Đề xuất đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng không phụ thuộc địa giới hành chính

Văn phòng Chính phủ đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (Đề án).

Mục tiêu của Đề án nhằm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Theo dự thảo, năm 2021, sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành. Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp.

Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 50%, 50%, 30%, 20% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại 100% Trung tâm phục vụ hành chính công. Triển khai thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một số công đoạn trong quá trình tiếp nhận, giải quyết, số hóa hồ sơ thủ tục hành chính tại một số tỉnh có đủ điều kiện.

Thời gian chờ đợi tối đa 30 phút/1 lần đến giao dịch

Năm 2022, sẽ mở rộng việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với các thủ tục hành chính về hộ tịch, cư trú, quản lý xuất nhập cảnh, bảo hiểm xã hội, thuế, làm cơ sở đánh giá và nhân rộng đối với các ngành, nghề, lĩnh vực khác vào năm tiếp theo.

Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, tăng tối thiểu 20% đối với kết quả thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội và đất đai với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp. Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại 50% bộ phận một cửa cấp huyện và 30% bộ phận một cửa cấp xã.

Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa xuống còn tối đa 30 phút/1 lần đến giao dịch.

Mức độ hài lòng đạt tối thiểu 95% vào năm 2025

Năm 2023 – 2025, sẽ hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các Cơ sở dữ liệu quốc gia còn lại, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ cho việc cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp.

Hợp nhất Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Tăng tỉ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết tối thiểu mỗi năm thêm 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Mở rộng triển khai tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với các thủ tục hành chính có đủ điều kiện.

Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã theo tỷ lệ tăng mỗi năm tối thiểu 30% cho đến khi đạt 100%, trừ các xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn.

Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025...

Theo Văn phòng Chính phủ, đến nay, có 59 địa phương tổ chức Trung tâm hành chính công; 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, hầu hết các địa phương tỷ lệ giải quyết đúng hạn từ 90% trở lên.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, nhất là tại các địa phương tỷ lệ hồ sơ giấy chiếm 93,7%; hồ sơ điện tử 6,3%. Việc tiếp nhận, giải quyết vẫn trên cơ sở hồ sơ giấy dẫn đến khó kiểm soát, đánh giá, dễ phát sinh tiêu cực; đồng thời, khó tạo dựng, duy trì, phát triển được các cơ sở dữ liệu do thông tin, kết quả thực hiện thủ tục hành chính vừa là đầu vào, đầu ra, vừa giúp chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu trên các cơ sở dữ liệu…

 

Theo Chinhphu.vn