Dầu thô tiến tới tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp, nhu cầu sử dụng xăng dầu dần tăng trở lại

Giá dầu thô tiếp tục bật tăng mạnh trong tuần này, hướng đến tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp khi ngày càng nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp phong toả, tái khởi động các hoạt động kinh tế, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng dầu thô tăng lên.
Tắc đường
 Các dữ liệu cho thấy mật độ giao thông tại nhiều đô thị lớn trên thế giới như Berlin và Tokyo đang gia tăng mạnh sau khi các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 được nới lỏng, kéo theo đó là triển vọng gia tăng nhu cầu sử dụng xăng và dầu thô (Ảnh: Getty Images)

Vào lúc 7h40 sáng nay (ngày 22/5, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 14 cents tương ứng 0,4% lên 36,20 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 5 cents tương ứng 0,2% lên 33,97 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent đã tăng gần 1% và giá dầu thô WTI đã tăng hơn 1%.

Giá dầu thô đang hướng đến tuần tăng thứ 4 liên tiếp; tính chung từ đầu tuần đến nay, giá dầu thô Brent đã bật tăng hơn 10% và giá dầu thô WTI tăng khoảng 15%. Đà tăng của giá dầu thô chủ yếu do ngày càng nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19, tái khởi động lại các hoạt động kinh tế, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng dầu thô tăng lên.

Dữ liệu của hãng tin Reuters cho thấy nhu cầu sử dụng xăng tại một số quốc gia đang tăng trở lại ngang bằng mức đầu năm 2020 khi mật độ giao thông tại một số thành phố lớn như Berlin và Tokyo đã gia tăng mạnh trở lại. Bên cạnh đó, nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả, giúp nâng cao triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô.

Giá dầu thô cũng được hỗ trợ khi dữ liệu mới nhất cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần này cũng tiếp tục giảm xuống, ngược lại so với dự báo tăng của giới phân tích; điều này có thể cho thấy thị trường dầu mỏ Hoa Kỳ đã vượt qua điểm tồi tệ nhất.

Trong khi đó, lượng dầu thô cung ứng ra thị trường đang giảm xuống khi các dữ liệu cho thấy lượng dầu thô xuất khẩu của liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh bao gồm Nga đã giảm khoảng 6 triệu thùng/ngày.

Kể từ ngày 1/5, liên minh OPEC+ đã chính thức bắt đầu thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác khổng lồ lên tới 9,7 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trong tháng 5 và tháng 6/2020.

Quang Đặng (Theo Reuters)