Cuộc thi viết “Yêu hàng Việt Nam – Câu chuyện của tôi” tuần thứ 2: Chan chứa yêu thương

Trong tuần bình chọn thứ hai của Cuộc thi viết “Yêu hàng Việt Nam – Câu chuyện của tôi” nhiều độc giả trên cả nước đã gửi đến Ban tổ chức những cảm xúc, tình cảm chân thành và sâu sắc thông qua những

Cuộc thi viết “Yêu hàng Việt Nam – Câu chuyện của tôi” đang ở trong giai đoạn cao trào khi ngày càng có nhiều bài viết, nhiều câu chuyện cảm động của các tác giả gửi về tham dự Chương trình. Trong đó, nhiều tác giả ở thế hệ 7X, 8X đã kể những câu chuyện của riêng mình về những đồ dùng, sản phẩm hàng hóa từng một thời gắn bó, nhớ thương.

Trong tuần bình chọn thứ Hai của Cuộc thi viết, một câu chuyện được nhiều bạn đọc bình luận là “ly kỳ và hấp dẫn giống hệt không khí ngày xưa của mỗi tối thứ bảy khi nghe qua radio chuyên mục “Câu chuyện cảnh giác” chính là tác phẩm “Phong lương khô Hải Châu và kỷ niệm nhớ đời một lần ngược ngàn “đánh” án” của tác giả Tẩn Hà Long. Lương khô tưởng chỉ là một món ăn “không tuổi” bước ra từ một thời đạn bom như một vị cứu tinh cho dân tộc thì ai ngờ, nó vẫn có một đời sống của riêng nó trong thời bình. 

Vị trí thứ nhất thuộc về tác giả Tẩn Hà Long với bài viết "Phong lương khô Hải Châu và kỷ niệm nhớ đời một lần ngược ngàn "đánh" án"Đối với tác giả Tẩn Hà Long, phong lương khô Hải Châu gắn với một lần đánh án trên ngàn không may bị lũ về. Giữa mênh mang nước lũ, cả chiến sĩ lẫn tội phạm đều phải đối mặt với cái đói. Và nhờ mang theo phong lương khô Hải Châu mà tất cả đều sống sót trở về. Anh đã mang tới cho Cuộc thi viết “Yêu hàng Việt Nam – Câu chuyện của tôi” một tác phẩm độc đáo không thể nào quên, giống như hương vị của phong lương khô Hải Châu nhỏ nhoi mà cứu được bao nhiêu mạng người giữa tình thế nguy cấp. Tác giả Hoàng Hoa với bài viết "Vở Bãi Bằng - Một thời hằn in ký ức"

“Có lẽ rồi đây lớp bụi thời gian có thể xóa nhòa mọi thứ, nhưng ký ức về một lần vượt rừng “săn” tội phạm ma túy, suýt chết đói rồi “hồi tỉnh” nhờ phong lương khô Hải Châu thì không bao giờ có thể phai mờ...”- Đúng vậy, sẽ chẳng ai có thể quên được một kỷ niệm ấn tượng như thế. Cũng giống như các độc giả đã quá xúc động mà gửi những bình luận cho Ban tổ chức trong một cảm xúc chung kiểu: “Bài viết hay quá”, “Từ bé đến đến giờ mới biết đến phong lương khô Hải Châu”, “Bài hay quá, cảm phục các chiến sỹ công an”... Còn Ban tổ chức cuộc thi thì đã cay mắt ngay từ khi thưởng thức tác phẩm…

Tác giả Minh Thủy với bài viết "Hàng Việt - Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ.."

Cũng tại Cuộc thi viết tuần thứ Hai này, người đọc có những giây phút ồ lên vì được gặp lại những đồ vật mang những nhãn hiệu của một vùng ký ức tuổi thơ, cái thì đã qua chưa lâu, cái vẫn còn tươi roi rói, cái thì đang làm mưa làm gió ngoài thị trường. Đó là vở học sinh Bãi Bằng, đôi dép quai hậu Biti”s, gốm sứ Chu Đậu, bánh trung thu Hữu Nghị… 

Đắm chìm trong những câu chuyện về tình yêu hàng Việt chính là đã “mua một vé về tuổi thơ”, nghĩa là được sống lại những kỷ niệm về một thời học sinh, một thời cắp sách đến trường, một thời gian khó mà rất đỗi yêu thương. Ai có thể quên được hồi đó phấn đấu cả năm học để được học sinh giỏi cuối năm học mới được Nhà trường thưởng giấy khen và tập vở Bãi Bằng, rồi được bố mẹ mua cho đôi dép quai hậu Bitis để giành trong tủ cả ba tháng hè để giành ngày khai trường mới đem ra đi… 

Tác giả Anh Thư với bài viết "Yêu - Ghét đôi quai hậu Bit's ngày ấy!"

Rồi mùa Trung thu háo hức đèn lồng, đèn ông sao, mũ sư tử, súng nước, trống… và chao ôi là ngọt ngào miếng bánh nướng bánh dẻo mang nhãn hiệu Công ty Bánh mứt kẹo Hữu Nghị. Bài hát của một thời ấu thơ cứ như vang mãi “Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh… Ngọt cay như mứt gừng mứt bí, ngọt thơm như bánh dẻo bánh nướng…”

Những câu chuyện về tình yêu hàng Việt cứ hồn nhiên, cứ chan chứa yêu thương như vậy khiến cho ranh giới giữa ban tổ chức bình chọn và người tham gia thi đã bị xóa nhòa. Chỉ còn đó là một tình yêu hàng Việt từ xưa tới nay cứ tha thiết, miệt mài. Nhưng yêu không thì chưa đủ. “Thông điệp của Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là “Mỗi người Việt hãy thành đại sứ của hàng Việt” nên chỉ yêu không thôi thì chưa đủ, mà cần phải hành động. Mỗi người hãy dùng ảnh hưởng của mình để lan tỏa tình yêu hàng Việt tới những người bên cạnh, phía trước và phía sau - đó trước tiên chính là gia đình, cơ quan, bạn bè của mình. Bởi như tiến sĩ Đinh Phương Duy nói: “Khi mỗi gia đình là một đại lý hàng Việt thì tôi tin rằng sẽ có nhiều người Việt bị lôi kéo xài hàng Việt hơn nữa”. Đây cũng chính là phần kết của bài viết của tác giả Minh Thủy, thí sinh đoạt giải viết tuần thứ hai nhờ đã biết “kể” câu chuyện tình yêu với hàng Việt theo một cách rất hiện đại và lý trí. 

Trong bình chọn tuần thứ Hai của Cuộc thi viết “Yêu hàng Việt Nam – Câu chuyện của tôi”, 4 tác giả Tần Hà Long, Ngô Minh Thủy, Hoàng Hoa và tác giả Anh Thư là những người chiến thắng tiếp theo của Cuộc thi viết “Yêu hàng Việt Nam – Câu chuyện của tôi” năm 2017.

Cuộc thi viết “Yêu hàng Việt Nam – Câu chuyện của tôi” là một hoạt động truyền thông mới của Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam năm 2017. Cuộc thi viết là nơi bạn đọc có cơ hội chia sẻ về câu chuyện tiêu dùng, chuyện trải nghiệm mua sắm các sản phẩm, mặt hàng Việt Nam. Hay đơn giản hơn, hãy thể hiện tình yêu với một hoặc nhiều sản phẩm, dịch vụ Việt Nam, giúp quảng bá rộng rãi thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.