Đạm Cà Mau (DCM): Tự doanh phân bón hỗ trợ cải thiện kết quả kinh doanh

Trong bối cảnh nhu cầu phân ure tại thị trường nội địa bão hoà, Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) đã chủ động tìm kiếm doanh thu từ mảng tự doanh phân bón và đẩy mạnh xuất khẩu khi giá phân bón thế giới phục hồi.

Tìm kiếm doanh thu từ xuất khẩu và tự doanh phân bón

Đạm Cà Mau
Trong thời gian qua, Đạm Cà Mau đã đẩy mạnh mảng tự doanh và xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo doanh số trong bối cảnh giá phân bón sụt giảm kéo dài.

Trong những tháng đầu năm nay, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên vật liệu, nhiên liệu nguồn nguyên vật liệu, nhiên liệu đã đẩy giá đầu vào tăng cao, trong khi giá bán các loại phân bón, bao gồm cả phân ure, lại có liên tục giảm từ quý 4/2022, gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất phân bón trong và ngoài nước.

Tại Việt Nam, nguồn cung phân bón trong nước khá dồi dào, bốn nhà máy sản xuất phân bón lớn nhất có tổng sản lượng lên đến 2,5 triệu tấn/năm; trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ dao động 1,6-1,8 triệu tấn một năm. Đối với phân bón chứa lân và phân tổng hợp NPK, cung cũng vượt xa cầu, dẫn đến tình trạng tồn kho cao, gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón.

Đại diện Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) cho biết, trước các yếu tố bất lợi trên, Đạm Cà Mau đã chủ động tìm các cơ hội kinh doanh mới, khai thác tối đa thị trường quốc tế cũng như tìm kiếm doanh thu từ mảng tự doanh phân bón (PPT), nhằm đảm bảo doanh số cả năm 2023 không bị lao dốc theo giá phân bón vốn đã giảm 40% so với năm 2022.

Đại diện Đạm Cà Mau chia sẻ, công ty nhận định nhu cầu phân bón thế giới sẽ tăng trở lại khi hoạt động kinh tế tại các quốc gia lớn dần phục hồi, giá phân ure trên thị trường quốc tế hồi phục; đồng thời, vụ Đông Xuân sẽ thúc đẩy tiêu thụ trong nước tăng trở lại. Để tối đa nguyên liệu NPK cao cấp, Đạm Cà Mau đã quyết định nhập 206.000 tấn phân bón các loại trong nước không tự sản xuất được.

Tính đến nay, đã có 25 tàu sẵn sàng hàng hóa (có chiếc trị giá đến 2 triệu USD) và mỗi tàu hàng đều mang lại lợi nhuận, đại diện Đạm Cà Mau cho biết.

Giá phân ure trong nước và thế giới phục hồi đáng kể

Bên cạnh đó, đại diện Đạm Cà Mau cho biết, công ty tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu ở các tháng cuối năm khi tình hình giá phân bón thế giới đang tăng lên do nhu cầu tăng và nguồn cung bất ngờ thiếu hụt. Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau hiện kỳ vọng doanh thu nửa cuối năm nay sẽ ở mức tốt nhờ sản lượng hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong sản lượng sản xuất của công ty.

Trong tháng 8/2023, sản lượng sản xuất của Đạm Cà Mau đạt 50.160 tấn, và sản lượng tiêu thụ đạt 131.950 tấn; trong đó, 57.910 tấn được tiêu thụ trên thị trường nội địa và 74.040 tấn được xuất khẩu.

Về giá bán, nhiều tổ chức tài chính hiện nhận định giá các loại phân bón tại thị trường trong nước đã tạo đáy trong tháng 6 - tháng 7/2023. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tại thị trường phía Bắc và phía Nam, các nhà máy ure tại Việt Nam đều đã điều chỉnh giá bán tăng theo xu hướng giá thế giới kể từ cuối tháng 7 - đầu tháng 8/2023.

Giá phân bón Đạm Cà Mau
Tương quan giữa giá phân ure trong nước với giá phân ure Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg, SSI Research)

Xem thêm: "Lãi ròng năm 2024 của Đạm Phú Mỹ (DPM) có thể tăng 94%, vượt trội so với giai đoạn 2015-2020" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong đó, giữa tháng 9 vừa qua, Đạm Cà Mau thông báo tăng giá ure bán tại nhà máy lên mức 11.200 đồng/kg và các kho trung chuyển tại miền Tây, miền Trung tăng lên mức 11.300 - 11.350 đồng/kg. Mức giá này tăng hơn 10% so với một tháng trước đó.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng tăng giá ure tại nhà máy thêm 500 đồng/kg lên mức 11.000 đồng/kg, tăng hơn 1.100 đồng/kg so với tháng 8. Nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy Đạm Hà Bắc cũng thông báo tăng giá bán lên mức hơn 10.800 đồng/kg. Với mức giá này, giá phân ure tại các nhà máy hiện đã tăng lên từ 30 - 35% chỉ trong khoảng 2 tháng trở lại đây.

Trên thị trường quốc tế, so với mức đáy được thiết lập hồi tháng 6/2023, giá phân ure xuất khẩu hiện nay tại Ai Cập và Trung Đông đã tăng 46%; trong khi đó, giá phân ure tại khu vực Biển Đen đã tăng 31%. Giá phân ure tại Trung Quốc và Indonesia tăng với tốc độ chậm hơn, lần lượt tăng 27% và 18%.

Với việc giá phân bón trong nước và xuất khẩu đều tăng lên đáng kể và sản lượng tiêu thụ kỳ vọng sẽ tăng trở lại, nhiều tổ chức tài chính dự báo kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau trong nửa cuối năm nay sẽ được cải thiện rõ rệt so với giai đoạn nửa đầu năm vừa qua.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 10/10, thị giá cổ phiếu DCM đạt 36.400 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 49% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang