Cuộc đua siêu cường công nghệ: Mỹ có thể đang dẫn dắt cuộc chơi nhưng Trung Quốc sẵn sàng vượt mặt

Cuộc đua dẫn dắt thế giới trong các lĩnh vực công nghệ tương lai giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên gay gắt trong thời gian gần đây. Giới phân tích nhận định Hoa Kỳ có thể đang chiến thắng Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhưng Trung Quốc đã sẵn sàng vượt mặt Hoa Kỳ trong tương lai không xa.

Giới chuyên gia nhận định, trong cuộc đua siêu cường công nghệ, Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể dẫn đầu một số lĩnh vực trong thời điểm hiện tại nhưng cảnh báo Hoa Kỳ có thể đang ngủ quên trên các thắng lợi và sẽ bị Trung Quốc đuổi kịp, thậm chí vượt qua trong tương lai. Giới phân tích cho biết Hoa Kỳ cần thay đổi các chính sách đối nội cũng như tăng cường hợp tác với các quốc gia đồng minh để chiến thắng trong cuộc đua siêu cường với Trung Quốc.

Tham vọng siêu cường công nghệ của Trung Quốc

Trung Quốc sản xuất robot
 Việc tăng cường đầu tư vào công nghệ đang giúp Trung Quốc đạt được những bước tiến lớn trong công nghệ sản xuất - chế tạo, hiện thực hoá tham vọng "Made in China 2025" (Ảnh: Xinhua)

Bên cạnh sự canh tranh gay gắt về thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang cạnh tranh quyết liệt để trở thành nước dẫn dắt những công nghệ của tương lai, bao gồm mạng viễn thông 5G và trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) nhằm củng cố vị thế toàn cầu.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong nhiều năm qua luôn cố gắng hiện thực hoá tham vọng siêu cường. Việc Chính phủ Trung Quốc liên tục đổ tiền vào phát triển công nghệ đã giúp nước này đạt được nhiều thành quả đáng chú ý trong những năm gần đây. Trong năm 2017, Trung Quốc đã công khai tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.

Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh việc phát hành kế hoạch chi tiết cho phát triển công nghệ của nước này trong 15 năm tới với tên gọi “China Standards 2035” (Tạm dịch: Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035), trong đó, thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho thế hệ công nghệ tiếp theo, các công nghệ được coi là định hình tương lai toàn cầu như trí tuệ nhân tạo, công nghệ viễn thông và xử lý dữ liệu. Đây là bước tiếp theo sau khi Trung Quốc công bố chính sách công nghiệp sản xuất – chế tạo “Made in China 2025” (Tạm dịch: Sản xuất tại Trung Quốc 2025) vào năm 2015.

Kế hoạch “Made in China 2025” nhằm mục đích biến Trung Quốc trở thành một siêu cường chế tạo trên toàn cầu, chuyển dịch sản xuất lên các sản phẩm có giá trị gia tăng cao với việc tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực trọng điểm cảu ngành sản xuất – chế tạo như vật liệu mới, điều khiển và robot, và công nghệ hàng không.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang dần giảm tốc, việc làm chủ những ngành công nghiệp và công nghệ tiên phong được xác định là phương tiện then chốt để nước này duy trì và cải thiện tăng trưởng trong dài hạn. Việc theo đuổi những công nghệ tương lai được cho là mang tính sống còn với Trung Quốc trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh với các cường quốc đã có chỗ đứng vững chắc trên thế giới như Hoa Kỳ và Đức.

Trong năm 2019, cuộc chiến thương mại gay gắt do Hoa Kỳ khởi xướng đã phần nào khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 6,1% - mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây và Hoa Kỳ đang ngày càng gia tăng sức ép trong việc đánh giá lại quan hệ thương mại với Trung Quốc cũng như ngăn cản nước này tiếp cận với các công nghệ lõi của Hoa Kỳ.

Trong động thái mới nhất, Hoa Kỳ đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất chip điện tử và chất bán dẫn nước ngoài có sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ phải xin giấy phép nước này trước khi bán sản phẩm chip cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei. Động thái này, được cho là sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển các loại chip cao cấp và thiết bị viễn thông 5G của Huawei nói riêng, Trung Quốc nói chung.

