Đại sứ Marc E. Knapper: Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (2013-2023). Nhiều thành tựu đã đạt được trong hợp tác kinh tế song phương, mở ra cơ hội thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng giữa hai nước trong thời gian tới. Tạp chí Công Thương đã có những trao đổi với ông Marc E. Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam về vấn đề này.
Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam - Hoa Kỳ
Ông Marc E. Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư?

Đại sứ Marc E. Knapper: Sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rất ấn tượng, cả về chiều rộng và chiều sâu. Hai quốc gia chúng ta hợp tác trong nhiều lĩnh vực từ thương mại, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ đến năng lượng và an ninh, Hoa Kỳ và Việt Nam đang hợp tác cùng nhau dựa trên cam kết chung vì hòa bình và thịnh vượng. 

Thương mại và đầu tư là yếu tố nền tảng trong Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong vòng 28 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ song phương giữa hai quốc gia, thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng lên đáng kể, từ 450 triệu đô la vào năm 1995 lên gần 139 tỷ USD vào năm 2022.

Hiện tại, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và đang ngày càng trở lên hấp dẫn đối với các hoạt động thương mại. Điều này một phần nhờ vào Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ vốn có hiệu lực năm 2001. Hiệp định này đã tạo điều kiện cho hàng hóa, doanh nghiệp và người dân của hai quốc gia tiếp cận thị trường của nhau.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper tại buổi tiếp ngày 12/5/2023
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper tại buổi tiếp ngày 12/5/2023

Năm 2022, Việt Nam đã trở thành 1 trong 14 đối tác đầu tiên trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Các quốc gia thành viên của IPEF đang cùng nhau tham gia vào nhiều vấn đề, bao gồm quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, chuỗi cung ứng linh hoạt.

Sự thành công trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thông qua các sáng kiến như IPEF, hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các tổ chức quốc tế và hợp tác song phương thông qua các chương trình sáng tạo, sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài.

Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam hiện là một trong những đối tác quan trọng nhất và cá nhân tôi tin tưởng rằng quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển.

Về quan hệ thương mại, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 tại Hoa Kỳ, chiếm 3,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của quốc gia này. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối với Hoa Kỳ.

Đáng chú ý, 6 trong số 10 mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam đạt tỷ trọng từ 10 đến gần 30% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ. 

Theo thống kê của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 46,5 tỷ USD trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 43,5 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

PV: Theo ông, nền tảng hợp tác đã hình thành, phát triển thời gian qua và bối cảnh mới đang mở ra những cơ hội thế nào cho hai nước trong tăng cường hợp tác song phương? 

Đại sứ Marc E. Knapper: Gần đây, Đại sứ Katherine Tai, Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và Thứ trưởng Thương mại phụ trách Thương mại Quốc tế Marisa Lago đã đến Hà Nội, cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác khu vực và quan hệ kinh tế song phương với Việt Nam, bao gồm sự hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Thương mại và Đầu tư Khung Hiệp định giữa Hoa Kỳ - Việt Nam (TIFA).

Cùng với đó, chúng tôi rất vui mừng được đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2023 tại các thành phố lớn của Hoa Kỳ.

Trong những năm tới, tôi nhận thấy có những cơ hội to lớn để tăng cường và mở rộng hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và giữa các khu vực tư nhân của hai nước nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung giữa hai nước tại Việt Nam, bao gồm việc xây dựng lại chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững; phát triển nền kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ hỗ trợ phát triển kinh tế.

Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa Hoa Kỳ
Ông Marc E. Knapper chia sẻ, Việt Nam luôn là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Hoa Kỳ luôn sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Việt Nam để đạt được mục tiêu này

Đối với những thách thức, khi tôi trao đổi với các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, họ đã đề cập đến các quy định kinh doanh và nhu cầu về một sân chơi bình đẳng cho các công ty nước ngoài. Tôi nghĩ rằng Việt Nam luôn là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Việt Nam để đạt được mục tiêu đó.

PV: Ông vừa nhắc đến việc "xây dựng lại chuỗi cung ứng toàn cầu" như một trọng tâm trong hợp tác song phương nói chung và giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên nói riêng. Ông đánh giá thế nào về cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, thưa ông?

Đại sứ Marc E. Knapper: Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, từ chất bán dẫn cho đến các tấm pin mặt trời vốn đang thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực năng lượng sạch và góp phần chống biến đổi khí hậu tại Hoa Kỳ. Các mối liên kết chuỗi cung ứng của chúng tôi với Việt Nam không phải là con đường một chiều. Việc Việt Nam nhập khẩu chip máy tính, gỗ cứng, bông và thức ăn chăn nuôi từ Hoa Kỳ đã thúc đẩy hoạt động sản xuất điện tử, đồ nội thất, may mặc, chăn nuôi và hải sản tại Việt Nam.

Đối với hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường đầu tư và mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, thể hiện sự tin tưởng vào chất lượng của lực lượng lao động và sức mạnh nền kinh tế Việt Nam. Thông qua các mối quan hệ này, chuỗi cung ứng của Việt Nam đã chuyển từ phục vụ thị trường nội địa sang phục vụ thị trường quốc tế. Đối với cá nhân tôi, điều này là một sự thắng lợi về mặt kinh tế.

Nói một cách đơn giản, Việt Nam hiện chiếm một vị trí trung tâm trên trường quốc tế với tư cách là một thành viên trong chuỗi cung ứng kinh tế toàn cầu, phục vụ các khách hàng trên khắp thế giới.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ trong tháng 6/2023 chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái; đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021, cho thấy lạm phát tại Hoa Kỳ đang có xu hướng hạ nhiệt tháng thứ 12 liên tiếp. 

Chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và giá năng lượng) trong tháng 6/2023 tại Hoa Kỳ chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 0,2% so với tháng 5/2023. Các mức tăng này đều thấp hơn mức dự báo được giới chuyên gia đưa ra trước đó.

Dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ những tháng cuối năm cũng như sự phục hồi sức mua của người dân nước này được kỳ vọng sẽ cải thiện tăng trưởng xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu, của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.

Huyền My