Cửa hàng tiện lợi: Quả ngọt không dành cho tất cả

Các chuỗi lớn nếu khai thác được lợi thế quy mô, có hệ thống quản trị tốt và chiến lược đúng đắn sẽ chiếm được sân chơi này.
Shop&Go rời bỏ cuộc chơi khi chuyển nhượng toàn bộ 87 cửa hàng cho Vingroup (VIC)

 

Năm 2018, ngành bán lẻ Việt Nam ghi nhận doanh thu 142 tỉ USD, con số cao nhất mọi thời đại, với tốc độ tăng trưởng 2 con số (11%) trong năm năm qua. Đến 2021, đây sẽ là thi trường tăng trưởng nhanh nhất về cửa hàng tiện lợi trong Châu Á, hãng tư vấn và kiểm toán Deloitte nhận định.

Trong bối cảnh đó, Shop&Go rời bỏ cuộc chơi khi chuyển nhượng toàn bộ 87 cửa hàng cho Vingroup (VIC), chủ sở hữu của VinMart và VinMart+, tay chơi lớn nhất thị trường cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini.

Tương tự việc Ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng thua lỗ với giá 0 đồng, Shop&Go được chuyển nhượng ở giá “tượng trưng” 1 USD trong điều kiện đang kinh doanh thua lỗ. “Tuy kinh doanh thua lỗ, các cửa hàng Shop&Go nằm ở nhiều vị trí tốt tại nội thành, đây là điều Vinmart cần”, anh Trần Thái Sơn, Chuyên viên Phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) giải thích sự phù hợp của việc nhận chuyển nhượng này với kế hoạch mở rộng ồ ạt của chuỗi Vinmart. “Sau khi tiếp quản, Vinmart sẽ chuyển đổi Shop&Go từ mô hình cửa hàng tiện lợi sang siêu thị mini và hòa nhập vào mạng lưới Vinmart+.” anh Sơn nhận định.

“Chúng tôi đã đầu tư vào hệ thống Shop&Go rất nhiều nhưng kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng. Thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để khai thác nhưng cạnh tranh rất khốc liệt chứ không đơn giản như hình dung của chúng tôi, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui.”, đại diện của Cửa hiệu và Sức sống, đơn vị quản lý Shop&Go chia sẻ.

Việc Shop&Go từ bỏ thị trường Việt Nam cho thấy phân khúc cửa hàng tiện lợi mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng “quả ngọt” không dành cho tất cả mọi người. Nếu không tìm ra được mô hình kinh doanh phù hợp thì việc rút khỏi thị trường sẽ là tất yếu.
 
cua hang tien loi
Nguồn: Deloite, Retail in Vietnam, 2019. (*) số liệu tính tới tháng 4.2019.
 

Bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có biên lợi nhuận không quá cao nhưng quy mô thị trường là rất rộng lớn và ít bị phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế. Hiện tại biên lợi nhuận gộp của Vinmart và Vinmart+ chỉ khoảng 12%, con số này tại Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động là 18% và cả 2 chuỗi lớn này đều đang lỗ ròng.

“Giống như thương mại điện tử, phân khúc bán lẻ cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini là cuộc chơi trường vốn của các đại gia khi các chuỗi đều phải chịu lỗ trong nhiều năm trước khi có lợi nhuận.”, Sơn phân tích. Các chuỗi lớn nếu khai thác được lợi thế quy mô, có hệ thống quản trị tốt và chiến lược đúng đắn sẽ chiếm được sân chơi này.

cua hang tien loi

Tính cả chuỗi cửa hàng mới mua thì Vinmart+ đang có khoảng 1.900 cửa hàng trên toàn quốc. Để đạt đến mục tiêu 3.000 cửa hàng vào năm 2021 thì dự tính Công ty cần mở mới mỗi năm khoảng 500 cửa hàng. Trong khi đó, chuỗi đứng thứ hai về số lượng cửa hàng là Bách Hóa Xanh của Thế giới Di động (MWG) cũng đã tăng 25% số lượng cửa hàng chỉ trong ba tháng đầu năm.

Tuy lỗ nhưng đối với VIC và MWG, các khoản này là không đáng kể so với tổng lợi nhuận. Tiệm cận điểm hòa vốn sau 4-5 năm, Bách Hóa Xanh dự định sẽ nhận được phần đầu tư đáng kể trong tổng đầu tư của MWG trong năm nay.

Chiếm thị trường, có khách hàng rồi mới tính tới chuyện có lợi nhuận, cuộc chơi của những kẻ trường vốn cứ thế tiếp diễn.