Ông Frank Rose, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về an ninh và chiến lược tại Viện Brookings (Hoa Kỳ), nhận định “Cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chủ yếu được xác định thông qua việc quốc gia nào sẽ kiểm soát các tiêu chuẩn và hạ tầng công nghệ thông tin.”

Hoa Kỳ dẫn dắt cuộc chơi trí tuệ nhân tạo

Báo cáo mới đây về năng lực cạnh tranh trí tuệ nhân tạo (AI) đối với 48 quốc gia do tập đoàn tài chính Citi (Hoa Kỳ) thực hiện cho thấy Hoa Kỳ đang dẫn đầu trong nhiều chỉ số cạnh tranh và 47 nền kinh tế khác được đánh giá sẽ gặp “khó khăn nghiêm trọng” trong việc đuổi kịp ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo của Hoa Kỳ trong giai đoạn 2020 – 2030. Năng lực cạnh tranh AI của các quốc gia được đánh giá dựa trên 5 yếu tố, gồm:  nghiên cứu học thuật, bằng sáng chế, mức đầu tư, lực lượng lao động và trình độ phần cứng.

Lợi thế dẫn dắt ngành AI của Hoa Kỳ chủ yếu đến từ việc nước này đang nắm giữ phần lớn các bằng sáng chế liên quan đến AI, mức đầu tư lớn trong phát triển các công nghệ cùng với các hoạt động nghiên cứu học thuật về lĩnh vực AI. Hoa Kỳ cũng là nơi tập trung phần lớn các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, báo cáo của Citi cũng nhấn mạnh trong số 47 quốc gia đứng sau Hoa Kỳ thì chỉ có duy nhất Trung Quốc có đủ khả năng để tạo lập một hệ sinh thái mạnh mẽ, độc lập cho sự phát triển của ngành công nghiệp AI nhờ các nguồn lực kinh tế và đặc thù địa chính trị. Trung Quốc hiện xếp thứ hai sau Hoa Kỳ trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh AI toàn cầu.

Sản xuất chip
 Việc nắm giữ các công nghệ lõi trong sản xuất chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo hiện giúp Hoa Kỳ đứng đầu một số lĩnh vực công nghệ (Ảnh: The Economists)

Ông Michael Brown, giám đốc đơn vị phát triển quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cho biết Trung Quốc sẽ vẫn cần phải bắt kịp Hoa Kỳ trong lĩnh vực động cơ phản lực và sản xuất chất bán dẫn. Tuy nhiên, ông Micheal Brown cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc chưa đuổi kịp Hoa Kỳ trong những lĩnh vực này không đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ không cần phát triển tiếp. Nếu như Hoa Kỳ không sớm thức tỉnh, đánh giá đúng tình hình để có động thái phù hợp thì Trung Quốc rất có khả năng cạnh tranh được với Hoa Kỳ trong tương lai tại các lĩnh vực này, ông Michael Brown cảnh báo.

Mặc dù rất nhiều quốc gia đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học nhưng ông Scott Moore, giám đốc Chương trình Toàn cầu Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ), nhận định chỉ có duy nhất Trung Quốc là quốc gia có thể cạnh tranh được với Hoa Kỳ. Trung Quốc hiện đang đưa ra mục tiêu lĩnh vực công nghệ sinh học sẽ đóng góp tới 4% tổng GDP của nước này trong năm 2020; trong khi đó, ngành công nghệ sinh học chỉ đóng góp 2% tổng GDP của Hoa Kỳ.

Các chuyên gia đều cho rằng Hoa Kỳ cần thay đổi chính sách đối nội và tăng cường hợp tác với các quốc gia đồng minh để giành được các lợi thế, dẫn dắt đến chiến thắng trước Trung Quốc trong cuộc đua siêu cường công nghệ.

Ông Andrew Imbrie, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới – Đại học Georgetown (Hoa Kỳ), cho biết “Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh hiện chiếm đến 2/3 các hoạt động nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu do đó (Hoa Kỳ) có thể tận dụng điều này thông qua việc đẩy mạnh hợp tác theo các ưu tiên chung. Việc thúc đẩy chính phủ và giới khoa học đầu tư vào nghiên cứu đã được chứng minh là một chiến lược hiệu quả kể từ thời Chiến tranh lạnh và chiến lược này có thể được tái áp dụng trong tình huống hiện nay.”

Quang Đặng (Tham khảo CNBC)