CPTPP và triển vọng lớn của ngành gỗ trong năm 2019

Với kết quả thành công của năm 2018, bước sang năm 2019, một số hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi, để ngành xuất khẩu gỗ sẽ sớm đạt mốc đề ra 10,5 tỷ USD và đặc biệt là thị trường tiềm năng sẽ tiếp tục được mở rộng.

CPTPP mở ra các thị trường mới 

 

Hôm 30/12/2018 vừa qua, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực mở ra những cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, nắm bắt cơ hội này như thế nào lại phụ thuộc vào sự chuẩn bị của chính mỗi doanh nghiệp.

Theo cam kết, Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ giúp cắt giảm 86% tổng số dòng thuế nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản tập trung vào những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như đồ gỗ.

Trước đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thị phần sản phẩm ngành gỗ Việt Nam tại thị trường Nhật Bản đã tăng từ 24,5% năm 2017 lên 25,8% trong năm 2018. Theo đó, Việt Nam là nguồn cung sản phẩm gỗ lớn thứ hai tại thị trường Nhật Bản sau Trung Quốc, với các mặt hàng chủ yếu là nội thất phòng khách và phòng ăn.

Như vậy, CPTPP sẽ là cơ hội để các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nhật Bản. Bên cạnh thị trường Nhật Bản, cũng phải kể đến các thị trường khác trong khuôn khổ CPTPP như Canada, Mexico...

CPTPP và triển vọng lớn của ngành gỗ trong năm 2019
Hiệp định CPTPP mang lại cơ hội rất lớn cho ngành gỗ, nhưng nắm bắt cơ hội này như thế nào lại phụ thuộc vào sự chuẩn bị của chính mỗi doanh nghiệp

Cụ thể, với thị trường Canada, theo đánh giá của các nhà chuyên gia, khi CPTPP có hiệu lực sẽ là cơ hội cho các sản phẩm ngành gỗ như: ván sàn, gỗ thanh... bởi mức thuế 3,5% sẽ được xoá bỏ. Bên cạnh đó, các sản phẩm như: ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa, đặc biệt là đồ nội thất sẽ có cơ hội “vươn” sang thị trường Canada khi mức thuế nhập khẩu từ 6-9,5% tại thị trường này được xoá bỏ.

Mặc dù hiện nay, Mexico chưa phải là thị trường đồ gỗ lớn của Việt Nam, do mức thuế nhập khẩu áp cho đồ gỗ là khá cao, dao động từ 10-15%. Tuy nhiên, theo cam kết của Hiệp định CPTPP, thị trường này đã đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu cho toàn bộ các sản phẩm gỗ, bao gồm cả ván dán, ván dăm, gỗ thanh, ván sàn và đồ nội thất, ngoại thất với lộ trình tối đa là 10 năm. Theo đó cơ hội cho sản phẩm gỗ Việt Nam lớn dần theo thời gian khi thuế giảm dần về 0%.

Bên cạnh cơ hội, triển vọng từ các thị trường rộng lớn, việc CPTPP có hiệu lực, còn giúp việc mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Canada... được thuận lợi hơn, khi thuế hạ xuống.

"Trước đây, chúng ta thường nhập khẩu máy móc giá rẻ nhưng kém chất lượng tại Trung Quốc và Đài Loan. Nhưng khi CPTPP có hiệu lực, chúng ta có thể nhập khẩu máy móc công nghệ chất lượng cao từ các quốc gia phát triển khác", ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết.

Và sự cạnh tranh ngay chính trên sân nhà

 

Tuy nhiên, khi CPTPP chính thức có hiệu lực, một vấn đề lớn đặt ra đối với các doanh nghiệp ngành gỗ đó là sự cạnh tranh ngay chính trên sân nhà. Theo ông Trần Việt Tiến, Ủy viên thường trực Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh: “CPTPP sẽ mang lại nhiều cơ hội thương mại cho ngành gỗ Việt Nam. Và nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng có xu hướng chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam để hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP”.

Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2017, các nguồn tin quốc tế đã nhắc rất nhiều đến việc IKEA – một ông lớn đến từ Thuỵ Điển (đang sở hữu chuỗi cửa hàng đồ nội thất lớn nhất thế giới với rất nhiều thương hiệu), đang có kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam.

Theo phân tích của ông Tiến, điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn đối với doanh nghiệp nội. Theo đó, những doanh nghiệp ngoại nhìn chung đều là những thương hiệu có kinh nghiệm hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế giới, họ biết cách tuân thủ các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong chuỗi giá trị, điều mà phần lớn doanh nghiệp nội chưa thể làm tốt hiện nay.

Chính vì vậy, để nắm bắt tốt những cơ hội từ CPTPP mang lại, theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, trước tiên doanh nghiệp phải có sự tìm hiểu kỹ thị trường, các điều kiện để được hưởng thuế nhập khẩu 0%, thường là những điều kiện về xuất xứ nguyên liệu, sản phẩm.

Ví dụ, với thị trường Nhật Bản, yêu cầu về việc sử dụng gỗ có nguồn gốc hợp pháp trong ngành chế biến gỗ là rất cao. Vì vậy, để đưa được sản phẩm vào thị trường này thì doanh nghiệp chỉ có cách tuân thủ điều kiện về nguồn gốc gỗ sử dụng.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tôn Quyền cũng cho rằng, một thách thức mới cho ngành gỗ Việt Nam khi gia nhập CPTPP đó là sự hiểu biết của người dân về gỗ hợp pháp. “Ví dụ khi tôi hỏi một hộ gia đình trồng rừng ở Yên Bái có biết gỗ nào là gỗ hợp pháp, gỗ nào là gỗ trồng rừng không, thì họ không biết và chỉ cần có người mua là bán”.

Vì vậy, Tổng thư ký Vifores kiến nghị Nhà nước cần xây dựng, đưa ra luật ngành gỗ cụ thể. Bởi theo ông, trong thực thi hiệp định CPTPP sẽ liên quan tới rất nhiều đối tác không chỉ các doanh nghiệp gỗ, mà còn hộ gia đình trồng rừng, thương mại gỗ, vận tải gỗ, thương lái gỗ, chế biến gỗ… nhưng hiểu biết của họ về vấn đề này là rất hạn chế.

 

Hạ Vũ