao nhận thức vai trò của công tác thi đua - khen thưởng trong tình hình mới.

Hai là: Ngay từ đầu năm, các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức phong trào thi đua; Phát động phong trào thi đua, phải đề ra được nội dung thi đua rõ ràng, không dàn trải. Mục tiêu của phong trào thi đua phải được cụ thể hóa, sát thực phù hợp với từng thời gian và nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị.

Ba là: Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, nắm chắc tình hình phong trào; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, phát hiện, bồi dưỡng nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; tuyên truyền, cổ vũ kịp thời gương người tốt, việc tốt trong từng đơn vị (chú ý người lao động trực tiếp tham gia sản xuất ở vị trí nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...). Luôn tìm ra cách làm mới, biện pháp hay, nội dung sát thực, hình thức phong phú, khẩu hiệu cụ thể, để lôi cuốn phong trào thi đua; tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua, tạo ra động lực mới, khơi dậy, thúc đẩy ý chí phấn đấu vươn lên của người lao động.

Bốn là: Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy Đảng, Chính quyền và các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong toàn Công ty trong công tác thi đua - khen thưởng, tạo sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ trong Công ty.