Đạm Cà Mau (DCM): Chi phí đầu vào nửa cuối năm có thể giảm đáng kể

Dự kiến chi phí đầu vào của Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) có thể giảm xuống trong nửa cuối năm nay nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ và giá phân bón được dự báo sẽ tăng lên.

Nhiều yếu tố hỗ trợ Đạm Cà Mau duy trì biên lợi nhuận

Theo đánh giá mới đây của bộ phận nghiên cứu thuộc Tiên Phong Securities (TPS Research), việc xu hướng giá dầu biến động ổn định hơn giá khí thiên nhiên trong thời gian gần đây đang đem lại lợi thế cho Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM – sàn HoSE) trong việc duy trì biên lợi nhuận.

Sản lượng tiêu thụ Đạm Cà Mau
Sản lượng tiêu thụ của Đạm Cà Mau trong những tháng vừa qua đang phục hồi dần, hỗ trợ tích cực tăng trưởng của doanh nghiệp này. (Nguồn: FiinPro, Đạm Cà Mau, TPS Research)

So với các hãng sản xuất phân ure khác, hợp đồng giá khí trong nước đầu vào của Đạm Cà Mau neo theo giá dầu (giá khí lấy từ các mỏ trong nước sẽ bằng 46% giá dầu HFSO) và giá khí nhập khẩu được tính theo mức 12,7% giá dầu thô Brent đến hết năm 2026.

Với nguồn khí sử dụng trong nước, theo mức kịch bản kém khả quan nhất mà Đạm Cà Mau đưa ra, chi phí giá khí đang ghi nhận ở mức 9,58 USD/mmbtu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giá dầu thô Brent trong giai đoạn nửa cuối năm dự kiến sẽ tăng lên, đưa mức giá bình quân rơi vào mức 82,62 USD/thùng so với mức 100,94 USD/thùng của nửa cuối năm 2022 và mức 80,1 USD/thùng tại cuối tháng 7/2023. Qua đó, việc giá dầu thô ổn định hơn được kỳ vọng sẽ yếu tố ổn định tỷ suất lợi nhuận của Đạm Cà Mau.

Với nguồn khí nhập khẩu, trước đây, Đạm Cà Mau cân đối tỷ trọng khí từ các cụm mỏ nội địa và nhập khẩu từ Malaysia theo tỷ lệ 90/10. Tuy vậy, nhằm đảm bảo nguồn cung khí cho sản xuất, Đạm Cà Mau đã đề xuất phân bổ tỷ trọng linh hoạt hơn theo nhu cầu hàng tháng. Do giá khí nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào giá dầu thô Brent nên việc tăng tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu sẽ dẫn đến chi phí sản xuất gia tăng cho Đạm Cà Mau.

Lợi nhuận Đạm Cà Mau Tạp chí Công Thương
Triển vọng lợi nhuận của Đạm Cà Mau đang dần được cải thiện. (Nguồn: FiinPro, Đạm Cà Mau, TPS Research)

Trong nửa đầu năm nay, Đạm Cà Mau đang tạm thời ghi nhận chi phí đầu vào theo kịch bản kém lạc quan nhất với tỷ trọng giữa 2 nguồn cung khí nội địa và nhập khẩu ở tỷ lệ 50/50. Nếu tỷ lệ thực tế cả năm thấp hơn mức dự kiến, Đạm Cà Mau có thể điều chỉnh giảm chi phí đầu vào trong nửa cuối năm 2023.

Đáng chú ý, TPS Research ước tính Nhà máy Ure của Đạm Cà Mau sẽ hết khấu hao trong tháng 9/2023, giúp chi phí khấu hao của nhà máy này giảm 36% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 834 tỷ đồng. Chi phí khấu hao giảm sẽ hỗ trợ lợi nhuận doanh nghiệp và bù đắp lượng chi phí gia tăng từ biến động giá khí đầu vào.

Cho giai đoạn sau, Đạm Cà Mau chủ yếu ghi nhận chi phí khấu hao từ Nhà máy NPK. Tuy chưa có chính sách khấu hao nhưng Đạm Cà Mau đang xem xét áp dụng phương pháp khấu hao nhanh (10 năm) cho nhà máy này.

Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh phân bón của Đạm Cà Mau đã tăng cường đẩy mạnh lượng tồn kho có giá vốn cao trong quý 1/2023, đưa đến các triển vọng lạc quan hơn khi biên lợi nhuận phục hồi dần kể từ nửa sau 2023.

Xem thêm: "Loạt cổ phiếu ngành điện có thể hưởng lợi từ dự án điện 23.000 tỷ đồng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc hỗ trợ giá phân bón trong ngắn hạn

Giá phân bón thế giới
(Nguồn: World Bank, Fitch Ratings, TPS Research)

Việc Trung Quốc tạm ngưng xuất khẩu phân ure để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa nước này hiện được kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên đà hồi phục của giá phân bón thế giới. Theo dữ liệu của năm 2021, Trung Quốc chiếm hơn 10% thị phần xuất khẩu phân ure toàn cầu. 

Tuy nhiên, theo nhận định của một số hãng nghiên cứu tác động từ việc này có thể chỉ hỗ trợ giá phân bón trong ngắn hạn. Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu Ferti Metrics, công suất phân ure của Trung Quốc dự kiến tăng thêm 4 triệu tấn trong 2023 và tiếp tục gia tăng thêm 6 triệu tấn vào năm 2024. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các nước xuất khẩu phân ure khác. Sản lượng sản xuất toàn cầu cũng sẽ tăng lên khi các nhà máy mới tại Ấn Độ, Nigeria, Brunei và Nga đi vào hoạt động, cũng như các nhà máy tại Malaysia, Brunei và Indonesia kết thúc quá trình bảo dưỡng kéo dài trong thời gian qua.

Dự báo giá phân bón
Dự báo giá phân bón trong trung hạn sẽ tiếp tục neo ở mức thấp. (Nguồn: World Bank, Fitch Ratings, TPS Research)

Tại thị trường trong nước, giá các loại phân bón đã tạo đáy trong tháng 7. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tại thị trường phía Bắc và phía Nam, các nhà máy ure tại Việt Nam cuối tháng 7 và đầu tháng 8 đều có thông báo điều chỉnh giá bán tăng theo xu hướng giá thế giới.

Hãng nghiên cứu Argus thống kê giá xuất khẩu FOB của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) đã tăng lên mức 400-420 USD/tấn tại tuần giữa tháng 8 trong khi giá nội địa hiện giao động quanh mức 10.500 đồng/kg, đánh dấu mức thay đổi quan trọng đối với mặt bằng giá phân bón.

Xuất khẩu phân bón Đạm Cà Mau
Sản lượng xuất khẩu phân bón của Đạm Cà Mau đang được duy trì ổn định. (Nguồn: FiinPro, Đạm Cà Mau, TPS Research)

Sản lượng tiêu thụ trong nước của Đạm Cà Mau được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm khi thị trường bước vào đợt cao điểm tiêu thụ của vụ Đông và Chiêm Xuân. Giá phân bón cũng sẽ không chứng kiến các đợt giảm sâu như giai đoạn nửa đầu năm 2023.

Đặc biệt, việc giá xuất khẩu gạo được thiết lập nền giá mới và dự kiến sẽ duy trì đà tăng dài hạn sẽ kích thích nhu cầu tái canh vụ mới và kéo theo nhu cầu phân bón.

Duy Quang