Dấu chân người lính truyền tải điện

Đa số anh em công nhân đều làm việc xa nhà… Những ngày lễ tết, khi mọi người sum vầy bên gia đình, thì những người thợ vẫn lặng lẽ bám tuyến. Vất vả là thế, nhưng bù lại, những người thợ đường dây tru
Theo chân những người “lính truyền tải”
Để dòng điện luôn sáng, những người lính truyền tải điện đang từng ngày bám sát đường dây trên khắp các vùng miền đất nước. Bất kể đêm mưa rét hay ngày hè nóng nực, họ đều cẩn thận kiểm tra kỹ lưỡng từng vị trí cột, từng đoạn dây dẫn, từng con bu lông… để nhanh chóng phát hiện, sửa chữa hư hỏng trên hệ thống đường dây.
Do đặc thù nghề nghiệp vất vả, người thợ đường dây truyền tải điện chỉ có nam giới có sức khỏe tốt mới theo được nghề. Chỉ nhìn qua quy trình trúng tuyển cũng đủ biết đặc thù nghề thợ đường dây vất vả, nặng nhọc đến thế nào. Mỗi công nhân đường dây, sau khi trúng tuyển vào ngành phải được đào tạo thêm một khóa ngắn hạn chuyên ngành truyền tải điện. Đồng thời họ cũng phải biết bơi lội, phải trải qua kỳ thi để được cấp chứng chỉ. Một năm 2 lần, công nhân đường dây được khám sức khỏe định kỳ. Những khi làm việc ở những cột điện có độ cao trên 50m, họ đều phải kiểm tra sức khỏe ngay tại chân cột.
Công việc trong mỗi lần đi kiểm tra đường dây truyền tải của người công nhân cũng rất phức tạp, đòi hỏi phải cẩn thận, kỹ lưỡng thì mới có thể phát hiện kịp thời các sự cố.
Theo chân những người “lính truyền tải” mới thấy được, nếu không yêu nghề, ít người có thể vượt qua được khó khăn, nguy hiểm mà họ phải thường xuyên đối mặt trong công việc hàng ngày. Vào nghề đã hơn 10 năm, thường xuyên phải trèo đèo, lội suối, đi bộ hàng giờ đồng hồ, mới đến được vị trí cột cần thao tác, anh Trần Hữu Hoạch - Đội trưởng Đội Truyền tải điện Krông Nô - Truyền tải điện Đắk Nông tâm sự, quản lý địa hình Đắk Nông rất phức tạp, đồi núi chằng chịt, đi lại khó khăn. Trời nắng ráo thì thuận, còn những hôm trời mưa thì vất vả khôn cùng, vừa trơn trượt, vừa đối mặt với nước lũ. Trận lũ kinh hoàng xảy ra vào tháng 10/2000 tại huyện Krông Nô là dấu ấn không phai. Trận lũ đã nhấn chìm các xã Đắk Nang, Đức Xuyên, Quảng Phú trong một thời gian dài, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Trong trận lũ này, vị trí 2831 đường dây 500 kV Bắc Nam (mạch 1) cung đoạn Pleiku - Phú Lâm thuộc địa phận Đắk Nang đã bị lũ làm sạt lở chân móng. “Để xử lý sạt lở, Đội Truyền tải điện Krông Nô cùng các đơn vị được huy động. Anh em phải dựng lán trại ở trên rừng, đi lại hoàn toàn bằng xuồng, thuyền của dân. Để phục vụ hậu cần cho công nhân xử lý sự cố, đơn vị phải mang dụng cụ xoong nồi, gạo, muối… đến hiện trường, còn thức ăn mặn thì chỉ có cá suối do dân đánh bắt… Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Truyền tải điện 3 khi đến kiểm tra chỉ đạo xử lý sự cố phải đi bằng trực thăng. Rất may sự cố đã từng bước được khắc phục.
Vui buồn cùng người dân
Đa số anh em công nhân đều làm việc xa nhà… Những ngày lễ tết, khi mọi người sum vầy bên gia đình, thì những người thợ vẫn lặng lẽ bám tuyến. Vất vả là thế, nhưng bù lại, những người thợ đường dây truyền tải điện được nhân dân rất yêu mến và gọi là “lính truyền tải điện”. Để hoàn thành công việc, một yếu tố quan trọng đối với thợ truyền tải điện là phải gần gũi và dựa vào nhân dân. Muốn việc tuyên truyền cho bà con những quy định bảo vệ an toàn hành lang lưới điện đạt hiệu quả thì người thợ truyền tải phải gần dân và gắn bó với dân. Đó cũng là lý do mọi người coi thợ đường dây truyền tải như là một cán bộ dân vận thực thụ.
Ông Lê Văn Mười có thâm niên gần 30 năm làm công nhân Đội Truyền tải điện Ninh Kiều (Truyền tải điện miền Tây 1) tâm sự: Có lần ông đi kiểm tra đường dây đã bị người dân giữ lại vì tưởng ăn trộm. Giải thích đủ điều người dân vẫn không tin mà còn gọi công an đến đưa về phường. Đến khi cơ quan đến bảo lãnh mới được về. Nhưng cũng nhờ đi kiểm tra lưới điện mà một đồng nghiệp của ông cưới được vợ. "Lần đó đồng nghiệp trẻ tên Dũng bị rách quần nên ghé vào nhà dân mượn đồ vá. Loay hoay mãi không vá được, chủ nhà kêu con gái vá giùm. Rồi hai người để ý nhau. Tình qua, ý lại được một thời gian thì hai người tổ chức lễ thành hôn".
Sự gian nan, vất vả của những người lính truyền tải luôn được Ban lãnh đạo Tổng công ty quan tâm, chăm lo cả đời sống tinh thần lẫn tinh thần. Những phong trào thể dục thể thao, nâng cao sức khoẻ cho CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn đã tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Đồng thời đó cũng là sự thể hiện niềm tự hào, lòng yêu ngành, yêu nghề của những người lính truyền tải điện
Có thể nói được trưởng thành từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 10 năm qua CBCNV của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang nỗ lực vượt khó, tạo nên những giá trị văn hóa, xứng danh người công nhân của Truyền tải điện.
Thùy Trang