Đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2023 sát cấu trúc và vừa sức

Tác phẩm “Vợ Nhặt " vào đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2023. Phần nghị luận xã hội về “cân bằng cảm xúc trong cuộc sống” thiết thực với thí sinh.

Sáng nay (28/6), hơn 1 triệu thí sinh cả nước đã hoàn thành môn Ngữ văn - môn thi tự luận duy nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Phần lớn thí sinh đều nhận xét đề thi Văn THPT quốc gia 2023 bám sát nội dung kiến thức chương trình đã học, bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 1/3/2023.

Cụ thể, vẫn trong thời lượng 120 phút, đề thi giữ nguyên hai phần là: Đọc hiểu (3,0 điểm), Làm văn (7 điểm) bao gồm hai câu: Nghị luận xã hội (2 điểm) và Nghị luận văn học (5 điểm). Trong đó, câu Nghị luận xã hội nói về sự cần thiết của việc cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Phần Nghị luận văn học về tác phẩmVợ Nhặtcủa nhà văn Kim Lân.

Theo các giáo viên, đề thi chính thức môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Đề ngữ văn tốt nghiệp THPT 2023

TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn của Hệ thống giáo dục Học mãi nhận xét, ở Phần I- Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo ba mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết: câu 1 yêu cầu xác định thể thơ; câu 2 yêu cầu chỉ ra từ ngữ miêu tả cơn giông mùa hè trong 4 dòng thơ của khổ đầu – đó là những yêu cầu dừng lại ở mức độ thuần túy nhận biết và không hề làm khó cho thí sinh.

Câu 3 là câu hỏi ở mức độ vận dụng, yêu cầu thí sinh vận dụng những kiến thức Tiếng Việt. Câu 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ những suy ngẫm của tác giả Anh Ngọc trong dòng thơ “Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình”. Đây là câu hỏi đáp ứng tốt yêu cầu ở mức độ vận dụng cao, giúp thí sinh thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình về cách nghĩ, cách sống giữa một cuộc sống đầy biến động.

Theo TS Trịnh Thu Tuyết, câu 1 của Phần II đưa ra một vấn đề rất thiết thực với bất kỳ lứa tuổi nào trong cuộc sống, nhưng đặc biệt là tuổi trẻ, khi các em có nhiều nhiệt tình, khát vọng…nhưng có thể còn mỏng về kinh nghiệm, về kỹ năng sống và vì thế dễ bị những cảm xúc tiêu cực chi phối. Tính thiết thực của vấn đề nghị luận có thể giúp tìm ra những điểm sáng trong bài làm của thí sinh. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khá trừu tượng và tính thiết thực của việc cân bằng cảm xúc trong thực tế cuộc sống luôn là không dễ dàng với bất kỳ ai; do đó với một bộ phận không nhỏ các thí sinh, câu hỏi này rất khó để các em đạt được điểm tối đa. “Nhưng nhìn ở một góc độ khác, thì câu hỏi này đã góp phần tạo ra tính phân loại tương đối rõ rệt cho bài làm của thí sinh” – TS Trịnh Thu Tuyết đánh giá.

Ở câu nhiều điểm nhất của đề về tác phẩm Vợ Nhặt của nhà văn Kim Lân, câu 2 (5,0 điểm), với ngữ liệu nghị luận là đoạn kết mang âm hưởng tươi sáng của sự đổi đời, của cuộc sống ấm no - sự tươi sáng dù mới chỉ thấp thoáng hiện ra qua câu chuyện của 3 mẹ con Tràng, qua cảm giác “tiếc rẻ vẩn vơ” của Tràng và đặc biệt qua hình ảnh “lá cờ đỏ bay phấp phới” ở cuối truyện, thí sinh hoàn toàn có thể tích hợp yêu cầu của hai câu lệnh bởi khi các em phân tích đoạn trích với những chi tiết miêu tả lời nói, thái độ, tâm trạng…của các nhân vật thì cũng đồng thời phải đề cập đến cách nhìn tích cực của nhà văn Kim Lân với cuộc sống và số phận con người trong nạn đói khủng khiếp 1945. Điều này sẽ giúp cho những thí sinh có năng lực tư duy tốt có thể thực hiện tích hợp hai yêu cầu của đề, tránh được sự trùng lặp những nội dung đã phân tích.

Nhìn chung, đề thi Ngữ văn bảo đảm các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra từ ngày 27-30/6. Chiều nay (28/6) các thí sinh tiếp tục với bài thi môn Toán. Ngày 29/6, thí sinh thi Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý với giáo dục thường xuyên).

Việc tổ chức chấm thi, gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD-ĐT và đối sánh kết quả thi hoàn thành chậm nhất vào 17h ngày 15/7.

Để kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra an toàn, nghiêm túc, quy chế thi mới quy định rõ từng tình huống có thể xảy ra, trong đó có nội dung liên quan đến trách nhiệm của thí sinh.

Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn Địa lý (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

So với năm ngoái, quy định này có hai điểm mới. Một là thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể xem hay truyền tín hiệu.

Hai là, Bộ GD&ĐT không quy định danh mục máy tính bỏ túi như những năm trước mà chỉ yêu cầu máy tính "không có chức năng soạn thảo văn bản".

Nguyên Hà (tổng hợp)