Từ tiết kiệm thời gian, giảm thiểu TTHC…
Năm 2020, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã giao danh mục đầu tư cho Công ty Điện lực Lào Cai thực hiện 27 dự án, với Tổng mức đầu tư 258 tỷ đồng.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, bằng những nỗ lực quyết tâm mạnh mẽ của Công ty Điện lực Lào Cai với hàng loạt các giải pháp hợp lý, năng động và hiệu quả; qua đó 100% các dự án chống quá tải năm 2020 đã được đóng điện, đưa vào vận hành xong trước ngày 30/4/2020, đã kịp thời cung cấp điện ổn định, an toàn trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đặc biệt trong đợt nắng nóng gay gắt vừa qua.
Đây là kết quả của công tác lựa chọn nhà thầu được Công ty Điện lực Lào Cai thực hiện tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định, Thông tư hướng dẫn, Quy chế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc.
Trong những năm qua và đặc biệt trong năm 2020, việc ứng dụng công nghệ thông tin được Công ty Điện lực Lào Cai đặc biệt chú trọng, tỷ lệ các gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu rộng rãi, qua mạng (đấu thầu điện tử) trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia http://muasamcong.mpi.gov.vn rất cao.
Theo đó, các thông tin từ Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu, thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu (E-HSMT), đánh giá hồ sơ dự thầu (E-HSDT), đến Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đều được đăng tải công khai, minh bạch trên hệ thống. Tất cả các nhà thầu trong cả nước, có thể truy cập vào Hệ thống để tìm hiểu thông tin về gói thầu và tham dự đấu thầu.
Đấu thầu qua mạng là xu thế tất yếu của thế giới, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, giảm thiểu thủ tục hành chính.
… đến tăng cường tính minh bạch
Tại nước ta, đấu thầu qua mạng (ĐTQM) chính thức được triển khai trên phạm vi cả nước từ ngày từ năm 2016 theo lộ trình quy định tại Quyết định số 1402 ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025.
Dù mới triển khai thời gian ngắn với nhiều thách thức, khó khăn, song đấu thầu qua mạng đã cho thấy nhiều ưu điểm so với hình thức đấu thầu truyền thống. Đơn cử tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chỉ riêng năm 2019, EVN tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng thành công 10.698 gói thầu, với tổng giá trúng thầu khoảng 25.520 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 10,3%.
Số liệu thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng cho thấy, tính đến hết ngày 31/3/2020, có gần 14.900 gói thầu ĐTQM (chiếm tỷ lệ 69% tổng số gói thầu chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi) với tổng giá trị gói thầu hơn 44.000 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 42.8 % tổng giá trị gói thầu chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi).
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới đã khẳng định: Việc ứng dụng CNTT trong đấu thầu qua mạng có thể xem là bước tiến lớn trong việc giúp cho các Bên mời thầu, Nhà thầu tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn, giảm thiểu thời gian và các chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục trong đấu thầu.
Cũng theo ông Tuấn, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống) hoạt động tương tự như một sàn thương mại điện tử, giúp kết nối doanh nghiệp với chủ đầu tư của các dự án mua sắm công. Các dự án này sẽ mời thầu cạnh tranh công khai trên trang web http://muasamcong.mpi.gov.vn.
Nhà thầu chỉ cần đăng ký có mạng Internet là có thể tiếp cận thông tin dự án, gói thầu mọi nơi mọi lúc, xóa bỏ hoàn toàn các cản trở về không gian và thời gian. Quá trình giao dịch, trao đổi thông tin giữa nhà thầu và bên mời thầu được thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên hệ thống.
Bên cạnh đó, toàn bộ thông tin đấu thầu như kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo sơ tuyển, thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu, biên bản mở thầu, báo cáo đánh giá tổng hợp, kết quả lựa chọn nhà thầu... đều được công khai trên hệ thống. Từ đó tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả nhà thầu khi tham gia đấu thầu qua mạng.
Đặc biệt, từ ngày 01/02/2020, Thông tư 11/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về đấu thầu qua mạng chính thức có hiệu lực giúp nhà thầu dễ dàng hơn trong việc tiếp cận hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu.
Trong đó, với quy định mới tại Thông tư này, việc bắt buộc bên mời thầu công khai HSMT/HSYC của tất cả các gói thầu lên Hệ thống được các nhà thầu đánh giá là bước tiến vượt bậc trong công khai thông tin về đấu thầu, giúp tăng cường cạnh tranh, minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu.
Và tiết kiệm chi phí
Thực tiễn đấu thầu qua mạng của PC Lào Cai trong những tháng đầu năm cho thấy, lợi ích của đấu thầu qua mạng không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu thủ tục hành chính, mà còn tiết kiệm chi phí.
Tính đến hết tháng 6 năm 2020, Công ty Điện lực Lào Cai đã thực hiện lựa chọn nhà thầu 55 gói thầu (tổng giá trị 115 tỷ đồng), với tỷ lệ tiết kiệm đạt 6,23% (tương ứng với 7,2 tỷ đồng); các chỉ tiêu về đấu thầu qua mạng đều đạt và vượt so với yêu cầu của Tổng công ty Điện lực miền Bắc và quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019, cụ thể như sau:
- Tổng số gói thầu chào hàng cạnh tranh qua mạng và đấu thầu rộng rãi qua mạng: đạt 88.9 % (quy định ≥ 70%);
- Tổng giá trị gói thầu chào hàng cạnh tranh qua mạng và gói thầu đấu thầu rộng rãi qua mạng: đạt 52% (quy định ≥ 35%).
Việc đấu thầu qua mạng của PC Lào Cai, bên cạnh việc phát huy hiệu quả mà dự án đem lại như đảm bảo việc chống quá tải, giảm tổn thất, nâng cao chất lượng điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, hiện đại hóa lưới điện; còn từng bước mở rộng diện cấp điện và đưa điện về các thôn bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đáp ứng tiêu chí số 4 trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Lào Cai, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội; từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân; đảm bảo ổn định về quốc phòng - an ninh – chính trị trên địa bàn tỉnh Lào Cai.